Tính đến hết quý III/2019, VietinBank đã ký kết trên 600.000 hợp đồng cấp tín dụng xanh với tổng dư nợ hơn 16.000 tỷ đồng.

Tính đến hết quý III/2019, VietinBank đã ký kết trên 600.000 hợp đồng cấp tín dụng xanh với tổng dư nợ hơn 16.000 tỷ đồng.

VietinBank: Thúc đẩy tín dụng xanh trong phát triển bền vững

(ĐTCK) Xác định hiện thực hóa chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam là nhiệm vụ quan trọng, VietinBank đã nhanh chóng nhập cuộc, chủ động ký kết thỏa thuận hợp tác với các tổ chức tài chính uy tín, tăng cường tìm kiếm nguồn vốn ưu đãi toàn cầu và tư vấn tài trợ cho các khách hàng nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh.

Chủ động cấp vốn tín dụng xanh

Thực hiện Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 24/3/2015 và Chỉ thị 01/2017 của Ngân hàng Nhà nước về triển khai kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020, trong những năm qua, VietinBank đã chủ động xây dựng kế hoạch hành động để có thể thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh.

Bên cạnh việc chuẩn bị nguồn lực về con người và hạ tầng kỹ thuật, ngay từ năm 2015, VietinBank đã xúc tiến các hoạt động tìm kiếm nguồn vốn ưu đãi toàn cầu để tài trợ cho các lĩnh vực xanh.

Hoạt động nổi bật có thể kể đến là việc ký kết thỏa thuận hợp tác giữa VietinBank với Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC).

Thỏa thuận không chỉ tạo nguồn cho VietinBank triển khai các chính sách tín dụng ưu đãi, mà còn hỗ trợ VietinBank các kiến thức, kinh nghiệm trong tài trợ và triển khai cho vay chương trình Tín dụng xanh tại Việt Nam.

Cũng tại thỏa thuận này, VietinBank xác định, sẽ ưu tiên cấp tín dụng xanh cho các dự án thúc đẩy giảm khí thải CO2 và các dự án tiết kiệm năng lượng.

Trong suốt thời gian triển khai chương trình, VietinBank đã cấp tín dụng cho các doanh nghiệp để đầu tư máy móc, thiết bị, bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh các sản phẩm, thiết bị thân thiện với môi trường, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và không gây ô nhiễm môi trường. Các dự án năng lượng mặt trời cũng là một trong các lĩnh vực được lưu tâm tại VietinBank.

Bên cạnh đó, nhằm luân chuyển nguồn vốn tín dụng xanh đến tận tay khách hàng, VietinBank cũng nhanh chóng triển khai các chương trình theo định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước như cho vay nông nghiệp - nông thôn theo Nghị định 55/2015/NÐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp - nông thôn, cho vay nông nghiệp sạch công nghệ cao, cho vay công nghiệp hỗ trợ...

Ðồng thời, các khách hàng hoạt động trong lĩnh vực xanh cũng được VietinBank chủ động áp dụng các chính sách ưu đãi thông qua các sản phẩm/chương trình tín dụng phù hợp như chương trình "Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp", "Ðồng hành cùng doanh nghiệp"...

Tính đến hết quý III/2019, VietinBank đã ký kết trên 600.000 hợp đồng cấp tín dụng xanh với tổng dư nợ hơn 16.000 tỷ đồng tại tất cả các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp xanh, lâm nghiệp bền vững, công nghiệp xanh, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, tái chế, tái sử dụng các nguồn tài nguyên, xử lý chất thải và phòng chống ô nhiễm, quản lý nước bền vững tại khu vực đô thị và nông thôn…

Dư nợ tín dụng xanh tập trung chủ yếu vào lĩnh vực tài trợ cho năng lựợng tái tạo - một trong năm chủ điểm xanh theo định hướng của Chính phủ (chiếm 64%), lĩnh vực xử lý chất thải (chiếm 17%) và quản lý nước sạch (chiếm 18%).

Ðịnh hướng trong thời gian sắp tới, VietinBank sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ các chương trình hỗ trợ tín dụng xanh, phối hợp với các đơn vị liên quan để hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xanh phát triển.

Ngân hàng cũng đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ tiện ích, đưa ra các dự báo về thị trường, sản phẩm để tư vấn, hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp phát triển dự án bảo vệ môi trường.

Thách thức và giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh

Thực tế triển khai chương trình hỗ trợ tín dụng xanh, bên cạnh cơ hội và tiềm năng, VietinBank nhận thấy, hiệu quả trong hoạt động cấp tín dụng cho các lĩnh vực này vẫn chưa được như kỳ vọng.

Thách thức đầu tiên có thể kể đến là việc đầu tư vào lĩnh vực này đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, rủi ro thị trường cao, nên tiềm ẩn về nợ xấu đối với các ngân hàng.

Trong bối cảnh phần đông các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ không đủ tài sản để thế chấp, tính pháp lý của tài sản không đầy đủ, tình hình tài chính và kinh nghiệm hoạt động không đáp ứng được điều kiện cho vay của các tổ chức tín dụng…, việc xem xét, quyết định cấp tín dụng cho các khách hàng này gặp nhiều khó khăn.

Cùng với đó, các ngân hàng chưa có được bộ tiêu chí đánh giá chuyên môn dành cho các dự án tăng trưởng xanh, đặc biệt là chi tiết theo các ngành nghề cụ thể, kiến thức và kỹ năng thẩm định của cán bộ thẩm định về lĩnh vực chưa sâu hay đạt tới tầm chuyên gia, dẫn tới nhiều khó khăn và hạn chế trong quá trình thẩm định, quyết định tín dụng.

Ðặc biệt, các vấn đề phức tạp về kỹ thuật của các dự án cũng là trở ngại lớn, dẫn đến tín dụng xanh vẫn còn hạn chế.

Do vậy, cần thiết đề xuất các cơ quan quản lý nhà nước hỗ trợ xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, các văn bản hướng dẫn thực hiện các lĩnh vực xanh, bộ tiêu chuẩn kỹ thuật cụ thể cho những dự án xanh.

Các cơ quan nhà nước có thể phối hợp để tổ chức các khóa đào tạo kiến thức về lĩnh vực xanh cho các doanh nghiệp để tự nâng cao chất lượng sản xuất, chất lượng sản phẩm.

Bên cạnh đó, tổ chức những khóa đào tạo về các yếu tố đặc thù của dự án xanh cho nhân sự của các ngân hàng.

Trên cơ sở danh mục ngành và các tiêu chuẩn về lĩnh vực xanh, các tổ chức tín dụng có được những đánh giá sâu hơn về dự án xanh, khách hàng trong lĩnh vực xanh để đưa ra quyết định cấp tín dụng chính xác, để nguồn vốn ưu đãi đến đúng địa chỉ, đến đúng người cần.

Bên cạnh đó, các cơ quan trực tiếp liên quan đến xét duyệt tài chính dự án xanh cần có hướng dẫn và công bố quy trình xét duyệt cụ thể để bảo vệ quyền lợi cho những doanh nghiệp có dự án xanh.

Ở cấp địa phương, các ban, ngành sở tại cần chủ động có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp gia tăng mở rộng quy mô, giảm giá thành sản xuất, tăng cường quản lý chặt chất lượng đầu vào, nguyên phụ liệu, để sản phẩm đầu ra được nâng cả giá trị và chất lượng, đảm bảo tiêu chuẩn xanh.

Với xu hướng tiêu dùng xanh - sạch đang phổ biến trên thế giới, các cơ quan xúc tiến thương mại cần tăng cường những hoạt động định hướng và mở rộng thị trường tiêu thụ sang quốc gia có tiềm năng.

Ngoài ra, để cấp vốn ưu đãi cho các dự án xanh nhằm vừa đảm bảo mục tiêu hỗ trợ phát triển bền vững, vừa đảm bảo mục tiêu kinh doanh lợi nhuận, bản thân ngân hàng phải có những điều chỉnh phù hợp dòng tín dụng và xin hỗ trợ từ những quỹ hợp tác toàn toần cầu, công ty tài chính trên thế giới… để có được nguồn vốn giá rẻ.

Ðể đẩy mạnh quy mô, việc cấp tín dụng xanh cần được hỗ trợ nhiều hơn nữa từ các nguồn vốn ưu đãi khác từ chính phủ, Ngân hàng Nhà nước hay huy động vốn qua hình thức phát hành trái phiếu xanh.

Ngân hàng Nhà nước cần đưa ra chính sách phân bổ nguồn vốn cho vay dự án xanh vào ưu tiên riêng và cân nhắc xem xét giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với phần nguồn vốn ngân hàng huy động để cho vay dự án tín dụng xanh.

Riêng VietinBank, Ngân hàng sẽ tiếp tục chủ động nghiên cứu, xây dựng hệ thống quản lý rủi ro môi trường - xã hội trong hoạt động cấp tín dụng thông qua việc cải thiện các chính sách, nguồn lực, quy trình và thủ tục cấp tín dụng để tăng cường sự phối hợp trong công tác bảo vệ môi trường - xã hội, đồng thời gia tăng hợp tác để nâng cao kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư bền vững, tín dụng xanh.

Tin bài liên quan