Sau khi kết thúc tháng 7 khá ấn tượng khi bỏ qua những dự báo của giới phân tích cùng sự lo ngại của nhà đầu tư về xu hướng hồi phục khá nhanh của thị trường trong tháng 5 và 6, chỉ số VN-Index tiếp tục chinh phục những đỉnh cao mới và ghi nhận mức tăng hơn 100 điểm, chính thức vượt thành công ngưỡng kháng cự mạnh 1.200 điểm.
Phiên hôm qua, phiên giao dịch đầu tiên của tháng 8 rất cần chú ý, diễn biến của phiên cho thấy quán tính tăng mạnh vẫn khá thuận lợi trong phiên sáng, khi thị trường tiếp tục nhận được sự dẫn dắt của cặp đôi lớn VIC và VHM. Tuy nhiên, VN-Index đã gặp “biến cố” ngay khi bước vào phiên giao dịch chiều.
Áp lực bán chốt lời gia tăng mạnh, đặc biệt ở nhóm cổ phiếu bất động sản, đã khiến thị trường đảo chiều giảm điểm, dù VN-Index vẫn nhận được sự tiếp sức của VIC và VCB. Một phiên giảm điểm sau khoảng thời gian dài tăng nóng có lẽ là điều cần thiết để giúp các chỉ báo kỹ thuật trở lại trạng thái ổn định hơn.
Đặc biệt, trong phiên đảo chiều giảm điểm ngày hôm qua, thị trường đã xác lập mức thanh khoản tăng vọt, vượt ngưỡng 25.000 tỷ đồng, xác lập mức cao nhất trong khoảng 15 tháng, kể từ đầu tháng 4/2022 đến nay, cho thấy dòng tiền vẫn được giữ ở thị trường và có thể là động lực để giúp chỉ số sớm trở lại xu hướng tăng.
Tuy nhiên, với diễn biến phiên hôm qua, theo VCBS, chỉ số VN-Index có thể sẽ co giật, rung lắc trong phiên và xác suất giảm điểm mạnh, bất ngờ cần được tính đến.
Quay lại diễn biến thị trường phiên sáng 2/8, sau “cơn gió lạ” ngày hôm qua, tâm lý nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn và chỉ số VN-Index rung lắc và biến động nhẹ quanh mốc tham chiếu.
Sau hơn 90 phút mở cửa, áp lực bán chiếm ưu thế khi trên sàn HOSE, số mã giảm gần gấp đôi số mã tăng, tuy nhiên lực bán không quá lớn đã giúp VN-Index chỉ giảm nhẹ hơn 1 điểm. Nhóm bluechip cũng không mấy khả quan, trong rổ VN30, số mã giảm gấp gần 3 lần số mã tăng và chỉ số của nhóm này đang đứng tại mốc 1.220 điểm.
Trong nhóm Vingroup, cổ phiếu VHM và VRE đều giảm nhẹ trên dưới 1%, đồng thời VIC cũng quay xe sau 2 phiên tăng trần liên tiếp và hiện đang giảm nhẹ 0,2%.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán dù khá yếu nhưng đều đang là những điểm tựa ngăn đà giảm sâu của thị trường.
Trong dòng bank, hầu hết đều khởi sắc ngoại trừ SSB và HDB đang giảm nhẹ. Tăng tốt nhất ngành vẫn là EIB hiện đang tăng trên dưới 4%, nhưng hỗ trợ tốt nhất cho thị trường là CTG đang tăng 2%.
Ở nhóm chứng khoán, cặp VND và VIX vẫn là các mã giao dịch sôi động nhất ngành và hiện đang tăng nhẹ trên dưới 1%.
Thị trường vẫn trong trạng thái rung lắc và liên tục đổi sắc trong suốt cả phiên sáng, cùng thanh khoản sụt giảm khá mạnh.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 155 mã tăng và 268 mã giảm, VN-Index tăng nhẹ 0,45 điểm (+0,04%), lên 1.218,01 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 438,96 triệu đơn vị, giá trị 8.791,32 tỷ đồng, giảm 20,89% về khối lượng và 24,87% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 28,39 triệu đơn vị, giá trị 544,38 tỷ đồng.
Nhóm VN30 vẫn duy trì trạng thái không mấy tích cực khi các mã lớn như MSN, VIC, FPT, VHM, VNM, SAB… đều mất điểm, dù đà giảm không quá lớn chỉ trên dưới 1%.
Ngược lại, cổ phiếu tăng tốt nhất là NVL khi chốt phiên đạt 2,5%, nhưng điểm tựa chính giúp thị trường có được sắc xanh là cặp đôi lớn nhà bank là BID và CTG đều tích cực khi tăng trên 2%.
Xét về nhóm ngành, cùng sự hỗ trợ của bộ đôi trên, dòng bank tiếp tục nhích nhẹ và thuộc 3 nhóm có mức tăng tốt nhất thị trường với sự đảo chiều của anh cả VCB khi nhích nhẹ 0,11%. Các mã ngược dòng là TPB và HDB chỉ giảm nhẹ trên dưới 0,5%.
Trong đó, EIB vẫn tăng tốt nhất ngành khi chốt phiên tăng 3,3% lên mức 22.150 đồng/CP và khớp hơn 8,78 triệu đơn vị.
Nhóm tăng tốt nhất là nông nghiệp, với HAG tăng 2,2% lên 9.100 đồng/CP và khớp 13,46 triệu đơn vị, HNG tăng kịch trần, DBC tăng hơn 1%...
Ở nhóm bất động sản, trong khi các mã đầu ngành như VIC và VHM đảo chiều điều chỉnh, thì nhóm vừa và nhỏ đang có những tín hiệu tích cực với sắc xanh quay lại như NVL tăng 2,5% với thanh khoản dẫn đầu thị trường đạt hơn 24,54 triệu đơn vị; tiếp theo là DXG khớp 15,29 triệu đơn vị và cũng khởi sắc trở lại với mức tăng 1,9% lên 18.400 đồng/CP. Ngoài ra, CII tăng 2,2%, DIG tăng 1,2%, KHG tăng 1,3%, PDR tăng 1,2%...
Trên sàn HNX, dù có chút điều chỉnh nhẹ giữa phiên nhưng thị trường nhanh chóng khởi sắc trở lại.
Chốt phiên, sàn HNX có 64 mã tăng và 83 mã giảm, HNX-Index tăng 0,75 điểm (+0,31%), lên 240,09 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 46,34 triệu đơn vị, giá trị 764,32 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể, chưa tới 4 tỷ đồng.
Cặp đôi bất động sản là CEO và IDC đảo chiều hồi phục sắc xanh và có mức tăng tốt nhất trong rổ HNX30, trong đó CEO chốt phiên tăng 1,1% và khớp hơn 4 triệu đơn vị, còn IDC tăng 2,1% lên 48.800 đồng/CP và khớp 2,38 triệu đơn vị.
Tuy nhiên, SHS vẫn dẫn đầu thanh khoản thị trường với 6,78 triệu đơn vị khớp lệnh, dù diễn biến giá rung lắc nhưng chốt phiên tăng nhẹ 0,7% lên 15.100 đồng/CP.
Trên UPCOM, thị trường cũng hồi phục sắc xanh.
Chốt phiên sáng, UpCoM-Index tăng 0,36 điểm (+0,4%), lên 90,57 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 25,67 triệu đơn vị, giá trị 394,44 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,86 triệu đơn vị, giá trị 22,9 tỷ đồng.
Điểm sáng thị trường thuộc về DGT khi bất ngờ có pha quay xe ngoạn mục, chốt phiên tăng 8,6% lên mức 8.800 đồng/CP, khối lượng giao dịch chỉ thua BSR với 1,81 triệu đơn vị.
Cổ phiếu BSR cũng đảo chiều tăng 1%, chốt phiên đứng tại mức giá 19.900 đồng/CP, với thanh khoản vượt trội, đạt 7,47 triệu đơn vị. Trong khi OIL vẫn chưa thoát khỏi sắc đỏ và chốt phiên giảm nhẹ 0,9% xuống 11.100 đồng/CP.