Phiên giao dịch chứng khoán sáng 18/6: VN-Index giằng co ở vùng đỉnh

Phiên giao dịch chứng khoán sáng 18/6: VN-Index giằng co ở vùng đỉnh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bên cạnh sự trở lại nhưng còn khá khiêm tốn của dòng bank, các nhóm cổ phiếu như thép, phân bón và mía đường tiếp tục giao dịch khởi sắc, đã giúp thị trường tăng khá tốt và VN-Index đang hướng về vùng đỉnh cũ 1.374 điểm.

Tiếp nối đà phục hồi phiên hôm qua, sáng nay thị trường mở cửa với sự hưng phấn và kỳ vọng vượt đỉnh 1.375 điểm để trở lại xu hướng tăng điểm dài hạn.

Theo đánh giá của giới phân tích, nhìn chung, sức khỏe thị trường vẫn còn khá ổn, diễn biến điều chỉnh này đang cho thấy rủi ro chỉ số giảm mạnh trong ngắn hạn là không cao, cơ hội cho chỉ số sớm tăng lại vượt đỉnh đang có phần nhỉnh hơn. CTCK Kiến Thiết Việt Nam (CSI) cho rằng, nhóm ngân hàng sau khi điều chỉnh về một vùng giá hấp dẫn thì có thể sẽ sớm quay lại là chìa khóa cho việc chinh phục mốc 1.400 điểm của VN-Index.

Không nằm ngoài dự báo trên, trở lại phiên giao dịch sáng cuối tuần ngày 18/6, sắc xanh bao phủ trên diện rộng nhóm cổ phiếu bluechip, đặc biệt là đồng loạt dòng bank đều giao dịch khởi sắc, đã giúp thị trường tiếp tục tiến bước trên con đường chinh phục lại vùng đỉnh lịch sử.

Trong đó, cổ phiếu mã như VCB, TCB, MBB, STB đều tăng hơn 1%, đáng kể là CTG tăng mạnh nhất trong nhóm VN30 với mức tăng trên 3%.

Sự tăng trở lại ồ ạt của cổ phiếu ngân hàng vào thời điểm khá trùng hợp là thị trường đang tìm động lực vượt đỉnh, mặc dù tạo ra sự hy vọng nhưng cũng dẫn đến những sự thận trọng nhất định. Cổ phiếu ngân hàng sau chuỗi giảm điểm trong tuần, phiên hôm nay nhiều cổ phiếu bật tăng trở lại chỉ đơn thuần là nhịp hồi kỹ thuật, nên thiếu tính bền vững để tiếp tục dẫn dắt thị trường như giai đoạn trước.

Trong nửa cuối phiên sáng, nhóm cổ phiếu vua vẫn chưa lấy lại được phong độ khiến thị trường thiếu động lực để chinh phục lại đỉnh cũ, chỉ số VN-Index biến động khá giằng co quanh vùng giá 1.370 điểm.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 247 mã tăng và 142 mã giảm, VN-Index tăng 11,99 điểm (+0,88%) lên 1.371,91 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 490 triệu đơn vị, giá trị hơn 13.508 tỷ đồng, tăng 15,73% về khối lượng và 11,85% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 30,94 triệu đơn vị, giá trị 1.163,51 tỷ đồng.

Mặc dù các cổ phiếu ngân hàng đều giao dịch trong sắc xanh nhưng biên độ tăng không quá lớn, chỉ có một vài mã như CTG, EIB, MBB có mức tăng hơn 2%, còn lại phần lớn các mã như ACB, BID, LPB, MSB, STB, TPB, VPB, VIB chỉ nhích nhẹ trên dưới 0,5%.

Bên cạnh đó, một số mã bluechip khác cũng góp phần hỗ trợ tốt cho thị trường như FPT, HPG, MSN, MWG, NVL, VNM đều tăng hơn 1%.

Trái lại, trong nhóm VN30 chỉ có 7 mã giao dịch dưới mốc tham chiếu, trong đó GAS giảm sâu nhất là 1,1% xuống 92.900 đồng/CP, còn BVH, PDR, PLX, POW, VJC, VRE điều chỉnh nhẹ.

Không chỉ dừng lại ở nhóm cổ phiếu bluechip, nhiều nhóm ngành khác như mía đường hay phân bón, thép tiếp tục khởi sắc sau những thông tin hỗ trợ tích cực. Cụ thể như ở nhóm đường, bên cạnh SBT giữ mức tăng 3,1%, cặp đôi KTS và LSS tiếp tục tăng trần và đều trong trạng thái trắng bên bán.

Ở nhóm phân bón, LAS và PSW cùng tăng trần, PMB tăng 7,4% lên 10.200 đồng/CP, DCM tăng 4% lên 21.000 đồng/CP, DPM tăng 5,5% lên 22.850 đồng/CP…

Bên cạnh đó, ở nhóm cổ phiếu thép, SMC tăng kịch trần lên 38.900 đồng/CP, NKG và TLH cùng tăng hơn 4%, HPG tăng 1,8% lên 52.300 đồng/CP, HSG tăng 1,6% lên 42.450 đồng/CP, POM tăng 3,1% lên 16.400 đồng/CP.

Tuy nhiên, ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, nhiều điểm nóng trong phiên hôm qua đã khiến nhà đầu tư thất vọng khi nhánh chóng bị dập tắt. Điển hình là cặp đôi ROS và FLC rung lắc và tạm dừng phiên sáng nay tại mốc tham chiếu hoặc điều chỉnh nhẹ.

Cụ thể, FLC đứng giá tham chiếu 14.700 đồng/CP và dẫn đầu thanh khoản, đạt 32,41 triệu đơn vị; còn ROS giảm 0,6% xuống 7.130 đồng/CP và khớp 18,16 triệu đơn vị. Cổ phiếu TSC cũng về sát mức giá sàn 12.800 đồng/CP sau phiên tăng trần hôm qua…

Trên sàn HNX, thị trường cũng biến động giằng co quanh mốc 320 điểm trong suốt cả phiên sáng.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 82 mã tăng và 88 mã giảm, HNX-Index tăng 2,23 điểm (+0,7%) lên 319,3 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 85,59 triệu đơn vị, giá trị 1.774,65 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 3,2 triệu đơn vị, giá trị 92,92 tỷ đồng.

Bộ 3 cổ phiếu ngân hàng có diễn biến trái chiều, trong khi SHB tăng 2,6% lên 27.900 đồng/CP, NVB tăng 1% lên 19.400 đồng/CP, thì BAB điều chỉnh nhẹ gần 0,5%.

Bên cạnh đó, ở nhóm cổ phiếu thép, VGS tăng 6,3% lên mức giá cao nhất trong phiên 20.100 đồng/CP, DNY tăng 8% lên 2.700 đồng/CP. Ngoài ra, các mã lớn khác như THD, PAN, VND, MBS đều tăng nhẹ, PHP tăng 2,9% lên 21.400 đồng/CP

Trái lại, nhóm cổ phiếu họ P gồm PVS, PVC, PVB, PLC đồng loạt điều chỉnh giảm nhẹ.

Về thanh khoản, cổ phiếu SHB dẫn đầu với khối lượng khớp lệnh xấp xỉ 10,14 triệu đơn vị, tiếp theo đó là PVS khớp lệnh 9,14 triệu đơn vị.

Cổ phiếu nhỏ DST bất ngờ có phiên giao dịch đột biến khi đảo chiều tăng mạnh và chốt phiên sáng nay tại mức giá trần 4.700 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đứng trong top 5 lớn nhất sàn HNX, đạt 5,23 triệu đơn vị và dư mua trần 205.600 đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường bất ngờ hụt hơi và bị đẩy về sát mốc tham chiếu nhưng sự hỗ trợ tích cực của một số mã lớn đã giúp UPCoM-Index giữ được mức tăng nhẹ.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index tăng 0,3 điểm (+0,33%) lên 89,95 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 85,28 triệu đơn vị, giá trị 1.148,16 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,19 triệu đơn vị, giá trị hơn 27 tỷ đồng.

Cổ phiếu VGT bất ngờ tăng 14,3% lên sát mức giá trần 20.100 đồng/CP với thanh khoản đột biến, đạt 15,64 triệu đơn vị, dẫn đầu về khối lượng giao dịch trên UPCoM.

Bên cạnh đó, các mã lớn khác cũng giao dịch khởi sắc như VGI tăng 5,3% lên 36.000 đồng/CP, MSR tăng 1,4% lên 21.600 đồng/CP, TVN tăng 4,9% lên 15.000 đồng/CP…

Trái lại, BSR quay đầu điều chỉnh nhẹ và chốt phiên ở mức 21.000 đồng/CP, giảm 0,5% với khối lượng giao dịch đạt 11,19 triệu đơn vị, đứng thứ 2 về thanh khoản chỉ sau VGT.

Tin bài liên quan