Nhìn lại “Gia Cát Dự” nhận định chứng khoán tuần qua

Nhìn lại “Gia Cát Dự” nhận định chứng khoán tuần qua

(ĐTCK) Thị trường đã có một tuần giao dịch trước kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán kéo dài với nhiều cung bậc cảm xúc khi chỉ số VN-Index mất tới hơn 100 điểm. Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định thị trường của một số công ty chứng khoán trong tuần vừa qua.

* Phiên giao dịch đầu tuần 5/2: Sự hưng phấn của thị trường trong thời gian vừa qua đã được thay thế bằng sự hoảng loạn trong phiên giao dịch đầu tuần mới ngày 5/2 khiến cả 2 chỉ số chính có phiên giảm mạnh nhất hơn 3 năm rưỡi kể từ phiên lao dốc 8/5/2014.

Đóng cửa, VN-Index giảm 32,7 điểm (-2,96%), xuống 1.072,34 điểm, HNX-Index giảm 2,42 điểm (-1,95%), xuống 121,55 điểm, UPCoM-Index giảm 1,11 điểm (-1,88%), xuống 57,73 điểm.

Về phần các Dự, các công ty chứng khoán đều không đưa ra được nhận định đúng về xu hướng tiêu cực của thị trường trong phiên đầu tuần.

Trong đó, BVSC nhận định trái với ngược với xu hướng thị trường khi cho rằng chỉ số VN-Index nhiều khả năng sẽ có sự hồi phục trở lại trong các phiên đầu tuần tới.

Mặt khác, FPTS, PHS và SHS nhận định đi ngang khi dự kiến thị trường sẽ giằng co và đi ngang. Theo SHS, VN-Index có thể sẽ tiếp tục dao động tích lũy và đi ngang trong biên độ 1.090-1.130 điểm như trong 7 phiên giao dịch gần đây.

* Sang phiên giao dịch ngày 6/2: Những tưởng những cảnh báo sẽ giúp nhà đầu tư trấn tĩnh hơn sau phiên hoảng loạn đầu tuần ngày 5/2 nhưng điều này đã không xẩy ra. Áp lực bán dồn dập trên tất cả các nhóm cổ phiếu khiến thị trường không còn bất cứ điểm tựa nào để bấu víu. Bên cạnh các mã vốn hóa lớn nhất thị trường bị knock-out, các bluechip "chết đứng", các mã thị trường không có lệnh mua…, khiến chỉ số VN-Index có thời điểm mất tới hơn 61 điểm.

Bất chấp thị trường được dự báo tiếp tục điều chỉnh mạnh, dòng tiền tham lam đã đổ mạnh trong phiên chiều giúp chỉ số VN-Index hồi phục. Đà tăng này không giữ được lâu khi lực bán một lần nữa lấn át, tuy nhiên VN-Index đã may mắn lấy lại mốc tâm lý trên 1.000 điểm trong đợt khớp lệnh ATC.

Đóng cửa, VN-Index giảm 37,11 điểm (-3,54%), xuống 1.011,6 điểm, HNX-Index giảm 3,21 điểm (-2,78%), xuống 115,64 điểm, UPCoM-Index giảm 1,98 điểm (-3,48%), xuống 54,95 điểm.

Về phần các Dự, nhận định của BVSC khá đúng khi cho rằng áp lực bán tăng mạnh trên toàn thị trường dự kiến vẫn sẽ tiếp tục duy trì trong các phiên sắp tới, khiến rủi ro điều chỉnh của thị trường chung ở mức cao.

Tương tự, BSC nhận định thị trường có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh trong những phiên sắp tới khi mà tâm lý chung các nhà đầu tư đang rất hoang mang.

Trong khi đó, SHS đưa ra nhận định trái ngược với xu hướng thị trường khi cho rằng phiên giao dịch 6/2, VN-Index có thể sẽ hồi phục trở lại với mục tiêu là ngưỡng kháng cự 1.068 điểm (MA20), hỗ trợ cho chỉ số tại 1.020 điểm.

* Trong phiên giao dịch 7/2: Sau 2 phiên lao dốc mạnh khiến VN-Index mất tới 120 điểm, lực cầu bắt đáy đã xuất hiện và gia tăng mạnh ngay khi bước vào phiên giao dịch sáng 7/2, kéo thị trường tăng vọt trở lại.

Mặc dù có chút hồi hộp khiến thị trường hạ nhiệt khá nhanh lúc đầu phiên chiều, nhưng sự hồi phục có lại được luôn sau đó nhờ ự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu bluechip với đầu tàu kéo chỉ số đi lên là dòng bank.

Đóng cửa, VN-Index tăng 28,95 điểm (+2,86%), lên 1.040,55 điểm, HNX-Index tăng 3,99 điểm (+3,45%), lên 119,62 điểm, UPCoM-Index tăng 1,81 điểm (+3,3%) lên mức 56,76 điểm.

Về phần các Dự, SHS đã đưa ra nhận định khá đúng khi cho rằng lực cầu bắt đáy gia tăng có thể giúp VN-Index hồi phục trở lại để hướng đến lấp khoảng gap được tạo ra giữa hai phiên 5/2 và 6/2 trong khoảng 1.026-1.048 điểm.

Trong khi đó, với quan điểm trái ngược, KBVS cho rằng, chỉ số thị trường Mỹ có thể phục hồi nhẹ trở lại nhưng với đà giảm giá kỷ lục 2 phiên qua thì việc dự báo kịch bản phục hồi rất khó chính xác.

Ngoài ra, PHS, BSC cũng nhận định tương tự và trái ngược với xu hướng thị trường khi dự báo về rủi ro giảm điểm vẫn chưa hoàn toàn được loại bỏ.

* Đến phiên giao dịch 8/2: Sau những nỗ lực đầu phiên, thị trường chìm nghỉm dưới mốc tham chiếu trong phiên sáng với hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn và VN30 suy giảm mạnh.

Sang phiên chiều, thị trường rung lắc dữ dội. Trong khi lực cầu tỏ ra thận trọng thì áp lực bán vẫn diễn ra mạnh, các cổ phiếu đua nhau giảm sâu khiến VN-Index bị đẩy về mức thấp nhất ngày khi mất tới hơn 17 điểm.

Đóng cửa, VN-Index giảm 17,30 điểm (-1,66%), xuống 1.023,25 điểm, HNX-Index giảm 2,68 điểm (-2,24%), xuống 116,94 điểm, UpCoM-Index giảm 0,30 điểm (-0,53%), xuống 56,46 điểm.

Về phần các Dự, BVSC nhận định thận trọng và khá đúng với xu hướng khi dự báo rủi ro điều chỉnh của thị trường vẫn được đánh giá ở mức cao, đi kèm biến động mạnh của 2 chỉ số chính. Tương tự, BSC cũng nhận định thị trường vẫn tiềm ẩn khá nhiều rủi ro và khuyến nghị nhà đầu tư nên hạn chế giao dịch.

Thậm chí, KBVS còn đưa ra kịch bản xấu nhất là thị trường đảo chiều và đi vào xu hướng giảm giá, còn về mặt kỹ thuật, công ty chứng khoán này cho rằng với đà giảm giá kỷ lục qua 2 phiên đầu tuần thì dự báo kịch bản phục hồi rất khó chính xác.

Trái lại, SHS đã đưa ra nhận định khá sai lệch khi dự báo trong phiên giao dịch 8/2, VN-Index có thể tiếp tục đà hồi phục để hướng đến ngưỡng tâm lý gần nhất tại 1.050 điểm.

* Ở phiên giao dịch cuối tuần ngày 9/2: Sau màn hoảng loạn đầu phiên khiến chỉ số VN-Index bay gần 50 điểm, lực cầu hấp thụ gia tăng đã giúp đà giảm điểm được tiết chế về cuối phiên sáng.

Mặc dù sắc đỏ vẫn bao trùm nhưng dòng tiền giao dịch sôi động đã giúp thị trường có những tín hiệu vui. Trong đó, sự hồi phục của một số cổ phiếu bluechip đã giúp VN-Index lấy lại được mốc 1.000 điểm và HNX-Index vượt qua mốc tham chiếu thành công trong phiên chiều cuối tuần ngày 9/2.

Đóng cửa, VN-Index giảm 19,31 điểm (-1,89%) xuống 1.003,94 điểm, HNX-Index tăng 0,56 điểm (+0,48%) lên mức 117,5 điểm, UPCoM-Index tăng nhẹ 0,02 điểm (+0,04%) lên mức 56,48 điểm.

Về phần các Dự, BVSC và BSC cùng nhận định đúng về xu hướng thị trường khi cho rằng hoạt động bán ra có thể vẫn tiếp tục duy trì trong phiên cuối tuần ngày 9/2. Trong đó, BSC cảnh báo phiên giao dịch này cũng là phiên T+3 của phiên sụt giảm sâu nhất, điều này có thể phần nào khiến áp lực bán tiếp tục gia tăng.

Trong khi đó, dù đưa ra quan điểm về thị trường tiếp tục điều chỉnh nhưng SHS vẫn đặt kỳ vọng cao khi cho rằng ngưỡng hỗ trợ gần nhất của VN-Index tại 1.005 điểm. Hay PHS đưa ra dự báo về xu hướng chính của thị trường sẽ là giằng co và đi ngang.