Nhìn lại “Gia Cát Dự” nhận định chứng khoán tuần qua

(ĐTCK) Sau 2 tuần liên tiếp tăng điểm ấn tượng, thị trường đã điều chỉnh trong tuần giao dịch vừa qua, với điểm nhất là những phiên trồi sụt với biên độ rất mạnh. Mặc dù vậy, dòng tiền vẫn hết sức tích cực, điều này giúp VN-Index có phiên đã vượt qua mốc 675 điểm, mức kỷ lục trong gần 9 năm qua.
Nhìn lại “Gia Cát Dự” nhận định chứng khoán tuần qua

* Phiên giao dịch đầu tuần 11/7: Dư âm tích cực từ tuần giao dịch trước khiến sắc xanh đó tiếp tục được duy trì trong phần lớn thời gian của phiên, song sắc xanh này đã nhạt đi rất nhiều khi áp lực bán mạnh luôn hiện hữu. Các chỉ số diễn biến giằng co, trước khi kết phiên với pha giảm mạnh khi áp lực chốt lời diễn ra quyết liệt.

Đóng cửa, VN-Index giảm 6,42 điểm (-0,97%) xuống 652,26 điểm, HNX-Index giảm 1,55 điểm (-1,77%) xuống 86,02 điểm. Điểm tích cực là cầu bắt đáy cũng hoạt động hết sức tích cực nên thanh khoản tăng vọt, đạt hơn 4.300 tỷ đồng.

Về phần các Dự, sau thời gian tăng điểm liên tiếp, đa phần các CTCK đều cho rằng thị trường sẽ điều chỉnh, hoặc nếu có tăng thì sẽ rất khó tăng mạnh bởi áp lực chốt lời là rất lớn. Các CTCK đưa ra quan điểm này là BVSC, BSC, SHS, KIS.

“Thị trường nhiều khả năng sẽ tiếp tục điều chỉnh trong phiên 11/7, tuy nhiên, mức biến động của VN-Index sẽ không lớn do chỉ số đo lường biến động ATR (15) đang đi ngang. Nhà đầu tư ưa rủi ro có thể tận dụng nhịp điều chỉnh để gia tăng tỷ trọng nhóm cổ phiếu MidCap”, KIS nhận định.

Riêng MBS lại đưa ra quan điểm các chỉ số sẽ sideway, đồng thời khuyến nghị nhà đầu tư duy trì tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục và theo dõi diễn biến thị trường để có hành động phù hợp.

* Sang phiên giao dịch ngày 12/7: Áp lực chốt lời tiếp tục được thể hiện rõ nét trong phiên giao dịch này, cho nên phần lớn thời gian các chỉ số giao dịch dưới tham chiếu. Tuy nhiên, bất ngờ đã xảy ra trong nửa cuối phiên chiều. Lực bỗng dưng gia tăng mạnh mẽ, kéo các chỉ số đồng loạt tăng mạnh trở lại.

Đóng cửa, VN-Index tăng 6,64 điểm (+1,02%) lên 658,9 điểm, HNX-Index tăng 0,36 điểm (+0,42%) lên 86,38 điểm. Thanh khoản dù không còn lớn như phiên đầu tuần, song vẫn ở mức rất cao, khoảng 4.100 tỷ đồng.

Về phần các Dự, phiên tăng điểm rất bất ngờ này đã “đánh bại” các nhận định của các CTCK, bởi sau phiên giảm mạnh đầu tuần, hết đều cho rằng thị trường sẽ tiếp tục điều chỉnh.

“Thị trường giảm điểm mạnh với thanh khoản gia tăng đã phản ánh đúng tín hiệu điều chỉnh của thị trường phát đi từ phiên cuối tuần trước. Theo đó, thị trường sẽ tiếp tục điều chỉnh phiên giao dịch ngày 12/7 với thanh khoản gia tăng”, MSI nhận xét.

Tuy nhiên, trong số các CTCK, IVS vẫn đưa ra đánh giá khá sát về chỉ số thị trường.

“Ở phiên 12/7, thị trường có thể sẽ hồi phục lại nhẹ, nhưng đó là cơ hội mà nhà đầu tư nên bán ra, hoặc hạ tỷ lệ đòn bẩy xuống, hơn là kỳ vòng tăng trở lại”, IVS phát biểu.

* Trong phiên giao dịch 13/7: Với đà hưng phấn có được từ sau pha “bốc đầu” cuối phiên 12/7, cộng thêm sự bùng nổ của các nhóm cổ phiếu ngân hàng, thị trường đã thực sự “bay bổng” trong phiên giao dịch 13/7, trong đó VN-Index đã vượt mốc 675 điểm, mức kỷ lục trong gần 9 năm qua. Thanh khoản thị trường cũng ở mức cao nhất trong vòng nhiều năm qua, đạt gần 4.600 tỷ đồng

Đóng cửa, VN-Index tăng 16,22 điểm (+2,46%) lên 675,12 điểm, HNX-Index tăng 1 điểm (+1,16%) lên 87,38 điểm.

Về phần các Dự, trước những biến động mạnh của thị trường, có 2 luồng ý kiến về thị trường phiên 13/7. Một bên cho rằng thị trường sẽ tiếp tục tăng như MSI, SHS, MBS.

“Thị trường hồi phục mạnh vào cuối phiên 12/7 đã phát đi tín hiệu thị trường đã điều chỉnh xong. VN-Index đã và đang quay lại để tiệp cận mốc kháng cự mạnh 670-680 điểm trong thời gian tới. Thị trường sẽ tăng điểm vào phiên giao dịch 13/7 khi dòng tiền đồng loạt chảy mạnh vào nhóm cổ phiếu dầu khí, ngân hàng, bảo hiểm, vật liệu xây dựng...”, MSI nhận định.

Một bên lại giữ thái độ thận trọng là FPTS, BVSC, KIS, IVS, BSC. “Việc mua mới hoặc mua lướt sóng cũng có thể được thực hiện, nhưng vẫn cần thận trọng với điểm mua là những rung lắc trong phiên, tránh mua đuổi giá cao nếu thị trường quá hưng phấn”, FPTS khuyến nghị.

* Đến phiên giao dịch 14/7: Phiên bay cao trước đó giúp tâm lý thị trường phiên 14/7 tiếp tục hưng phấn. Sự hưng phấn có phần quá đà, khiến thị trường có phần chủ quan trước rủi ro chốt lời. Dù phần lớn thời gian thị trường vẫn giao dịch trên mốc tham chiếu, song áp lực bán lớn dần, đặc biệt là ở ít phút cuối phiên chiều, cú đẩy bán cực kỳ dứt khoát khiến thị trường quay đầu giảm mạnh.

Đóng cửa, VN-Index giảm 8,43 điểm (-1,25%) xuống 666,69 điểm, HNX-Index giảm 0,7 điểm (-0,8%) về 86,68 điểm. Thanh khoản 2 sàn tiếp tục ở mức rất cao, đạt gần 4.100 đồng.

Về phần các Dự, nhóm nghiêng về phương án thận trọng vẫn chiếm ưu thế với các CTCK như MBS, BVSC, BSC… Trong khi đó, SHS và VCSC đưa ra nhận định trái chiều, tuy nhiên phần đúng thuộc về SHS.

“Dòng tiền hiện vẫn đang luân chuyển tích cực giữa các nhóm cổ phiếu dẫn dắt, củng cố thêm xu hướng tăng trung hạn của thị trường. Tuy nhiên, rủi ro điều chỉnh có thể xảy ra trong 2 phiên giao dịch còn lại của tuần này, sau những diễn biến tăng nóng của 2 phiên vừa qua”, SHS nhận định.

Ngược lại, VCSC cho rằng: “Thị trường đang ở trạng thái quá mua nên có thể sẽ xuất hiện các nhịp rung lắc trong phiên, nhưng nhịp rung lắc này không ảnh hưởng quá nghiêm trọng lên xu hướng ngắn hạn hiện tại. Ngoài ra, VN-Index đạt mức cao nhất 52 tuần giao dịch cho thấy, chỉ số có thể sẽ tiếp tục hướng về mức cao hơn là 700 điểm và xu hướng tăng sẽ bền vững hơn”.

* Ở phiên giao dịch cuối tuần ngày 15/7: Cú “úp sọt” phiên trước đó khiến tâm lý thị trường trùng hẳn xuống trong phiên giao dịch cuối tuần. Thị trường khởi đầu trong sắc xanh nhờ lực đỡ của nhóm ngân hàng. Tuy nhiên, lực đỡ này khá yếu so với áp lực bán trên thị trường, các chỉ số chỉ hãm bớt đà giảm nhờ sức cầu được cải thiện cuối phiên.

Đóng cửa, VN-Index giảm 2,13 (-0,32%) xuống 664,56 điểm, HNX-Index giảm 0,06 điểm (-0,07%) xuống 86,63 điểm. Mặc dù sức cầu đã tích cực hơn về cuối, song thanh khoản vẫn giảm khá mạnh so với phiên trước đó, đạt gần 3.900 tỷ đồng.

Về phần các Dự, sau những cú trồi sụt “khủng” liên tiếp, nhất là cú lộn nhào phiên liền trước, hầu hết các CTCK đều đưa ra khuyến nghị thận trọng về khả năng tạo đỉnh ngắn hạn, nên đà điều chỉnh chưa dừng lại.

“Sau khi tăng điểm mạnh trong hơn 2 tuần gần đây, áp lực chốt lời sẽ gia tăng, đặc biệt ở nhóm cổ phiếu trụ cột, khiến các nhịp điều chỉnh ngắn và sâu có thể sẽ còn tiếp diễn. Vùng hỗ trợ gần của chỉ số VN-Index nằm tại 640-645 điểm. Đây là vùng điểm nhà đầu tư có thể tiến hành các hoạt động trading ngắn hạn, hoặc tái cơ cấu danh mục nhằm tăng hiệu quả đầu tư”, BVSC phát biểu.

Còn IVS đánh giá: “Nhà đầu tư cần cân nhắc trước khi mua-bán, bởi không phải cổ phiếu nào cũng rủi ro và không phải nhóm nào cũng nên nắm giữ. Dòng tiền sẽ có sự dịch chuyển, nên có thể những cổ phiếu cơ bản, có khả năng có kết quả kinh doanh tích cực sẽ lại hút dòng tiền. Cũng có thể, thị trường cần một nhịp điều chỉnh, trước khi bước vào mùa báo cáo kết quả kinh doanh bán niên”.
Tin bài liên quan