Ông Mai Tiến Dũng, cựu Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ
Theo kế hoạch, sáng mai, 16/1, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội bắt đầu mở phiên tòa sơ thẩm, xét xử 10 bị cáo trong vụ án liên quan tới các sai phạm tại dự án Khu đô thị, thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh (tỉnh Lâm Đồng).
Trong vụ án này, bị cáo Mai Tiến Dũng (sinh năm 1959), cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Trần Bích Ngọc (sinh năm 1968), cựu Vụ trưởng Vụ theo dõi công tác thanh tra; giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Vụ I), Văn phòng Chính phủ; Nguyễn Hồng Giang (sinh năm 1963), cựu Cục trưởng Cục II, Thanh tra Chính phủ) cùng bị đưa ra xét xử về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Nguyễn Cao Trí bị đưa ra xét xử trong vụ "bẻ lái" kết luận của Thanh tra Chính phủ để thâu tóm dự án Sài Gòn Đại Ninh. |
Bị cáo Nguyễn Cao Trí (sinh năm 1970), Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và quản lý giáo dục Văn Lang; Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty Capella; Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Du lịch Sài Gòn Đại Ninh bị đưa ra xét xử về tội “đưa hối lộ”.
Các bị cáo Trần Đức Quận (sinh năm 1967), cựu Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng; Trần Văn Hiệp (sinh năm 1965), cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng; Lê Quốc Khanh (sinh năm 1982), cựu Phó Cục trưởng Cục Thanh tra giải quyết khiếu nại, tố cáo khu vực 2 (Cục II); Hoàng Văn Xuân (sinh năm 1974), cựu Thanh tra viên chính Cục II; Nguyễn Nho Định (sinh năm 1983), cựu Thanh tra viên Cục II, Thanh tra Chính phủ; Nguyễn Ngọc Ánh (sinh năm 1969), cựu Chánh Thanh tra tỉnh Lâm Đồng cùng bị đưa ra xét xử về tội “nhận hối lộ”.
Theo cáo trạng, Công ty cổ phần Đầu tư du lịch Sài Gòn Đại Ninh (Công ty Sài Gòn Đại Ninh) đăng ký kinh doanh lần đầu vào tháng 1/2010, do bà Phan Thị Hoa làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc, người đại diện pháp luật.
Tháng 12/2010, công ty này được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp Giấy chứng nhận đầu tư dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh (Dự án Đại Ninh) tại huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 25.000 tỷ đồng, thời hạn hoạt động 50 năm.
Năm 2018, sau quá trình thanh tra công tác quản lý, sử dụng đất đai và đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, Thanh tra Chính phủ xác định, trong quá trình thực hiện dự án, Công ty Sài Gòn Đại Ninh có nhiều vi phạm nên đã kiến nghị chấm dứt hoạt động, thu hồi dự án.
Biết sự việc trên, Nguyễn Cao Trí đã thỏa thuận mua lại dự án này, thông qua việc mua lại cổ phần của Công ty Sài Gòn Đại Ninh.
Cựu Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận (ảnh phải) và cựu Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp. Ảnh: BCA |
Cùng với đó, Nguyễn Cao Trí lợi dụng các mối quan hệ, dùng tiền, lợi ích vật chất để móc nối, câu kết với một số cá nhân có chức vụ, quyền hạn tại Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, tỉnh Lâm Đồng để “bẻ lái” kết luận thanh tra, thành không thu hồi, cho giãn tiến độ và tiếp tục thực hiện dự án.
Nguyễn Cao Trí được sự “giúp đỡ” của ông Nguyễn Văn Minh (đã chết), cựu Phó tổng Thanh tra Chính phủ, là người ký kết luận thanh tra, để hướng dẫn Trí đặt vấn đề, nhờ một số cá nhân khác can thiệp, hỗ trợ vấn đề trên.
Theo đó, Trí nhờ ông Mai Tiến Dũng, cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ có các văn bản chỉ đạo Thanh tra Chính phủ tiếp nhận, giải quyết; xin ý kiến lãnh đạo về vụ việc.
Để đạt được mục đích, Nguyễn Cao Trí cũng nhiều lần đưa hối lộ với tổng số tiền hơn 7 tỷ đồng cho các cựu cán bộ của cơ quan quản lý Nhà nước.
Sau khi được điều chỉnh, gia hạn thực hiện dự án, Nguyễn Cao Trí đã bán Dự án Đại Ninh cho Công ty TNHH Đầu tư và phát triển Bất động sản Thiên Vương (thuộc Tập đoàn Novaland), với giá trị thực tế là 27.600 tỷ đồng.
Những hành vi sai phạm trên đã gây hậu quả thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng là toàn bộ giá trị tại dự án trên.
Nguyễn Cao Trí từng bị Tòa án Nhân dân TP. HCM đưa ra xét xử sơ thẩm hồi tháng 4/2024 và tuyên phạt 8 năm tù về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, trước cáo buộc chiếm đoạt 1.000 tỷ đồng của trong vụ án liên quan tới Trương Mỹ Lan, Ngân hàng SCB.