Dù bản chất vẫn là phiên hồi phục có tính kỹ thuật trong cú trượt dài của thị trường từ đầu tháng 7 tới nay, nhưng diễn biến phiên giao dịch hôm qua, ngày 22/7 đã có những yếu tố tích cực khi chỉ số VN-Index đã vượt hẳn khỏi đường trung bình giá 5 ngày và kết phiên trên ngưỡng 1.290 điểm.
Tuy nhiên, điểm trừ của thị trường vẫn là thanh khoản khi dòng tiền chưa có dấu hiệu mạnh mẽ, thể hiện tâm lý thận trọng của giới đầu tư.
Theo dự báo của CSI, phiên giao dịch cuối tuần ngày 23/7, thị trường sẽ gặp cản trở khi lượng cung gia tăng từ cổ phiếu “bắt đáy” vào ngày thứ Ba (20/7) bắt đầu được giao dịch.
Không nằm ngoài nhận định trên, thị trường bước vào phiên giao dịch sáng cuối tuần ngày 23/7 không mấy tích cực khi áp lực bán xuất hiện ngay khi mở cửa khiến VN-Index nhanh chóng quay đầu giảm điểm.
Dường như trong bối cảnh thị trường khá khó khăn, nhà đầu tư ngắn hạn sẽ tranh thủ tận dụng những nhịp tăng điểm để bảo vệ thành quả dù chưa cao. Áp lực bán trên diện rộng khiến sắc đỏ có phần chiếm ưu thế trên bảng điện tử, nhóm cổ phiếu bluechip sau sóng tăng hôm qua cũng lần lượt quay đầu điều chỉnh bởi lực bán dâng cao, khiến chỉ số VN-Index nhanh chóng mất gần 10 điểm và lùi về dưới ngưỡng 1.285 điểm.
Điểm tích cực là lực cầu tham gia khá tốt giúp thị trường không giảm điểm quá sâu. Chỉ số VN-Index biến động giằng co nhẹ quanh vùng giá 1.290 điểm và có thời điểm hồi phục sắc xanh nhờ sự khởi sắc của một số bluechip.
Bên cạnh đó, có thể sự kỳ vọng vào con sóng bất động sản dâng cao trong quý cuối năm đã giúp các cổ phiếu này duy trì trạng thái giao dịch tích cực trong phiên sáng nay. Dù không giữ được sắc tím như phiên hôm qua, nhưng hầu hết các cổ phiếu như ASM, SCR, IJC, DIG, KDH, NLG… vẫn tăng khá tốt.
Tâm điểm phiên sáng nay là STB khi bất ngờ nhận được dòng tiền rất lớn, kéo thẳng lên mức giá trần 29.950 đồng. Tuy nhiên, lực cung vẫn khá mạnh, khiến sắc tím không duy trì được lâu, ngoại trừ thanh khoản tăng vọt và vượt trội so với phần còn lại của thị trường.
Áp lực bán khá lớn trên diện rộng là tác nhân khiến thị trường chào thua sau 2 lần nỗ lực kéo lên. Chỉ số VN-Index lùi về mốc 1.285 điểm với thanh khoản có cải thiện chút ít.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 102 mã tăng và 247 mã giảm, VN-Index giảm 8,35 điểm (-0,65%) xuống 1.285,32 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 334,74 triệu đơn vị, giá trị 10.853,51 tỷ đồng, tăng 13,58% về giá trị và tăng 15,4% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 11,74 triệu đơn vị, giá trị 343,93 tỷ đồng.
Nhóm VN30 chỉ có 6 mã giữ được sắc xanh, trong đó cổ phiếu STB vẫn là điểm sáng của nhóm này nói riêng và của thị trường nói chung. Dù không còn giữ được sắc tím bởi áp lực bán chốt lời ở vùng giá này khá cao nhưng chốt phiên, STB tăng 4,5%, tạm đứng tại mức giá 29.250 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh vượt trội, dẫn đầu thanh khoản trên sàn HOSE, đạt hơn 46 triệu đơn vị.
Ngoài STB, các mã bluechip khác như VIC, POW, HDB nhích nhẹ, FPT tăng 2,2% lên 91.400 đồng/CP, KDH tăng 1,3% lên 39.700 đồng/CP.
Còn lại các cổ phiếu khác trong nhóm này đều giao dịch trong sắc đỏ. Trong đó, ngoại trừ STB và một số mã khác ngoài nhóm VN30 như MSB, LPB, SSB đi ngược xu hướng chung, còn lại hầu hết các cổ phiếu ngân hàng đóng vai trò là lực hãm của thị trường với các mã VCB, TCB, CTG, VIB, VPB, ACB, TPB… đều giảm hơn 1%.
Các cổ phiếu lớn khác trong rổ này như HPG, GAS, PLX, MWG, VJC cũng có mức giảm hơn 1%, đáng kể VRE có mức giảm mạnh nhất là 3%, tạm chốt phiên sáng nay tại mức giá 27.350 đồng.
Ở nhóm cổ phiếu bất động sản, các mã SCR, IJC, DIG, ASM… dù vẫn giữ sắc xanh nhưng biên độ tăng tiếp tục thu hẹp.
Bên cạnh STB, thị trường còn xuất hiện những điểm sáng đơn lẻ. Điển hình như cổ phiếu VIX bất ngờ đảo chiều tăng mạnh, đi ngược xu hướng chung của dòng chứng khoán, sau thông tin triển khai phương án phát hành cổ phiếu trả cổ tức và chào bán cho cổ đông hiện hữu với tổng tỷ lệ 115%. Trong phiên sáng nay, VIX có thời điểm được kéo tăng trần và chốt phiên tăng 6,2% lên mức 21.600 đồng/CP với thanh khoản sôi động, đạt 4,36 triệu đơn vị.
Hay ở nhóm cổ phiếu phân bón, cổ phiếu DGC sau khi kéo trần thất bại ở phiên hôm qua khi ghi nhận mức tăng 5,4%, thì trong phiên sáng nay đã tăng 6,9% và chốt phiên tại mức giá trần 92.400 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh tăng vọt, cao hơn hẳn so với thanh khoản của những phiên trước đó, đạt gần 4,7 triệu đơn vị.
Ngoài DGC, các cổ phiếu khác trong nhóm này cũng giao dịch khởi sắc như VAF cũng khoe sắc tím khi tăng 6,4% lên mức giá trần 10.800 đồng/CP, BFC tăng 3,4% lên 27.500 đồng/CP, DPM nhích nhẹ…
Trên sàn HNX, thị trường cũng diễn biến rung lắc và trước áp lực bán gia tăng mạnh, thị trường đã quay đầu giảm điểm.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 58 mã tăng và 124 mã giảm, HNX-Index giảm 1,49 điểm (-0,49%) xuống 304,48 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 47 triệu đơn vị, giá trị 1.071,96 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm gần nửa triệu đơn vị, giá trị hơn 11 tỷ đồng.
Các nhóm cổ phiếu trụ cột như ngân hàng, chứng khoán, dầu khí nhanh chóng quay đầu sau nhịp hồi phục trong phiên hôm qua. Điển hình là BAB giảm 0,5% xuống 21.900 đồng/CP, SHB giảm 0,7% xuống 27.000 đồng/CP, NVB giảm 2,8% xuống 17.200 đồng/CP
Các mã chứng khoán như VND, SHS, MBS, BVS, TVB đều giảm hơn 1%... hay ở nhóm họ P, cổ phiếu PVS đảo chiều giảm 0,8% xuống 23.800 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh lớn nhất sàn HNX, đạt 5,6 triệu đơn vị.
Tuy nhiên, một số mã lớn đi ngược xu hướng, đóng vai trò là các má phanh giúp thị trường không giảm sâu như IDC tăng 2,4% lên 34.000 đồng/CP, PAN tăng 5,3% lên 26.000 đồng/CP, CEO tăng 1,2% lên 8.700 đồng/CP…
Về thanh khoản, ngoài PVS khớp hơn 5 triệu cổ phiếu, 2 mã lớn khác trong nhóm ngân hàng và chứng khoán là SHB và VND cũng có cùng khối lượng khớp lệnh hơn 5,1 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, thị trường cũng bao trùm sắc đỏ trong suốt cả phiên và có chiều hướng tiêu cực hơn về cuối phiên do lực bán gia tăng.
Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,96 điểm (-1,12%) xuống 84,61 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 38,26 triệu đơn vị, giá trị 430,56 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 17,93 triệu đơn vị, giá trị 258,34 tỷ đồng, trong đó riêng HHV thỏa thuận 10,4 triệu đơn vị, giá trị 182,1 tỷ đồng.
Cổ phiếu dầu khí BSR vẫn giữ sắc xanh nhạt khi chốt phiên sáng nay tăng 1,1% lên mức 17.600 đồng/CP và vẫn là mã giao dịch sôi động nhất thị trường, đạt 6,38 triệu đơn vị.
Đứng ở vị trí tiếp theo về thanh khoản là cặp đôi nhỏ, gồm HVG khớp 4,94 triệu đơn vị, chốt phiên giảm 4,3% xuống 2.200 đồng/CP và ATG khớp 2,16 triệu đơn vị, chốt phiên tăng 7,1% lên 1.500 đồng/CP.