Cổ phiếu cần quan tâm ngày 11/7

(ĐTCK) Bất chấp thị trường có một ngày nặng nề với nhiều tín hiệu của một phiên phân phối đỉnh, nhiều mã vẫn tiếp tục được khuyến nghị mua vào. Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 11/7 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 11/7

CVT: Khuyến nghị mua vào

CTCK APEC (APS)

CTCP CMC (CVT – sàn HNX) là công ty đi đầu trong lĩnh vực sản xuất các loại gạch Ceramic theo công nghệ Italia và Tây Ban Nha, bao gồm gạch lát nền, gạch ốp tường, gạch chân tường và gạch viền trang trí. Công ty là nơi cung cấp một khối lượng lớn gạch Ceramic cho hầu hết các tỉnh phía Bắc, một số tỉnh miền Trung và miền Nam.

Mặc dù doanh thu được duy trì ổn định và tăng trưởng trong những năm qua, lợi nhuận của công ty lại giảm sút mạnh trong 2 năm 2011, 2012. Ngoại trừ những khó khăn nói chung của thị trường bất động sản và xây dựng, nguyên nhân chủ yếu là do nhà máy số 2 do công ty tập trung đầu tư trong giai đoạn này chưa đi vào hoạt động. Việc nhà máy này đi vào hoạt động từ cuối năm 2012 đã làm doanh thu và lợi nhuận của công ty tăng trưởng mạnh mẽ.

Năm 2013, công ty đặt kế hoạch 42 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Trong quý I, lợi nhuận sau thuế đạt 5.43 tỷ đồng, cao gấp nhiều lần lợi nhuận cùng kỳ năm trước nhờ nhà máy số 2 đi vào hoạt động ổn định và sản xuất dòng gạch cao cấp mài bóng Nano đáp ứng được nhu cầu thị trường.

Trong năm 2014, công ty dự kiến tăng vốn điều lệ lên gấp đôi để đầu tư mở rộng nhà máy sản xuất số 2, nâng công suất lên gấp 1.5 lần vào quý IV năm 2015.

Khuyến nghị: Chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư mua vào cổ phiếu CVT với mức giá mục tiêu 25,100 đồng/cổ phiếu. Tầm nhìn đầu tư 1 năm.

>> Tải báo cáo

PPC : Khuyến nghị năm giữ

CTCK Maybank Kim Eng (MBKE)

Theo thông tin từ ĐHCĐ 2014 của CTCP Nhiệt điện Phả Lại (PPC), sản lượng điện 6 tháng đầu năm ước đạt 3,6 tỷ kWh. Sản lượng điện SX trong quý I/2014 đạt 1,7 tỷ kWh, như vậy sản lượng điện quý II/2014 đạt khoảng 1,9 tỷ kWh, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. 

Sản lượng điện quý II tăng nhẹ là do lưu lượng nước về các hồ thuỷ điện ở miền Bắc trong các tháng quý II/2014, nhất là tháng 5- 6/2014, thấp hơn nhiều so với trung bình nhiều năm (TBNN) nên nguồn nhiệt điện được huy động tối đa để đáp ứng nhu cầu phụ tải (theo thông tin trên website Tập đoàn điện lực). Do chưa có giá bán điện chính thức cho năm 2014, chúng tôi giả định doanh thu quý II/2014 tiếp tục được tính theo giá tạm tính như trong quý I/2014 (1.353 đồng/kWh, cao hơn 21% so với giá bình quân quý 2/2013). 

Theo đó, doanh thu quý II/2014 ước đạt 2.318 tỷ, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước. Chúng tôi ước tính lợi nhuận từ sản xuất kinh doanh điện đạt 368 tỷ, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước do chi phí sản xuất kinh doanh ước tăng 30% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do giá than đầu vào đã tăng hơn 20% so với cùng kỳ sau hai lần tăng giá vào tháng 8/2013 và tháng 1/2014.

Về chênh lệch tỷ giá liên quan đến khoản vay dài hạn bằng đồng Yên, tỷ giá JPY/VND đứng ở mức 209,46 vào ngày 30/6/2014, tăng 2,9% so với cuối quý I/2014. Do đó, ước tính PPC sẽ ghi nhận 156 tỷ lỗ chênh lệch tỷ giá trong quý 2/2014 (so với 234,8 tỷ lãi chênh lệch tỷ giá trong quý II/2013). 

Bù trừ cùng khoản lãi tiền gửi (ước tính 86 tỷ) và chi phí lãi vay (ước tính 37 tỷ), ước tính PPC ghi nhận lỗ ròng 106 tỷ từ hoạt động tài chính. Ngoài ra, PPC còn 82,8 tỷ lợi thế thương mại từ việc mua công ty liên kết (là CTCP Nhiệt điện Hải Phòng) sẽ được ghi nhận nốt trong năm nay và có thể được ghi nhận thành 2 lần trong quý 2 và quý 4. 

Tính đến cuối quý I/2014, PPC nắm giữ 127,45 triệu cổ phiếu CTCP Nhiệt điện Hải Phòng (25,49%). Mới đây đây PPC đã đăng ký mua thêm 2,4 triệu cổ phiếu, tăng tỷ lệ nắm giữ lên xấp xỉ 26%. Trong ĐHCĐ vào tháng 4/2014, CTCP Nhiệt điện Hải Phòng đã thông qua chi trả cổ tức 5,5% trên vốn điều lệ; như vậy PPC sẽ nhận được khoảng 71 tỷ từ CTCP Nhiệt điện Hải Phòng trong năm nay, tuy nhiên sẽ chưa được ghi nhận trong quý II.

Mặc dù lợi nhuận từ sản xuất kinh doanh chính dự báo tăng trưởng nhẹ trong quý II/2014, nhưng khoản lỗ chênh lệch tỷ giá và lỗ từ công ty liên kết do phân bổ lợi thế thương mại ước tính sẽ kéo lợi nhuận ròng giảm khoảng 46%, đạt 191 tỷ. 

Chúng tôi cũng điều chỉnh dự báo giảm lợi nhuận sau thuế 2014 xuống 832 tỷ, giảm 49% so với cùng kỳ năm trước với giả định tỷ giá JPY/VND sẽ đứng quanh mức 209 vào cuối năm. Ngoài rủi ro về tỷ giá đồng Yên, hiện nay PPC cùng một số công ty điện cổ phần hoá đang gặp vướng mắc về cách tính giá điện từ 2014 trở đi (vốn chủ sở hữu làm cơ sở để tính giá điện phải trừ đi khấu hao luỹ kế từ khi cổ phần hoá theo hướng dn của Bộ công thương) mà rủi ro là giá bán điện có thể giảm đi.

PPC mới công bố trả cổ tức bằng tiền mặt lần 2 năm 2013 với tỷ lệ 7%. Ngày đăng ký cuối cùng là ngày 25/7/2014 và ngày thực hiện trả cổ tức là ngày 15/8/2014. Trước đó, công ty đã tạm ứng cổ tức lần 1 với tỷ lệ 8% vào tháng 6/2014. Với tỷ lệ cổ tức tiền mặt 2013 là 15%, lợi suất cổ tức đạt khoảng 7,1%. Tuy nhiên, trong ĐHCĐ vừa qua, tỷ lệ cổ tức 2014 dự kiến giảm xuống còn 8%.

Cổ phiếu PPC giao dịch với P/E dự phóng 8,1x so với trung bình ngành 9x. Theo chúng tôi mức định giá này không hấp dẫn so với rủi ro về giá bán điện và tỷ giá đồng Yên như đã nêu ở trên. Chúng tôi khuyến nghị Nắm giữ PPC và sẽ tiếp tục theo dõi thông tin về giá bán điện 2014 và biến động của đồng Yên.

PVG: Tiềm năng tăng trưởng trong 2 năm 2014-2015 không cao

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Tiềm năng dài hạn từ kinh doanh CNG. Cuối năm 2013, PVG và PGD đã ký hợp đồng hợp tác kinh doanh phân phối khí CNG tại Dự án Khí mỏ Hàm Rồng và mỏ Thái Bình lô 102&106, sản lượng khai thác ổn định khoảng 200 triệu Sm3/năm và cung cấp liên tục trong 20 năm.

Dự án này có thể giúp PVG cải thiện kết quả hoạt động cũng như khả năng sinh lời do:

Xu hướng chuyển sang sử dụng CNG. CNG là một loại khí sạch, khi đốt cháy không thải ra các loại khí độc hại và thân thiện với môi trường hơn các loại nhiên liệu khác. CNG còn giúp nâng cao hiệu suất, kéo dài chu kỳ bảo dưỡng và tuổi thọ máy móc thiết bị. Ngoài ra, giá thành của CNG rẻ hơn so với giá các loại nhiên liệu khác như dầu FO, DO và LPG từ 10-30%. 

Chi phí vận chuyển CNG cũng thấp hơn nhiều so với LPG do CNG được nén tới áp suất 200 – 250 bars ở nhiệt độ môi trường đề giảm thể tích bồn chứa, tăng hiệu suất và giảm chi phí vận chuyển bằng các phương tiện vân tải đường bộ, đường sắt, đường thủy. Với những ưu điểm của CNG, nhu cầu chuyển đổi sang loại nhiên liệu này trong tương lai là khá lớn.

Nhu cầu sử dụng khí CNG từ mỏ Hàm Rồng và Thái Bình được đảm bảo. Hiện nay, trong bán kính 150km quanh huyện Tiền Hải – Thái Bình có khoảng 62 khu công nghiệp tại các vùng kinh tế trọng điểm như Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Quảng Ninh… Với những lợi ích của CNG, các doanh nghiệp, đặc biệt là trong những lĩnh vực tiêu thụ một lượng điện và nhiệt lớn cho sản xuất, sẽ có khả năng chuyển đổi sang sử dụng CNG. 

Cho đến nay, PVG đã gặp gỡ 12-16 khách hàng hiện đang sử dụng LPG để giới thiệu về CNG và ký kết các Biên bản ghi nhớ/Hợp đồng nguyên tắc cam kết sản lượng khí tiêu thụ.

Trữ lượng của hai mỏ lớn, cho phép khai thác ổn định liên tục trong 20 năm. Tổng trữ lượng của mỏ Hàm Rồng và mỏ Thái Bình là 4.342 tỷ Sm3, cho phép sản lượng khai thác ổn định khoảng 200 triệu Sm3/năm và cung cấp liên tục trong 20 năm. Hiện nay, CNG mới chỉ được phân phối và tiêu thụ tại miền Nam qua PGS và công ty con của PGS là CNG Việt Nam. Tổng sản lượng CNG năm 2013 của PGS và CNG Việt Nam là 142 triệu Sm3.

PVG sẽ trở thành nhà cung cấp CNG duy nhất trên thị trường miền Bắc, do đó không có áp lực cạnh tranh trong việc phân phối khí CNG Biên lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh CNG cao hơn so với LPG. Biên lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh CNG của PGS đạt khoảng 35%, gấp hơn 3 lần so với biên lợi nhuận từ LPG (khoảng 10%).

Hoạt động phân phối LPG ổn định và cho biên lợi nhuận thấp:

Thị phần lớn và ổn định tại khu vực miền Bắc và miền Trung. Hoạt động phân phối LPG của PVG trải dài từ các tỉnh phía Bắc cho tới Đà Nẵng. Tổng sản lượng của PVG năm 2013 đạt 175.785 tấn, chiếm khoảng 29% tổng nhu cầu LPG tại miền Bắc và miền Trung.

Đầu vào ngày càng phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Trước 2009, 75% nguồn LPG phục vụ hoạt động kinh doanh của PVG được cung cấp từ nguồn sản xuất trong nước. Năm 2013, nguồn sản xuất trong nước chỉ đáp ứng khoảng 56% nhu cầu kinh doanh của PVG và dự báo tiếp tục giảm trong 2014.

Khả năng sinh lời thấp. Biên lợi nhuận gộp và biên lợi nhuận thuần của PVG ở mức thấp, chỉ đạt lần lượt 6,7% và 0,7%.

Hoạt động kinh doanh CNG gặp phải một số rủi ro như giá nguyên liệu đầu vào có xu hướng tăng, áp lực cạnh tranh từ các loại nhiên liệu khác, tiến độ phân phối khí có thể chậm hơn so với kế hoạch...

Năm 2014, PVG đặt kế hoạch sản lượng LPG là 175.785 tấn, giảm nhẹ so với năm 2013. Giá bán LPG được dự báo sẽ giảm khoảng 1% so với năm 2013. Ngoài ra, do nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ ngừng hoạt động trong tháng 5-6/2014, PVG sẽ phải sử dụng nguồn LPG nhập khẩu nhiều hơn. Trong khi đó, giá LPG nhập khẩu thường cao hơn giá LPG từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất khoảng 40-50$/tấn, dẫn tới biên lợi nhuận gộp dự báo giảm xuống còn 6%. 

Theo đó, doanh thu và lợi nhuận trước thuế dự báo đạt 4.096 tỷ đồng (+1% so với cùng kỳ năm trước) và 35 tỷ đồng (-3% so với cùng kỳ năm trước).

Tiềm năng tăng trưởng của PVG trong hai năm tới 2014-2015 là không cao do doanh thu từ mảng kinh doanh LPG tăng trưởng chậm và biên lợi nhuận thấp. Biên lợi nhuận còn có khả năng giảm trong năm 2014 do PVG phải phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn hàng nhập khẩu. 

Xét về dài hạn, kể từ sau năm 2016, việc phân phối khí CNG có thể giúp PVG tăng trưởng mạnh về lợi nhuận do biên lợi nhuận gộp đối với hoạt động kinh doanh CNG thường cao hơn 2-3 lần so với biên lợi nhuận gộp hoạt động kinh doanh LPG. Hiện tại, PVG đang được giao dịch ở mức PE và PB lần lượt là 11,19 và 0,75 lần. Mức giá kỳ vọng của PVG là 12.590 đồng/cổ phần.

GMD: Cảng Nam Hải- Đình Vũ sẽ mang lại lợi nhuận cao

CTCK MB (MBS)

Cảng Nam Hải – Đình Vũ của GMD đã được đưa vào hoạt động từ tháng 12/2013 là một yếu tố tác động tích cực đến triển vọng kinh doanh của Công ty trong năm 2014.. Chúng tôi đánh giá cao triển vọng của Cảng khi nhu cầu bốc xếp hàng hóa tại khu vực cụm cảng Hải Phòng vẫn tăng trưởng đều hàng năm và ở mức cao.

Cảng Nam Hải – Đình Vũ nằm trên bán đảo Đình Vũ, vị trí rất thuận lợi cho các tàu bốc xếp hàng hóa, có cầu tầu dài 450 m và bãi 15 ha. Lợi thế cạnh tranh của cảng là vượt trội do đây là cảng duy nhất đón được tàu trọng tải 30.000 DWT. Công suất tối đa của Cảng là 500,000 Teus/năm. Vốn đầu tư xây dựng cảng là trên 1000 tỷ VNĐ. Dự kiến trong năm 2014, Cảng sẽ hoạt động với 60% công suất và trong năm sau sẽ hoạt động với 100% công suất.

Thông thường các cảng biển mới đưa vào hoạt động thường chịu thua lỗ trong năm đầu tiên do chưa thu hút được nhiều tàu. Tuy nhiên đối với trường hợp của Cảng Nam Hải – Đình Vũ, Chúng tôi đánh giá khả năng có lãi của Cảng trong năm 2014 là khả quan nhờ các lợi thế cạnh tranh vượt trội về vị trí và năng lực bốc xếp của Cảng.

Cuối năm 2013, Gemadept đã thành công trong việc gia tăng tỷ lệ góp vốn tại cảng này từ 54,66 lên 84,66% vốn điều lệ. Đây là một cơ sở quan trọng để Gemadept nắm quyền điều hành, gia tăng doanh số và lợi nhuận, tiếp tục góp phần khẳng định vị thế của Tập đoàn trong lĩnh vực khai thác cảng tại Việt Nam.

Tin bài liên quan