Những năm qua, trong điều kiện thị trường vốn chưa thực sự phát triển ở Việt Nam, hệ thống ngân hàng đã phát triển rất nhanh cả về quy mô và mức độ đa dạng sản phẩm, dịch vụ; đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng vốn cho nền kinh tế. Chính sự bùng nổ hoạt động, nhất là tăng trưởng mạnh về tín dụng sau một thời gian dài trong bối cảnh khu vực doanh nghiệp, thị trường bất động sản yếu kém đã khiến cho hệ thống ngân hàng bộc lộ những nguy cơ rủi ro.
Trước yêu cầu cấp thiết đảm bảo an toàn và lành mạnh hệ thống ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và hệ thống ngân hàng đã tiến hành công cuộc tái cơ cấu, trong đó việc nâng cao vai trò thanh tra, giám sát và tăng cường quản lý rủi ro trong hệ thống ngân hàng được coi là một trong các trọng tâm hàng đầu. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực, việc tăng cường quản lý rủi ro và áp dụng các chuẩn mực, thông lệ quốc tế trong hoạt động ngân hàng có ý nghĩa quan trọng nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh, thu hút đầu tư nước ngoài và đảm bảo an toàn, ổn định trong hoạt động ngân hàng.
Ông Dominic Mellor, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)
Là một trong những đối tác phát triển đã đồng hành cùng với Chính phủ Việt Nam trong phát triển khu vực tài chính ngân hàng trong nhiều năm qua, ADB rất hoan nghênh những nỗ lực và quyết tâm của NHNN trong việc chuyển từ thanh tra tập trung vào đánh giá tính tuân thủ pháp luật trước đây sang thanh tra trên cơ sở rủi ro theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế về thanh tra, giám sát ngân hàng.
Những kết quả bước đầu đã cho thấy nỗ lực của NHNN và hệ thống ngân hàng trong việc từng bước thực hiện thanh tra trên cơ sở rủi ro, đồng thời áp dụng các chuẩn mực Basel II nói chung và việc thực hiện trụ cột 2 về thanh tra giám sát theo Basel II nói riêng.
Thực hiện Basel II và thanh tra trên cơ sở rủi ro đòi hỏi có khuôn khổ pháp lý, cơ chế và quy trình, hệ thống quản lý rủi ro thiết lập tại các ngân hàng phù hợp; cùng với các nguồn lực tài chính, cơ sở hạ tầng thiết yếu, đặc biệt là nguồn nhân lực có trình độ, khả năng. Trước hết, về cơ sở pháp lý, có thể thấy Luật Ngân hàng Nhà nước (2010) lần đầu tiên đã quy định một trong các nguyên tắc thanh tra là “kết hợp giữa thanh tra, giám sát việc chấp hành chính sách, pháp luật về tiền tệ, ngân hàng với thanh tra, giám sát rủi ro”.
Đây chính là cơ sở pháp lý cho việc triển khai thanh tra trên cơ sở rủi ro của NHNN. Nghị định và các văn bản dưới luật đã tiếp tục cụ thể hóa quy định về hoạt động và tổ chức bộ máy thanh tra ngân hàng, bao gồm cả những thay đổi về cơ cấu tổ chức Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (BSA), ngày càng phù hợp hơn để thực hiện thanh tra, giám sát trên cơ sở rủi ro trong toàn hệ thống.
Từ năm 2014, với sự hỗ trợ của Dự án BRASS do Chính phủ Canada tài trợ, NHNN và hệ thống ngân hàng đã bước đầu triển khai dự án về Basel II và thanh tra trên cơ sở rủi ro. BSA đã thiết lập Tổ công tác tiến hành nghiên cứu, xây dựng khuôn khổ thanh tra, giám sát trên cơ sở rủi ro (gồm các quy định hướng dẫn, quy trình, sổ tay…). Đồng thời, NHNN đã xây dựng lộ trình từng bước thực hiện các chuẩn mực ngân hàng Basel II, lựa chọn 10 ngân hàng tiên phong thực hiện phương pháp tiêu chuẩn đến cuối năm 2015, sau đó chuyển sang thực hiện phương pháp nâng cao vào năm 2018. NHNN cũng thành lập Ban điều hành dự án thực hiện Basel II do Phó thống đốc làm trưởng ban và 10 nhóm công tác với sự tham gia của các ngân hàng được lựa chọn.
Thời gian qua, NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng được lựa chọn tiến hành đánh giá khoảng cách (về cơ sở dữ liệu và hệ thống công nghệ thông tin, nguồn lực…), xây dựng kế hoạch và giải pháp thực hiện Basel II. Một loạt khóa đào tạo, nâng cao năng lực hiểu biết về Basel II và thanh tra trên cơ sở rủi ro đã được triển khai. NHNN cũng từng bước xây dựng các dự thảo văn bản hướng dẫn việc thực hiện Basel II.
NHNN cho biết, theo kết quả đánh giá tác động (QIS) lần thứ 2, hầu hết các ngân hàng được lựa chọn đã sẵn sàng cho việc thực hiện Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện đến nay chậm hơn so với lộ trình đã được thông qua năm 2014. Chỉ một số ngân hàng, nhất là những ngân hàng có sự tham gia hợp tác chiến lược với ngân hàng nước ngoài, cơ bản đã sẵn sàng về quy trình, cơ chế quản lý rủi ro, các điều kiện về công nghệ thông tin, cơ sở hạ tầng, cán bộ để thực hiện Basel II. Một số ngân hàng khác vẫn đang trong quá trình chuẩn bị và còn có những khó khăn.
Cụ thể, đến nay, một số ngân hàng vẫn chưa có hướng dẫn quản lý rủi ro thị trường và nhất là rủi ro hoạt động; các nhà băng chủ yếu quan tâm đến rủi ro tín dụng và sử dụng những công cụ truyền thống để nhận diện, giảm thiểu rủi ro tín dụng. Rất ít ngân hàng thực sự đã xây dựng được quy trình và cơ chế quản lý rủi ro đối với các loại rủi ro theo hướng dẫn của Basel II. Các ngân hàng cũng gặp khó khăn trong việc xác định được mức đủ vốn để có thể đương đầu với các loại rủi ro nêu trên. Trong bối cảnh nợ xấu vẫn chưa được xử lý dứt điểm, còn có nguy cơ nợ xấu mới phát sinh, việc đảm bảo tăng đủ vốn theo yêu cầu của Basel II thực sự là bài toán khó cho không ít ngân hàng.
Trong khi đó, các văn bản khung hướng dẫn về Basel II (như văn bản hướng dẫn chung về quản lý rủi ro theo Basel II cùng với các yêu cầu về quy trình, bộ máy thực hiện quản lý rủi ro, kiểm toán, kiểm soát nội bộ…; hay văn bản hướng dẫn về tính đủ vốn theo Basel II) vẫn chưa được ban hành. Chính vì vậy, một trong những khó khăn đối với các ngân hàng là làm thế nào nhận diện và đo lường đầy đủ các loại rủi ro, xác định mức độ đủ vốn theo Basel II để đương đầu với những rủi ro và tổn thất có thể phát sinh, giám sát và thực hiện kịp thời các biện pháp giảm thiểu rủi ro.
Triển khai thanh tra trên cơ sở rủi ro đòi hỏi thanh tra viên cần có kiến thức về các loại rủi ro ngân hàng, nguyên tắc quản lý rủi ro theo thông lệ quốc tế, yêu cầu và quy trình thanh tra trên cơ sở rủi ro. Trên thực tế, các ngân hàng nước ngoài có thể triển khai một số sản phẩm dịch vụ ngân hàng quen thuộc ở các thị trường phát triển, nhưng lại khá mới mẻ đối với thị trường Việt Nam và NHNN chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện.
Theo đó, việc nhận biết và đo lường, giám sát rủi ro liên quan cũng không hoàn toàn đơn giản đối với các cán bộ thanh tra. Thậm chí một số cán bộ thanh tra có thể gặp khó khăn trong việc thay đổi nhận thức, tiếp thu các yêu cầu mới về thanh tra trên cơ sở rủi ro.
Hiện nay, có lẽ, NHNN, cũng như một số ngân hàng, còn thiếu lực lượng cán bộ đủ trình độ và năng lực. Vì vậy, việc tiếp tục nâng cao năng lực cho cán bộ ngân hàng cần được quan tâm hơn nữa để đảm bảo thực hiện thành công và hiệu quả công tác thanh tra, giám sát và quản lý rủi ro của hệ thống ngân hàng.
Một khó khăn nữa đó là thực hiện thanh tra trên cơ sở rủi ro và Basel II đòi hỏi có sự đầu tư lớn vào hệ thống thông tin MIS, hệ thống công nghệ thông tin đảm bảo yêu cầu thu thập, lưu trữ, chiết xuất thông tin kịp thời, có chất lượng, phục vụ cho việc phân tích, đánh giá, dự báo, quản lý rủi ro. Hệ thống MIS cũng cần phải dễ sử dụng và dễ nâng cấp để đáp ứng yêu cầu quản lý và thanh tra, giám sát rủi ro.
Hệ thống cơ sở dữ liệu tại BSA và các ngân hàng cần phải đáp ứng một khối lượng cần thiết, với chuỗi số liệu ít nhất 5 năm để có thể xây dựng các hồ sơ rủi ro, cũng như các mô hình cảnh báo sớm, kiểm định sức chịu đựng… BSA cũng cần có hệ thống IT tích hợp với Trung tâm Thông tin tín dụng (NHNN) và các hệ thống thông tin báo cáo hoạt động ngân hàng. Hay hệ thống thông tin quản lý rủi ro của từng ngân hàng cần được tích hợp từ các cấu phần riêng biệt và hệ thống core banking…
Chỉ điểm qua sơ bộ như vậy cũng có thể thấy, mỗi ngân hàng phải đầu tư không nhỏ cho công tác xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu, hệ thống IT để thực hiện Basel II.
Kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy, Basel II và thanh tra trên cơ sở rủi ro có thể coi là công cụ hữu hiệu để hạn chế rủi ro và tổn thất trong hoạt động ngân hàng. Rất nhiều nước châu Á như Singapore, Hàn quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia đã có những bước tiến đáng kể, nhất là Singapore.
Đây là quốc gia tiên phong trong áp dụng Basel II, thậm chí thực hiện một số yêu cầu theo Basel III. Tuy nhiên, hầu hết các nước này cũng phải thực hiện theo lộ trình thích hợp với điều kiện thị trường và năng lực của hệ thống ngân hàng. Chẳng hạn, Malaysia đã triển khai Basel II theo lộ trình trong những năm 2008 - 2010. Hay một số nước có thị trường phát triển như Mỹ cũng chỉ yêu cầu một số ít ngân hàng chủ chốt với quy mô lớn (tổng tài sản trên 250 triệu USD) thực hiện Basel II theo phương pháp nâng cao.
Với quy mô và trình độ phát triển hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay, việc thực hiện Basel II theo lộ trình là hoàn toàn phù hợp. Cùng với việc thực hiện Basel II theo lộ trình, thanh tra trên cơ sở rủi ro cũng có thể làm thí điểm đối với một số ngân hàng, làm cơ sở cho việc hoàn thiện các quy định, quy trình, sổ tay để tiến tới áp dụng chung cho toàn hệ thống.
Tóm lại, thực hiện Basel II và thanh tra trên cơ sở rủi ro đòi hỏi các ngân hàng có quyết tâm và sẵn sàng đầu tư dài hạn cho sự phát triển an toàn và lành mạnh của ngân hàng mình, cũng như toàn hệ thống, thay cho việc tập trung vào lợi nhuận kinh doanh trước mắt.