Cát tặc vẫn hoành hành sông Đồng Nai

(ĐTCK) Để đảm bảo môi trường và dòng chảy, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định tạm ngưng mọi hoạt động khai thác khoáng sản, cát, sỏi… trên sông Đồng Nai đoạn từ khu vực hồ Trị An đến hạ nguồn sông Đồng Nai. Tuy nhiên, trên dọc tuyến sông Đồng Nai, những vòi bạch tuộc “cát tặc” vẫn miệt mài hoạt động như chỗ không người.
Từng đụn cát cao như núi bên bờ sông Đồng Nai

Từng đụn cát cao như núi bên bờ sông Đồng Nai

Vương quốc cát tặc

Nằm ở vị trí giáp ranh giữa ba tỉnh, thành phố là TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai, khu vực cầu Đồng Nai được coi là một trọng điểm về nạn “cát tặc” trên tuyến sông này.

Từ cầu Đồng Nai xuôi về hướng cầu vượt cao tốc Long Thành - Dầu Giây, trên đoạn sông dài chừng 10 km có đến hơn chục bến thủy nội địa. Trong đó, phía bờ sông giáp với địa bàn quận 9 của TP.HCM từ lâu đã nổi tiếng với hàng loạt bến bãi của các chủ tư nhân và cụm cảng Láng Nùng, cảng Phước Tân…

Việc quy hoạch cho phép tư nhân tổ chức mở cảng, bến thủy nội địa dày đặc này đã gián tiếp tạo cơ hội tập kết cát lậu, để “cát tặc” trên sông Đồng Nai tồn tại, hoành hành suốt những năm qua.

Hoạt động ở “vương quốc cát tặc” cũng được phân chia làm các đẳng cấp khác nhau. Thấp cấp nhất là loại “cát tặc” dùng ghe nhỏ, khối lượng chỉ khoảng từ 10 đến 30 m3/ghe. Loại này chỉ hoạt động vào ban đêm, từ 20 giờ đến 3 giờ sáng hôm sau, thường là một nhóm từ 3-5 người dùng từ 2-3 ghe nhỏ sau khi được hoán cải kèm thêm máy nổ, vòi hút nhỏ và dùng “người nhái” lặn xuống sông điều khiển miệng vòi hút đến điểm có cát.

Nếu thuận tiện, mỗi đêm có thể hút được từ 3-5 vòng và sau mỗi lần ghe đầy cát được cạp sang nhượng lại các sà lan lớn neo đậu cách đó khoảng một vài trăm mét hoặc đưa thẳng vào các cảng nội địa dọc theo hai bờ sông Đồng Nai. Tuy nhiên, đối tượng hành nghề “cát tặc” loại này chỉ là những người dân sống hai ven bờ hoặc các vùng lân cận tranh thủ lúc đêm tối và đây cũng là loại “cát tặc” thường xuyên bị các lực lượng vây bắt.

Ở cấp độ cao hơn là loại “cát tặc” cá nhân nhưng hoạt động có tổ chức, dùng các loại sà lan có trọng tải từ 200 - 500 m3 cát và hệ thống vòi bạch tuộc trực tiếp hút cát từ dưới sông lên sà lan. Loại này hoạt động khá bài bản, theo từng cặp thuyền gỗ sau khi được hoán cải máy nổ, vòi bạch tuộc cỡ lớn và tạo thành nhóm từ 2-3 cặp thường xuyên đi với nhau. Giờ hoạt động của các nhóm này cũng rất linh hoạt, bất kể ngày đêm tùy thuộc vào thời tiết, nước lên - xuống và quan trọng nhất là biết lẩn tránh thời điểm cơ quan chức năng đi kiểm tra.

Tuy nhiên, hoạt động công khai nhất trên dòng sông Đồng Nai là các doanh nghiệp thực hiện công việc nạo vét, tận thu cát trên các tuyến luồng sông Đồng Nai. Các hoạt động của doanh nghiệp này chủ yếu hoạt động vào ban ngày, với những giấy phép hoạt động trong tay như “lá bùa hộ mệnh” để các doanh nghiệp thỏa sức nạo hút cát mà không bị các cơ quan chức năng kiểm tra xử phạt.

Đơn cử như Công ty cổ phần Hàng hải và Đầu tư phát triển Hiệp Phước (Công ty Hiệp Phước) được Cục Đường thủy nội địa và Cục Hàng hải trực tiếp giao cho thực hiện hoạt động nạo vét bùn, tận thu cát từ rạch Ông Nhiêu đến cầu Đồng Nai dài 28,5 km theo hình thức xã hội hóa, không dùng ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, theo ghi nhận thực tế của phóng viên Đầu tư Bất động sản, việc nạo vét bùn thì ít, mà tận thu cát để hưởng lợi thì nhiều.

Qua thời gian theo dõi thì thấy doanh nghiệp này đã sử dụng tàu hút bụng thay cho tàu xáng cạp trước đây để nạo vét bùn cát, sau đó hút hoặc ngoạm lên sà lan để vận chuyển đến nơi tập kết. Với việc dùng vòi hút, ngoài việc có thể hút cát trên diện rộng, chiều sâu và địa hình khó khăn, thì sau khi bùn và cát được hút lên tàu sẽ được lượng nước hút theo vòi gột rửa, bùn sẽ rã ra, theo nước tràn ra ngoài.

Do đó, toàn bộ lượng bùn vừa hút lên sẽ được trả ngay về đáy sông. Cách làm này đã giúp doanh nghiệp khai thác giảm được rất nhiều chi phí do không phải tìm chỗ đổ bùn thải. Thông qua đây thấy được hàng triệu m3 cát pha đã được “hóa kiếp” thành cát “sạch”.

Người tiêu dùng gánh chịu

Thực tế, tại Việt Nam, nhu cầu về cát, sỏi để phục vụ cho san lấp, xây dựng công trình nhà ở, hạ tầng giao thông… luôn ở mức cao. Cát, sỏi đang là loại vật liệu xây dựng không thể thay thế. Theo dự báo của Bộ Xây dựng, nhu cầu cát xây dựng vào thời điểm năm 2015 là 92 triệu m3 và đến năm 2020 là 130 triệu m3/năm. Với giá cát xây dựng trên thị trường hiện nay thì mỗi năm cần khoảng hơn 20.000 tỷ đồng dành cho loại vật liệu xây dựng này.

Nhu cầu về cát xây dựng tập trung nhiều ở các thành phố và đô thị, các khu vực lân cận có tốc độ phát triển kinh tế mạnh. Riêng khu vực tam giác TP.HCM - Đồng Nai - Bình Dương, mỗi năm nhu cầu về cát xây dựng khoảng hơn 10 triệu m3 và dự báo số lượng này còn tăng cao khi hàng loạt các công trình lớn, trung tâm phát triển kinh tế, tuyến cao tốc được đẩy mạnh thi công.

Hoạt động của các ghe chở cát trên sông Đồng Nai diễn ra hàng ngày

Trong đó, theo báo cáo đánh giá của Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng, nguồn cát chính tập trung ở các dự án được cấp phép cho các doanh nghiệp khai thác hoặc nạo vét khơi thông luồng lạch. Tuy nhiên, nguồn này cũng chỉ đáp ứng được khoảng 60 - 65% nhu cầu và cung cấp cho các thành phố, đô thị lớn. Như vậy, có thể thấy được mỗi năm có khoảng từ 35 - 40 triệu m3 thuộc diện cát tặc và tương ứng với đó là giá trị của “cát tặc” này có thể lên đến hơn 8.000 tỷ đồng đã không được kiểm soát (?).

Nhu cầu tiêu dùng lớn, nguồn cung thấp đã dẫn đến tình trạng thị trường luôn khan hiếm cát. Trên thực tế, không chỉ hoạt động khai cát cát trái phép với một lượng lớn mà việc kinh doanh, buôn bán cát trên thị trường rất sôi động. Giá của các loại cát trong những năm gần đây biến đổi không ngừng, rất khó kiểm soát và nhiều thời điểm đã có tình trạng “làm giá” trên thị trường cát xây dựng. Đặc biệt, giá cát được biến động theo từng vùng và có mức độ chênh lệch rất lớn.

Theo khảo sát của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, thời điểm hiện tại, giá cát bê tông zin (không pha cát tạp) tại Đồng Nai được bán với giá từ 250.000 - 265.000 đồng/m3, nhưng chỉ cách đó khoảng 20 - 30 km trên địa bàn quận Thủ Đức, TP.HCM được bán với giá từ 320.000 - 350.000 đồng/m3. Như vậy, có thể thấy mỗi m3 cát đã chênh lệch nhau lên đến hàng trăm nghìn đồng trên một địa bàn rất gần nhau. Bên cạnh đó, người tiêu dùng, các công trình xây dựng của Nhà nước, công trình nhà ở dân sinh luôn phải gánh chịu cảnh đội giá vật liệu xây dựng lên cao do trượt giá.

Trước thực trạng khai thác và sử dụng tài nguyên cát như hiện nay, một chuyên gia về vật liệu xây dựng cho rằng, để tránh tình trạng lợi dụng chính sách nạo vét, tận thu cát và giảm bớt tình trạng “cát tặc”, quản lý chặt chẽ nguồn tài nguyên cát thì cần phải có một quy hoạch tổng thể đánh giá, khảo sát về trữ lượng, nhu cầu sử dụng cát trong từng khu vực cụ thể. Sau đó, cơ quan quản lý nhà nước cấp bộ, ngành hoặc địa phương đó đứng ra lựa chọn doanh nghiệp để lập dự án, thực hiện chịu sự giám sát quản lý chặt chẽ về khối lượng, phương pháp khai thác, xử lý có hiệu quả. Như vậy mới có thể quy trách nhiệm người đứng đầu ở những địa bàn để xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép theo như nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc ngăn chặn ngay nạn “cát tặc” trên sông Đồng Nai và nhiều con sông khác.

(Còn nữa)

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan