Nhìn lại “Gia Cát Dự” nhận định chứng khoán tuần qua

Nhìn lại “Gia Cát Dự” nhận định chứng khoán tuần qua

(ĐTCK) Gặp khó khi tiếp cận mốc 990 điểm khiến thị trường quay đầu đi xuống và liên tục giảm điểm trong 4 phiên giao dịch, đặc biệt là phiên cuối tuần để mất tới gần 13 điểm khi áp lực bán gia tăng và lan rộng. Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định thị trường của một số công ty chứng khoán trong tuần vừa qua.

* Phiên giao dịch đầu tuần 20/5: Dù rung lắc đầu đầu phiên, nhưng nhờ sự hỗ trợ của nhóm dầu khí và ngân hàng, VN-Index đã đảo chiều tăng điểm và chinh phục thành công mốc 980 điểm trong phiên sáng.

Sự hưng phấn tiếp tục lan tỏa trong phiên chiều. Các cổ phiếu vốn hóa tiếp tục giao dịch khởi sắc và nới rộng biên độ, đã trở thành điểm tựa vững chắc giúp VN-Index bay qua vùng khó để chinh phục ngưỡng kháng cự 985 điểm.

Đóng cửa, VN-Index tăng 10,65 điểm (+1,09%) lên 987,13 điểm, HNX-Index tăng 0,52 điểm (+0,5%) lên 106,31 điểm, UPCoM-Index tăng 0,07 điểm (+0,12%) lên 55,31 điểm.

Về phần các Dự, hầu hết các công ty chứng khoán đều nhận định thiếu chuẩn xác. Điển hình, TVSI dự báo sự sụt giảm về mặt chỉ số nhiều khả năng sẽ sớm xuất hiện. Thậm chí MBS còn đưa ra kịch bản VN-Index có thể về vùng hỗ trợ 960-096 điểm.

Trong khi đó, BVSC thận trọng cho rằng, khi chỉ số chưa thể vượt qua vùng cản quan trọng 980-983 điểm, thì nhịp tăng điểm hiện tại chỉ là nhịp hồi mang tính kỹ thuật.

* Sang phiên giao dịch ngày 21/5: VN-Index nhanh chóng leo qua mức 990 điểm ngay khi mở cửa nhưng đã rất nhanh, chỉ số bị đẩy lùi trở lại trước áp lực bán mạnh tại vùng giá cao này. Mặc dù hạ độ cao chút ít nhưng ngưỡng kháng cự mới đã được bảo toàn khi chốt phiên do nhiều mã bluechips tăng điểm khá tốt.

Tuy nhiên, điều này đã không còn được duy trì trong phiên giao dịch chiều. Lực xả mạnh đã được tung vào thị trường ngay sau giờ nghỉ trưa và tập trung tại chính nhóm bệ đỡ của VN-Index nên chỉ số rơi nhanh qua tham chiếu. Đã có những nỗ lực mua vào để đẩy giá song chưa đủ mạnh để hỗ trợ chỉ số bứt lên.

Đóng cửa, VN-Index giảm 0,84 điểm (-0,09%) về 986,29 điểm, HNX-Index giảm 0,03 điểm (-0,03%) về 106,28 điểm, UPCoM-Index tăng 0,08 điểm (+0,14%) lên 55,39 điểm.

Về phần các Dự, TVSI thận trọng khi cho rằng nhịp phục hồi trong phiên đầu tuần 20/5 là quá sớm để lạc quan về một xu hướng tăng giá mới.

Trái lại, MBS cho rằng, phiên tăng điểm đầu tuần giúp VN-index vượt ngưỡng kháng cự 980 điểm thành công, về kỹ thuật đó là dấu hiệu tích cực và cho thấy thị trường có động lực để tăng tiếp.

Cũng có nhận định sai, theo PHS, khả năng thị trường sẽ còn tăng điểm trong ngắn hạn. Vùng thử thách tiếp theo sẽ là vùng quanh 1.000 điểm.

* Trong phiên giao dịch 22/5: Mặc dù có chút khó khăn và rung lắc nhưng chỉ số VN-Index đã thử sức thành công với ngưỡng cản 990 điểm trong phiên giao dịch sáng.

Tuy nhiên, ngay khi bước vào phiên chiều, lực cung gia tăng, trong khi lực cầu thận trọng đã khiến VN-Index nhanh chóng đổ đèo xuống dưới ngưỡng tham chiếu. Sau khi chạm mức thấp nhất ngày 982,68 điểm, VN-Index nỗ lực trở lại, nhưng do không nhận được sự hỗ trợ của lực cầu nên chỉ số này có phiên giảm điểm thứ 2 liên tiếp.

Đóng cửa, VN-Index giảm 2,51 điểm (-0,25%) xuống 983,78 điểm, HNX-Index giảm 0,15 điểm (-0,15%) xuống 106,13 điểm, UPCoM-Index đứng ở mức 55,39 điểm.

Về phần các Dự, PHS nhận định sai khi dự báo xu hướng tăng hiện tại vẫn đang giữ được những tín hiệu tích cực.

Trong khi đó, BVSC nhận định khá đúng khi dự báo VN-Index sẽ có một phiên điều chỉnh để kiểm định vùng hỗ trợ 980-983 điểm.

MBS cũng nhận định đúng khi giữ nguyên quan điểm, áp lực chốt lời ngắn hạn kèm theo đó sẽ là những phiên rung lắc sẽ còn tiếp diễn, nhà đầu tư không nên mua đuổi trong các phiên tới.

* Đến phiên giao dịch 23/5: Ngay khi mở cửa, áp lực bán đã xuất hiện trên diện rộng khiến VN-Index nhanh chóng giảm điểm. Tuy nhiên, ngay sau khi rơi qua mốc 980 điểm, cầu bắt đáy được khởi động, kéo chỉ số vượt trở lại qua tham chiếu. Dẫu vậy, sắc xanh không duy trì được lâu khi sức cầu tỏ ra yếu thế trước lực cung mạnh và VN-Index giảm trở lại mốc 980 điểm khi kết phiên sáng.

Sang phiên chiều, diễn biến trên một lần nữa lặp lại và phải khá chật vật VN-Index mới giữ được mốc 980 điểm. Điểm nhấn của phiên này là giao dịch thỏa thuận đóng góp đáng kể vào thanh khoản chung của thị trường.

Đóng cửa, VN-Index giảm 1,07 điểm (-0,11%) xuống 982,71 điểm, HNX-Index tăng 0,17 điểm (+0,16%) lên 106,3 điểm, UPCoM-Index tăng 0,01 điểm (+0,02%) lên 55,4 điểm.

Về phần các Dự, PHS tiếp tục là một trong những công ty chứng khoán đưa ra nhận định thiếu chuẩn xác khi dự báo trong trường hợp chỉ số giữ vững được ngưỡng 980 thì đà phục hồi vẫn sẽ còn được duy trì, chỉ số vẫn còn khả năng tiếp tục đi lên các ngưỡng cản cao hơn.

Trái lại, TVSI nhận định đúng về xu hướng dù có chút tiêu cực khi cho rằng, VN-Index có thể sẽ tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh về vùng giá 970-980 điểm.

Tương tự, MBS cũng nhận định khá chuẩn xác khi cho rằng, thị trường đang trong quá trình Retest lại ngưỡng hỗ trợ xung quanh mốc 980 điểm, rủi ro điều chỉnh vẫn hiện hữu.

* Ở phiên giao dịch cuối tuần ngày 24/5: Nỗ lực níu giữ mốc 980 điểm bất thành trong phiên sáng khiến bên nắm giữ cổ phiếu mất kiên nhẫn ồ ạt ra hàng. Sắc đỏ tràn ngập bảng điện tử với sức ép khá lớn đến từ top 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất, đã đẩy VN-Index lao dốc mạnh trong phiên chiều, mất gần 13 điểm, đóng cửa ở mức thấp nhất ngày.

Đóng cửa, VN-Index giảm 12,68 điểm (-1,29%) xuống 970,03 điểm, HNX-Index giảm 0,91 điểm (-0,86%) xuống 105,39 điểm, UPCoM-Index giảm 0,12 điểm (-0,22%) xuống 55,27 điểm.

Về phần các Dự, TVSI nhận định sai khi dự báo VN-Index có thể quay trở lại nhịp hồi phục trong những phiên tới nhưng khó có thể tiến xa di thiếu yếu tố hỗ trợ.

Trong khi đó, MBS cho rằng, những nhịp rung lắc hoặc điều chỉnh sẽ là cơ hội để cơ cấu danh mục và mở vị thế mới.

PHS cũng có nhận định có phần đúng khi cho rằng thị trường vẫn đang có những nhịp rung lắc nhất định khi cả 2 chỉ số đang vận động kiểm nghiệm lại các cùng hỗ trợ.

Tin bài liên quan