Khiếu nại giám đốc thẩm, tái thẩm: "Tắc đường"

Khiếu nại giám đốc thẩm, tái thẩm: "Tắc đường"

(ĐTCK) Con số tồn đọng quá lớn là điều khiến nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn trong buổi thảo luận về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, giám sát hoạt động tư pháp, xét xử và thi hành án ngày hôm nay.

Theo đó, năm 2013, ngành tòa án đã giải quyết gần 7.500 đơn đạt tỷ lệ 63,3% vượt chỉ tiêu Nghị quyết 37. Ngành kiểm sát chỉ giải quyết trên 2.000 đơn đạt tỷ lệ 25% là quá thấp. Điều này cho thấy công tác giải quyết đơn giám đốc thẩm, tái thẩm có chuyển biến nhưng vẫn còn nhiều hạn chế.

Cả hai ngành tòa án, kiểm sát còn tồn đọng trên 10.000 đơn là con số quá lớn. Giám đốc thẩm, tái thẩm là thủ tục đặc biệt được tiến hành theo trình tự cực kỳ chặt chẽ. Việc kháng nghị chỉ giao duy nhất người đứng đầu các ngành Tòa án, Kiểm sát thực hiện.

Theo đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) với cách làm như hiện nay dẫn đến nhận thức của xã hội, kể cả cơ quan nhà nước xem giám đốc thẩm, tái thẩm là cấp xét xử thứ ba. Có tâm lý thiếu tin tưởng ở cấp phúc thẩm và cố gắng chờ điều kỳ diệu sẽ xảy ra ở cấp xét xử thứ ba này làm thay đổi bản án.  Thời gian qua nhiều bản án, quyết định bị hủy theo trình tự đặc biệt này.

“Tôi đề nghị ngành tòa án, kiểm sát cần đổi mới công tác giám đốc thẩm, tái thẩm và quy định chặt chẽ không để bị lợi dụng, cần tăng cường chất lượng xét xử giám đốc thẩm, phúc thẩm và thực hiện triệt để nguyên tắc xét xử hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm”, đại biểu Huỳnh Nghĩa nói.

Có ý kiến đại biểu đề nghị chỉ nên kháng nghị xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm trong trường hợp cần phải thay đổi nội dung bản án cho đúng với pháp luật, còn kháng nghị khác thì không nên, nhằm tránh tiêu cực, mất thời gian.

Đồng thời, ngành tòa án, kiểm sát cần siết chặt kỷ cương trong công tác cán bộ đối với thẩm phán, kiểm sát viên có án bị hủy do lỗi chủ quan thì phải tiến hành kiểm điểm, làm rõ nguyên nhân sai phạm. Những vụ án oan sai cần xử lý kịp thời, đúng pháp luật, nhằm đem lại công lý cho xã hội. Kiên quyết không bổ nhiệm lại những người có án bị hủy, khắc phục tình trạng che giấu số lượng án bị hủy mỗi khi làm thủ tục tái bổ nhiệm, làm được điều này chắc chắn chất lượng xét xử án sẽ nâng cao, đơn giám đốc thẩm, tái thẩm sẽ không quá nhiều như hiện nay.