Giao dịch chứng khoán chiều 22/9: Dòng tiền đầu cơ vận động mạnh

Giao dịch chứng khoán chiều 22/9: Dòng tiền đầu cơ vận động mạnh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường đã hồi phục đủ số điểm mất đi trong phiên ngày hôm qua, điểm trừ chính là thanh khoản sụt xuống mức đáng ngại

Tiếp nối đà tăng phiên sáng, bước sang phiên chiều thị trường chứng khoán chỉ có một nhịp giảm nhẹ trước khi tăng tiếp và đóng cửa ở mức giá cao nhất trong ngày, VN-Index đứng ở ngưỡng 1.350,68 điểm. Điều này cũng có nghĩa thị trường lấy lại toàn bộ số điểm đã mất đi trong phiên ngày hôm qua khi nhiều nhà đầu tư bán ra do tác động tâm lý từ vụ Evergrande có nguy cơ phá sản tại Trung Quốc.

Liên quan tới vụ việc này, các thông tin hiện tại vẫn chưa thực sự rõ ràng, nhưng có một điều chắc chắn nếu doanh nghiệp bất động sản hàng đầu Trung Quốc này phá sản thì sẽ rất nhiều ngân hàng chịu thiệt hại, cả ngân hàng tại Đại lục và ngân hàng quốc tế đang nắm giữ lượng trái phiếu hàng trăm tỷ USD do Evergrande phát hành. Khi đó, nguy cơ về “cú nổ” dây chuyền là hoàn toàn có thể, dù thời điểm này chưa ai lường được mức độ tác động lớn đến đâu.

Tất nhiên Evergrande chỉ là một giọt nước, thị trường chứng khoán quốc tế sau chuỗi tăng dài hơn 1 năm qua đang bị định giá khá cao nên rất nhạy cảm với các thông tin tiêu cực. Tại Mỹ và châu Âu, câu chuyện về nguy cơ lạm phát đình đốn (lạm phát nhưng sản xuất đình trệ) vẫn là mối đe dọa hiện hữu, đó mới là ly nước. Tất cả những điều này khiến các chỉ số chứng khoán chính trên toàn cầu đang trong tuần giảm điểm.

Câu chuyện dường như không liên quan nhiều tới chứng khoán Việt Nam, mức độ mới chỉ thể hiện ở việc khối ngoại bán ròng liên tục, dù việc bán ròng này đã diễn ra suốt hơn 1 tháng qua. Tuy nhiên, khi chứng khoán Việt Nam đang ở vùng trống thông tin thì các tin tức quốc tế được coi là một nhân tố tác động cần phải tính đến với mỗi nhà đầu tư.

Điều này không chỉ phán ánh ở cú rơi điểm khá lớn phiên sáng qua mà còn thể hiện sang cả phiên hôm nay, thị trường tăng điểm tốt nhưng sự thận trọng còn nguyên vẹn khi thanh khoản thị trường bất ngờ sụt mạnh. Tổng khối lượng giao dịch không giảm quá nhiều vẫn đạt mức xấp xỉ 780 triệu cổ phiếu được giao dịch, nhưng giá trị thì chỉ đạt trên 18.900 tỷ đồng, thấp hơn đáng kể phiên hôm qua (trên 23.000 tỷ đồng) và cũng mức khá thấp so với trung bình các phiên gần đây.

Điều này cũng phản ánh rằng, thị trường đang chỉ tập trung vào các mã thị giá nhỏ và bỏ qua các mã có thị giá lớn.

Phiên hôm nay, sắc tím tràn ngập cả 3 thị trường HOSE, HNX và UpCom, riêng HOSE có số mã tăng trần lên tới con số 63 trong tổng số 307 mã tăng giá. Tất cả cho thấy dòng tiền đầu cơ vận động vô cùng mạnh mẽ, cơ hội tăng tài khoản bằng lần đang hiện hữu kèm với mức độ rủi ro tương xứng.

Thị trường đang vận động theo đúng quy luật cũ, cổ phiếu lớn tăng trước dẫn sóng, cổ phiếu midcap theo sau và cuối cùng là nhóm penny hưởng lợi. Theo quy luật này thì khi sóng penny kết thúc, thị trường sẽ có nhịp điều chỉnh dài hạn trước khi có những con sóng mới. Nhiều nhà đầu tư biết điều này, thậm chí còn biết rất rõ khi con sóng penny đi qua thì nhiều cổ phiếu muốn bán cũng khó vì lệnh chất sàn chất ngất, nhưng khi tài khoản của mình tăng giá trị 7-10% trong phiên, sức cuốn hút là khó cưỡng.

Cổ phiếu có lái mới là cổ phiếu tốt.

Về kỹ thuật, phiên hôm nay VN-Index đã kiểm tra thành công đường trung bình giá MA20 và quay trở lại lấp toàn bộ gap mở ra trên đồ thị phiên hôm qua. Ngưỡng 1.350 điểm cũng là ngưỡng cản ngắn hạn của thị trường trong giai đoạn hiện tại. Khi đồ thị trở lại với vùng sideway trong khoảng hẹp 1.330-1.350 điểm thì rất khó đoán định xu hướng thị trường thời gian tới. Thị trường đã break xu hướng đi ngang không thành công vào phiên đầu tuần (20/9), có lẽ sẽ cần thêm thời gian vài phiên nữa để thiết lập xu hướng mới, tăng hoặc giảm.

Chốt phiên, VN-Index tăng 10,84 điểm (+0,81%), lên 1.350,68 điểm với 307 mã tăng, trong khi chỉ có 104 mã giảm và 36 mã đứng giá. Tổng khối lượng giao dịch đạt 779,7 triệu đơn vị, giá trị 18.976,7 tỷ đồng, giảm 9% về khối lượng và 19% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 52 triệu đơn vị, giá trị 1.685 tỷ đồng.

Việc khối lượng giảm nhẹ hơn giá trị giao dịch cho thấy dòng tiền chảy mạnh vào nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. Điều này được thể hiện rõ nét trên bảng điện tử khi trong 63 mã tăng trần với dư mua trần lớn phần lớn đều là các mã thị giá vừa và nhỏ.

Trong các mã lớn, việc VN-Index bứt mạnh chiều nay do cởi bỏ được “quả tạ” VHM khi lực cung giá thấp phát tín hiệu suy cạn trong phiên sáng đã được thể hiện rõ hơn trong phiên chiều, giúp mã này quay đầu đảo chiều tăng 0,7% lên 78.000 đồng, tham gia vào nhóm các mã hỗ trợ lớn nhất cho VN-Index.

Trong khi đó, VNM tiếp tục nhận lực cầu mạnh, duy trì đà tăng 3% lên 91.500 đồng, khớp hơn 10 triệu đơn vị, mức kỷ lục mới. MSN cũng duy trì đà tăng 2,4% lên 147.000 đồng, khớp 0,86 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, còn phải kể đến sự đóng góp của VCB khi tăng 1,5% lên 99.500 đồng, mức cao nhất ngày, khớp gần 0,4 triệu đơn vị. Đây cũng là mã ngân hàng tăng mạnh nhất hôm nay.

Ngoài ra, còn phải kể đến GVR, MWG, POW, PLX, trong khi PNJ và BVH tăng mạnh nhất nhóm VN30 với 3,3% lên 93.100 đồng và 5,9% lên 59.000 đồng.

Nhóm ngân hàng ngoài VCB, chỉ có thêm sắc xanh nhạt tại TCB, TPB, EIB, MSB trong khi MBB, SSB đứng giá, còn BID, VPB, HDB, STB, CTG, ACB, OCB giảm nhẹ.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu thị trường mở rộng sắc tím tới HAG, IDI, FIT, HAR…, trong khi các nhà đầu tư mua đuổi FLC, ROS, HQC, TTF, HHS, HAI, AMD, DLG, SJF, QBS… trong vô vọng khi không có lực cung, khiến các mã này đóng cửa với lượng dư mua giá trần chất đầy. ITA dù không tăng trần, nhưng cũng đóng cửa tăng 3,8% lên 8.200 đồng.

Trong đó, FLC, ITA, ROS, HQC, HAG, LDG là các mã có thanh khoản tốt nhất sàn, từ hơn 15 triệu đơn vị đến hơn 38 triệu đơn vị.

Trong khi đó, trong nhóm cổ phiếu họ Louis, chỉ còn TDH vẫn còn hiệu ứng khi tiếp tục tăng trần lên 14.100 đồng, dư mua trần hơn 7 triệu đơn vị và TGG tăng nhẹ 1,4% lên 74.800 đồng, còn AGM và APG đều bị đẩy xuống mức sàn 35.950 đồng và 24.650 đồng và đều còn dư bán sàn khá lớn.

Trên sàn HNX, diễn biến cũng tương tự khi HNX-Index nới rộng dần đà tăng trong phiên chiều và đóng cửa ở mức cao nhất ngày.

Chốt phiên, HNX-Index tăng 4,45 điểm (+1,24%), lên 363,43 điểm với 187 mã tăng, trong đó cũng có tới 64 mã trần, chỉ có 64 mã giảm và 98 mã đứng giá tham chiếu. Tổng khối lượng giao dịch đạt 197,4 triệu đơn vị, giá trị 3.972,9 tỷ đồng, giảm nhẹ so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 16,2 triệu đơn vị, giá trị 638 tỷ đồng.

Dòng tiền đầu cơ chảy mạnh cũng giúp nhóm cổ phiếu thị trường trên sàn này đồng loạt đóng cửa trong sắc tím. Trong đó, cặp đôi cổ phiếu họ FLC là KLF và ART còn dư mua trần rất lớn, trong khi khớp cũng đứng ở vị trí thứ 2 và 3 sau SHB với 10,5 triệu đơn vị (KLF) và 13,7 triệu đơn vị (ART).

Cũng có sắc tím khi chốt ngày giao dịch là HUT, ACM, NSH, SDT, KVC, DL1, VIG, SPI, VHE, OCH, HHG, HOM…

Trong khi đó, cũng giống các anh em họ Louis của mình trên HOSE, BII cũng bị đẩy xuống mức sàn 27.000 đồng khi đóng cửa, khớp gần 5,4 triệu đơn vị. SMT cũng giảm sàn xuống 39.600 đồng và còn dư bán giá sàn.

Trong các mã lớn, SHB đã trở lại tham chiếu 26.500 đồng, khớp 13,74 triệu đơn vị. NVB đảo chiều tăng 0,33% lên 30.600 đồng, trong khi BAB lại giảm 0,89% xuống 22.300 đồng.

Nhóm dầu khí, PVS đảo chiều tăng 0,4% lên 28.200 đồng, khớp 5,8 triệu đơn vị. Còn PVC tăng mạnh 7,3% lên 11.700 đồng, khớp 3,7 triệu đơn vị.

Các mã đáng chú ý khác, CEO tăng 5,7% lên 11.100 đồng, khớp 8,5 triệu đơn vị. IDC tăng 7% lên 52.000 đồng, khớp 6,4 triệu đơn vị.

Diễn biến trên thị trường UPCoM cũng giống 2 sàn niêm yết khi có phiên giao dịch tích cực và đóng cửa ở mức cao nhất ngày.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,88 điểm (+0,91%), lên 97,65 điểm với 283 mã tăng, trong khi chỉ có 84 mã giảm và 33 mã đứng giá. Tổng khối lượng giao dịch đạt 119,4 triệu đơn vị, giá trị 2.121 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,8 triệu đơn vị, giá trị 102,8 tỷ đồng.

DDV cũng theo chân các anh em của mình khi giảm 6% xuống 36.100 đồng, khớp hơn 2,7 triệu đơn vị. Trong khi đó, các mã có thanh khoản tốt nhất thị trường hôm nay đều có mức tăng giá khá tốt.

4 mã có thanh khoản trên 7 triệu đơn vị là BSR, VHG, HHV, KSH, trong đó VHG và KSH đóng cửa ở mức trần 4.200 đồng và 4.900 đồng; còn BSR cùng HHV đều tăng 3,3% lên 18.600 đồng và 21.600 đồng.

3 mã có thanh khoản từ hơn 4,5 triệu đơn vị đến gần 5 triệu đơn vị là LMH, VGT và C4G cũng đóng cửa tăng mạnh lần lượt là 7,6% lên 9.900 đồng, 2% lên 20.800 đồng và 6% lên 12.400 đồng.

Trên thị trường phái sinh, có 2 hợp đồng tăng giá, 1 hợp đồng đứng giá và 1 hợp đồng giảm giá. Nhìn chung, diễn biến của các hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều vận động kém hơn thị trường cơ sở. Cụ thể, VN30 hôm nay tăng 7 điểm (+0,48%), lên 1.453,22 điểm với 18 mã tăng, 10 mã giảm và 2 mã đứng giá, trong khi hợp đồng đáo hạn tháng 10 chỉ tăng 0,8 điểm (+0,06%), lên 1.440,8 điểm, thấp hơn tới hơn 12 điểm. Thanh khoản hôm nay đạt 158.312 hợp đồng và khối lượng mở 33.465 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền, số mã tăng cũng có phần chiếm ưu thế so với số mã giảm, trong đó mã tăng mạnh nhất và cũng có mức biến động lớn nhất là CVNM2105 do KIS phát hành với mức tăng 66,7% lên 50 đồng, thanh khoản gần 1,14 triệu đơn vị, có lúc giảm xuống mức sàn 10 đồng/chứng quyền. Đây là một trong 4 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị hôm nay. Ba mã còn lại là CPDR2102 do KIS phát hành với gần 3,13 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 11,1% xuống 80 đồng. CVNM2109 do SSI phát hành với gần 1,62 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 11,8% lên 1.800 đồng. CPNJ2105 do SSI phát hành với 1,1 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 8,2% lên 1.840 đồng.

Tin bài liên quan