Cổ phiếu cần quan tâm ngày 3/6

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 3/6

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 3/6 của các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị mua cổ phiếu PNJ với giá mục tiêu 122.000 đồng/CP

CTCK MB (MBS)

Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ – sàn HOSE) công bố kết quả kinh doanh tháng 4 tăng trưởng vượt trội, doanh thu thuần và lợi nhuận ròng đạt 1,9 nghìn tỷ đồng (tăng 269% so với cùng kỳ năm ngoái) và 85 tỷ đồng (so với lỗ 102 tỷ đồng trong tháng 4/2020).

Trong 4 tháng năm 2021, PNJ ghi nhận doanh thu thuần và lợi nhuận ròng đạt 9 nghìn tỷ đồng (tăng 64,1% so với cùng kỳ) và 598 tỷ đồng (tăng 95,3%). PNJ đã hoàn thành 43% và 49% kế hoạch năm về doanh thu thuần và lợi nhuận ròng, vượt ước tính của chúng tôi.

4 tháng đầu năm 2021, doanh thu bán lẻ và vàng miếng tăng 60% và 70% so với cùng kỳ. Doanh thu bán buôn duy trì tăng trưởng 56% ck. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn trong dịch bệnh, nhưng doanh thu 4 tháng 2021 đã tăng 55% so với 4 tháng 2019, trước khi bị ảnh hưởng của dịch bệnh.

Biên lợi nhuận đạt 18,3% trong tháng 4/2021 (5,8% tháng 4/2020) và 18,8% trong 4 tháng 2021 so với 19,8% trong 4 tháng 2020, giảm nhẹ do (i) mảng vàng miếng đóng góp tăng trưởng trong tổng doanh thu, đây là mảng có biên lợi nhuận thấp và (ii) các chương trình khuyến mãi trong tháng 4/2021.

Trong năm 2020, chiến lược giảm tồn kho đã giúp PNJ cải thiện dòng tiền kinh doanh của PNJ dương gần 1,500 tỷ đồng. Công ty tiếp tục duy trì chiến lược này trong năm 2021 nhờ hệ thống ERP, từ đó thiết kế và trưng bày sản phẩm theo nhu cầu của mỗi khách hàng ở từng vùng miền. Cuối quý I/2021, hàng tồn kho giảm khoảng 2% so với cuối năm 2020.

Chúng tôi dự phóng doanh thu 2021 ở mức 21.161 tỷ đồng (tăng 20,8% so với năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế đạt 1.257 tỷ đồng (tăng trưởng 17,6%), phản ánh sự phục hồi ấn tượng của mảng bán lẻ cùng với nền kinh tế Việt Nam, kỳ vọng mang lại doanh thu quý II vượt kế hoạch.

Chúng tôi khuyến nghị mua và thay đổi giá mục tiêu của PNJ lên 122.000 đồng/cổ phần (tăng 21% upside, sử dụng phương pháp P/E và triết khấu dòng tiền). Các yếu tố thúc đẩy giá: (1) sức mua giành cho các mặt hàng không thiết yếu như trang sức đã phục hồi tốt hơn so với dự kiến và sẽ còn tăng trưởng trong 2021, (2) ra mắt nhiều dòng sản phẩm mới, chiến dịch marketing và khuyến mãi thúc đẩy doanh số bán hàng, (3) các thương vụ sáp nhập.

>> Tải báo cáo

Khuyến nghị mua cổ phiếu DPM với giá mục tiêu 23.300 đồng/CP

CTCK MB (MBS)

Hoạt động của Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí-CTCP (DPM - HOSE) tiếp tục thuận lợi khi giá phân bón tăng mạnh trên thị trường thế giới nhờ vào nhu cầu gia tăng khi giá nông sản tăng mạnh, nông dân đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, giá dầu, khí tăng cũng làm giá phân bón tăng lên.

Chúng tôi dự báo năm 2021, công ty có thể đạt sản lượng kinh doanh phân bón và hóa chất các loại với 1,27 triệu tấn, tăng 3% so với 2020, doanh thu đạt 9.473 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 977 tỷ, lần lượt bằng 122% và 115% so với 2020. Định giá cổ phiếu ở mức 23.300 đồng/cổ phần, chúng tôi khuyến nghị mua cổ phiếu DPM.

Nhà máy hoàn thành đợt bảo dưỡng tổng thể: Nhà máy Đạm Phú Mỹ đã hoàn thành vượt tiến độ đợt bảo dưỡng tổng thể định kỳ năm 2021 trong 32 ngày so với kế hoạch 33 ngày và đã cho ra sản phẩm ure trở lại vào ngày 20/5.

Phân xưởng NH3 cũng đã hoàn thành bảo dưỡng và cho ra sản phẩm vào ngày 18/5, vượt tiến độ 3 ngày. Việc nhà máy hoàn thành bảo dưỡng tổng thể sớm hơn kế hoạch, nâng cao năng lực sản xuất (2.420 tấn/ngày) trong bối cảnh thị trường phân bón đang rất thuận lợi, nhu cầu và giá đều tăng cao là cơ sở để công ty gia tăng sản lượng sản xuất, bán hàng và hiệu quả kinh doanh trong năm 2021.

Trong quý I/2021, sản lượng sản xuất đạt gần 250 nghìn tấn phân bón và hóa chất các loại, sản lượng kinh doanh đạt gần 280 nghìn tấn các loại, trong đó phân bón là 250 nghìn tấn.

Tiếp nối kết quả kinh doanh khả quan trong năm 2020, trong quý I.2021 doanh thu đạt 1.945 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 215 tỷ đồng, bằng 115% và 168% quý I.2020 và hoàn thành 23% và 49% kế hoạch cả năm.

Trong kỳ, nhờ sản lượng kinh doanh tăng, giá bán tăng nhanh hơn giá nguyên liệu đầu vào, làm cho lợi nhuận gộp tăng nhanh hơn doanh thu (28%/15%) và đạt 433 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp đạt mức 22.3% cao hơn so với mức 19.9% cùng kỳ 2020.

Thị trường phân bón tiếp tục thuận lợi:Giá phân bón Urea trên thị trường quốc tế liên tục tăng từ đầu năm đến nay, một mặt do giá dầu tăng mạnh trở lại cùng với nhu cầu phân bón tăng lên khi giá các loại nông sản tăng, nông dân gia tăng trồng trọt và kéo theo giá phân bón tăng cao, mặt khác là do chuỗi sản xuất, cung ứng gián đoạn do ảnh hưởng dịch covid cũng đẩy giá phân bón tăng lên.

Giá phân Urea tại thị trường Trung quốc tăng 31%- 34% từ 290usd/tấn lên mức 380-390usd/tấn trong 5 tháng đầu năm, trong khi giá urea Biển đen tăng đến 50% từ 245 usd/tấn cuối tháng 12/2020 lên mức 390 usd/tấn cuối tháng 5.2021

Rủi ro đầu tư: Biến động gián đoạn và giá nguyên liệu khí ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất của công ty: nguồn nguyên liệu khí chiếm đến 58-60% chi phí sản xuất, giá khí biến động ảnh hưởng lớn đển hiệu quả kinh doanh của công ty. Biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới nông vụ và diện tích trồng trọt: hạn hán, mưa lũ do biến đổi khí hậu khiến diện tích canh tác nông nghiệp bị thu hẹp, tác động tiêu cực đến thị trường phân bón nói chung và hoạt động của doanh nghiệp nói riêng.

>> Tải báo cáo

Khuyến nghị mua cổ phiếu PVT với giá mục tiêu 22.300 đồng/CP

CTCK MB (MBS)

Lãi ròng quý I/2021 của Tổng công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (PVT – sàn HOSE) tăng mạnh 102% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt tương ứng 136 tỷ đồng nhờ (i) giá cước cải thiện nhẹ khi nhu cầu sử dụng dầu mỏ/dầu thô phục hồi, (ii) lỗ chênh lệch tỷ giá trong kỳ ghi nhận thấp hơn giúp chi phí tài chính giảm 42%, và (iii) ghi nhận 34 tỷ đồng lãi từ thanh lý tài sản của tàu chở dầu Sea Lion.

OPEC dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ 2021 tăng 6,6% trong bối cảnh (i) kinh tế thế giới dần hồi phục nhờ đẩy nhanh các chương trình tiêm chủng, (ii) nhu cầu nhiên liệu tăng trên toàn thế giới, và (iii) các gói hỗ trợ, kích thích kinh tế được triển khai nhằm ứng phó tác động của dịch bệnh.

OPEC cho biết nhu cầu dầu thế giới đạt mức trung bình 96,5 triệu thùng/ngày vào năm 2021, cao hơn gần 6 triệu thùng/ngày so với nhu cầu năm ngoái, với sự tăng tốc dự kiến diễn ra vào nửa cuối năm 2021.

Giá cước vận tải dự báo sẽ hồi phục trong nửa cuối năm 2021 hoặc đầu 2022. Mặc dù cước vận tải đã ghi nhận chuyển biến tích cực từ cuối tháng 2/2021 nhưng đà phục hồi vẫn chưa rõ nét khi nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu chưa khôi phục trở lại mức trước thời điểm dịch bệnh bùng phát.

OPEC dự báo giá cước vận tải sẽ trở nên tích cực hơn từ nửa cuối 2021 hoặc nửa đầu năm 2022 khi hoạt động thương mai đường biển và tiêu thụ nhiên liệu gia tăng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tăng trưởng trở lại sau dịch.

Doanh thu từ vận tải của PVT sẽ cải thiện trong năm 2021 khi Nhà máy Lọc dầu Dung Quất hoàn tất bảo dưỡng trong năm 2020 & nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ/ sản phẩm dầu mỏ hồi phục. Hiện tại, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã hoạt động ổn định với ~105% công suất thiết kế sau khi thực hiện bảo dưỡng định kỳ kéo dài 52 ngày trong năm 2020, kéo theo nhu cầu tiêu thụ được cải thiện tại nhà máy này.

Chúng tôi xác định giá mục tiêu của PVT vào khoảng 22.300 đồng/CP dựa trên phương pháp chiết khấu dòng tiền. Giá mục tiêu tương ứng với P/E forward 10,7 lần (theo EPS 2021F khoảng 2.091 đồng).

Do đó, chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu PVT với giá mục tiêu 22.300 đồng/CP trên cơ sở (i) nhu cầu vận chuyển dầu & sản phẩm dầu hồi phục sau khoảng thời gian chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh Covid-19, (ii) nhu cầu tiêu thụ trong nước cải thiện khi Nhà máy lọc dầu Dung Quất tăng hiệu suất hoạt động sau hoạt động bảo dưỡng định kỳ năm 2020, và (iii) giá cước vận tải dự báo tăng.

>> Tải báo cáo

Chốt lãi khi cổ phiếu CEO tiếp cận ngưỡng 12.5

CTCK BIDV (BSC)

Cổ phiếu CEO của Công ty cổ phần Tập đoàn C.E.O đang hình thành nhịp hồi phục sau khi tích lũy trung hạn tại ngưỡng giá 9.5. Thanh khoản cổ phiếu vượt ngưỡng trung bình 20 phiên trong các phiên giao dịch gần nhất.

Chỉ báo MACD và chỉ báo RSI đều đang ủng hộ xu hướng tăng giá. Đường giá cổ phiếu cũng đã vượt lên dải mây Ichimoku báo hiệu nhịp tăng giá trung hạn.

Nhà đầu tư có thể cân nhắc mở vị thế quanh ngưỡng giá 10.4 và chốt lãi khi cổ phiếu tiếp cận ngưỡng 12.5. Cắt lỗ nếu mất ngưỡng hỗ trợ 9.5.

Khuyến nghị mua cho DHC với giá mục tiêu 118.900 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi lưu ý rằng CTCP Đông Hải Bến Tre (DHC) luôn vượt mục tiêu lợi nhuận trong 3 năm gần nhất. Trong năm 2020, DHC tăng mục tiêu lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số từ 200 tỷ đồng lên 300 tỷ đồng vào tháng 11 và sau đó vượt 31% kế hoạch mới.

Đối với năm 2021, ban lãnh đạo đặt mục tiêu doanh thu đạt 3,5 nghìn tỷ đồng (tăng 21% so với năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt 399 tỷ đồng (tăng 2%). Tính đến cuối quý I/2021, DHC đã hoàn thành 43% mục tiêu lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số cả năm 2021.

Dự báo hiện tại của chúng tôi cho năm 2021 bao gồm doanh thu và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số lần lượt tăng trưởng 27% và 49% khi chúng tôi kỳ vọng nhu cầu giấy bao bì tăng trưởng mạnh sẽ thúc đẩy sản lượng và giá bán của DHC.

Cổ tức tiền mặt năm tài chính 2020: DHC sẽ chia đợt cổ tức tiền mặt thứ hai và cuối cùng ở mức 500 đồng/CP (lợi suất 0,5%) mỗi đợt. Bao gồm 2 đợt thanh toán này, cổ tức tiền mặt năm tài chính 2020 sẽ đạt tổng cộng 2.500 đồng/CP (lợi suất 3,4%).

Cổ tức cổ phiếu năm tài chính 2020: DHC đặt kế hoạch chia cổ tức cổ phiếu với tỷ lệ 25% (100 cổ phiếu hiện hữu nhận thêm 25 cổ phiếu).

Cổ tức năm tài chính 2021: Ban lãnh đạo đặt kế hoạch cổ tức cho năm tài chính 2021 (bao gồm cổ tức tiền mặt và cổ tức cổ phiếu) ở mức 35% mệnh giá.

Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua cho DHC với giá mục tiêu 118.900 đồng/CP (tổng mức sinh lời dự phóng 16,3%, bao gồm lợi suất cổ tức 1,9%, dựa theo giá đóng cửa phiên 1/6.

Tin bài liên quan