Trong câu chuyện với Báo Đầu tư Chứng khoán mới đây, nhiều người lao động tại May Sông Hồng thể hiện sự tin tưởng, gắn bó với Công ty. Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh tế toàn cầu, làm đứt gẫy đột ngột các chuỗi cung ứng và dệt may là một trong những ngành được nhìn nhận gặp khó khăn cả về nguồn cung lẫn phía cầu.
Nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh phải thực hiện chính sách cắt giảm nhân sự, cắt giảm chi tiêu để đối phó với ảnh hưởng từ đại dịch. Vậy nhưng, tại May Sông Hồng, ngoài việc duy trì mức lương trung bình 7,2 triệu đồng/người/tháng, ngay cả những thời điểm khó khăn nhất là vào tháng 3, các chế độ phúc lợi vẫn được đảm bảo như thời kỳ trước dịch bệnh...
Thậm chí, so với các doanh nghiệp dệt may FDI trên địa bàn, chế độ lương và phúc lợi của May Sông Hồng tốt hơn, bởi thế, không ít lao động lành nghề đã tìm đến Công ty tham gia các đợt tuyển dụng nhân công sau giai đoạn giãn cách xã hội. Với các lao động có tay nghề, May Sông Hồng vẫn tuyển dụng để chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng cho giai đoạn phát triển hậu dịch.
Cũng bởi thế, kế hoạch sản xuất - kinh doanh năm 2020 với doanh thu thuần đạt 3.200 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 250 tỷ đồng, giảm lần lượt 27 và 54% so với cùng kỳ mà Ban lãnh đạo Công ty đệ trình Đại hội đồng cổ đông được giới đầu tư đánh giá là kịch bản thận trọng. Thực tế, trong quý I, với tháng 3 chịu đỉnh điểm tác động của đại dịch, May Sông Hồng vẫn đạt doanh thu gần 940 tỷ đồng, chỉ giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo chia sẻ của lãnh đạo Công ty, từ tháng 6 trở lại đây, các đơn hàng đã về khá tốt. Với kịch bản thận trọng nhất, May Sông Hồng vẫn đảm bảo tỷ lệ cổ tức 25-35% cho các cổ đông trong năm 2020.
Hiện May Sông Hồng được đánh giá là doanh nghiệp dệt may nằm trong nhóm có hiệu quả cao nhất Việt Nam. Năm 2019, biên lợi nhuận gộp của Công ty đạt 76,4% ở mảng FOB, nhờ vậy, lợi nhuận trước thuế của Công ty đạt 546,5 tỷ đồng, vượt 15% kế hoạch đề ra, lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 21,7% so với năm 2018.
Năm nay, Công ty tiếp tục ưu tiên cho việc hoàn thiện áp dụng phần mềm tiên tiến để đảm bảo năng suất, chất lượng, và nâng cao hiệu quả quản trị; tiếp tục hoàn thiện hóa hệ thống quản trị nội bộ để nâng cao năng lực điều hành sản xuất - kinh doanh, tăng năng suất lao động, giảm chi phí. Mục tiêu chiến lược mà May Sông Hồng hướng tới là xây dựng Công ty ngày càng vững mạnh hơn, hiệu quả hơn, trở thành một nhà cung cấp sản phẩm dệt may thời trang lớn và có uy tín trong chuỗi cung ứng hàng dệt may toàn cầu, tiếp tục đứng trong Top đầu các doanh nghiệp dệt may có tổng kim ngạch xuất khẩu lớn nhất Việt Nam.
Phân tích về May Sông Hồng, Công ty Chứng khoán VNDirect nhận định, những thông tin tích cực về EVFTA sẽ giúp tăng kỳ vọng về xuất khẩu của Công ty sang thị trường châu Âu trong dài hạn khi đáp ứng được quy tắc xuất xứ. Đây sẽ là thị trường tiềm năng bên cạnh thị trường Mỹ, hiện chiếm hơn 40% doanh thu của Công ty. Châu Âu là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của ngành dệt may Việt Nam với giá trị xuất khẩu năm 2019 đạt 4,3 tỷ USD. Hiện nay, doanh thu từ thị trường châu Âu chỉ chiếm khoảng 10% doanh thu của May Sông Hồng.
VNDirect đánh giá, cổ phiếu MSH của Công ty đang giao dịch ở mức P/E 2020 chưa tới 4,5 lần - thấp nhất trong vòng 1 năm qua. Đây là cơ hội tốt để tích lũy cổ phiếu cho dài hạn với tỷ suất cổ tức hấp dẫn.