Quốc hội có thể họp chuyên đề xem xét dự án một luật sửa nhiều luật

0:00 / 0:00
0:00
Dự án 1 luật sửa 10 luật nhằm tháo gỡ vướng mắc trong đầu tư, sản xuất, kinh doanh là một trong những vấn đề cấp bách có thể được Quốc hội xem xét trong kỳ họp chuyên đề.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, sau kỳ họp thứ hai, Quốc hội có thể họp chuyên đề xem xét các vấn đề cấp bách, trong đó có việc gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, sau kỳ họp thứ hai, Quốc hội có thể họp chuyên đề xem xét các vấn đề cấp bách, trong đó có việc gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Phát biểu khai mạc phiên họp thứ tư của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 11/10, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết sau kỳ họp thứ hai Quốc hội có thể họp chuyên đề xem xét các vấn đề cấp bách.

Về kỳ họp thứ hai của Quốc hội khoá XV sẽ khai mạc vào ngày 20/10 tới, Chủ tịch Quốc hội cho biết, ở phiên họp này Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến lần cuối cùng về nội dung, phương thức, thời gian theo tinh thần những nội dung gì thực sự cần thiết, cấp bách, đã được chuẩn bị kỹ lưỡng thì đưa vào chương trình.

Ông Huệ cho biết, trong các phiên họp trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét 3 phương thức họp trực tiếp cả kỳ, trực tuyến cả kỳ và trực tiếp kết hợp với trực tuyến và đã quyết định chọn phương án thứ ba. Giữa hai đợt họp trực tuyến và trực tiếp, Quốc hội nghỉ vài ngày để Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội hoàn tất các dự thảo nghị quyết trình Quốc hội thông qua.

Trong trường hợp có nội dung cấp bách mà chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng thì báo cáo Quốc hội xin phép cho kỳ họp chuyên đề ngắn theo hình thức trực tuyến vào cuối năm nay, ví dụ như xem xét một luật sửa đổi nhiều luật hoặc quyết định các công trình trọng điểm quốc gia, Chủ tịch Quốc hội nói.

Liên quan đến việc xem xét một luật sửa đổi nhiều luật, mới đây Chính phủ đã có tờ trình dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Hải quan, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.

Việc sửa đổi này nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư, quản trị doanh nghiệp, hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, khơi thông và phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế, xã hội trong bối cảnh phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Quốc hội họp một năm hai kỳ vào tháng 5-6 và tháng 10-11, vì vậy, nếu không thể trình Quốc hội vào kỳ họp thứ hai thì đến giữa năm sau dự án luật nói trên mới được xem xét.

Vì vậy, phương án có thêm một kỳ họp chuyên đề để Quốc hội xem xét, ban hành một luật sửa nhiều luật nói trên đã được Chủ tịch Quốc hội tính đến.

Cũng liên quan đến công tác xây dựng pháp luật, ông Vương Đình Huệ cho biết, sau khi tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, từ dự án chỉ sửa danh mục thống kê quốc gia, Chính phủ đã hoàn thiện theo hướng chuyển sang trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê.

Nhấn mạnh đây là việc làm rất cần thiết phục cho điều hành kinh tế, xã hội vĩ mô và cả điều hành ở địa phương, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, xem xét kỹ lưỡng xem dự án luật này có đủ điều kiện trình Quốc hội và thông qua theo quy trình một kỳ họp như Chính phủ đề xuất hay không.

Phiên họp thứ tư của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra từ ngày 11 đến 14/10. Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo: tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV; Kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV; Kết quả tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn thư của công dân và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2021.

Tin bài liên quan