Kỳ vọng cổ phiếu hàng không và dòng vốn ngoại
Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, nhà đầu tư Đỗ Văn Thắng cho biết, anh đang đặt niềm tin vào cổ phiếu ngành hàng không trong tháng 3/2019. Lý do là các hãng hàng không lớn của Việt Nam đã thông tin mua số lượng không nhỏ tàu bay mới bên lề Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên được tổ chức tại Hà Nội ngày 27 - 28/2/2019.
Cụ thể, ngày 27/2, Vietjet Air đã ký kết hợp đồng với Tập đoàn Boeing về việc mua 100 tàu bay 737 MAX mới, trị giá 12,7 tỷ USD. Ngoài ra, Vietjet Air và Tập đoàn General Electric ký kết thoả thuận về dịch vụ dài hạn bảo dưỡng động cơ LEAP-1B trị giá 5,3 tỷ USD, thỏa thuận bao gồm cung cấp động cơ dự phòng và gói dịch vụ nhằm trang bị cho các đơn hàng máy bay mới và hiện đại mà hãng đã đặt hàng.
Cùng ngày, Bamboo Airways đã ký thỏa thuận mua 10 máy bay Boeing 787-9 Dreamliner trị giá gần 3 tỷ USD với Boeing. Tháng 6 năm ngoái, Bamboo Airways đã ký thoả thuận mua 20 máy bay Boeing 787 Dreamliner trị giá 5,6 tỷ USD tại Mỹ.
Như vậy, cùng với đơn hàng mới, Bamboo Airways sẽ sở hữu 30 chiếc máy bay thân rộng Boeing 787 Dreamliner. Những chiếc máy bay đầu tiên sẽ được phía Boeing bàn giao cho đối tác Việt Nam từ quý III/2020.
Trước đó, hãng tin Bloomberg dẫn lời ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết, hãng đang xem xét kế hoạch mua 50 - 100 tàu bay 737 Max từ Boeing trong năm nay.
Theo anh Thắng, những thông tin trên là tín hiệu tích cực cho thị trường hàng không Việt Nam. Ngoài ra, việc Việt Nam tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên được truyền thông rộng rãi trên thế giới, qua đó quảng bá hình ảnh Việt Nam, tạo cơ hội cho ngành du lịch phát triển, từ đó cổ phiếu hàng không cũng sẽ được hưởng lợi và “cất cánh”.
Cũng trong tâm thế kỳ vọng, nhà đầu tư Đức Hoàng cho rằng, việc Hà Nội được lựa chọn là nơi tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên vừa là minh chứng, vừa là cơ hội để quảng bá hình ảnh, nâng cao vị thế, cũng như tăng cường niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, mà thị trường chứng khoán là một trong những kênh hút vốn.
Nhà đầu tư này nhận định, sự kiện lớn đó sẽ thúc đẩy dòng vốn ngoại đổ vào thị trường và là yếu tố hỗ trợ mang tính dài hạn cho thị trường chứng khoán Việt Nam. Đặc biệt, triển vọng này được đặt trong bối cảnh Chính phủ vừa khẳng định về việc xây dựng thị trường chứng khoán trở thành kênh huy động vốn mạnh mẽ, song song với kênh tín dụng ngân hàng và từng bước khơi thông dòng vốn, nhằm sớm đạt mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.
Tuy vậy, ở góc nhìn thận trọng, một số nhà đầu tư khác không đặt quá nhiều kỳ vọng vào sự kiện Việt Nam tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên sẽ có tác động tích cực đến thị trường chứng khoán.
“Hiệu ứng nếu có cũng chỉ mang tính nhất thời và ngắn hạn, hậu hội nghị còn tính lan tỏa hay không vẫn là câu hỏi lớn”, một nhà đầu tư nói và cho rằng, thị trường có thể sắp diễn ra đợt điều chỉnh, sau khi đã có những phiên tăng điểm liên tiếp và đạt mức tăng vượt trội so với nhiều chỉ số chứng khoán khác trong khu vực.
Chia sẻ về chiến lược đầu tư trong tháng 3, không ít nhà đầu tư lựa chọn nhóm cổ phiếu vốn hóa thấp, với kỳ vọng, dòng tiền sẽ chảy vào nhóm cổ phiếu này, sau khi đã bỏ lỡ “sóng” blue-chips từ sau Tết Nguyên đán đến nay.
“Đợt tăng giá vừa qua (VN-Index từ 900 điểm lên gần 1.000 điểm) chủ yếu dành cho nhà đầu tư lớn và nhà đầu tư nhanh chân, yếu tố may mắn đóng vai trò đáng kể. Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình và nhỏ hầu hết đều chưa hồi phục, chưa đồng hành cùng nhóm blue-chips. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đạt được kết quả kinh doanh năm 2018 tích cực, mà giá cổ phiếu vẫn chỉ được giao dịch như thời điểm VN-Index dao động tại vùng 890 - 900 điểm”, nhà đầu tư Minh Vân nhận xét.
Niềm tin của nhà đầu tư ngoại
Theo ông Petri Deryng, Giám đốc Quỹ đầu tư Phần Lan PYN Elite Fund, một nhà đầu tư dày dạn sẽ biết lúc nào cổ phiếu đắt hay rẻ, nhưng không thể biết giá của một cổ phiếu "đắt" có thể tăng lên bao nhiêu, hay một cổ phiếu "rẻ" còn có thể giảm tới chừng nào trong một khung thời gian nhất định.
Các mức định giá vốn chủ sở hữu và tỷ lệ P/E của một doanh nghiệp có thể dễ xác định, nhưng việc dự đoán thời điểm để đầu tư luôn rất khó khăn, do cần phải tính đến các yếu tố như kịch bản chính sách kinh tế, địa chính trị và kinh tế vĩ mô...
Tuy nhiên, ông Petri Deryng bày tỏ niềm tin rõ ràng về triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam. Ông cho rằng, nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng với tốc độ vững chắc trong 10 năm tới. Xu hướng chung của thị trường chứng khoán là đi lên, có thời điểm của cổ phiếu lớn, có thời điểm của cổ phiếu vốn hóa thấp, có thời kỳ của cổ phiếu trả cổ tức cao hay các công ty năng lượng...
Triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam tương đương với tăng trưởng lợi nhuận ở các ngành. Sẽ có lúc, thị trường chứng khoán tăng giá mạnh, đây là phần thưởng cho đầu tư dài hạn, bởi nếu không, các cổ phiếu sẽ bị định giá thấp đi.
Lãnh đạo Quỹ PYN Elite Fund nhận định, nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng gấp đôi quy mô trong 10 năm tới. Mức lương của người Việt sẽ được tăng 10% mỗi năm, dân số sẽ tăng thêm khoảng 5,5 triệu người sau 3 - 5 năm, lượng xe hơi sẽ tăng từ 20 - 30% mỗi năm trong vòng 10 năm tới. Cả Hà Nội và TP.HCM sẽ khởi động hệ thống tàu điện ngầm trong vòng 10 năm, Hà Nội sẽ tổ chức giải F1 Grand Prix vào năm tới…
Về tác động của sự kiện Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un tổ chức các cuộc họp tại Hà Nội tới thị trường chứng khoán, ông Petri Deryng nhìn nhận, bức tranh hiện tại đã khá rõ ràng.
“Trên hết, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục được hiện đại hóa và chúng ta sẽ thấy những thay đổi đáng kể trong vài năm tới", ông Petri Deryng nói.