Cổ phiếu cần quan tâm ngày 2/4

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 2/4

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán lược trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu đáng quan tâm của một số công ty chứng khoán cho phiên giao dịch ngày 2/4.

DBC: Khuyến nghị mua vào

(CTCK Vietcombank – VCBS)

CTCP Tập đoàn Dabaco (mã DBC) có kết quả kinh doanh năm 2013 sụt giảm so với năm trước và không hoàn thành kế hoạch nhưng hoạt động kinh doanh chính là sản xuất thức ăn chăn nuôi vẫn có sự tăng trưởng tốt. Công ty đã quyết định trả cổ tức 15% bằng tiền mặt, cao hơn so với mức cổ tức dự kiến 12% đưa ra cuối năm 2013.

DBC cũng đồng thời đặt ra kế hoạch sản xuất kinh doanh với các chỉ tiêu về sản lượng và doanh thu mà theo chúng tôi là khá thách thức. Tuy nhiên với giá nguyên liệu ngô xuống thấp thì mục tiêu đạt 210 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế là khả thi. Theo đó, EPS 2014 vào khoảng 3.347 đồng/CP, P/E forward ở mức 6x. Do đó chúng tôi khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu DBC.

>> Tải báo cao

NLG: Có thể xem xét mua vào

(CTCK Bảo Việt – BVSC)

Chúng tôi đánh giá lạc quan về triển vọng trong tương lai từ 3 – 4 năm tới của cổ phiếu CTCP Đầu tư Nam Long (NLG – sàn HOSE). Dòng sản phầm Ehome tiếp tục là động lực phát triển của NLG trong giai đoạn này. Các dự án Ehome do được đền bù từ trước và có giấy chứng nhận sử dụng đất nên lợi nhuận biên ròng mang lại vẫn duy trì ở mức hấp dẫn. Với tiến độ các dự án hiện tại, lợi nhuận sau thuế2014 ước đạt 110 tỷ đồng tăng 6 lần so với năm 2013. EPS Forward 2014 là 916 đồng/Cp và PE Forward là 21 lần. Mức P/E ở mức cao so với trung bình thị trường. Tuy nhiên, so sánh với các Công ty bất động sản khác cùng phân khúc như IJC, DIG, TDH hoặc KDH với P/E từ 18 – 25 lần, P/E của NLG vẫn đang ở mức phù hợp.

Trên cơ sở trên, chúng tôi cho rằng nhà đầu tư yêu thích cổ phiếu cơ bản tốt, định hướng tăng trưởng vững chắc có thể xem xét cổ phiếu NLG. Điểm hạn chế của cổ phiếu NLG là thanh khoản thấp nên chưa thu hút được quan tâm nhà đầu tư cá nhân. Công ty đang nỗ lực cải thiện công tác quan hệ đầu tư từ năm 2014 và hi vọng sẽ sớm giải quyết hạn chế này.

>> Tải báo cáo

TRC: mức giá mục tiêu là 43.400 đồng/CP

CTCK Maybank KimEng (MBKE)

CTCP Cao su Tây Ninh (TRC) công bố kết quả kinh doanh năm 2013 với doanh thu thuần giảm 26,4% so với cùng kỳ xuống còn 671 tỷ đồng. Trong đó sản lượng tiêu thụ giảm 12,8% so với cùng kỳ, xuống còn 12.109 tấn, giá bán bình quân giảm 15,5% so với cùng kỳ, xuống còn 52,9 triệu đồng/tấn. Biên lợi nhuận gộp giảm từ 32,7% 2012 xuống còn 29,1% năm 2013. Chi phí hoạt động được kiểm soát tốt với tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp/doanh thu ở mức 4,7% năm 2013, xấp xỉ năm 2012. Thu nhập tài chính ròng giảm 25,5% xuống còn 41,5 tỷ đồng, chủ yếu là do lãi suất giảm. Do đó, lợi nhuận ròng giảm 34,4% năm trước còn 372,4 tỷ đồng.

Sức khỏe tài chính khá ổn định. Trong 5 năm trở lại đây, TRC luôn duy trì vịthếtiền mặt ròng. Đến cuối 2013, tiền mặt ròng đạt 507 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu vẫn còn ở mức khá thấp 26,8%.

TRC đang triển khai đầu tư vào dự án trồng 6.157 héc-ta cao su tại Oddar Meanchey, Campuchia với tổng vốn đầu tư gần 65 triệu USD, tỷ lệ vốn tự có/vốn vay là 70/30. Hiện TRC đã trồng được 2.186 héc-ta. Dự án này sẽ đóng góp doanh thu và lợi nhuận từnăm 2018.

Trên quan điểm thận trọng, chúng tôi dự báo doanh thu của TRC sẽ tăng nhẹ 2,5% so với năm 2013, đạt 687,9 tỷ đồng. Lợi nhuận ròng 2014 ước giảm 11,9% năm trước, xuống còn 201 tỷ đồng. Chúng tôi đưa ra giá mục tiêu là 43.400 đồng dựa trên P/E dự phóng2014 là 6,5x, chiết khấu 10% so với trung bình ngành.

SBT: Khuyến nghị theo dõi

CTCK FPT (FPTS)

Tổng doanh thu năm 2013 của CTCP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (SBT) đạt 2.222,4 tỷ đồng, có mức tăng trưởng khá 13,2% (CAGR giai đoạn 2008-2013 là 31,6%), tuy nhiên vẫn không đạt kế hoạch 2,314 tỷ đã đề ra trước đó (~96%). Biên lãi gộp sụt giảm mạnh xuống còn 12,7% từ mức 18,9%, xấp xỉ với mức trung bình của ngành (khoảng 12%).

Lợi nhuận kế toán trước thuế chỉ đạt 275,5 tỷ đồng (-34,8% so với năm 2012 và bằng 75,5% kế hoạch). Tương ứng, lợi nhuận sau thuế đạt 239 tỷ đồng, giảm gần 40% so với cùng kỳ năm trước và EPS đạt mức 1.744 đồng/cp.

Trước đó, SBT đã tạm ứng được 10%, chúng tôi dự đoán SBT sẽ chi trả thêm từ 3-5% cổ tức nữa sau ĐHCĐ 2014.

Chúng tôi ước tính thận trọng tổng sản lượng đường thành phẩm được tiêu thụ trong năm 2014 đạt mức 123 ngàn tấn (+7% theo năm) trong khi giá bán bình quân giảm nhẹ 2,4%. Doanh thu từ đường năm 2014 ước đạt 2,1 ngàn tỷ so với tổng doanh thu 2,3 ngàn tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 245 tỷ, EPS 2014 là 1.707 đồng/cp. Những vấn đề cần xem xét đối với SBT trong năm 2014 vẫn là diễn biến giá bán đường RE, tiến độ dự án và kế hoạch trả nợ vay của BAC.

Lợi nhuận sau thuế năm 2013 đạt 239 tỷ đồng, giảm gần 40% so với cùng kỳ năm trước và EPS đạt mức 1.744 đồng/cp. Mức P/E hợp lý cho các cổ phiếu mía đường đang niêm yết (đã loại trừ BHS và LSS do khác biệt quá lớn về hiệu quả hoạt động) sau khi điều chỉnh là 6,8x. Với mức P/E này, giá mục tiêu ngắn hạn của SBT nếu so sánh với ngành vào khoảng 11.900 đồng/cổ phiếu, thấp hơn 4,8% so với giá giao dịch của cổ phiếu này vào ngày 12/03/2014. Dựa trên thang đo, chúng tôi đưa ra khuyến nghị THEO DÕI đối với cổ phiếu SBT.

>> Tải báo cáo

Tin bài liên quan