Con đường mạo hiểm
Tốt nghiệp chuyên ngành sư phạm Anh tại Trường đại học Sư phạm TP.HCM từ năm 1995, nhưng không chọn con đường trở thành cô giáo, bà Tiêu Yến Trinh quyết định “đầu quân” cho PricewaterhouseCoopers (PwC), một trong 4 công ty kiểm toán hàng đầu thế giới. Và chỉ hai năm sau đó, bà đã trở thành tư vấn viên cao cấp và là trưởng bộ phận nhân sự (ESS) của công ty này, nhờ sự xông xáo, nhiệt tình và làm việc rất trách nhiệm.
“PwC là môi trường rất tốt để tôi có cơ hội tiếp xúc với các giám đốc nhân sự người nước ngoài. Tôi học hỏi ở họ được rất nhiều điều, từ kỹ năng công việc đến đặc trưng văn hóa của mỗi nước. Thật may mắn là tôi đã được bổ nhiệm vào vị trí giám đốc bộ phận tư vấn nhân sự, thay cho một vị giám đốc người nước ngoài, vị trí mà trước nay toàn do người nước ngoài đảm nhiệm”, bà Yến Trinh nhớ lại.
Nếu biết quản trị năng lượng, mỗi phút giây mình sống sẽ rất có ý nghĩa. Đây chính là sự khác biệt tạo nên thương hiệu Talentnet.
- Doanh nhân Tiêu Yến Trinh.
Thực ra, suốt 12 năm làm việc tại PwC, không ít công ty đã đề nghị bà về làm tổng giám đốc cho họ, nhưng mọi lời mời đều bị từ chối. Mọi chuyện bắt đầu thay đổi khi vào năm 2007, PwC lên kế hoạch “thanh lý” bộ phận ESS sau 12 năm tồn tại. Không đành lòng để “đứa con” này bị bán đi, bà đã mất 3 tháng trời kiên trì thuyết phục PwC chuyển giao ESS cho mình.
Tháng 11/2007, Công ty cổ phần Kết nối Nhân tài (Talentnet Corporation) chính thức được thành lập, với 12 nhân sự, dựa trên nền tảng của ESS. Lý giải động lực để đặt chân vào con đường mới này, bà chỉ đơn giản nhấn mạnh ba chữ: “niềm đam mê”.
“Tính tôi cũng lỳ, một khi đã quyết định thì sẽ theo đuổi ước mơ đến cùng, đặc biệt với lĩnh vực nhân sự. Mọi việc mới chỉ bắt đầu, nhưng tôi tin, mình cùng đội ngũ Talentnet có thể vượt qua mọi thử thách”, bà Tiêu Yến Trinh khẳng định.
Tròn 10 năm gắn liền với các dịch vụ nhân sự, Talentnet giờ đã trở thành công ty tư vấn nhân sự hàng đầu tại Việt Nam, song hành với các công ty đa quốc gia (trong đó một nửa là công ty Fortune 500) và các công ty lớn của Việt Nam. Nhưng đấy là chuyện sau này, chứ hồi đó, cũng gian nan không ít. Bởi khi Talentnet ra đời thì hàng loạt công ty hàng đầu trong ngành tư vấn nhân sự thế giới, như Mercer, đã tồn tại ở Việt Nam vài năm.
Nhưng cũng thật may mắn, bởi thời điểm đó, tập đoàn đa quốc gia này cùng đối tác không tìm được tiếng nói chung và nói lời “chia tay”. Chớp thời cơ, Talentnet chạy đua đêm ngày và đã thắng 3 công ty khác - những công ty đều đã có kinh nghiệm 2-6 năm, trong khi Talentnet mới chỉ “sinh” được… 4 tháng, để trở thành đối tác của Mercer.
“Đúng vào 30 Tết, tức là tháng 2/2008, Mercer thông báo chúng tôi trở thành đối tác của họ. Tôi vỡ òa trong sung sướng”, bà Trinh kể, mắt sáng bừng hạnh phúc.
Bà bảo, Mercer đã chọn Talentnet là vì công ty của bà có chiến lược, định hướng rõ ràng trong bài trình bày. Họ cũng đã cảm nhận đươc ước mơ, khát vọng mà Talentnet muốn đem đến cho khách hàng. Và cũng là vì, Talentnet đã rất “chịu chơi” khi đầu tư vào hệ thống nhân sự.
“Mercer nói, đối tác của họ không nhất thiết phải nổi tiếng nhất trên thị trường, mà phải có năng lực, tiềm năng để phát triển trong tương lai”, bà Tiêu Yến Trinh nhớ lại và nhấn mạnh rằng, được Mercer chọn, bà càng tin mình và các đồng sự đã đi đúng hướng. Tin rằng, nếu đam mê và kiên trì, ắt hẳn sẽ thành công.
Mà quả vậy, sau cuộc “đính hôn” mỹ mãn với Mercer, Tiêu Yến Trinh và Talentnet cứ “tà tà” tiến bước, ngày càng thành công hơn.
Quản trị năng lượng - “chìa khóa” thành công
Đặt câu hỏi rằng “bí quyết thành công của Talentnet là gì?”, thì câu trả lời tôi nhận được cũng lại là một câu hỏi: “Bạn đã nghe về quản trị năng lượng chưa?”. Bà giải thích: “Nếu biết quản trị năng lượng, mỗi phút giây mình sống sẽ rất có ý nghĩa. Đây chính là sự khác biệt tạo nên thương hiệu Talentnet”.
Nói rồi bà tỉ mỉ phân tích, có bốn nấc thang để quản trị năng lượng. Thứ nhất là các yếu tố nền tảng về thể chất (ăn, uống, nghỉ, thở, tập thể dục). Thứ hai là xây dựng mối quan hệ tích cực, quan tâm chia sẻ, tha thứ, như cách cho đi mà chẳng cần nhận lại. Thứ ba là trí tuệ kết hợp hài hòa giữa IQ (chỉ số thông minh) và EQ (chỉ số cảm xúc), để nhận thấy mọi thứ đều là cơ hội và nhìn mọi việc dưới con mắt tích cực. Và thứ tư, đó là phải có mục tiêu và đam mê trong cuộc sống, không thể đi mà không biết đi đâu.
"Đối với tôi, trong công việc có cuộc sống và ngược lại" - Tổng giám đốc Talentnet Tiêu Yến Trinh.
“Tôi cũng như Talentnet đều muốn mở mang hoạt động trên toàn thị trường ASEAN, với các sản phẩm “không biên giới”, kết nối các nước, kết nối các doanh nghiệp, các cá nhân để gắn kết thành một sức mạnh tổng hợp. Để làm được điều đó, đầu tiên nên có năng lượng tích cực”, bà dí dỏm nói.
Là người nhiều năm kinh nghiệm làm về nhân sự nên bà Tiêu Yến Trinh hiểu rõ điều gì có thể khiến nhân viên hài lòng. Vì thế, bà áp dụng nhiều chính sách để khuyến khích nhân viên của mình nghĩ tích cực, làm việc tích cực. Chẳng hạn, các quản lý cấp cao của Công ty có thể nghỉ 2 ngày/tuần.
Bà cũng khuyến khích nhân viên nghỉ phép để họ có thể tái tạo sức lao động, kích thích sáng tạo… Thậm chí, nhân viên của Talentnet mỗi năm được đi tham quan một nước khác nhau để có thêm kinh nghiệm sống, có thêm những trải nghiệm thực tế, từ đó thêm tự tin, thêm lạc quan và cũng thêm tích cực trong công việc.
Xác định nhân lực chính là mấu chốt mang lại thành công cho Công ty, bà còn nhờ cả chuyên gia tư vấn chiến lược để không ngừng tìm kiếm, bổ sung nhân lực cho một số lĩnh vực mới. Là công ty tư vấn nhân sự, mọi chuyện phải luôn sẵn sàng để đáp ứng mọi yêu cầu của khách hàng.
Chính nhờ thế, Talentnet thành công, cũng có nghĩa Tiêu Yến Trinh thành công. Và tôi tin, với người phụ nữ lúc nào cũng suy nghĩ tích cực, đầy đam mê và làm việc không mệt mỏi này, thành công sẽ luôn là người bạn đồng hành khăng khít.
Trò chuyện với doanh nhân Tiêu Yến Trinh
Bà sắp xếp thời gian như thế nào giữa gia đình và công việc?
Đối với tôi, trong công việc có cuộc sống và ngược lại. Khi đi chơi với gia đình tôi vẫn có thể xử lý công việc hoặc ngược lại. Làm hiệu quả cả hai công việc một lúc, tại sao không?
Môi trường làm việc cũng như phúc lợi của Công ty có vẻ rất lý tưởng, vậy tỷ lệ nhân viên nghỉ việc tại Talentnet như thế nào?
Chúng tôi khởi đầu có 12 người, bây giờ là 240 người và vẫn có nhân viên ra - vào. Điều đó là bình thường và được xem như luồng gió mới cho Công ty. Nhiều nhân viên đã nghỉ việc ở Talentnet, nhưng vẫn tham gia các hoạt động tập thể hay đi chơi chung với chúng tôi. Đó là tình cảm, là điều có giá trị nhất.
Nếu có nhà đầu tư muốn mua lại toàn bộ Talentnet như chuyện của bà và PwC ngày xưa thì sao?
Đã không ít người ngỏ ý này với tôi, nhưng điều quan trọng là tôi muốn đẩy cho hiệu suất làm việc của Talentnet cao lên, thành tổ chức chuyên nghiệp trước đã. Thứ hai là tôi đang đào tạo đội ngũ kế thừa để có tư duy, tầm nhìn mới, giao quyền nhiều hơn để họ sẽ là người lãnh đạo, chứ không phải là tôi. Dù sao, tôi cũng không muốn làm việc… vượt quá tuổi hưu đâu! (cười)