Quả thực, “Ngân hàng đất đai” của Nam Long đã đem lại cho công ty này một vị thế rất cao trong quá trình thương thảo hợp tác với các đối tác cả nội lẫn ngoại.
Tháng 3/2015, Nam Long hợp tác với Nishi Nippon Railroad và Hankyu Realty - tập đoàn bất động sản lớn của Nhật Bản - triển khai Dự án Flora Anh Đào. Và chỉ cách đây hơn 1 tuần, Nam Long tiếp tục cùng hai đối tác trên hợp tác phát triển một dự án mới mang tên Fuji Residence với quy mô, mức đầu tư lớn hơn nhiều so với Flora Anh Đào rất thành công trước đó.
Tháng 4 này dường như cũng là “tháng đẹp” với Nam Long khi Keppel Land, nhà phát triển bất động sản hàng đầu Singapore đã tiếp tục khẳng định vai trò đối tác chiến lược của Công ty thông qua thương vụ mua 500 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi của Nam Long.
Tuy nhiên, điều đáng nói hơn là tất cả các đối tác ngoại khi đầu tư vào Nam Long đều thể hiện một sự trọng thị, hợp tác làm ăn chứ không theo kiểu “ban phát”. Như ông Toshihiro Matsuo, Giám đốc khối kinh doanh nhà ở Nishi-Nippon Railroad từng nói: “Chúng tôi học ở Nam Long kinh nghiệm phát triển và bán căn hộ phù hợp với đặc thù thị trường và tập quán của Việt Nam…”.
Đây hoàn toàn không phải là một câu nói đãi bôi, bởi như ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch Soho Việt Nam tổng kết, thay vì những lo ngại về việc các nhà đầu tư ngoại với tiềm lực tài chính khổng lồ sẽ thâu tóm hết sạch các dự án bất động sản có vị trí đẹp khi chính sách cởi mở hơn, thực tế cho thấy hầu hết nhà đầu tư nước ngoài đều chọn cách hợp tác với các DN nội để “cùng làm, cùng hưởng”.
Ông Cần là “bà mối” của rất nhiều thương vụ M&A địa ốc, nên đó là những nhận xét của người trong cuộc!
Và trên thực tế, những tháng đầu năm, hàng loạt thương vụ hợp tác theo kiểu M&A “một nửa” đã diễn ra khi Creed Group của Nhật Bản rót 200 triệu USD mua lại 20% cổ phần của CTCP Đầu tư và phát triển bất động sản An Gia (An Gia Investment); Keppel Land nhận chuyển nhượng 40% Dự án Empire City tại quận 2, TP. HCM (tương đương với 93,9 triệu USD); An Gia Investment và Quỹ đầu tư Creed Group (Nhật Bản) hợp tác với Phát Đạt triển khai dự án River City 500 triệu USD…
Có thể thấy, nhiều đối tác ngoại đang chọn liên doanh, liên kết là “đôi hài bảy dặm” giúp họ bay đến một thị trường đang lên như bất động sản Việt Nam.
Nhưng trong cuộc đua M&A đó, các nhà đầu tư nội không những không đứng ngoài cuộc mà còn đang ở thế thượng phong.
Nói như đại diện Địa ốc Hoàng Quân, đối với ngành bất động sản, quỹ đất sạch là yếu tố sống còn quyết định khả năng phát triển dài hạn của DN. Chính vì vậy, thời gian qua, làn sóng mua bán, chuyển nhượng hoặc liên doanh liên kết được thị trường gọi chung bằng cái tên M&A giữa các DN địa ốc trong việc phát triển các dự án bất động sản như một làn gió mới thổi vào thị trường.
Những dự án bê trễ được tiếp thêm sinh khí mới hoặc những dự án đang triển khai một cách bình lặng trở nên sống động hơn với sự góp mặt của những tên tuổi hàng đầu trên thị trường như Vingroup, Novaland, Hưng Thịnh, Đất Xanh, Him Lam, Khang Điền, FLC...
Tất nhiên, con đường đến với hoạt động M&A của mỗi DN, mỗi ông chủ rất khác nhau!
Với những DN như Novaland hay Hưng Thịnh, đó là một chiến lược nâng tầm quy mô DN một cách rõ ràng và được thực hiện ồ ạt trong thời gian kỷ lục. Đến mức ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành từng ví von rằng, có thể xem Novaland và Hưng Thịnh là những “người hùng” của thị trường bất động sản, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn. Bởi nếu không có 2 DN này, thị trường bất động sản TP. HCM đến giờ vẫn còn hàng loạt dự án “đắp chiếu”, hàng tồn kho còn chất đống.
Nhưng cũng có người như ông Nguyễn Dư Lực, Chủ tịch Hưng Lộc Phát đến với M&A như một cái duyên. Ông Lực vốn là một giáo viên vật lý, nhưng ông tự nhận rất có duyên với bất động sản khi khi cứ “chạm” đến chỗ đất nào là chỗ ấy ra tiền và đó là khởi nguồn của Hưng Lộc Phát ngày nay.
Trong kinh doanh, chữ “duyên” có lẽ quan trọng không kém bất cứ yếu tố nào!
Chính vì vậy, các chủ đầu tư bất động sản chưa thực sự chuyên nghiệp, hoặc đã kiệt sức trong cuộc đua marathon đầu tư dự án, hoặc đơn giản chỉ là kém duyên nên phải “dứt bỏ” đứa con của mình cho người khác cũng là chuyện thường. Quan trọng là “ở nhà người khác”, đứa con đó được chăm sóc đàng hoàng và chắc chắn sẽ "sống có ích hơn” cho toàn xã hội.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com