Quản lý tài sản: Cầu cao, cung thiếu

Quản lý tài sản: Cầu cao, cung thiếu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhu cầu đầu tư, nhu cầu về các sản phẩm tài chính gia tăng mạnh mẽ tại Việt Nam, bất chấp nền kinh tế đang có nhiều khó khăn.

Báo cáo của Knight Frank ước tính, giai đoạn 2020 - 2025, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ gia tăng người siêu giàu thuộc nhóm nhanh nhất thế giới. Trong khi đó, tại báo cáo “Tương lai châu Á”, McKinsey ước tính có khoảng 37 triệu người tiêu dùng thuộc tầng lớp trung lưu vào năm 2030.

Dữ liệu từ các ngân hàng cũng cho thấy khách hàng ưu tiên đang ngày càng tăng. Đơn cử, tại VPBank, hiện có gần 10 triệu khách hàng, trong đó khách hàng hạng Diamond đạt gần 1 triệu. Vì thế, nhu cầu đầu tư, nhu cầu về các sản phẩm tài chính có xu hướng tăng là hiện hữu.

“Thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ không dừng ở con số 5 - 6 triệu nhà đầu tư. Thị trường sẽ tăng trưởng, chính xác như những gì chúng ta đã nhìn thấy tại các thị trường khu vực như Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia, Thái Lan... ”, ông Nguyễn Duy Linh, Tổng giám đốc VPBankS nhận định.

“Nếu 5 năm trước là thời cơ của lĩnh vực ngân hàng và tài chính tiêu dùng, 5 năm sau sẽ là cơ hội cho chứng khoán và ngân hàng đầu tư. VPBank sẽ không bỏ lỡ cơ hội thị trường này”, một lãnh đạo cấp cao của VPBank lý giải vì sao ngân hàng này mạnh tay tăng vốn tới hơn 15.000 tỷ đồng vào VPBankS.

Công ty chứng khoán cần tạo một nền tảng vững chắc về vốn để chuẩn bị đón đầu những cơ hội mới. Đây có lẽ là lý do giải thích cho việc vì sao trong vòng vài năm trở lại đây các công ty chứng khoán đua nhau tăng vốn.

Quản lý tài sản, cao hơn là quản lý gia sản hiện là khái niệm không quá mới mẻ tại Việt Nam, nhưng lại rất mới mẻ trong thực tế vận hành.

Ở các ngân hàng có dịch vụ khách hàng ưu tiên, trong đó khách hàng có chuyên viên chăm sóc riêng nhưng thiên về tư vấn gửi tiền tiết kiệm, với các thông tin đại loại như kỳ hạn nào có lãi suất cao, khách được cộng thêm lãi suất ưu đãi thế nào...

Tuy nhiên, nhu cầu của khách hàng có quy mô vốn chục tỷ đồng, vài chục tỷ đồng lớn hơn rất nhiều. Họ muốn linh hoạt và tối ưu hiệu quả đồng vốn, theo đó, cần tư vấn việc phân bổ tỷ lệ bao nhiêu vào kênh tiền gửi tiết kiệm, kỳ hạn bao lâu; tỷ lệ bao nhiêu dành để đầu tư cổ phiếu, mua mã nào, giữ trong thời gian bao lâu, giá mua, giá bán dự kiến; tỷ lệ bao nhiêu dành mua bất động sản, mua ở đâu, mua giá nào, khi nào mua, khi nào bán...

Hiện hầu như không có ngân hàng hay công ty chứng khoán, công ty tư vấn đầu tư nào đưa ra giải pháp quản lý tài sản toàn diện và có thời gian để khách hàng kiểm chứng các tư vấn là hiệu quả. Bên cạnh đó, do lợi ích trước mắt, nhiều chuyên viên chăm sóc thường hướng khách hàng vào những lĩnh vực mà họ được hưởng hoa hồng trên doanh số đem lại từ khách, chứ không thực sự xuất phát từ nhu cầu, lợi ích của khách hàng.

Bởi thế, rất nhiều người chịu tổn thất nặng nề trong cơn lốc khắc nghiệt của thị trường tài chính và bất động sản từ quý III/2022 đến nay. Một nhà đầu tư có quy mô tài sản ròng (NAV) 100 tỷ đồng cho biết, chị để toàn bộ tài sản vào trái phiếu với tổng cộng 5 mã tại các doanh nghiệp, kỳ hạn từ 6 -12 tháng.

Cứ đến hạn, công ty chứng khoán lại gọi điện báo và làm thủ tục đổi sang kỳ hạn mới cho chị, cá nhân chị không biết đến mã trái phiếu nào, doanh nghiệp hoạt động ra sao, tài sản bảo đảm như thế nào. “Tôi tin tưởng hoàn toàn vào công ty chứng khoán”, chị kể. Việc đầu tư này được thực hiện từ năm 2020 qua tư vấn của công ty chứng khoán, mọi việc xuôi chèo cho đến khi vụ án Vạn Thịnh Phát nổ ra.

Thị trường trái phiếu vỡ, các món trái phiếu của chị đến hạn không được thanh toán. Khi một vài món đầu tư bất động sản đến hạn thanh toán theo tiến độ, gia đình chị lâm vào cảnh bế tắc do không lấy được tiền từ trái phiếu sang nộp. “Một bài học quá lớn về quản lý tài sản”, chị chua chát.

Theo chuyên gia tài chính Đặng Trần Phục, đây là hạn chế của nhà đầu tư thiếu kiến thức tài chính nhưng cũng đặt ra vấn đề trách nhiệm của các bên có liên quan. Khi chuyên viên tư vấn tài chính có tâm, có tầm, có kiến thức, có lẽ không khó để lập được một danh mục đầu tư an toàn, hiệu quả, phòng xa được các tình huống bất ngờ của khách hàng và thị trường.

Diễn đàn cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam 2023 - Vietnam Wealth Advisor Summit (VWAS) là sự kiện về lĩnh vực quản lý tài sản lần đầu tiên do Báo Đầu tư và Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam (VWA) tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

- Thời gian: 13h00-18h00, ngày 8/8/2023.

- Địa điểm: Khách sạn Pullman, 40 Cát Linh, Đống Đa, Hà Nội.

Với chủ đề “Bơi trong dòng xoáy/Swimming in the vortex”, VWAS với sự tham gia của các diễn giả uy tín trong nước và quốc tế sẽ thảo luận chuyên sâu về kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng; về các cơ hội, chiến lược đầu tư hiệu quả trong môi trường biến động khó lường; về các sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ đầu tư được ưa thích trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, vàng, ngoại tệ, bất động sản…

Diễn đàn sẽ có các hoạt động chính sau:

- Hội thảo chính với các diễn giả hàng đầu Việt Nam và quốc tế, với hai phiên trình bày và thảo luận với chủ đề “Giải mã biến số” và “Truy tìm cơ hội”.

- Vinh danh sản phẩm/dịch vụ tài chính tiêu biểu năm 2023.

- Vinh danh các doanh nghiệp vì sự phát triển của dịch vụ tài chính.

Tin bài liên quan