Không thể nói mật độ đô thị của Hà Nội dày hơn Hongkong, nhưng công tác tổ chức giao thông và sinh hoạt thì ở một trình độ thấp hơn

Không thể nói mật độ đô thị của Hà Nội dày hơn Hongkong, nhưng công tác tổ chức giao thông và sinh hoạt thì ở một trình độ thấp hơn

So sánh là khập khiễng

(ĐTCK) Trong dự báo về xu hướng truyền thông - marketing năm 2016, ông Nguyễn Bá Ngọc, một chuyên gia trong lĩnh vực này đã đưa nhận xét rằng, sms marketing (mà thực chất chỉ là spam) đang mang lại 1 - 2% khách hàng cho các công ty bất động sản.

1. Có lẽ bởi khuôn khổ bài viết ngắn, ông Ngọc không đưa bằng chứng cho nhận định của mình, nhưng đây là dữ liệu “đáng để tham khảo” và là lời lý giải thuyết phục nhất cho sự bực mình của bất kỳ ai sở hữu điện thoại di động với chủ đề “tin nhắn rác”. Mà ở Việt Nam, mấy ai không “lận lưng” từ 1 đến nhiều hơn những “cục gạch”.

Bất chấp sự khó chịu vì mỗi ngày nhận hàng chục các loại tin nhắn quảng cáo, các công ty bất động sản hay các nhà phân phối của họ vẫn liên tục “khủng bố” người dân bằng các loại tin mở bán mỗi ngày. Có nơi lịch sự chỉ nhắn tin vào giờ làm việc, có nơi bất kể giờ giấc từ “vươn thở” tới “tiếng thơ”.

Tất cả chỉ vì qua kênh này, vẫn có khách hàng tìm đến.

Bạn của người viết, người hiện đang được giao quản lý đường dây nóng của một tờ báo bất động sản lớn, kể rằng mỗi ngày anh nhận được 5 - 7 cú điện thoại của bạn đọc, nhưng không phải để phản ánh về những “tâm tư, bức xúc” mà là do… nhầm lẫn. Bạn đọc thấy tin trên báo về một dự án mà họ quan tâm, liền bốc điện thoại gọi thẳng vào đường dây nóng để hỏi thông tin về dự án, vì nhầm tưởng đó là số máy của chủ đầu tư.

So sánh là khập khiễng ảnh 1

Những số điện thoại bán nhà rất lớn được chủ đầu tư đưa lên sản phẩm của họ tại Quảng Châu (Trung Quốc) 

Ở một khía cạnh nào đó, đây là hệ quả của cả một sự mập mờ tại thị trường bất động sản Việt Nam kéo dài đã lâu. Khi đi qua nhiều dự án đang triển khai rầm rộ, người mua rất khó tìm thấy được số điện thoại của chủ đầu tư, mà hầu hết chỉ là nhà phân phối, thường được gọi là “môi giới”, vốn chưa tìm lại được đầy đủ niềm tin đã mất từ thời dân gian gọi là “cò đất”. Vẫn còn những quan niệm rằng, trung gian tức là cò với những khoản tiền chênh lệch, và những lời giới thiệu dự án mà tính trung thực chỉ có thể đo được bằng… niềm tin.

Trên thế giới, bán hàng bất động sản có nhiều cách tiếp thị, nhưng đa dạng và “dị nhất” có lẽ là Trung Quốc, khi chủ đầu tư nhiều dự án ở nước này thậm chí còn dùng cả người mẫu (bán khỏa thân) để rao bán hàng. Nhưng nếu nói về cách bán hàng nghiêm túc thì có một phương thức chưa thấy tại Việt Nam đó là “đính” số điện thoại bán hàng cao cả chục tầng nhà lên dự án đang xây, đảm bảo cách xa 5 km vẫn có thể đọc được.

Quay lại chuyện tin nhắc rác, theo một báo cáo của Bkav, trong 6 tháng đầu năm 2015, số tin nhắn rác đã lên tới 13,9 triệu tin mỗi ngày. Sau báo cáo đó, đến cuối năm 2015, một nhà mạng lớn “khoe” thành tích đã chặn được hơn 100 triệu tin nhắn rác trong vòng 5 tháng.

So sánh là khập khiễng ảnh 2

Một dự án ở trung tâm Hà Nội, xe trộn bê tông tràn cả ra lòng đường  

Dù các nhà mạng đều hô quyết tâm xử lý tin nhắn rác trước chủ trương của Bộ Thông tin và Truyền thông, nhưng kết quả thực tế là, hàng ngày chúng ta vẫn phải nhận tin nhắn spam quảng cáo đủ các thể loại. Một câu hỏi được đặt ra là ai đã đưa dữ liệu khách hàng ra ngoài, khi mà ngay một số mới vừa kích hoạt, chưa kịp gọi điện, nhắn tin hay vào mạng đã nhận được tin nhắn rác?

2. Nhìn gần rồi lại nhìn xa hơn, Hà Nội năm 2010, một anh bạn Sài Gòn lâu năm chưa đến thăm Thủ đô đã trầm trồ về cái sự “hiện đại, khang trang” của khu đô thị phía Tây với Trung tâm Hội nghị Quốc gia, sân vận động Mỹ Đình, với tòa nhà cao nhất nhì Việt Nam Keangnam 72 tầng…

5 năm sau, anh quay lại, và trong lúc kẹt xe cả giờ đồng hồ trên đường trên cao vành đai 3 đã than thở rằng “sao người ta có thể quy hoạch như vậy được nhỉ!”. Những con đường như Trần Duy Hưng, Phạm Hùng trước đây rộng rãi thênh thang, nay trở lên chật hẹp đến lạ giữa miên man cao ốc mọc lên, những khoảng không gian xanh chợt thành của hiếm.

May cho anh chưa xuống khu Linh Đàm để chiêm ngưỡng những dự án với san sát block nhà ken chặt cứng trong khu đô thị kiểu mẫu đầu tiên tại Hà Nội. Nơi mà theo lời kể của cư dân trên mạng xã hội, nếu bạn đã xuống được mặt đất mà nhớ ra rằng mình quên chìa khóa xe thì hãy bắt taxi hoặc xe ôm, bởi nếu quay về nhà lấy đồ có thể mất hàng tiếng đồng hồ chờ thang máy!

Nhìn sang các khu đô thị châu Á xung quanh, không ít nơi từ Hồng Kông tới Tokyo, cao ốc vẫn mọc lên san sát, cách nhau chỉ vài mét, mật độ còn dày hơn Hà Nội nhiều, nhưng cái cảm giác vẫn không thấy quá là ngột ngạt như ở ta. Xe có thể lưu thông với tốc độ 60 - 70km/h ngay tại Cửu Long (Hồng Kông), dày đặc nhà với những con phố chật hẹp, phân luồng nhiều tầng, nhiều hướng. 

Cái khác nhau có lẽ nằm ở trình độ tổ chức giao thông, tổ chức đô thị, và cả ý thức cư dân. Điểm này, những thành phố đang đô thị hóa như Việt Nam chưa thể so sánh với với những đô thị đã hiện đại hóa cả trăm năm.

3. Có một câu nói nhiều người thích, đại ý là: bụi từ đâu mà ra, và tiền đi đâu mà hết? Nếu dạo trên đường phố Bắc Kinh những ngày cuối năm 2015 vừa qua, bạn sẽ thấy không gian mờ mịt, báo động ô nhiễm khói bụi lên mức cao nhất, báo động đỏ. Ấy thế nhưng, nếu nhìn xuống chân của bạn, đường sá vẫn sạch sẽ, bụi từ trên trời mà xuống bởi khói ô tô, do nhà máy thải ra,…

Còn ở các 2 thành phố lớn nhất Việt Nam, bụi phần nhiều từ dưới đất mà ra. Mỗi tòa nhà được khởi công, đồng nghĩa với khu dân cư xung quanh sống trong bụi vài năm. Người đi đường “yên tâm” lo khẩu trang bịt mặt khi đi gần các công trình xây dựng và tốt nhất là tránh ra xa, bởi rất có thể cả dàn giáo xây dựng sẽ ụp xuống đầu bạn, như đã từng xảy ra tại dự án đường sắt trên cao ở Hà Nội, gây ra những cái chết thương tâm.

Lại nhìn ra xa, ở Seoul (Hàn Quốc), một chiếc xe ra khỏi công trường xây dựng gần như được “rửa ráy” sạch sẽ, những chiếc xe tải chở vật liệu xây dựng với thùng xe được bịt bạt kín bưng. Còn ở ta, đó là bức tranh tương phản.

Ở một vài dự án, chủ đầu tư có bố trí vòi nước rửa bánh cho những xe ra khỏi công trường, nhưng giải pháp vẫn là tránh xa đuôi xe vì rất có thể tai nạn xảy ra khi đất đá trên thùng xe bất ngờ rơi xuống.

Mọi sự so sánh đều là khập khiễng, nhưng nếu không so sánh thì khó có thể hiểu rõ mình. Ở Mỹ, một căn penhouse tại Miami (nhìn ra Biscayne Bay) có thể có giá tới 50 triệu USD, gấp vài chục lần một căn penhouse tại Việt Nam, nhưng người dân có thể vay ngân hàng trả góp 20 - 30 năm để sở hữu một căn nhà. Còn tại Việt Nam, để đi làm thường thường mà mua nổi “tổ ấm”, một cặp vợ chồng có thể phải tích lũy cả đời.

Ai tạo ra một cuộc sống đô thị với khói bụi, ô nhiễm, thiếu vệ sinh, ai làm cho một thị trường bất động sản còn quá nhiều điều “chán nản”… Nhiều người lắm, nếu nhìn gần lại, có thể có cả bạn, cả tôi.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan