Ảnh: Shutterstock.

Ảnh: Shutterstock.

Thị trường tài chính 24h: Kịch bản cũ lặp lại

(ĐTCK) VN-Index tuột mốc 970 điểm; Lãi suất cho vay đang tăng dần; Chứng quyền, lường trước chuyện đầu cơ; Đại hội muộn, doanh nghiệp có chuyện “khó nói“; Chậm đổi mới, sức ép lên doanh nghiệp niêm yết lớn gấp đôi; Chứng khoán châu Á đồng loạt giảm; Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc nói Mỹ 'khủng bố kinh tế'...là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

VN-Index tái diễn kịch bản giảm về cuối phiên

Ngay khi mở cửa, lực bán mạnh khiến VN-Index giảm nhanh về 965 điểm. Sau đó, cầu bắt đáy được khởi động, kéo chỉ số tăng qua tham chiếu. Tuy nhiên, đó là tất cả sự tích cực mà VN-Index nhận được, bởi sau đó thị trường giao dịch thận trọng trở lại và diễn biến nhì nhằng cứ thế duy trì.

Tuy nhiên, trong đợt khớp lệnh ATC, một lần nữa lực bán lại vọt tăng, kéo VN-Index rơi thẳng qua tham chiếu. Đây là phiên thứ 3 liên tiếp kịch bản xả hàng cuối phiên được thực hiện.

Rổ VN30 có 18 mã tăng, nhưng đa phần là tăng nhẹ, nên không đủ lực đỡ, khi trong Top 10 mã vốn hóa lớn nhất sàn có tới 6 mã giảm, với VNM -1%, VHM -1,2%, MSN -2,6%, GAS và BID -0,6%...

Một số mã tăng tốt có SAB +1,2%, TCB +0,9%, PLX +0,9%, HVN +1%, NVL +1%, VJC +0,6%...

Đáng chú ý, LMH bất ngờ tăng trần lên 14.750 đồng (+6,9%), thanh khoản cao với 0,62 triệu đơn vị khớp lệnh. Đây là phiên tăng thứ 6 liên tiếp của mã này.

Tính chung trên toàn thị trườngnhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 3,65 triệu đơn vị, giá trị 689,55 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 30/5: VN-Index giảm 2,2 điểm (-0,23%), về 969,34 điểm; HNX-Index đứng giá 105,32 điểm; UPCoM-Index giảm 0,02 điểm (-0,03%), xuống 55,05 điểm.

Chứng khoán Mỹ 

Phố Wall tiếp tục chịu áp lực bán mạnh trong phiên thứ Ba và có phiên giảm thứ 3 liên tiếp do môi quan tâm chính là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung không có hồi kết và dường như còn leo thang hơn.

Báo chí Trung Quốc cảnh báo hôm thứ Tư rằng, Bắc Kinh có thể sử dụng đất hiếm để tấn công lại Hoa Kỳ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, ông chưa sẵn sàng để thực hiện một thỏa thuận với Trung Quốc về thương mại. Trung Quốc là nguồn gốc của 80% đất hiếm được Hoa Kỳ nhập khẩu từ năm 2014 đến 2017.

Thêm một thông tin tiêu cực nữa tác động tới thị trường khi dữ liệu vừa công bố cho thấy, tăng trưởng sản xuất của Mỹ giảm xuống mức thấp 10 năm. Theo các nhà phân tích, nó còn có thể giảm xuống nữa do ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại.

Sự không chắc chắn trên thị trường đã gây áp lực cho các nhà đầu tư từ bỏ cổ phiếu và tìm kiếm sự an toàn là trái phiếu chính phủ Mỹ.

Điều này này dẫn đến sự đảo ngược của đường cong lợi suất giữa trái phiếu kỳ hạn 3 tháng và trái phiếu kỳ hạn 10 năm, dấu hiệu đầu tiên của một cuộc suy thoái kinh tế.

Lợi tức trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ chạm mức thấp 2,21%, mức thấp nhất kể từ tháng 9/2017.

Kết thúc phiên 29/5, chỉ số Dow Jones giảm 221,36 điểm (-0,87%), xuống 25.126,41 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 19,37 điểm (-0,69%), xuống 2.783,02 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 60,04 điểm (-0,79%), xuống 7.547,31 điểm.

Thị trường châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm xuống ở mức thấp trong 3 tháng rưỡi qua, do lo ngại gia tăng về tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc kéo dài sex gây tổn hại cho nền kinh tế trong nước.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,29% xuống 20.942 điểm, mức thấp nhất kể từ giữa tháng Hai.  Topix giảm 0,29% xuống 1.531,98 điểm, mức thấp nhất kể từ ngày 11/1.

Thanh khoản thị trường vẫn ở mức thấp với chỉ 1.922 nghìn tỷ yên, thấp hơn khoảng 20% so với mức trung bình và là ngày thấp thứ hai trong tháng này.

Mặc dù suy yếu, nhưng thị trường cổ phiếu Nhật Bản vẫn còn “khá khẩm” hơn so với nhiều thị trường khác. MSCI Nhật Bản đã giảm 3,7% cho đến nay trong tháng 5, ít hơn mức giảm 5,6% của MSCI ACWI.

Tuy nhiên, điều này chắc chắn không khiến giới đầu tư thoải mái, khi họ ngày càng trở nên bi quan rằng Mỹ và Trung Quốc sẽ không có thêm thỏa thuận hay hướng đi nào về vấn đề thương mại trong cuộc gặp bên lề hội nghj thượng đỉnh G20 vào cuối tháng 6 tới.

Phiên hôm nay, nhóm cổ phiếu phòng thủ giảm mạnh nhất với Astellas Pharma giảm 4,2%, Kao Corp, giảm 1,8%, Nhà sản xuất nước tương Kikkoman và nhà sản xuất nước sốt cà chua Kagome đều giảm 4,2%.

Recruit Holdings, một trong số ít cổ phiếu đã đạt mức tăng trong tháng này, đã giảm 2,6% trong khi East Japan Railway giảm 1,2%.

Chứng khoán Trung Quốc giảm, do nỗi lo chiến tranh thương mại tăng cao sau khi Bắc Kinh đẩy mạnh tuyên truyền truyền thông chống Washington.

Đóng cửa, Shanghai Composite mất 0,31% xuống 2.905,81 điểm. Chỉ số CSI300 bluechip giảm 0,6% xuống 3.641,18 điểm.

Hôm nay, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc đã có phát biểu đáng chú ý khi nó "Hành động châm ngòi xung đột thương mại này rõ ràng là hành vi khủng bố kinh tế trắng trợn, là chủ nghĩa nước lớn về kinh tế và là hành động bắt nạt kinh tế".

Bình luận của ông Trương Hán Huy được đưa ra sau khi các tờ báo Trung Quốc đưa tin rằng Bắc Kinh có thể sử dụng đất hiếm để tấn công lại Washington sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nhận xét rằng ông chưa sẵn sàng để tiến đến một thỏa thuận với Trung Quốc về thương mại.

Không thể loại trừ khả năng thị trường cổ phiếu A trở lại mức đáy của năm 2018, do không có giải pháp ngắn hạn nào cho sự bế tắc trong cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ và thiếu động lực tăng trưởng đối với nền kinh tế vĩ mô của Trung Quốc một báo cáo của Securities Zheshang cho thấy.

Chứng khoán Hồng Kông giảm xuống mức thấp nhất trong 4 tháng khi Bắc Kinh tăng cường truyền thông chống Washington trong tranh chấp thương mại.

Đóng cửa,  Hang Seng-Index giảm 0,44% xuống 27.114,88 điểm, mức thấp nhất kể từ ngày 24/1. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 0,57% lên 10,450,09 điểm.

Phiên hôm nay, nhóm cổ phiếu H tăng cao nhất là China Railway Group Ltd tăng 2,67%; People’s Insurance Company Group of China Ltd, tăng 2,33% và China Minsheng Banking Corp Ltd, tăng 2,16%.

Nhóm cổ phiếu H giảm sâu nhất gồm CSPC Pharmaceutical Group Ltd, giảm 3,07%, Shenzhou International Group Holdings Ltd, giảm 1,3% và CITIC Securities Co Ltd,, giảm 1,2%.

Kết thúc phiên 30/5: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 60,84 điểm (-0,29%), xuống 20.942,53 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 8,89 điểm (-0,31%), xuống 2.905,81 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 120,83 điểm (-0,44%), xuống 27.114,88 điểm.

Thị trường vàng và ngoại tệ

- Vàng SJC tiếp tục giảm. Tỷ giá USD giao dịch quanh 23.480 đồng/USD

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay giảm 40.000 đồng/lượng chiều mua vào và 20.000 đồng/lượng chiều bán ra so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, vàng SJC tại Hà Nội đứng ở mức 36,15 - 36,36 triệu đồng/lượng, không đổi so với đầu giờ sáng.

Trong khi đó, tỷ giá trung tâm ngày hôm nay được công bố ở mức 23.067 đồng/USD, tăng 3 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.360 - 23.480 đồng/USD.

Các thông tin đáng chú ý khác

Lãi suất cho vay đang tăng dần

Trước sức ép của biến động tỷ giá, lãi suất tiền đồng đang trong xu hướng tăng dần. Mặt khác, chi phí đầu vào tăng khiến lãi suất cho vay cũng khó đứng yên..>> Chi tiết

Chứng quyền, lường trước chuyện đầu cơ

Chứng quyền (CW) là một sản phẩm tài chính hấp dẫn để đầu cơ, đặc biệt với nhà đầu tư cá nhân. Tuy nhiên, đây cũng là sản phẩm tài chính phức tạp, không dễ nắm bắt, do đó bao hàm không ít rủi ro..>> Chi tiết

Đại hội muộn, doanh nghiệp có chuyện “khó nói“

Dù đã quá thời hạn tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên theo quy định cả tháng trời, nhưng đến nay, vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp chưa tổ chức đại hội..>> Chi tiết

Chậm đổi mới, sức ép lên doanh nghiệp niêm yết lớn gấp đôi

Trên thị trường chứng khoán, chỉ cần lợi nhuận của doanh nghiệp không tăng trưởng, hoặc tốc độ tăng chậm lại, thị giá cổ phiếu đã chịu sức ép giảm. Các doanh nghiệp niêm yết có áp lực phải nâng cao hiệu quả kinh doanh để duy trì xu hướng tăng giá cổ phiếu..>> Chi tiết

Tìm “thủ phạm” gây nhập siêu 5 tháng đầu năm 2019

Cán cân thương mại của Việt Nam từ đầu năm liên tục biến động, từ nhập siêu, xuất siêu rồi tiếp tục quay lại nhập siêu. Lũy kế đến ngày 15/5, nhập siêu đã chạm ngưỡng 1 tỷ USD..>> Chi tiết

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc nói Mỹ 'khủng bố kinh tế'

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc ngày 30-5 gọi việc Mỹ kích động căng thẳng thương mại là hành vi 'khủng bố kinh tế trắng trợn' và cho biết Trung Quốc sẽ làm tất cả để tự bảo vệ nền kinh tế, chủ quyền, an ninh của mình..>> Chi tiết

Tin bài liên quan