Giao dịch chứng khoán sáng 15/3: Cổ phiếu bất động sản nóng trở lại, VN-Index vẫn mất điểm

Giao dịch chứng khoán sáng 15/3: Cổ phiếu bất động sản nóng trở lại, VN-Index vẫn mất điểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dòng tiền nhập cuộc sôi động với điểm đến là các cổ phiếu bất động sản, giúp các mã này đua nhau khởi sắc trong phiên sáng cuối tuần ngày 15/3, tuy nhiên không đủ sức để giúp VN-Index đảo chiều thành công.

Mặc dù thị trường đã xuất hiện tín hiệu bùng nổ trong phiên 13/3 khi dòng tiền lan tỏa đã tiếp sức giúp VN-Index bốc đầu lên ngưỡng 1.270 điểm, nhưng đà tăng không thể duy trì trong phiên 14/3 bởi áp lực bán vẫn luôn thường trực ở vùng giá này. Điều này không quá bất ngờ khi thị trường trở lại vùng đỉnh ngắn hạn và khả năng cao VN-Index cần đi ngang, tích lũy sau những phiên biến động mạnh.

Xét về yếu tố kỹ thuật, phiên điều chỉnh giảm ngày 14/3 cho thấy chỉ báo RSI đang hướng xuống, nhưng MACD mới hình thành một đỉnh và chưa có dấu hiệu hình thành đỉnh thứ 2. Do đó, chỉ số VN-Index trong ngắn hạn vẫn sẽ có những phiên rung lắc tích lũy.

Theo SHS, dù trong ngắn hạn VN-Index có thể tiếp tục tăng tới vùng kháng cự mạnh 1.300 điểm, nhưng nhịp tăng vượt qua 1.250 điểm vừa qua là chưa đủ tin cậy, nên rủi ro thị trường biến động bất thường là cao. Sau khi kết thúc đà hưng phấn, VN-Index sẽ điều chỉnh trở lại trong kênh 1.150 – 1.250 điểm.

Quay lại diễn biến thị trường phiên sáng cuối tuần ngày 15/3, quán tính điều chỉnh nhẹ vẫn tiếp tục tiếp diễn bởi áp lực bán thường trực. Đáng chú ý, mốc 1.260 điểm đang làm tốt vai trò hỗ trợ thị trường.

Sau khoảng 80 phút giao dịch, chỉ số VN-Index đang biến động rung lắc nhẹ quanh mốc tham chiếu với thanh khoản khá sôi động.

Đáng chú ý, trong khi nhóm trụ cột ngân hàng tiếp tục điều chỉnh, cùng áp lực bán chốt lời khiến các nhóm tăng nóng vừa qua như công nghệ thông tin, bán lẻ, chế biến thủy sản… cũng đảo chiều giảm nhẹ, thì dòng tiền sôi động lại chuyển hướng qua các cổ phiếu bất động sản, giúp các mã này khởi sắc và thanh khoản tăng vọt.

Điển hình, cổ phiếu DIG tăng trên dưới 5% với khối lượng khớp lệnh lên tới hơn 39 triệu đơn vị; các cổ phiếu có giao dịch mạnh tiếp theo cũng trong ngành là DXG, TCH, HDC, đạt trên dưới 10 triệu đơn vị, với DXG và TCH cùng tăng hơn 3%, còn HDC sớm khoe sắc tím và hiện đang dư mua trần tới hơn 1,6 triệu đơn vị.

Ngoài ra, trong top 10 cổ phiếu thanh khoản tốt nhất thị trường còn có sự xuất hiện của các cổ phiếu bất động sản khác như NVL, PDR, LCG, và đều đang tăng trên 1-2%.

Áp lực bán gia tăng về cuối phiên đã khiến VN-Index nới nhẹ biên độ giảm và để mất mốc 1.260 điểm.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 229 mã tăng và 213 mã giảm, VN-Index tăng 2,15 điểm (+0,17%), lên 1.272,66 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 534 triệu đơn vị, giá trị 14.058,5 tỷ đồng, giảm% về khối lượng và 10% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 16,6 triệu đơn vị, giá trị 594 tỷ đồng.

Nhóm VN30 gây sức ép lớn trên thị trường khi chốt phiên giảm tới hơn 10 điểm và chỉ còn 3 mã giữ được sắc xanh là GVR, GAS và VIB tăng trên dưới 1%; còn lại có tới 25 mã giảm, đáng kể là VRE giảm 2,5%, MSN giảm 2%, FPT giảm 1,6%. Trong đó, cổ phiếu VCB vẫn tác động mạnh nhất khi lấy đi 0,82 điểm của chỉ số chung, chốt phiên mã này giảm 0,6%.

Xét về nhóm ngành, với pha đảo chiều lùi về mức giá thấp nhất trong phiên của mã lớn FPT, nhóm cổ phiếu công nghệ đã “dừng chân” sau chuỗi ngày tăng nóng và trở thành nhóm giảm sâu nhất.

Các nhóm ngân hàng và chứng khoán cũng la liệt trong sắc đỏ. Trong dòng bank chỉ còn VIB và EVF chốt phiên tăng nhẹ, còn MBB đứng giá tham chiếu với thanh khoản sôi động nhất ngành nhưng cũng không thuộc top 10 mã có khối lượng khớp lệnh lớn nhất, đạt 7,98 triệu đơn vị.

Ở nhóm chứng khoán, cổ phiếu VND đứng giá tham chiếu với khối lượng khớp 11,22 triệu đơn vị, còn VIX và SSI cùng giảm hơn 1% và khớp lệnh trên 8,6 triệu đơn vị.

Trong khi đó, các mã bất động sản vẫn giao dịch khởi sắc dù đã hạ độ cao đôi chút. Trong đó, HDC giữ sức nóng khi chốt phiên dư mua trần hơn 1,28 triệu đơn vị và khớp lệnh 10,15 triệu đơn vị; các mã khác như DIG tăng 3,1% và khớp lệnh lên tới hơn 50,83 triệu đơn vị, gấp gần 3 lần mã đứng thứ 2 là DXG khớp 17,83 triệu đơn vị và mã này chốt phiên tăng 2,2%...

Trên sàn HNX, thị trường cũng đuối sức về cuối phiên.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 94 mã tăng và 61 mã giảm, HNX-Index tăng 2,43 điểm (+1,02%), lên 240,63 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 94,7 triệu đơn vị, giá trị 2.028,7 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,19 triệu đơn vị, giá trị 7,2 tỷ đồng.

Các cổ phiếu chứng khoán trên HNX cũng kém khả quan, trong đó SHS giảm 0,5% và khớp 11,48 triệu đơn vị, MBS giảm 1,7%, VIG giảm 2,3%, BVS giảm 1,5%... Cổ phiếu VFS may mắn vẫn giữ được sắc xanh nhưng chốt phiên chỉ còn tăng 0,5% và khớp lệnh 1,84 triệu đơn vị.

Ngoài ra, nhiều mã khác trong rổ HNX30 đã chốt phiên trong sắc đỏ như PVS, TNG, IDC, PVC…

Trong khi đó, cổ phiếu bất động sản CEO ngược dòng thị trường chung và giữ sắc xanh. Chốt phiên, CEO tăng 0,9% lên mức 22.200 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh lớn nhất thị trường, đạt 12,58 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, lực bán gia tăng cũng khiến thị trường đảo chiều giảm sau nửa đầu phiên sáng giao dịch giằng co.

Chốt phiên sáng, UPCoM-Index tăng 0,39 điểm (+0,43%), lên 91,92 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 26,3 triệu đơn vị, giá trị 306 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 3 triệu đơn vị, giá trị gần 32 tỷ đồng.

Điểm sáng là cổ phiếu DRI khi có thời điểm kéo trần thành công, chốt phiên sáng nay tăng 12% lên mức 10.300 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đứng thứ 3 thị trường, đạt 1,33 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, cổ phiếu chứng khoán DSC tiếp tục có thêm phiên tỏa sáng sau khi đã nộp hồ sơ niêm yết trên sàn HOSE. Chốt phiên, DSC tăng 3,8% lên mức 24.600 đồng/CP, thanh khoản đạt xấp xỉ 1 triệu đơn vị.

Mặt khác, BSR vẫn giao dịch sôi động nhất, đạt 2,68 triệu đơn vị, nhưng chốt phiên giảm nhẹ 0,5% xuống mức 19.300 đồng/CP.

Tin bài liên quan