Chi phí đầu vào tăng
Mặc dù tỷ giá được cho là khó có thể biến động mạnh, nhưng việc Trung Quốc giảm giá đồng Nhân dân tệ trước diễn biến leo thang của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã tác động lên tỷ giá, kéo lãi suất tiền đồng tăng dần. Việc nhiều ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi khiến chi phí đầu vào tăng theo.
Thực tế, ngoài việc phát hành chứng chỉ tiền gửi lãi suất lên đến 9-10%/năm, ngân hàng còn đua tăng lãi suất đầu vào bằng nhiều cách. Chẳng hạn, tại MSB, ngân hàng này kết hợp Bảo Việt giới thiệu gói sản phẩm tiết kiệm và bảo hiểm sức khỏe cùng ưu đãi cộng lãi suất 0,4%/năm.
Theo đó, từ tháng 5 - 12/2019, khi đồng thời mở mới (hoặc đáo hạn) sổ tiết kiệm và mua mới (hoặc tái tục) bảo hiểm sức khỏe Bảo Việt tại MSB, khách hàng sẽ nhận được ưu đãi cộng lãi suất thêm 0,4%/năm trên mức lãi tiết kiệm tại thời điểm mở sổ. Ưu đãi được MSB áp dụng cho các sản phẩm tiết kiệm tại quầy của MSB, bao gồm tiết kiệm lãi suất cao nhất, định kỳ sinh lời và tiết kiệm trả lãi ngay.
Ở hình thức khác, nhiều khách hàng khác chọn gửi tiết kiệm trực tuyến để có mức lãi suất cao hơn. Chị Minh Hoàng, kinh doanh tự do tại Quận 9, TP.HCM chia sẻ: “Do thu nhập từ việc kinh doanh của gia đình không cố định nên tôi thường chọn gửi tiết kiệm trực tuyến để dễ dàng quản lý dòng tiền và được hưởng lãi suất cao hơn so với cách thức gửi tiết kiệm thông thường. Tôi thấy, chưa bao giờ sử dụng dịch vụ ngân hàng lại nhanh chóng, tiện lợi và được hưởng nhiều ưu đãi hấp dẫn như hiện nay”.
Đáng chú ý, lãi suất tiền gửi tiết kiệm online thường được ngân hàng cộng thêm lãi suất từ 0,5-1%/năm và không đưa ra hạn mức tiền gửi, thậm chí một số ngân hàng cho phép gửi tiết kiệm chỉ từ vài trăm nghìn đồng. Theo đó, chỉ cần để dành được một số tiền nhỏ từ vài trăm nghìn đồng, khách hàng có thể cộng gộp vào khoản tiền dư để gửi tiết kiệm trực tuyến qua Mobile Banking, kể cả vào ngày cuối tuần hay ngày lễ, tết, mà không phải tới tận quầy. Trường hợp đột xuất cần tiền ngay, bất kể giờ giấc, khách hàng có thể rút tiền ngay thông qua ứng dụng Mobile Banking.
Tại Nam A Bank, tiết kiệm trực tuyến là một trong những sản phẩm tiền gửi nổi bật nhờ sự tiện lợi, an toàn. Đặc biệt, gửi tiết kiệm vừa hưởng lãi suất cao lại kèm chính sách ưu đãi hấp dẫn. Hiện Nam A Bank áp dụng lãi suất gửi tiền trực tuyến cao hơn 1%/năm so với khi gửi tại quầy. Nhà băng này cũng nằm trong nhóm các ngân hàng có lãi suất gửi tiền tiết kiệm trực tuyến cao nhất hiện nay. Ngoài ra, với những khách hàng lớn tuổi từ 50 tuổi trở lên, khi gửi tiền online cũng nhận được những ưu đãi tương tự, chẳng hạn tại Techcombank, Eximbank, ABBank..., nhóm khách khách hàng này cộng thêm lãi suất từ 1-2%/năm.
Theo khảo sát trên thị trường, trong tháng 5/2019, mức lãi suất cao nhất tại một số ngân hàng đã vọt lên 9%/năm đối với chương trình ưu đãi cho khách hàng trên 16 tuổi, số tiền được tham gia chương trình là 5 triệu đồng đối với gửi tiết kiệm online và 10 triệu đồng với gửi tại quầy. 5 ngân hàng có mức lãi suất cao nhất từ 8,5%/năm trở lên gồm VietABank, TPBank, VPBank, VietCapitalBank và SCB. Ngoài ra, nhiều ngân hàng khác có lãi suất từ 8-8,5%/năm như Nam A Bank, ABBank...
Lãi suất cho vay khó giảm
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú từng chia sẻ tại buổi tổng kết chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tại TP.HCM hồi tháng 4/2019 rằng, Ngân hàng Nhà nước định hướng các ngân hàng thương mại không tăng lãi suất cho vay năm 2019.
Thế nhưng, do áp lực từ các yếu tố bên ngoài, cộng với việc hạn chế room tín dụng và cạnh tranh lãi suất đầu vào khi ngân hàng phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao, không ít ngân hàng đã tăng lãi suất cho vay mua, xây sửa nhà, vay mua ôtô lên mức khoảng 13 - 13,5%/năm, thậm chí lãi suất cho vay tiều dùng, thẻ tín dụng còn cao hơn nhiều, lên đến 40-50%/năm.
Một phần do NIM (biên lợi nhuận) trong cho vay tiều dùng khá cao nên các tổ chức tín dụng cung ứng vốn không ngại hút vốn lãi suất cao.
Giới phân tích tài chính đưa ra nhận định, lãi suất trong nước đã bắt đầu tăng từ đầu năm nay, do cả rủi ro bên trong và bên ngoài nền kinh tế. Rủi ro bên ngoài có thể kể đến là việc USD không ngừng tăng giá do tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung..., trong khi rủi ro nội tại đến từ việc lạm phát gia tăng do giá điện, giá xăng... tăng, từ đó tạo sức ép lên lãi suất.
Bên cạnh đó, mục tiêu tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước đặt ra không quá 14% trong năm nay cũng là một trong những yếu tố tác động lên mặt bằng lãi suất. Theo lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần, một khi room tín dụng bị hạn chế, ngân hàng sẽ phải chọn lọc khách hàng vay vốn. Đồng thời, lãi vay cao sẽ đi cùng với rủi ro tăng dần.
TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính nhận định, đối với lãi suất tiền đồng, khi mục tiêu tăng trưởng tín dụng được khống chế ở mức 14% cũng đồng nghĩa với việc lượng tiền cơ sở hoặc tiền gửi tiết kiệm (M2) được ở áp dụng ở mức tương đương hoặc thấp hơn.
Theo ông Nghĩa, một khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh được cung tiền tệ thì lãi suất căn bản sẽ ổn định, lạm phát khó tăng mạnh trong năm nay. Tuy nhiên, trong năm tới, lãi suất sẽ khó đứng yên khi biến động thị trường tài chính toàn cầu gia tăng.
Thực tế cho thấy, lãi suất huy động đã có xu hướng nhích dần từ cuối năm 2018 đến nay theo chiều hướng tăng của lãi suất đầu vào, nhất là lãi suất cho vay cá nhân (mua nhà, tiêu dùng...). Các doanh nghiệp cũng không dễ dàng có được mức lãi vay ưu đãi từ các ngân hàng như trước, hoặc chỉ được hưởng lãi suất thấp trong thời gian ngắn.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TP.HCM cho biết, đã có văn bản yêu cầu các ngân hàng trên địa bàn Thành phố không được tăng lãi suất cho vay, đặc biệt với 5 lĩnh vực ưu tiên nhằm tránh tình trạng "té nước theo mưa". Theo ông Minh, các ngân hàng cần tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất trên thị trường, tạo điều kiện cho doanh nghiệp được vay vốn lãi suất thấp phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.