Hạn chế tranh chấp với Hải quan, được không?

Hạn chế tranh chấp với Hải quan, được không?

(ĐTCK) Tranh chấp giữa Hải quan và doanh nghiệp đã trở lên phổ biến hơn với tính chất phức tạp hơn. Giải pháp hạn chế mâu thuẫn đã đến mức phải đưa vào Luật.

Theo Tờ trình dự thảo Luật Hải quan (sửa đổi) do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày, Luật Hải quan (sửa đổi) tập trung bốn nội dung cơ bản.

Thứ nhất là nhóm vấn đề về cải cách thủ tục hải quan, hiện đại hoá quản lý hải quan, nội luật hoá các cam kết quốc tế đáp ứng yêu cầu hội nhập và tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu.

Hai là nhóm vấn đề về nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý hải quan; tăng cường công tác bảo vệ lợi ích, chủ quyền quốc gia và an ninh kinh tế nhằm phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới, gian lận thương mại.

Ba là nhóm vấn đề về sửa đổi, bổ sung những quy định trong Luật hiện hành để bảo đảm tính thống nhất, khả thi của pháp luật hải quan, phù hợp với văn bản pháp luật có liên quan và thực tế hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu.

Bốn là nhóm vấn đề liên quan đến kiện toàn hệ thống tổ chức hải quan.

Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Pháp luật tán thành xác định trước mã số, xuất xứ, trị giá hải quan. Tuy nhiên, để hạn chế các tranh chấp có thể phát sinh giữa doanh nghiệp và cơ quan hải quan, Ủy ban Pháp luật đề nghị làm rõ giá trị pháp lý của văn bản thông báo cho người khai hải quan kết quả xác định.

Về phối hợp của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tại cửa khẩu và việc áp dụng cơ chế một cửa quốc gia, Ủy ban Pháp luật cho rằng, đây là nội dung quan trọng, cần quy định rõ các nội dung cơ bản của việc xác lập và áp dụng cơ chế một cửa quốc gia. Đồng thời, cần xác định trách nhiệm của cơ quan hải quan, làm rõ cơ chế phối hợp với các cơ quan tại cửa khẩu, đặc biệt là trường hợp hàng hóa đang chịu sự kiểm tra, giám sát hải quan.

Để thực hiện thẩm quyền giám sát đối với hàng hóa chưa thông quan đang trong quá trình kiểm tra đề nghị bổ sung quy định về địa điểm, điều kiện lưu giữ hàng hóa ngoài địa bàn hoạt động hải quan, trách nhiệm phối hợp của các cơ quan có thẩm quyền...

Về việc áp dụng một số biện pháp nghiệp vụ của lực lượng hải quan trong phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại, Ủy ban Pháp luật nhận định, dự thảo Luật hải quan (sửa đổi) quy định giao các thẩm quyền cho lực lượng hải quan là cần thiết, tương xứng với nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, cần cân nhắc thẩm quyền của lực lượng hải quan trong hoạt động điều tra, kiểm soát để một mặt bảo đảm thẩm quyền tương xứng với trách nhiệm, mặt khác tránh tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo với các lực lượng chức năng khác, đồng thời cần bảo đảm các quyền nhân thân, quyền tài sản của cá nhân.