Giao dịch chứng khoán sáng ngày 27/5: Cổ phiếu POW bùng nổ

Giao dịch chứng khoán sáng ngày 27/5: Cổ phiếu POW bùng nổ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong bối cảnh thị trường chung giao dịch phân hóa và VN-Index biến động nhẹ quanh mốc tham chiếu, thì dòng tiền vẫn hướng tới nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, đặc biệt là cổ phiếu POW giao dịch bùng nổ.

Phiên biến động mạnh ngày cuối tuần qua 24/5 đã khiến thị trường “đi chệch” xu hướng tích lũy và chuyển qua trạng thái rủi ro hơn. Tuy nhiên, điểm sáng chính là áp lực bán tháo chưa có dấu hiệu xảy ra khi toàn thị trường chỉ có một vài mã giảm sàn và lực cầu phản ứng khá tốt tại vùng hỗ trợ MA50 đã giúp VN-Index đóng cửa hình thành cây nến rút chân đóng cao hơn đường hỗ trợ chéo kéo dài từ tháng 9/2023.

Theo ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Investment Bank, có thể thị trường sẽ có thể bật tăng trở lại nhưng xu hướng giảm điểm nhiều khả năng vẫn chưa kết thúc khi USDX liên tục mạnh lên. Do đó, tuần giao dịch cuối cùng của tháng 5, thị trường có thể có sự giằng co từ mức 1.250 tới dưới 1.300 điểm.

Quay lại diễn biến thị trường phiên sáng đầu tuần ngày 27/5, không nằm ngoài nhận định chung của giới phân tích, tâm lý nhà đầu tư nhanh chóng trở lại trạng thái thận trọng sau diễn biến bất ngờ của thị trường cuối tuần qua.

Cùng diễn biến phân hóa trên thị trường chung, chỉ số VN-Index biến động rung lắc nhẹ quanh mốc tham chiếu với thanh khoản giảm khá mạnh.

Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ đang là tâm điểm đáng chú ý của thị trường. Đặc biệt là cổ phiếu POW có phiên nổi sóng lớn khi có thời điểm chạm trần và hiện đang tăng trên dưới 6% với thanh khoản đột biến, đạt hơn 26 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, nhiều mã vừa và nhỏ khác như EVF, TCH cũng đang tăng trên dưới 4% với thanh khoản chỉ thua POW, đạt gần 10 triệu đơn vị; các mã khác như JVC, VIP đang trong trạng thái dư mua trần, PSH, HVH, PIT, FIR đều tăng mạnh…

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 209 mã tăng và 181 mã giảm, VN-Index tăng 2 06 điểm (+0,16%) lên 1.263,99 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 309 triệu đơn vị, giá trị hơn 7.392,78 tỷ đồng, giảm mạnh 47,87% về khối lượng và 51,71% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 35 triệu đơn vị, giá trị gần 869,3 tỷ đồng.

Nhóm VN30 cùng xu hướng chung nhưng chốt phiên giảm nhẹ 0,5 điểm, với 15 mã tăng và 11 mã giảm. Trong đó, POW vẫn là tâm điểm khi chốt phiên tăng 5,7% lên mức 12.000 đồng/CP, đây là mức giá cao nhất trong khoảng 8 tháng qua kể từ cuối tháng 9/2023. Đồng thời, thanh khoản của POW cũng bùng nổ với 26,32 triệu đơn vị khớp lệnh, gấp hơn 3 lần mức thanh khoản trung bình của 10 phiên gần đây.

Tuy nhiên, động lực đóng góp chính cho thị trường là GVR – đóng góp hơn 1 điểm cho chỉ số chung, chốt phiên tăng 3,1% lên mức 35.300 đồng/CP. Các mã tăng tốt khác là BVH tăng 2,2%, GAS và BCM đều tăng hơn 1%...

Ngược lại, HDB giảm mạnh nhất là 1,9%, tiếp theo là MWG giảm 1,2%, còn lại chỉ điều chỉnh nhẹ trên dưới 0,5%.

Xét về nhóm ngành, nhóm tác động ít tới thị trường là dịch vụ tư vấn, hỗ trợ có mức tăng tốt nhất đạt 3,93%; tiếp theo là nhóm sản phẩm cao su tăng 2,36%.

Ngoài ra, nhóm cổ phiếu bảo hiểm vẫn duy trì diễn biến tích cực. Bên cạnh BVH tăng tốt, các mã khác như BIC, BMI, PVI, VNR đều tăng hơn 1,5%.

Trong khi đó, nhóm chứng khoán giao dịch phân hóa và gần như không mấy biến động. Trong đó, SSI là mã giao dịch sôi động nhất ngành, chỉ khớp hơn 5,4 triệu đơn vị, chốt phiên giảm nhẹ 0,3%; còn VIX khớp hơn 4,2 triệu đơn vị, chốt phiên đứng giá tham chiếu.

Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu trụ cột ngân hàng lại đảo chiều giảm nhẹ bởi sắc đỏ xuất hiện tại BID, VCB, CTG, TCB… Nhưng một số mã ở top sau lại có diễn biến tích cực hơn, như EIB tăng 1,7% và khớp hơn 8 triệu đơn vị, SHB tăng nhẹ 0,4% và khớp 6,3 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, thị trường cũng rung lắc và liên tục đổi sắc.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 84 mã tăng và 57 mã giảm, HNX-Index tăng 0,37 điểm (+0,15%) lên 242,09 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 34,89 triệu đơn vị, giá trị 596,3 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 6,69 triệu đơn vị, giá trị 87,47 tỷ đồng.

Bộ 3 cổ phiếu nhà APEC vẫn là tâm điểm của thị trường. Trong đó, IDJ chốt phiên đứng tại mức giá trần 7.300 đồng/CP và thanh khoản dẫn đầu thị trường với 4,13 triệu đơn vị khớp lệnh, cùng lượng dư mua trần 1,32 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, APS và API cũng dư mua trần trên dưới nửa triệu đơn vị, chốt phiên đều khoe sắc tím với thanh khoản đạt gần 2,2 triệu đơn vị và 0,9 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường vẫn giữ đà tăng điểm trong suốt cả phiên sáng.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,47 điểm (+0,5%) lên 94,88 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 22,86 triệu đơn vị, giá trị 420,73 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,32 triệu đơn vị, giá trị 35,79 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR hạ nhiệt sau những phiên nổi sóng lớn. Chốt phiên sáng nay, BSR đứng giá tham chiếu với thanh khoản vẫn dẫn đầu thị trường dù chỉ đạt hơn 3,5 triệu đơn vị.

Trong khi đó, VEA vẫn nóng, chốt phiên tăng 4,2% và khớp hơn 2,5 triệu đơn vị.

Tin bài liên quan