VN-Index tiếp tục đi xuống
Tâm lý thận trọng bao trùm khi mở cửa, giao dịch ảm đạm trong nửa đầu phiên. Chỉ khi áp lực bán gia tăng và đẩy VN-Index tuột khỏi mốc 940 điểm, giao dịch mới được cải thiện hơn nhờ cầu bắt đáy bắt đầu hoạt động.
Tuy vậy, dòng tiền duy trì trạng dè dặt, từ đó ảnh hưởng tới đà hồi phục của VN-Index. Nhìn chung, áp lực bán là không lớn, nhưng sức cầu yếu, chỉ số theo đó có thêm một phiên giảm điểm.
Nhóm cổ phiếu lớn yếu đà, đặc biệt là các cổ phiếu ngân hàng. Ngoại trừ VCB và EIB tăng điểm, còn lại đều giảm, trong đó TPB -3,9%, STB -2,2%, HDB -2%, TCB -2,4%. Các mã lớn giảm khác có MSN -1,8%, VRE -1,5%, VJC -1,6%...
Các mã còn tăng đáng kể là ROS tăng 0,8%; HPG tăng 2,7%; VCB tăng 1,6%.
Ở nhóm cổ phiếu thị trường, chỉ một số mã có thanh khoản cao tăng điểm như AAA, HSG, TCH, NTL. Ngược lại, FLC, DLG, KBC, HBC, HAI... giảm điểm.
Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 0,46 triệu đơn vị, với tổng giá trị mua ròng 18,32 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 18/6: VN-Index giảm 2,94 điểm (-0,31%), xuống 944,01 điểm; HNX-Index tăng 0,25 điểm (+0,24%), lên 103,75 điểm; UPCoM-Index giảm 0,3 điểm (-0,55%), về 54,67 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Sau khi giảm điểm phiên cuối tuần do ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu chíp, phố Wall đã hồi phục trở lại trong phiên giao dịch đầu tuần mới (17/6) nhờ sự hỗ trợ của Facebook, Amazon và Apple và kỳ vọng của nhà đầu tư vào khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất trong tháng 7 năm nay.
Fed sẽ có cuộc họp định kỳ kéo dài 2 ngày, bắt đầu từ ngày thứ Ba (18/6) này với dự báo sẽ giữ nguyên lãi suất.
Kỳ vọng Fed cắt giảm lãi suất tăng lên khi Cục Dự trữ Liên bang New York cho biết, chỉ số tăng trưởng kinh doanh của Empire State tại bang New York giảm kỷ lục trong tháng này xuống mức yếu nhất trong hơn 2 năm rưỡi.
Kết thúc phiên 17/6, chỉ số Dow Jones tăng 22,92 điểm (+0,09%), lên 26.112,53 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 2,69 điểm (+0,09%), lên 2.889,67 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 43,37 điểm (+0,62%), lên 7.845,02 điểm.
Thị trường châu Á
Chứng khoán Nhật Bản giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 1 tuần qua, nhưng giao dịch tiếp tục ở mức thấp bởi nhà đầu tư chọn cách đứng ngoài trước thềm cuộc họp chính sách của Fed.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,72% xuống 20.972,71 điểm, mức thấp nhất kể từ ngày 7/6. Topix cũng giảm 0,72% xuống 1.528,67 điểm.
Giao dịch chỉ 1 tỷ cổ phiếu trao tay, thấp hơn so với mức trung bình tháng trước là 1,4 tỷ cổ phiếu.
Thông tin được quan tâm là cuộc họp sắp tới của Fed. Mặc dù có thể cơ quan này không cắt giảm lãi, nhưng những kết luận của họ sẽ được phân tích để tìm manh mối về các động thái ngắn hạn, các nhà phân tích cho biết.
Phiên hôm nay, các công ty bảo hiểm dẫn đầu đà đi xuống với Japan Post Insurance giảm 1,2% và T&D Holdings mất 1,1%.
Ngược lại, Tsuruha Holdings đã tăng 4% sau khi cho biết, dự kiến lợi nhuận ròng sẽ tăng 5,1% lên 26,1 tỷ yên cho năm kết thúc vào cuối tháng 5/2020.
Các nhà xuất khẩu phân hóa với Nintendo Co tăng 0,7%, Sony Corp giảm 0,2% và Tokyo Electron giảm 1%.
Chứng khoán Trung Quốc nhích nhẹ, nhưng cũng như nhiều các thị trường khác, nhà đầu tư đứng ngoài thận trọng trước cuộc họp của Fed.
Đóng cửa, Shanghai Composite đóng cửa tăng 0,08% lên 2.890,16 điểm. Chỉ số CSI300 bluechip tăng 0,35% lên 3.667,62 điểm.
Cơ quan giám sát chứng khoán Trung Quốc đã cho phép một số tổ chức tài chính phi ngân hàng lớn cho vay trên thị trường liên ngân hàng để giúp giảm bớt bất kỳ sự thiếu hụt thanh khoản , nguồn tin có trực tiếp về vấn đề này nói với Reuters.
Phiên hôm nay, nhóm cổ phiếu tăng cao nhất là Jilin Expressway Co Ltd, tăng 10,07%; Hangzhou Electronic Soul Network Technology Co Ltd, tăng 10,02% và Shenyang Jinbei Automotive Co Ltd, tăng 10,02%.
Nhóm cổ phiếu giảm sâu nhất có Guangdong Hotata Technology Group Co Ltd,, giảm 9,76%; Danhua Chemical Technology Co Ltd, mất 9,46% và Yuancheng Environment Co Ltd, giảm 9,02%.
Chỉ có 14,77 tỷ cổ phiếu được giao dịch, bằng khoảng 68,4% khối lượng trung bình 30 ngày gần nhất.
Chứng khoán Hồng Kông tăng, được hỗ trợ nhờ dòng tiền dòng từ Đại lục.
Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 1% lên 27.498,77 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 0,76% lên 10.507,65 điểm.
Nhà lãnh đạo Hồng Kông Carrie Lam cho biết, bà đã nghe tiếng nói người dân và và đã xin lỗi một lần nữa vì những biến động gần đây sau một số cuộc biểu tình chống lại dự luật dẫn độ.
Phiên hôm nay, thị trường được cổ vũ nhờ việc nhà đầu tư đại lục thông qua chương trình kết nối Thượng Hải, Thâm Quyến và Hồng Kông đã mua khoảng 3 tỷ nhân dân tệ (433,01 triệu USD), đánh dấu phiên mua ròng thứ 17 liên tiếp thông qua chương trình này.
Tuy nhiên, đà tăng của thị trường đã bị giới hạn bởi sự thận trọng của nhà đầu tư trước quyết định chính sách của Fed.
Chỉ số chứng khoán Kospi của Hàn Quốc tăng 0,38% lên 2.098,71 điểm, chấm dứt chuỗi 4 phiên giảm liên tiếp.
Kết thúc phiên 18/6: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 151,29 điểm (-0,72%), xuống 20.972,71 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 2,54 điểm (+0,08%), lên 2.890,16 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 271,61 điểm (+1,00%), lên 27.498,77 điểm.Thị trường vàng và ngoại tệ
- Vàng SJC tiếp tục tăng. Tỷ giá USD giao dịch quanh 23.390 đồng/USD
Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay tăng 70.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, vàng SJC tại Hà Nội đứng ở mức 37,50 - 37,72 triệu đồng/lượng, tăng thêm 130.000 đồng/lượng so với đầu giờ sáng.
Trong khi đó, tỷ giá trung tâm ngày hôm nay được công bố ở mức 23.074 đồng/USD, tăng 5 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.270 - 23.390 đồng/USD.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Vốn ngoại sẽ chảy mạnh vào ngân hàng
Ngành tài chính - ngân hàng Việt luôn là lĩnh vực hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là khi cổ phiếu “vua” đang thu hút vốn đầu tư. Tuy nhiên, tỷ lệ room ngoại còn lại tại ngân hàng không nhiều..>> Chi tiết
- Quốc hội sốt ruột khi thị trường chứng khoán chậm lớn
Điều đọng lại sau khi Quốc hội kết thúc phiên thảo luận dự án Luật Chứng khoán sửa đổi cuối tuần qua là tâm lý sốt ruột trước tình trạng “chậm lớn” của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam..>> Chi tiết
- Những nguồn lực bị đánh cắp (Bài 1): Những cái tên chỉ còn trên giấy
Trong danh sách dài những doanh nghiệp thuộc diện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, có không ít doanh nghiệp gần như chỉ còn… trên giấy..>> Chi tiết
- Tư nhân chạy đua đầu tư vào giáo dục và bài toán lợi nhuận
Khu vực tư nhân đang lấn sân vào khu vực giáo dục - đào tạo, chiếm lĩnh những địa hạt mà khu vực công không quan tâm hoặc không có lợi thế..>>Chi tiết
- Lực đẩy từ công nghệ tái định hình bức tranh ngành ngân hàng
Các nhà băng lớn được tổ chức một cách quy củ, sở hữu những lợi thế rất mạnh về quy mô, mạng lưới, hệ thống khách hàng cùng nhiều tác động đáng kể khác đã “bít” hầu hết cánh cửa gia nhập thị trường dịch vụ tài chính trong một thời gian dài..>> Chi tiết