Thông tin mới nhất từ Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công thương), Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa đăng thông báo khởi xướng rà soát hành chính đối với một số sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam đang bị áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp.
Đó là sản phẩm đinh thép, mã vụ việc A-552-818 (đang chịu thuế chống bán phá giá), thời kỳ rà soát từ 01/7/2022 - 30/6/2023. Mã vụ việc C-552-819 (đang chịu thuế chống trợ cấp), thời kỳ rà soát từ 01/01/2022 - 31/12/2022.
Sản phẩm ống thép chịu lực không gỉ, mã vụ việc A-552-816 (đang chịu thuế chống bán phá giá), thời kỳ rà soát từ 01/7/2022 - 30/6/2023.
Lốp xe tải hạng nhẹ - Passenger Vehicles & Light Trucks Tires, (đang chịu mức thuế chống trợ cấp), mã vụ việc: C-552-829 (CTC); thời kỳ rà soát: 01/01/2022 - 31/12/2022.
Theo quy định pháp luật của Mỹ, trong trường hợp doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu có tên trong danh sách rà soát tại thông báo khởi xướng nhưng không có hoạt động xuất khẩu trong thời kỳ rà soát, doanh nghiệp phải thông báo cho DOC trong vòng 30 ngày kể từ ngày đăng thông báo khởi xướng rà soát (dự kiến đến ngày 11/10/2023).
Trong vòng 35 ngày kể từ ngày đăng thông báo khởi xướng rà soát (dự kiến ngày 16/10/2023), DOC sẽ tiến hành lựa chọn các doanh nghiệp làm bị đơn bắt buộc trong các vụ việc dựa trên lượng xuất khẩu của các doanh nghiệp từ cao tới thấp theo số liệu của Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Hoa Kỳ (CBP).
Ngoài ra, trong vòng 90 ngày kể từ ngày đăng thông báo khởi xướng, các bên có thể rút đơn yêu cầu rà soát của mình (dự kiến ngày 10/12/2023).
Bên cạnh đó, đối với những quốc gia mà Mỹ coi là nền kinh tế phi thị trường như Việt Nam, để có thể hưởng thuế suất riêng rẽ, doanh nghiệp phải nộp đơn xin hưởng thuế suất riêng rẽ trong vòng 30 ngày kể từ ngày đăng thông báo khởi xướng rà soát (dự kiến ngày 11/10/2023).
Trường hợp doanh nghiệp không nộp đơn xin hưởng thuế suất riêng rẽ và không được chọn làm bị đơn bắt buộc, doanh nghiệp có thể bị áp một mức thuế suất toàn quốc.
DOC dự kiến ban hành kết luận rà soát muộn nhất vào ngày 31/7/2024. Trong thời gian tới, DOC sẽ yêu cầu các bên cung cấp thông tin để chọn nước tính giá trị thay thế cho Việt Nam, ban hành bản câu hỏi Lượng và Giá trị và bản câu hỏi dành cho các bị đơn bắt buộc.
Để đảm bảo quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp, Cục Phòng vệ Thương mại khuyến nghị các doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu sản phẩm liên quan tiếp tục cập nhật diễn biến vụ việc; thực hiện đúng và đầy đủ các yêu cầu của cơ quan điều tra Mỹ, phối hợp chặt chẽ với Cục Phòng vệ Thương mại trong suốt quá trình của vụ việc.
Một thông tin vui từ thị trường Mỹ. Văn phòng Đăng ký liên bang Mỹ (Federal Register) vừa công bố kết quả sơ bộ đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá đối với cá tra phi lê đông lạnh của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Mỹ trong giai đoạn 1/8/2021 - 31/7/2022.
Theo đó, hai doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam bị đơn bắt buộc gồm Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (Vĩnh Hoàn Corp) và Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Cần Thơ (Caseamex) được hưởng mức thuế lần lượt là 0 USD/kg và 0,14 USD/kg.
Các doanh nghiệp khác cũng hưởng thuế 0,14 USD/kg là I.D.I CORP, CTCP Thủy sản Cafatex, CTCP Thủy sản Lộc Kim Chi và CTCP Hùng Vương.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản (VASEP) đánh giá mức thuế sơ bộ lần này giảm so với mức thuế chống bán phá giá 2,39 USD/kg vào tháng 9/2022, áp dụng cho hầu hết các doanh nghiệp trong diện điều tra.
Mỹ là thị trường điều tra và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại nhiều nhất với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Hết năm 2022, Mỹ đã điều tra 52 vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng Việt, chiếm khoảng 23% tổng số vụ việc nước ngoài điều tra với hàng xuất khẩu của Việt Nam.