Thoái vốn nhà nước khỏi những lĩnh vực, ngành nghề mà nhà nước không cần nắm giữ, một chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ, đang được thực hiện với tốc độ “rùa bò” và nhiều khả năng không hoàn thành mục tiêu đặt ra tại Quyết định 1232/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Đáng ngại hơn, thời gian qua xuất hiện những thương vụ thoái vốn nhà nước có dấu hiệu thiếu minh bạch, không tối đa hóa được giá trị thu về, nhiều doanh nghiệp sau cổ phần hóa bị buông lỏng quản lý dẫn đến mất vốn, thất thoát vốn nhà nước. Đây là sự lãng phí to lớn trong bối cảnh đất nước đang cần chắt chiu các nguồn lực để duy trì đà tăng trưởng.
Bài 1: Những Cái tên chỉ còn trên giấy
Trong danh sách dài những doanh nghiệp thuộc diện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, có không ít doanh nghiệp gần như chỉ còn… trên giấy. Có nghĩa là, hầu như không thể tìm kiếm được thông tin gì về doanh nghiệp, không rõ tình trạng hoạt động ra sao, thậm chí chẳng biết doanh nghiệp có còn tồn tại hay không.
Thua lỗ và mất tích
Công ty cổ phần Nông thổ sản Việt Nam (Agrimex) là một trong những trường hợp như vậy. Không có website doanh nghiệp, những thông tin tìm hiểu được về Agrimex trên mạng Internet chỉ dừng lại ở… bản đăng ký kinh doanh. Tra cứu từ nhiều nguồn mới ra được thông tin, Agrimex có vốn điều lệ 30,2 tỷ đồng, vốn nhà nước chiếm 23%.
Phải hỏi thăm vòng vèo hồi lâu, chúng tôi mới tìm được trụ sở của Công ty tại số 30 Kha Vạn Cân, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Ðức, TP.HCM. Ðây là địa điểm Công ty mới chuyển về từ đầu tháng 3/2019. Dù trời nắng, con đường dẫn vào Công ty vẫn lầy lội, ngập đầy nước mưa, lồi lõm ổ gà sống trâu. Người dân quanh khu vực cho biết, thường mỗi ngày chỉ có 2 xe con, 2 xe tải ra vào Công ty, tình hình sản xuất rất yên ắng.
Ðược biết, Khu đất tại số 30 Kha Vạn Cân trước đây là trụ sở của Xí nghiệp Vận tải và kinh doanh tổng hợp (Chi nhánh của Agrimex). Xí nghiệp này hiện đã tạm ngừng hoạt động nhưng chưa đóng mã số thuế. Tại vài website rao vặt về bất động sản, mảnh đất trên đang được rao cho thuê với giá 90.000 đồng/m2/tháng, tức khoảng 52 triệu đồng/tháng cho diện tích 580 m2. Nhân viên Công ty cho biết, chỉ còn biết bấu víu vào mấy đồng cho thuê đất (vốn cũng là đất thuê của nhà nước).
Theo tìm hiểu của Ðầu tư Chứng khoán, Agrimex nhiều năm nay kinh doanh thua lỗ. Số lỗ luỹ kế tính đến thời điểm 31/12/2016 là trên 72,1 tỷ đồng, cao gấp 2,4 lần so với vốn điều lệ. Trước khi chuyển về 30 Kha Vạn Cân, Agrimex đặt trụ sở tại 100 QR Hùng Vương, phường 9, quận 5, TP.HCM. Hiện bảng hiệu của Công ty vẫn chưa được dỡ bỏ tại địa chỉ trên.
Khu đất 100 Hùng Vương, quận 5 hiện là một chung cư cũ. Khu đất rộng 7.200 m2 nằm ở trung tâm quận 5 này đã được đấu giá vào năm 2011, Công ty cổ phần Ðầu tư An Ðông đã trúng đấu giá với số tiền 1.020 tỷ đồng (cao hơn hẳn so với mức giá khởi điểm đưa ra năm 2008 là 704 tỷ đồng).
Giấy đăng ký kinh doanh mới nhất của Agrimex có thông tin đáng chú ý: Tổng số lao động là… 2 người (!).
Trường hợp Công ty cổ phần Ðầu tư xây lắp và vật liệu xây dựng (có vốn điều lệ 4 tỷ đồng, nhà nước sở hữu 18,71%) còn đáng chú ý hơn. Theo giấy phép kinh doanh, Công ty có trụ sở tại số 159 Phố Ký Con, quận 1, TP.HCM, nhưng khi nhóm phóng viên tìm đến, trụ sở này đang treo biển của một loạt tổ chức: Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Công ty Hữu Nghị, Báo Thời đại, Văn phòng đại diện phía Nam Tạp chí Hữu Nghị. Không rõ doanh nghiệp này đã “đi đâu về đâu”?
Ðược biết, Bộ Công Thương, cơ quan chủ sở hữu vốn nhà nước tại Công ty cổ phần Ðầu tư xây lắp và vật liệu xây dựng cũng không liên lạc được với người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp (!?)
Thông tin được ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cung cấp, qua làm việc, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan đại diện sở hữu vốn và SCIC để rà soát hồ sơ về các doanh nghiệp thuộc diện bàn giao vốn về SCIC mới bật ra, có nhiều doanh nghiệp thua lỗ mất hết vốn, âm vốn, có doanh nghiệp mất tích...
“Mất sạch vốn rồi thì còn chuyển giao cái gì, quản lý cái gì, các cơ quan chủ quản vốn nhà nước phải xử lý những vấn đề này”, ông Tuấn Anh nói.
Quản lý lỏng lẻo, căn nguyên mất vốn
Danh sách bán vốn năm 2019 vừa được Hội đồng thành viên SCIC phê duyệt có 140 doanh nghiệp, trong đó có 40 doanh nghiệp đã bán vốn nhiều lần không thành công. Có những doanh nghiệp 8 lần bán vốn vẫn không được, 28 doanh nghiệp đã lỗ lũy kế 3 năm, 8 doanh nghiệp thuộc diện phá sản, trong đó có 2 doanh nghiệp SCIC đã nộp thủ tục phá sản ra tòa nhưng không triển khai được.
Ông Lê Song Lai, Phó tổng giám đốc SCIC cho biết, đây đều là những tồn tại của doanh nghiệp trước khi được chuyển giao về SCIC. Có những doanh nghiệp như Công ty cổ phần Xây dựng Tây Ninh, Công ty cổ phần Nuôi trồng thủy sản Thừa Thiên - Huế đã ngừng hoạt động trước khi bàn giao về SCIC, Công ty cổ phần Vĩnh Lợi thì không phá sản được.
Cuộc họp người đại diện của SCIC hàng năm thường được tổ chức vào tháng 9, tức là muộn hơn 3 tháng sau thời điểm cuối cùng các doanh nghiệp cổ phần phải tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên theo luật định, song SCIC vẫn liệt kê ra cả chục doanh nghiệp chưa tổ chức đại hội.
Thậm chí, có những doanh nghiệp đã nhiều năm không thực hiện nghĩa vụ này. “Cũng rất khó vì nhà nước hiện cũng chỉ là một cổ đông trong doanh nghiệp, nếu tỷ lệ cổ phần nhỏ, khó có thể can thiệp hay xoay chuyển được tình hình”, lãnh đạo SCIC chia sẻ. Bên cạnh đó, là những doanh nghiệp còn nợ cổ tức, phần nhiều là do khó khăn trong hoạt động, kế thừa từ nhiều năm trước để lại.
Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) trong một khảo sát mới đây về tổng quan nguồn lực của kinh tế nhà nước cho biết, vốn chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp 100% vốn nhà nước cho đến cuối năm 2018, được ghi nhận đạt 1,45 triệu tỷ đồng; tài sản công do cơ quan nhà nước quản lý (giá trị sổ sách đến 2015) ước khoảng 1,46 triệu tỷ đồng.
Tuy nhiên, tài sản công giao cho các thành phần kinh tế quản lý, sử dụng đến nay chưa có số liệu đánh giá, định giá chính thức. Theo ông Phạm Ðức Trung, Trưởng ban Nghiên cứu và cải cách phát triển doanh nghiệp thuộc CIEM, trong số các nguồn lực chưa được thống kê, tổng hợp này, có tài sản nhà nước tại các công ty cổ phần mà nhà nước hiện chỉ đóng vai trò là cổ đông.
TS. Trần Tiến Cường, chuyên gia kinh tế nhận xét, hiện diễn ra tình trạng cồng kềnh, cắt khúc, hành chính hóa thực hiện chức năng chủ sở hữu; thiếu cơ sở và nguồn lực thông tin, dữ liệu toàn diện, thống nhất và tin cậy; năng lực phân tích, khả năng phối hợp và thống nhất thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu còn rất thiếu và yếu, không phù hợp với vai trò của chủ sở hữu.
Ông Phan Ðức Hiếu, Phó viện trưởng CIEM cũng chỉ ra thực trạng đáng lo ngại, cơ chế báo cáo mang tính định kỳ (6 tháng, 1 năm) khiến mức độ tương tác thường xuyên và kịp thời còn thấp, chưa đảm bảo yêu cầu “thường xuyên, liên tục” của hoạt động giám sát với nhà nước.
Cơ quan chủ sở hữu không đủ công cụ (nhân lực và thông tin) theo dõi trực tiếp nên không kịp thời nắm bắt được tình hình thực tế của doanh nghiệp giữa các kỳ báo cáo, đặc biệt là tình hình triển khai thực hiện kế hoạch, các dự án đầu tư và các quyết định mà cơ qua chủ sở hữu đã phê duyệt. Ðồng thời, cơ quan chủ sở hữu còn hạn chế về khả năng nhận biết, cảnh báo các dự án kém hiệu quả.
Quản lý, giám sát lỏng lẻo được giới chuyên gia chỉ ra như nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng mất vốn nhà nước, nhiều doanh nghiệp trở thành cái tên trên giấy. Song, hiện có bao nhiêu doanh nghiệp trong tình trạng này, trách nhiệm thuộc về ai và quan trọng hơn là cần làm gì để hạn chế và chấm dứt bản danh sách này kéo dài thêm trong thời gian tới... Những câu hỏi này gần như chưa bao giờ được đặt ra.
(Còn tiếp)