Hà Nội điều chuyển các tuyến vận tải: Chậm trễ và nóng vội

Hà Nội điều chuyển các tuyến vận tải: Chậm trễ và nóng vội

Việc cả trăm xe bỏ khách, rồng rắn từ Thái Bình, Nam Định kéo lên Thủ đô trong những ngày qua để phản ứng, gây sức ép với quyết định điều chuyển các tuyến vận tải của UBND TP. Hà Nội cho thấy một chủ trương đúng đắn, có lợi về lâu dài, nhưng có thể bị phá vỡ, thậm chí gây căng thẳng trong xã hội nếu công tác triển khai không hợp lý, thiếu sự chuẩn bị chu đáo.

Cần phải nói thêm rằng, cuộc đối thoại căng thẳng giữa các nhà xe và lãnh đạo UBND TP. Hà Nội, Bộ Giao thông - Vận tải diễn ra một ngày sau đợt “biểu dương lực lượng” này là không đủ để xả bớt áp lực khi những bức xúc của doanh nghiệp (DN) mới dừng ở lời hứa “xem xét, đánh giá lại”.

Trước đó, hơn 600 lượt xe khách, chủ yếu chạy các tuyến từ Hà Nội đi Nam Định, Thái Bình, Nghệ An, Thanh Hóa và ngược lại, đang khai thác tại Bến xe Mỹ Đình cũng phải sang hoạt động tại Bến xe Nước Ngầm kể từ ngày 2/1/2017 theo nguyên tắc không để xảy ra tình trạng xe đi xuyên tâm, nhằm giảm ùn tắc, tai nạn giao thông trên tuyến vành đai III của Thành phố.

Hành vi bỏ mặc hành khách ở bến xe, từ chối phục vụ để phản đối còn cho thấy tư duy ai cũng chỉ thích “được việc mình”, mà bỏ quên lợi ích chung, biến hành khách thành con tin mỗi khi xảy ra xung đột, mâu thuẫn lợi ích với cơ quan quản lý.

Giải pháp giảm áp lực cho giao thông đô thị này được đánh giá là đúng đắn. Chỉ có điều, tại Hà Nội, lẽ ra chúng cần phải làm quyết liệt từ nhiều năm trước đây khi quy mô luồng tuyến còn ở mức vừa phải, khi những thay đổi như trên không gây quá nhiều xáo trộn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, cho cuộc sống của người dân.

Ở chiều ngược lại, không phải vô cớ mà các hãng xe tố Hà Nội đã nóng vội, mang nặng  tính cưỡng bức, chỉ được việc cho cơ quan quản lý, mà không có cơ chế hỗ trợ tương thích cho các doanh nghiệp vận tải giảm bớt khó khăn.

Thực tế hoạt động của doanh nghiệp cũng cho thấy, việc sắp xếp, điều chuyển luồng tuyến chưa đạt yêu cầu khi sau 2 tháng thực hiện, bởi có rất ít khách vào bến xe Nước Ngầm để đón xe đi các tỉnh Nam Định, Thái Bình, đẩy các doanh nghiệp vào nguy cơ thua lỗ. Ngoài tác động của việc chuyển luồng tuyến, một trong những nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong thời gian qua là tình trạng xe dù, bến cóc có xu hướng  tăng mạnh xung quanh khu vực bến xe Mỹ Đình, trong khi lực lượng chức năng buông lỏng kiểm soát. Hơn nữa, bến xe Giáp Bát cũng nằm trên trục đường bến xe Nước Ngầm, nhưng gần trung tâm thành phố hơn và cũng có các tuyến từ Hà Nội đi Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, nên đương nhiên được hành khách lựa chọn, thay vì đi xuống bến xe Nước Ngầm.

Bức xúc của doanh nghiệp vận tải còn đến từ việc trong thời gian qua, Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội đã cấp phép cho rất nhiều xe khách loại 9 và 16 chỗ ngồi hoạt động trên địa bàn Thành phố. Đây phần lớn là các xe khách dù, hoạt động trá hình dưới hình thức xe hợp đồng, thường đi sâu vào trung tâm Thành phố, len lỏi trong khu dân cư để đón, trả khách. Tình trạng này không những ảnh hưởng trật tự, an toàn giao thông, mà còn tạo sự cạnh tranh không lành mạnh, thiệt hại cho các doanh nghiệp vận tải khai thác trong bến.

Sẽ là vô cảm nếu không ghi nhận, chia sẻ với khó khăn với doanh nghiệp vận tải, nhưng nếu thỏa mãn yêu cầu quay về Mỹ Đình lại là “thiếu lý trí” bởi việc đó lại đẩy giao thông Hà Nội rơi vào thế hỗn loạn, kéo dài.

Nhằm kiểm soát chặt hơn tình trạng xe khách trá hình, bảo đảm hoạt động cạnh tranh lành mạnh, có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hợp lý, các cơ quan chức năng đang đề xuất tổ chức hình thức vận tải mới, phối hợp kiểm tra, rà soát phí bến bãi, giá thuê quầy bán vé và các dịch vụ khác tại bến xe Nước Ngầm, đồng thời tổ chức lại giao thông, tiếp tục bố trí các tuyến buýt kết nối thuận tiện giữa các bến xe… Song bản thân các hãng xe cũng cần phải nhìn lại mình khi chính họ chưa chấp hành đầy đủ luật pháp, tạo thói quen rất xấu cho người dân là cứ đứng đường chờ xe, tiện đâu đón đấy. Hành vi bỏ mặc hành khách ở bến xe, từ chối phục vụ để phản đối còn cho thấy tư duy ai cũng chỉ thích “được việc mình”, mà bỏ quên lợi ích chung, biến hành khách thành con tin mỗi khi xảy ra xung đột, mâu thuẫn lợi ích với cơ quan quản lý.

Tin bài liên quan