VN-Index tăng hơn 14 điểm
Thị trường nhanh chóng hồi phục, VN-Index có được mốc 975 điểm ngay khi mở cửa. Dù ngưỡng này không giữ được đến cuối phiên nhưng sự trở lại của nhóm cổ phiếu lớn tiếp tục là trụ đỡ chính giúp chỉ số tích cực.
Tâm lý hưng phấn khi bước sang phiên chiều giúp đà tăng tiếp tục nới rộng, sắc xanh cũng lan tỏa thị trường giúp VN-Index tiến sát mốc 980 điểm.
Tuy nhiên, lực bán có phần gia tăng trong đợt khớp ATC đã lấy đi đỉnh vừa tạo lập. Dù vậy, thị trường có phiên giao dịch khởi sắc khi tăng gần 15 điểm.
Góp công lớn nhất giúp thị trường bật cao là Vinhomes. VHM tăng 4% lên 91.000 đồng. Bên cạnh đó, một số mã lớn khác cũng khởi sắc như VIC tăng 1% lên 115.100 đồng, VRE tăng 3% lên 34.000 đồng, VCB tăng 2,8% lên 62.200 đồng, GAS tăng 1,8% lên 100.000 đồng, HPG tăng 1,9% lên 34.250 đồng…
Trong khi VCB đảo chiều hồi phục tích cực sau 3 phiên giảm thì những “người anh em” khác như CTG, BID, MBB, EIB, VPB, STB lại biến động khá lình xình.
Tâm điểm hôm nay là nhóm cổ phiếu thị trường vừa và nhỏ. Ngoài GTN tiếp tục khoác áo tím với lượng dư mua trần, nhiều mã khác cũng được kéo lên kịch trần như KSH, FIT, TSC, NVT, AGM, AGF…
HSG cũng lấy lại đà tăng mạnh sau phiên giảm sâu ngày hôm qua, tăng 6,8%, lên 9.300 đồng và khối lượng khớp lệnh dẫn đầu thị trường, đạt 7,59 triệu đơn vị.
Trên sàn HOSE, khối ngoại bán ròng 1,55 triệu đơn vị với tổng giá trị tương ứng 103,56 tỷ đồng.
Trên sàn HNX, khối ngoại mua ròng 341.580 đơn vị với tổng giá trị tương ứng 3,89 tỷ đồng.
Trên UPCoM, khối ngoại mua ròng 72.780 đơn vị, với tổng giá trị tương ứng 3,16 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 1/3: VN-Index tăng 14,16 điểm (+1,47%) lên 979,63 điểm; HNX-Index tăng 1,4 điểm (+1,32%), lên 107,26 điểm; UPCoM-Index tăng 0,56 điểm (+1,01%), lên 55,68 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Dữ liệu của Bộ Thương mại Mỹ công bố hôm thứ Năm cho thấy, dù kinh tế Mỹ bỏ lỡ mục tiêu tăng trưởng 3% trong năm 2018, nhưng nhờ tăng trưởng tốt hơn dự kiến trong quý IV, nên GDP năm 2018 của Mỹ tăng 2,9%, một con số khá tốt.
Dù nhận thông tin tích cực về kinh tế vĩ mô, nhưng phố Wall chỉ lình xình và tiếp tục đóng wcar giảm điểm trong phiên thứ Năm khi nhà đầu tư lo ngại về thu nhập của các doanh nghiệp và những trở ngại mới trong đàm phán thương mại Mỹ - Trung.
Hôm thứ Tư, đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho biết, “còn nhiều việc phải làm” để Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận chung và Mỹ lùi thời hạn, nhưng không từ bỏ biện pháp đánh thuế với hàng hóa của Trung Quốc.
Tiếp đó, trong cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội, Tổng thống Trump cho biết, ông có thể từ bỏ thỏa thuận thương mại với Mỹ nếu nó chưa đủ tốt, dù các cố vấn của mình đã làm việc để thúc đẩy được một tiến trình “tuyệt vời”.
Bên cạnh đó, việc hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triệu tại Hà Nội không đạt được thỏa thuận chung cũng ảnh hưởng ít nhiều tới tâm lý nhà đầu tư.
Kết thúc phiên 28/2, chỉ số Dow Jones giảm 69,16 điểm (-0,27%), xuống 25.916,00 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 7,89 điểm (-0,28%), xuống 2.784,49 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 21,98 điểm (-0,29%), xuống 7.532,53 điểm.
Thị trường châu Á
Chứng khoán Nhật Bản hồi phục mạnh, sau khi đồng USD tăng giá so với đông yên đã kéo nhóm cổ phiếu xuất khẩu tăng vọt.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 255 tăng 1% lên 21.602,69 điểm. Trong tuần, chỉ số tăng 0,8% và là tuần thứ ba liên tiếp tăng. Topix tăng 0,5% lên 1.615,72 điểm.
Nhóm cổ phiếu của các công ty xuất khẩu tăng tốt nhất khi đồng USD tăng 0,4% so với đồng yên lên 111,73 yên/USD, mức cao nhất kể từ ngày 20/12 năm ngoái.
Trong đó, ấn tượng nhất là TDK Corp tăng 4,3%, Awesomeest Corp tăng 4,1% và Fanuc Corp tăng 1,9%.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết ,thị trường sẽ vẫn thận trọng sau khi ông Trump phát biểu hôm thứ Năm cảnh báo có thể từ bỏ thỏa thuận thương mại với Trung Quốc.
Cổ phiếu đáng chú ý là Subaru Corp, chỉ tăng 0,1%, sau khi thông báo thu hồi 2,26 triệu xe trên toàn thế giới vì lỗi đèn phanh.
Chứng khoán Trung Quốc tăng mạnh, khi các nhà đầu tư hoan nghênh tiến trình quốc tế hóa thị trường của nhóm cổ phiếu hạng A.
Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 1,8% lên 2.994,00 điểm. Chỉ số CSI300 bluechip tăng 2,2% lên 3.749,71 điểm.
Trong tuần, SSEC tăng 6,8%, tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 6/2015, trong khi CSI300 tăng 6,5%, tuần tốt nhất kể từ tháng 1/2015.
MSCI thông báo sẽ tăng gấp bốn lần trọng số cổ phiếu của Trung Quốc vào chỉ số chuẩn vào cuối năm nay, một động thái có thể thu hút hơn 80 tỷ USD dòng tiền nước ngoài vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Chúng tôi ước tính những thay đổi này sẽ dẫn đến một dòng vốn 67 tỷ USD vào nhóm cổ phiếu hạng A trong năm nay, ông Gao Gao Ting, Trưởng phòng Chiến lược Trung Quốc tại UBS Securities cho biết.
Phiên hôm nay, nhóm cổ phiếu tiêu dùng bứt phá mạnh nhất khi chỉ số phụ theo dõi ngành tăng 3,2%, và tính chung từ đầu năm đã tăng 27,6%.
Ở cấp độ ngành, các nhà đầu tư nước ngoài thể hiện sự ưa thích nhất đối với thực phẩm và đồ uống (F&B) và đồ gia dụng, Gao lưu ý.
Các công ty tài chính cũng tỏa sáng với mức tăng 3,1%, sau khi Bắc Kinh tuyên bố sẽ cải cách để tăng trưởng tín dụng.
Chứng khoán Hồng Kông tăng điểm, cũng bởi giới đầu tư hoan nghênh quyết định của nhà điều hành chỉ số MSCI tăng tỷ lệ cổ phiếu của Trung Quốc đại lục trong các bộ chỉ số chuẩn toàn cầu.
Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 0,63% lên 28.812,17 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 1,23% lên 11.506,94 điểm.
Chỉ số phụ theo dõi ngành năng lượng tăng 0,9%, ngành CNTT tăng 0,33%, tài chính tăng 0,72% và bất động sản tăng 0,41%.
Cổ phiếu tăng cao nhất trên sàn Hồng Kông là China Life Insurance Co Ltd, tăng 5,56%, trong khi thua lỗ lớn nhất là Galaxy Entertainment Group Ltd, giảm 2,42%.
Nhóm cổ phiếu H tăng tốt nhất có New China Life Insurance Co Ltd với 6,05%; China Life Insurance Co Ltd tăng 5,56% và Shenzhou International Group Holdings Ltd, tăng 4,59%.
Nhóm cổ phiếu H giảm sâu nhất gồm SINOPHARM Group Co Ltd giảm 1,15%; CSPC Pharmaceutical Group Ltd, giảm hơn 1% và Huaneng Power International Inc, giảm 0,8%.
Kết thúc phiên 1/3: Chỉ số Nikkei 255 tại Nhật Bản tăng 217,53 điểm (+1,02%), lên 21.602,69 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 53,05 điểm (+1,80%), lên 2.994,00 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 178,99 điểm (+0,63%), lên 28.812,17 điểm.
Thị trường vàng và ngoại tệ
- Vàng SJC giảm mạnh. Tỷ giá USD giao dịch quanh 23.260 đồng/USD
Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay giảm 60.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, vàng SJC tại Hà Nội đứng ở mức 36,66 - 36,88 triệu đồng/lượng, giảm tiếp 80.000 đồng/lượng so với đầu giờ sáng.
Trong khi đó, tỷ giá trung tâm ngày hôm nay được công bố ở mức 22.923 đồng/USD, tăng 8 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.150 - 23.260 đồng/USD.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Mùa ĐHCĐ 2019: “Soi” biến động nhân sự ngân hàng
Bên cạnh nợ xấu, kết quả kinh doanh, kế hoạch hoạt động..., nhân sự cấp cao cũng là "điểm nóng" của ngành ngân hàng. Trong mùa Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) năm nay, vấn đề nhân sự tại nhiều ngân hàng được dự báo sẽ có nhiều biến động..>> Chi tiết
- Mức 1.000 điểm, triển vọng dòng tiền lan tỏa
Sau Tết, có 26/30 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất sàn HOSE tăng giá trong thời gian từ ngày 11 - 25/2, trở thành động lực đưa VN-Index tiến sát mức 1.000 điểm. Với thanh khoản được cải thiện, kỳ vọng dòng tiền sẽ sớm lan tỏa sang nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ..>> Chi tiết
- Tháng 3, nhà đầu tư chờ cơ hội sáng
Sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên, thị trường chứng khoán Việt Nam được dự báo sẽ đón nhận dòng vốn mới từ cả nhà đầu tư ngoại và nội..>> Chi tiết
- Sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư để ý đến Việt Nam
Với khoảng 3.000 phóng viên quốc tế tới Việt Nam để truyền tải tin tức về Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều, Việt Nam đang sở hữu cơ hội lớn để phủ sóng hình ảnh trên toàn cầu, từ đó thu hút thêm sự chú ý của các nhà đầu tư toàn thế giới..>> Chi tiết
- Mỹ chính thức lùi thời hạn tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc
Việc tạm ngừng tăng thuế lên 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD sẽ kéo dài đến khi có thông báo mới về tăng thuế..>> Chi tiết