Thị trường đã khép lại tháng 3 với nhiều điểm sáng. Bên cạnh thanh khoản thị trường tăng vọt với đột biến gần 2 tỷ USD trong phiên 18/3, chỉ số chung cũng liên tiếp leo lên mức giá cao mới trong hơn 1 năm và đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng của tháng trên ngưỡng 1.280 điểm, tăng hơn 31 điểm, tương ứng tăng 2,5% tính chung cả tháng và tăng tới hơn 154 điểm, tương ứng tăng 13,64% trong cả quý I/2024.
Tuy nhiên, “càng lên cao thì gió càng to” và thị trường cũng đã gặp những phiên rung lắc và điều chỉnh với biên độ rộng hơn vào nửa cuối tháng 3, khi VN-Index đang trong khu vực tiệm cận những vùng cản mạnh 1.280 - 1.300 điểm.
Theo ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS), thị trường sẽ chịu nhiều áp lực lớn hơn và chỉ số có thể tiếp tục rung lắc quanh ngưỡng 1.300 cho đến khi tích lũy đủ để vượt qua mốc này.
Về xu hướng chung tháng 4, ông Khanh cho rằng thị trường có thể sẽ xuất hiện vài nhịp điều chỉnh ngắn, tuy nhiên xu hướng tích cực của thị trường vẫn duy trì và có thể kỳ vọng chỉ số VN-Index sẽ vượt qua được mốc 1.300 thành công.
Quay lại diễn biến phiên giao dịch sáng 1/4, thị trường tiếp tục mở cửa trong sắc đỏ khi áp lực bán có phần chiếm ưu thế hơn. Sau hơn 30 phút mở cửa, lực cầu cải thiện đã giúp VN-Index đảo chiều hồi phục.
Tuy nhiên, bên cạnh dòng tiền tham gia chưa mấy sôi động, áp lực bán thường trực đã khiến thị trường nhanh chóng trở lại xu hướng giảm. Sau hơn 90 phút mở cửa, chỉ số VN-Index giảm hơn 5 điểm và xuyên thủng mốc 1.280 điểm khi số mã giảm điểm gấp tới hơn 3 lần số mã tăng trên bảng điện tử.
Hầu hết các nhóm cổ phiếu đều chuyển đỏ, trong đó đi đầu là nhóm chứng khoán khi tất cả các mã đều đảo chiều giảm hoặc may mắn giữ được mốc tham chiếu. Trong đó, cổ phiếu đáng chú ý là VND, những tưởng sẽ trở nên nóng khi hệ thống đã giao dịch trở lại, chỉ lình xình tăng rồi nhanh chóng quay trở lại mốc tham chiếu.
VNDirect (VND) chính thức giao dịch trở lại
Nhóm cổ phiếu trụ cột chính là ngân hàng chỉ còn duy nhất anh cả VCB nỗ lực giữ giá, còn lại đều điều chỉnh giảm.
Điểm sáng đang thuộc về nhóm cổ phiếu bất động sản vừa và nhỏ, với các mã nóng như NVL, DIG, LCG, DXG vẫn giữ được sắc xanh với thanh khoản sôi động. Trong đó, DIG tăng trên dưới 4% với khối lượng khớp lệnh gần 16 triệu đơn vị.
Áp lực bán vẫn lan rộng, với gánh nặng lớn từ nhóm cổ phiếu bluechip, đã khiến VN-Index khó tìm lại mốc 1.280 điểm.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 96 mã tăng và 373 mã giảm, VN-Index giảm 7,29 điểm (-0,57%) xuống 1.276,8 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 485,3 triệu đơn vị, giá trị 11.742,5 tỷ đồng, tăng 10,7% về khối lượng và 8,33% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước ngày 29/3. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 26,55 triệu đơn vị, giá trị 562,8 tỷ đồng.
Nhóm VN30 giảm gần 10 điểm khi chỉ còn 3 mã giữ được sắc xanh là MWG tăng 2,2%, SAB và VIC đều tăng nhẹ 0,4%; trong khi có tới 23 mã giảm, với sự dẫn đầu đều là các mã bank gồm MBB giảm 2%, CTG, TPB, VIB giảm 1,6-1,7%...
Ở nhóm vừa và nhỏ, các mã nóng bất động sản như DIG, LCG vẫn giữ đà tăng tốt trên dưới 3%, trong đó DIG khớp lệnh hơn 18,5 triệu, chỉ thua mã khác cùng ngành là NVL khớp 23,75 triệu đơn vị và chốt phiên NVL vẫn tăng gần 1%. Các mã khác trong nhóm này vẫn ngược dòng khởi sắc như DXS tăng 3,7%, NTL tăng 2,7%, PDR tăng 1,1%, hay DXG, NVL, TCH, NLG, HDC... tăng nhẹ.
Xét về nhóm ngành, chỉ còn vài nhóm nhỏ lẻ như dịch vụ lưu trú, ăn uống, giải trí; khai khoáng; vận tải kho bãi giữ được sắc xanh nhưng mức tăng khiêm tốn chưa tới 0,5%.
Ngược lại, các nhóm ngành giảm điểm chiếm ưu thế. Trong đó, cổ phiếu chứng khoán vẫn cùng nhịp đập thị trường khi sắc đỏ đã lan rộng toàn ngành, với VIX giảm 1,7% và VND giảm 0,4%, có thanh khoản sôi động nhất nhóm, tương ứng đạt hơn 18 triệu đơn vị và 15,24 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục gia tăng sức ép khi mã lớn VCB lùi về mốc tham chiếu, trong khi các cổ phiếu khác trong ngành đều nới nhẹ biên độ giảm về cuối phiên. Trong đó, MBB giảm sâu nhất khi để mất 2%, chốt phiên đứng tại mức giá 24.900 đồng/Cp và khớp lệnh 11,14 triệu đơn vị; các cổ phiếu còn lại giảm trên dưới 1%.
Trên sàn HNX, áp lực bán gia tăng trên diện rộng cũng khiến thị trường chìm trong sắc đỏ.
Chốt phiên, sàn HNX có 54 mã tăng và 105 mã giảm, HNX-Index giảm 0,99 điểm (-0,41%) xuống 241,59 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 49 triệu đơn vị, giá trị 1.098,1 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,8 triệu đơn vị, giá trị 18,4 tỷ đồng.
Các cổ phiếu chứng khoán trên HNX đồng loạt chìm trong sắc đỏ, với SHS giảm 1% và khớp lệnh vẫn lớn nhất thị trường, đạt hơn 12,6 triệu đơn vị; MBS giảm 1,7% và khớp 2,68 triệu đơn vị; VIG giảm 2,3%, BVS giảm 2,1%...
Ngoài ra, nhiều mã trong nhóm HNX30 cũng chốt phiên điều chỉnh giảm, như HUT, DTD, TNG, IDJ…
Trái lại, PVS ngược dòng thị trường chung và tiếp tục giao dịch khởi sắc khi chốt phiên tăng 1,5% lên mức 39.800 đồng/CP, thanh khoản thuộc top 3 thị trường với hơn 6,26 triệu đơn vị khớp lệnh.
Một mã nóng trong nhóm bất động sản là CEO cũng đã chốt phiên trong sắc xanh khi tăng 0,9% lên mức 23.100 đồng/CP và khớp lệnh 6,72 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, thị trường cũng đảo chiều giảm do áp lực bán gia tăng.
Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,19 điểm (-0,21%) xuống 91,38 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 15,44 triệu đơn vị, giá trị 197,35 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,75 triệu đơn vị, giá trị hơn 33 tỷ đồng.
Chỉ có 3 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, gồm BSR khớp 2,17 triệu đơn vị, chốt phiên giảm 0,5% xuống 19.200 đồng/CP; VGI khớp 1,24 triệu đơn vị và chốt phiên tăng 1,9% lên 44.000 đồng/CP; HHG khớp hơn 1 triệu đơn vị và chốt phiên giảm 4,3% xuống 2.200 đồng/CP.
Cổ phiếu DDV đã hạ nhiệt sau nhịp tăng tốt đầu phiên. Tạm dừng phiên sáng, DDV tăng nhẹ 0,6% lên 16.400 đồng/CP, khối lượng giao dịch 0,9 triệu đơn vị.
Tâm điểm đáng chú ý chuyển qua mã nhỏ PXS khi chốt phiên sáng tăng 9,1% lên mức 4.800 đồng/Cp, giao dịch đứng thứ 5 thị trường với hơn 0,83 triệu đơn vị chuyển nhượng thành công.