FinTech là động lực của các mô hình kinh doanh mới
Các nhà băng lớn được tổ chức một cách quy củ, sở hữu những lợi thế rất mạnh về quy mô, mạng lưới, hệ thống khách hàng cùng nhiều tác động đáng kể khác đã “bít” hầu hết cánh cửa gia nhập thị trường dịch vụ tài chính trong một thời gian dài. Tuy nhiên, đến nay, tình trạng này đã chấm dứt, bởi FinTech đã tìm ra con đường mới.
FinTech là những doanh nghiệp khởi nghiệp tăng trưởng nhanh, tư duy mở, bộ máy linh hoạt, tập trung vào công nghệ để cải tiến sản phẩm hoặc quá trình cung cấp dịch vụ và đang tạo đột phá tại nhiều lĩnh vực như thanh toán di động, bảo hiểm… Với công nghệ trong tay, các doanh nghiệp này đang “tấn công” vào những công đoạn mang lại lợi nhuận lớn bậc nhất trong chuỗi dịch vụ tài chính.
Theo nghiên cứu FinTech toàn cầu của PwC, các chủ thể trong ngành ngân hàng nhận định, ít nhất 1/4 các hoạt động kinh doanh của nhà băng đang đối diện rủi ro “thảm bại” trước các công ty FinTech trong 5 năm tới.
Nền kinh tế chia sẻ gắn chặt với lĩnh vực ngân hàng
Nền kinh tế chia sẻ (sharing economy) đã bắt đầu với lĩnh vực vận tải (ô tô, taxi), du lịch (phòng khách sạn)… và trong thời gian tới, lĩnh vực ngân hàng sẽ là đối tượng kế tiếp. Nhiều khả năng cho tới năm 2020, khách hàng có nhu cầu dùng dịch vụ ngân hàng sẽ không tìm tới các nhà băng nữa, thay vào đó, họ sử dụng các ứng dụng công nghệ để tìm kiếm đối tượng phù hợp với nhu cầu của mình.
Ngày nay, chúng ta vẫn biết tới các nhà băng như một tổ chức tài chính sẽ bắt đầu, quản lý và kết thúc các giao dịch có liên quan tới tiền từ đầu cho tới cuối. Tuy nhiên, điều này khiến rủi ro đối với tài sản của khách hàng lớn hơn. Trong thời gian tới, nhà băng sẽ chỉ đóng một vai trò nhất định, thậm chí một mắt xích nhỏ đối với các giao dịch tài chính trên thị trường. Cuộc cách mạng này được thúc đẩy bởi công nghệ cho phép các giao dịch ngang hàng diễn ra thuận tiện, nhanh chóng, an toàn hơn.
Hiện tại, chúng ta đã chứng kiến sự phát triển của các nền tảng cho vay ngang hàng, hay sự bắt tay của ngân hàng truyền thống với công ty FinTech… Xu hướng này sẽ còn nở rộ hơn nữa, nhất là khi khách hàng ngày càng “thông minh” hơn và nhận ra rằng, họ có nhiều sự lựa chọn.
Một khảo sát gần đây của PwC cho thấy, 44% những người có thu nhập ít hơn 75.000 USD/năm tin tưởng vào các công ty công nghệ với các giao dịch vay - cho vay ngang hàng. Trong khi đó, tỷ lệ này với những người có thu nhập hơn 100.000 USD/năm là 68%.
Thậm chí, vai trò của các nhà băng còn bị “lu mờ” bởi các công ty công nghệ mới bước chân vào thị trường tài chính. Apple đã nộp hồ sơ xin chứng nhận quyền sở hữu đối với sáng kiến “thiết bị điện tử sử dụng để thực hiện giao dịch giữa các cá nhân”. Điều này cho phép người dùng iPhone chuyển tiền cho nhau dễ dàng hơn. Đây được đánh giá là một trong những biến động lớn đối với hoạt động ngân hàng bán lẻ trong tương lai.
Công nghệ số là chủ đạo
Cách đây 2 thập kỷ, nhiều nhà băng lớn xây dựng các đơn vị điện tử với tên gọi “e-business”. Ngày nay, chữ “e” đã biến mất bởi điện tử, công nghệ số trở thành chuẩn mực bình thường mới. Sự phát triển công nghệ đã tạo ra những thay đổi sâu sắc và dần thiết lập mặt bằng tiêu chuẩn mới đối với dịch vụ tài chính.
Hãy thử phân tích trong trường hợp ví điện tử, hiện đã phát triển nhanh chóng tới mức được xem là loại ví bình thường, thông dụng. Các loại ví điện tử, thường gắn với thiết bị di động, đang là nhân vật chính trong cuộc chiến giữa các nhà băng và những doanh nghiệp dịch vụ tài chính – công nghệ mới.
Thực tế, các ngân hàng rất quan tâm tới sản phẩm này, không chỉ bởi nó cung cấp cho khách hàng một phương thức thanh toán nhanh, rẻ, an toàn hơn, mà còn bởi nó giúp ngân hàng tiết kiệm được chi phí rất lớn so với việc duy trì hệ thống thẻ vật lý, thiết bị chấp nhận thẻ, công nghệ tạo chip an toàn… Các ngân hàng muốn nắm quyền kiểm soát tốt hơn trong kênh thanh toán chủ lực này trong thời gian tới.
Robot, AI, blockchain… khuấy động mọi thứ
Khi ATM lần đầu tiên được giới thiệu, nhiều người từ chối sử dụng thiết bị này. Tới nay, mọi chuyện đã hoàn toàn thay đổi. Thực tế, ATM là một loại robot đơn giản, được xây dựng nhằm cung cấp dịch vụ thuận tiện hơn, chi phí rẻ hơn. Tương tự, trong thời gian tới, những ứng dụng vượt trội khác bằng robot, AI, blockchain khi được giới thiệu có thể gây hoài nghi, nhưng sẽ dần chiếm lĩnh niềm tin của người tiêu dùng.
Theo PwC, trong 5 năm tới, thị trường tài chính sẽ chứng kiến sự dịch chuyển từ việc ứng dụng những tiến bộ công nghệ đơn lẻ sang đồng bộ hóa toàn bộ quá trình cung cấp sản phẩm – dịch vụ ngân hàng.
Châu Á trở thành trung tâm của sáng tạo công nghệ
Trên thế giới, tầng lớp trung lưu dự kiến sẽ tăng trưởng 180% trong giai đoạn 2010 - 2040. Hiện tại, tầng lớp trung lưu châu Á đã lớn hơn châu Âu.
Cho tới năm 2020, đa phần bộ phận dân cư được coi là tầng lớp trung lưu sẽ sinh sống tại châu Á - Thái Bình Dương và trong 30 năm tới, khoảng 1,8 tỷ người sẽ chuyển tới sống ở các thành phố tại châu Á, tạo ra những cơ hội mới cực kỳ quan trọng đối với các tổ chức tài chính.
Xu hướng này có mối liên hệ trực tiếp đối với những sáng tạo công nghệ. Trước hết, các quốc gia phát triển dồn nguồn lực phát triển các trung tâm nghiên cứu, phát triển (R&D) tại châu Á nhằm phục vụ nhu cầu hoạt động tại địa phương cũng như trên toàn cầu. Sau một thời gian, số lượng việc làm yêu cầu trí tuệ, kỹ năng cao phát triển, tạo nên thế hệ mới sớm tiếp cận với công nghệ và dần trở thành động lực chính cho đà phát triển.
Chưa kể, lực lượng dân số trẻ và bắt nhịp nhanh với những tiến bộ khoa học tại châu Á cũng trở thành lực đẩy để lĩnh vực sáng tạo công nghệ có thêm nhiều đột phá. Theo khảo sát của PwC, cứ 3 USD được các doanh nghiệp, tổ chức bỏ ra cho hoạt động R&D thì 1 USD có điểm đến là châu Á. Tới năm 2020, rất nhiều tổ chức tài chính đã sở hữu các trung tâm nghiên cứu, sáng tạo tại châu Á, tạo thêm chất xúc tác cho sự thăng hoa của hoạt động R&D của khu vực này.
Nhà quản lý vào cuộc đua công nghệ
Không chỉ các tổ chức tài chính mới biết ứng dụng các tiến bộ công nghệ vào hoạt động của mình, mà các nhà quản lý cũng đã bước vào cuộc đua áp dụng công nghệ. Giới chức quản lý trên toàn cầu, đặc biệt là tại các quốc gia phát triển đang thích ứng nhanh với việc thu thập dữ liệu để tạo ra các công cụ kiểm soát thông minh, hiện đại hơn.
Chẳng hạn, tại Mỹ, Cục Bảo vệ tài chính cho người tiêu dùng (CFPB) đã đầu tư nghiêm túc vào việc ứng dụng công nghệ số, với việc tạo ra eRegulations – công cụ online giúp người dùng có thể tìm hiểu, nghiên cứu về các quy định; Project Qu – một nền tảng dữ liệu mở cho phép người dùng chất vấn về các khoản nợ, so sánh với dữ liệu của nhiều đối tượng…
Trong khi đó, giới chức châu Âu thể hiện những nỗ lực nắm bắt công nghệ nhằm đảm bảo các tổ chức tài chính không lạm dụng sức mạnh từ công nghệ, đặc biệt là “dữ liệu lớn” về khách hàng. Và mọi chuyện mới chỉ bắt đầu. Trong thời gian tới, khi các nhà băng tiếp tục tự động hóa hoạt động, giới chức quản lý cũng sẽ tham gia vào cuộc đua này để tìm ra cách thức giám sát, quản lý hiệu quả, phù hợp hơn với sự thay đổi của thị trường tài chính.