Động lực từ hạ tầng
Năm 2025 đánh dấu một cột mốc quan trọng khi hàng loạt dự án hạ tầng giao thông trọng điểm được đốc thúc triển khai.
Trong đó, các tuyến cao tốc chiếm vai trò nổi bật, tiêu biểu có thể kể đến các dự án thành phần thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, một công trình trọng điểm quốc gia kết nối các tỉnh từ Bắc vào Nam, giúp giảm ùn tắc và rút ngắn thời gian di chuyển giữa 2 miền.
Song song đó, các tuyến cao tốc khác cũng được đẩy mạnh, gồm cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận, dự án này dự kiến được nâng cấp và mở rộng nhằm giảm tải cho các tuyến đường huyết mạch phía Nam; cao tốc TP.HCM - Long Thành kết nối khu vực Đông Nam Bộ với TP.HCM, dự án không chỉ tạo động lực phát triển các khu công nghiệp và cảng biển, mà còn thúc đẩy giao thương khu vực…
Bộ Giao thông - Vận tải đặt mục tiêu đưa vào khai thác khoảng 3.000 km đường cao tốc vào cuối năm 2025. Đồng thời, các hệ thống giám sát giao thông và trạm dừng nghỉ trên các tuyến cao tốc sẽ được triển khai, giúp nâng cao hiệu quả quản lý, đảm bảo an toàn và tiện lợi cho người dân. Hệ thống này dự kiến hoàn thành trong quý II/2025.
Ngoài đường bộ, các dự án đường sắt, đặc biệt là tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, cũng đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối từ Hà Nội đến TP.HCM, giảm tải cho các tuyến đường bộ và thúc đẩy vận chuyển hành khách, hàng hóa nhanh chóng.
Trong lĩnh vực hàng không, Cảng hàng không quốc tế Long Thành dự kiến cơ bản hoàn thành vào cuối năm 2025. Đây là công trình hạ tầng quan trọng, giúp giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất, tăng cường năng lực vận chuyển hành khách quốc tế và thúc đẩy kinh tế khu vực Đông Nam Bộ. Đặc biệt, đường cất - hạ cánh thứ hai tại sân bay Long Thành dự kiến hoàn thành trong năm 2025.
Ngoài ra, Bộ Giao thông - Vận tải đang nghiên cứu các phương án giao thông kết nối nhanh tại các đô thị lớn như TP.HCM và Hà Nội. Các dự án đường sắt đô thị, tàu điện ngầm sẽ được báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý I/2025, làm nền tảng cho việc phát triển giao thông đô thị trong tương lai.
Khu vực, phân khúc nào hưởng lợi?
Ông Lưu Quang Tiến - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (DXS-FERI) nhận định, năm 2025, nhu cầu bất động sản được dự báo cải thiện mạnh mẽ. Sức mua tập trung chính tại thị trường “dẫn sóng” là các đô thị lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, Bình Dương và thị trường “theo sóng” là các đô thị vệ tinh của các đô thị lớn.
Cụ thể, tại miền Bắc, thị trường “dẫn sóng” là Hà Nội, các thị trường “theo sóng” là Hải Phòng, Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thanh Hóa, sự quan tâm vào loại hình căn hộ, nhà thấp tầng dự án, nhà riêng lẻ.
Tại miền Trung, thị trường “dẫn sóng” là Đà Nẵng với nhu cầu tập trung tại phân khúc căn hộ trung - cao cấp, các thị trường “theo sóng” là Khánh Hòa, Quảng Nam, Quảng Bình, Huế, Bình Định thu hút khách hàng đối với các loại hình căn hộ và nghỉ dưỡng.
Những cây cầu kết nối TP.HCM và Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Lê Toàn. |
Tại miền Nam, dự báo TP.HCM và Bình Dương tiếp tục là thị trường “dẫn sóng” nhờ sự quan tâm của nhóm khách có nhu cầu mua ở thực, các thị trường “theo sóng” là Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai dự kiến ghi nhận hoạt động nổi bật của phân khúc căn hộ và nghỉ dưỡng.
Tại thị trường miền Tây, thị trường Long An kỳ vọng là khu vực “theo sóng” của thị trường TP.HCM, đồng thời sẽ là địa bàn “dẫn sóng” cho khu vực miền Tây, với sự nổi bật của loại hình căn hộ và nhà thấp tầng đến từ các dự án của Vinhomes, Ecopark, Nam Long; thị trường Cần Thơ và Kiên Giang (Phú Quốc) cũng được kỳ vọng là thị trường “theo sóng” tại khu vực miền Tây.
Là doanh nghiệp trực tiếp tham gia phân phối sản phẩm bất động sản, ông Nguyễn Thái Bình - Tổng giám đốc Đông Tây Land cho rằng, khu vực ven TP.HCM gồm Đồng Nai, Bình Dương và Long An đang cho thấy nhiều tiềm năng phát triển.
Bởi năm 2025 được kỳ vọng đánh dấu sự hoàn thành của nhiều dự án hạ tầng quan trọng, đặc biệt tại các khu vực ven đô TP.HCM. Những công trình này sẽ góp phần đồng bộ hóa hạ tầng, tạo động lực lớn cho bất động sản tại các khu vực lân cận. Các dự án bất động sản nằm gần các tuyến đường hạ tầng quan trọng sẽ có cơ hội phát triển mạnh.
Nêu dẫn chứng, ông Bình cho biết, ở Long An, một số dự án lớn của VinGroup và EcoPark đang được triển khai dọc theo đường Vành đai 3, dự kiến khởi động trong năm 2025. Hay tại Vũng Tàu, dự án nằm gần tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đã hoàn tất đánh giá môi trường và chuẩn bị triển khai.
“Với sự hỗ trợ của hạ tầng hoàn thiện, bất động sản ven đô được kỳ vọng sẽ ghi nhận sóng phục hồi trong nửa đầu năm 2025. Các dự án được dẫn dắt bởi yếu tố hạ tầng đồng bộ sẽ thu hút người mua và nhà đầu tư, đặc biệt là những sản phẩm có vị trí đắc địa và pháp lý rõ ràng.
Tuy vậy, năm 2025 sẽ không phải là giai đoạn bùng nổ hay sốt nóng. Thay vào đó, thị trường sẽ ghi nhận sự tăng trưởng với tốc độ chậm.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc sẽ không có những thay đổi lớn tại các khu vực ven đô, nhưng vẫn tồn tại những điểm sáng đáng chú ý”, ông Bình chia sẻ thêm.
Đồng quan điểm, ông Trần Khánh Quang - Tổng giám đốc Công ty bất động sản Việt An Hòa nhìn nhận, với các yếu tố đầu vào như hiện tại, các khu vực vùng ven như Bình Dương, Đồng Nai, Long An sẽ tiếp tục thu hút đầu tư.
Theo ông Quang, Bình Dương đang nổi lên như đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ của TP.HCM nhờ chiến lược phát triển đô thị hóa đồng bộ, giao thông kết nối thuận tiện và giá cả hợp lý. Các căn hộ tại đây chỉ dao động từ 30-40 triệu đồng/m2, trở thành giải pháp thay thế hợp lý cho người dân TP.HCM.
“Năm 2025 sẽ là thời điểm ổn định hơn cho thị trường bất động sản. Các nhà đầu tư nên cẩn trọng, tránh vội vàng ra quyết định. Điều quan trọng là phải hiểu rõ giá trị thực của sản phẩm trước khi đầu tư, đồng thời chọn lọc kỹ càng giữa các khu vực và phân khúc để đạt hiệu quả tốt nhất. Với xu hướng giá đất và chi phí xây dựng tiếp tục tăng, thị trường bất động sản trong dài hạn vẫn có tiềm năng tăng trưởng. Nhà đầu tư nên tận dụng cơ hội, nhưng tránh tâm lý nóng vội để giảm thiểu rủi ro”, ông Quang nói.
Cũng đưa ra khuyến nghị đầu tư, chuyên gia bất động sản Phan Công Chánh cho hay, có 3 yếu tố quan trọng cần cân nhắc bao gồm: dòng tiền, mật độ dân cư và tiềm năng tăng trưởng. Dòng tiền là yếu tố quyết định sự phát triển của bất kỳ khu vực nào, vì nơi không có dòng tiền thì giống như “vùng đất chết”, không có cơ hội phát triển.
Yếu tố mật độ dân cư và đời sống thực tế của người dân sẽ quyết định tính khả thi của các dự án bất động sản. Cuối cùng, triển vọng tăng trưởng phải dựa trên sự phát triển hạ tầng kỹ thuật và xã hội, bao gồm điện, đường, trường, trạm và các yếu tố tạo việc làm, thu hút dân cư lâu dài.