Mối lo doanh nghiệp yếu

(ĐTCK) Ðánh giá của Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 9/2018 vừa diễn ra cho thấy, với mức tăng 6,98%, GDP 9 tháng đầu năm nay đạt tốc độ tăng cao nhất so với cùng kỳ kể từ năm 2011 nhờ cả 3 trụ cột đều tăng cao: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,65%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,89%; khu vực dịch vụ tăng 6,89%. Trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế với mức tăng cao 12,65%...
Mối lo doanh nghiệp yếu

Nhờ đó, theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, có thể khẳng định sẽ hoàn thành toàn bộ 12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội mà Quốc hội giao cho năm 2018, trong đó có 8 chỉ tiêu vượt và 4 chỉ tiêu đạt.

Tốc độ tăng trưởng GDP có thể còn khả quan hơn, nếu như khu vực doanh nghiệp không còn những biểu hiện ốm yếu như hiện tại.

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2018 vừa diễn ra, người phát ngôn Chính phủ nhìn nhận, tuy 9 tháng qua, cả nước có trên 96.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký đạt 963.400 tỷ đồng, tăng 2,8% về số doanh nghiệp và tăng 6,7% về số vốn, nhưng số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động tăng cao...

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong 9 tháng đầu năm 2018 là 73.103 doanh nghiệp, tăng 48,1% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm 23.053 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (tăng 24,6%) và 50.050 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể (tăng 62,3%)…

Ðể khắc phục tình trạng bức tranh doanh nghiệp còn những gam màu chưa sáng như vậy, theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Chính phủ tiếp tục quyết liệt cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho khởi nghiệp, cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Theo đó, trong bối cảnh có tổng số 9.926 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành và 120 thủ tục kiểm tra chuyên ngành, nhưng mới cắt giảm, đơn giản hóa được 1.700 dòng hàng và 30 thủ tục; mới cắt giảm được 1.133 điều kiện/6.191 điều kiện kinh doanh (đạt trên 30% so với yêu cầu), Chính phủ đang tập trung đôn đốc khắc phục sự chậm trễ này.

Hiện hầu hết các dự thảo nghị định về điều kiện kinh doanh của các ngành, lĩnh vực đã được các cơ quan chức năng xin ý kiến các thành viên Chính phủ để có thể ban hành ngay trong tháng 10 này. Trên cơ sở đó, hiện thực hóa quyết tâm cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh. Tương tự, việc cắt giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành cũng đang được thúc đẩy nhằm tạo bước chuyển biến rõ nét về cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh.

Cắt giảm điều kiện đầu tư, kinh doanh, thủ tục chuyên ngành là việc không dễ dàng bởi đụng chạm đến quyền lợi của các ngành, thậm chí của một bộ phận cán bộ, công chức.

Tuy nhiên, Chính phủ sẵn sàng đối mặt và vượt qua thách thức này, vì đây là cách tạo ra dư địa mới cho phát triển, cũng như nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp, qua đó có đóng góp quan trọng cho nỗ lực chuyển đổi nền kinh tế từ phát triển theo chiều rộng sang chiều sâu mà Chính phủ đang theo đuổi.

Tin bài liên quan