Khó thực hiện được 100% kết luận kiểm toán

Kết thúc năm 2018, các đơn vị được kiểm toán chỉ thực hiện hơn 73% tổng số kiến nghị, kết luận xử lý tài chính năm 2017 của Kiểm toán Nhà nước (KTNN). Theo ông Lê Huy Trọng, Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành V, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc khó thực hiện được 100% kết luận kiểm toán.
Ông Lê Huy Trọng, Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành V.

Ông Lê Huy Trọng, Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành V.

Thưa ông, vì sao chưa năm nào kiến nghị, kết luận xử lý tài chính của kiểm toán được thực hiện 100%?

KTNN đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp nâng cao hiệu lực thực hiện kiến nghị, kết luận kiểm toán; phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong việc kiểm tra, đối chiếu tình hình thực hiện kiến nghị, kết luận kiểm toán, vì vậy, tình hình thực hiện kiến nghị, kết luận của KTNN đã được cải thiện.

Cụ thể, đến ngày 31/12/2018, các đơn vị được kiểm toán đã thực hiện được trên 73% (với tổng số tiền 66.415,5 tỷ đồng) kiến nghị, kết luận kiểm toán năm 2017.

Năm 2018, qua thực hiện 256 cuộc kiểm toán, chúng tôi đã kiến nghị xử lý tài chính 89.600 tỷ đồng, trong đó thu về ngân sách nhà nước 20.518 tỷ đồng, giảm chi ngân sách nhà nước 23.948 tỷ đồng và xử lý tài chính khác 45.134 tỷ đồng, đã được các đơn vị thực hiện và sẽ tiếp tục thực hiện trong năm 2019.

Các đơn vị chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa hết kiến nghị xử lý tài chính, đặc biệt nộp tiền vào ngân sách nhà nước năm 2018 cũng như các năm trước sẽ tiếp tục thực hiện, nhưng nhìn chung, không bao giờ đạt được 100%, đạt được 80 - 90% đã là quá tốt.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

Thứ nhất, kiểm toán lĩnh vực đầu tư, KTNN kiến nghị giảm quyết toán, nhưng công trình chưa quyết toán thì chưa thể thực hiện được.

Thứ hai, nhiều đơn vị được kiểm toán gặp khó khăn thực sự, không có nguồn tài chính nên chậm nộp tiền vào ngân sách nhà nước.

Thứ ba, ngoài các đơn vị “chây ỳ”, có không ít đơn vị sau khi kiểm toán đã giải thể, phá sản, ngừng hoạt động chờ giải thể, nên việc thực hiện 100% kết luận, kiến nghị xử lý tài chính là không thể.

Chẳng lẽ không có cơ chế nào xử lý những đơn vị “chây ỳ” trong thực hiện kiến nghị, kết luận xử lý tài chính của KTNN?

Luật Xử phạt vi phạm hành chính chưa trao quyền cho KTNN xử phạt đối với hành vi chậm thực hiện kiến nghị, kết luận, nên KTNN chỉ có biện pháp duy nhất là gửi công văn nhắc nhở. Ngoài ra, hàng năm, Tổng KTNN gửi “công thư” tới Bí thư Tỉnh ủy đề nghị chỉ đạo các cơ quan có chức năng và đơn vị được kiểm toán thực hiện kiến nghị, kết luận xử lý tài chính.

Cách thức này đạt hiệu quả nhất định, nhưng cần phải có chế tài, ví dụ như nếu chậm thực hiện sẽ phải nộp tiền chậm nộp tương tự như trường hợp chậm nộp tiền thuế đã được quy định trong Luật Quản lý thuế. Sau một thời gian không thực hiện thì phải bị xử lý vì báo cáo kiểm toán của KTNN sau khi phát hành và công khai có giá trị bắt buộc phải thực hiện đối với đơn vị được kiểm toán.

Có một thực tế là, không ít đơn vị được kiểm toán không thực hiện ngay kiến nghị, kết luận xử lý tài chính vì cho rằng, kiến nghị chưa đúng, thưa ông?

Theo Luật KTNN, đơn vị có quyền khiếu nại về đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị kiểm toán trong báo cáo kiểm toán khi có căn cứ cho rằng, đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị đó là trái pháp luật. Thậm chí, đơn vị được kiểm toán còn có quyền yêu cầu KTNN bồi thường thiệt hại trong trường hợp gây thiệt hại cho đơn vị được kiểm toán.

Trên thực tế, chưa có trường hợp nào khiếu nại kiến nghị, kết luận của KTNN, mà chỉ có trường hợp đơn vị được kiểm toán đề nghị kiểm tra lại báo cáo kiểm toán. Mỗi khi nhận được đề nghị kiểm tra lại, Tổng KTNN đều chỉ đạo Vụ Tổng hợp chủ trì, phối hợp với Vụ Pháp chế và đơn vị chủ trì kiểm toán rà soát lại báo cáo kiểm toán và trả lời cụ thể với đơn vị đề nghị.

Có những trường hợp chúng tôi chấp nhận với đề nghị sau khi đơn vị được kiểm toán giải trình; có trường hợp không đồng ý và có những trường hợp chúng tôi cùng với đơn vị được kiểm toán cùng nhau làm rõ những nội dung đề nghị. Vì vậy, chưa có trường hợp nào đơn vị được kiểm toán khởi kiện ra tòa liên quan đến kết luận, kiến nghị của KTNN.

Để giảm thiểu tình trạng đề nghị kiểm tra lại báo cáo kiểm toán, KTNN luôn chú trọng nâng cao công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán theo hướng tăng cường các cuộc kiểm soát chất lượng kiểm toán trực tiếp và đột xuất để chấn chỉnh hạn chế, thiếu sót ngay trong quá trình kiểm toán.

Ngoài việc kiểm soát chất lượng kiểm toán theo 5 cấp độ được coi là hoạt động bắt buộc đối với tất cả các cuộc kiểm toán, trong năm 2018, KTNN đã thực hiện kiểm soát trực tiếp đối với 12 cuộc, kiểm soát đột xuất 17 cuộc, kiểm tra hồ sơ sau khi phát hành báo cáo kiểm toán 4 cuộc; gắn trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị, trưởng đoàn kiểm toán với chất lượng, tiến độ lập và phát hành báo cáo kiểm toán. 

Trong trường hợp có chế tài xử lý đủ mạnh, liệu 100% kết luận, kiến nghị kiểm toán có được thực hiện không?

Không thể có chuyện 100% kiến nghị, kết luận kiểm toán được thực hiện, không chỉ với Việt Nam, mà các nước trên thế giới cũng vậy. Ví dụ, trường hợp doanh nghiệpgiải thể, phá sản, đóng cửa, còn khoản nợ với ngân sách nhà nước thì làm sao mà thực hiện kết luận, kiến nghị của kiểm toán được.

Ngay cả nhiều trường hợp doanh nghiệp đang tồn tại, thậm chí hoạt động sản xuất, kinh doanh rất hiệu quả cũng không xử lý được kiến nghị, kết luận về tài chính. Đơn cử, khi kiểm toán phát hiện ra doanh nghiệp sau khi chuyển thành công ty cổ phần đã sử dụng đất sai mục đích, như sử dụng đất được giao, cho thuê xây dựng chung cư, xây biệt thự trong sân golf.

Chủ đầu tư đã thoái vốn khỏi doanh nghiệp, chung cư đã bán rồi, biệt thự cũng bán rồi, không thể yêu cầu phá chung cư, phá biệt thự được và cũng không thể bắt chủ đầu tư mới phải chịu trách nhiệm về tài chính do chủ đầu tư cũ để lại.

Nhiều cuộc kiểm toán phát hiện ra việc xác định giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa chưa sát giá thị trường; giá trị đất đai, giá trị quyền thuê đất đai ở những vị trí đắc địa tính không sát giá thị trường, thậm chí không tính vào giá trị doanh nghiệp; nhiều tài sản có giá trị khác cũng định giá không sát giá thị trường, cũng không xử lý được vì doanh nghiệp đã thoái hết vốn.

Doanh nghiệp đã niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, không thể bắt nhà đầu tư hiện hữu phải nộp khoản chênh lệch tài chính do xác định giá trị doanh nghiệp, đất đai, tài sản không đúng vào ngân sách nhà nước.

Tin bài liên quan