Thị trường tài chính 24h: Cắt giảm phí giao dịch chứng khoán là điều tất yếu?

Thị trường tài chính 24h: Cắt giảm phí giao dịch chứng khoán là điều tất yếu?

(ĐTCK) VN-Index đánh mất mốc 985 điểm; Nhiều ngân hàng dự báo sẽ vượt chỉ tiêu lợi nhuận năm nay; Chuyển nhượng cổ phần, kỳ lạ vụ “thượng đế” phải ra tòa; Kỷ nguyên miễn phí giao dịch chứng khoán đã tới?; Chứng khoán phái sinh: Vất vả tại ngưỡng kháng cự; Chứng khoán châu Á phản ứng thận trọng trước cuộc đàm phán Mỹ-Trung; Trung Quốc muốn thu hẹp chương trình nghị sự với Mỹ...là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

VN-Index tiếp tục đi xuống

Trong phiên sáng, dòng tiền suy yếu cùng sự phân hóa của nhóm bluechip khiến VN-Index trở lại trạng thái giằng co trong biên độ hẹp quanh tham chiếu.

Bước sang phiên chiều, sau gần 30 phút nỗ lực hồi xanh, thị trường quay đầu điều chỉnh với áp lực bán dâng cao và lan rộng, qua đó, đẩy VN-Index xuống dưới 985 điểm khi đóng cửa.

VCB là điểm sáng trong phiên sáng thì đóng cửa điều chỉnh, mất 0,2%. Các mã khác trong dòng bank cũng nới rộng biên độ giảm như TCB -1,9%, MBB -1,1%, VPB -2,5%...

Nhóm cổ phiếu thị trường phân hóa, trong khi FLC, DXG, SCR, ITA… tiếp tục điều chỉnh, thì ASM, HQC, DIG… vẫn duy trì đà tăng.

FTM có phiên tăng trần thứ 7 liên tiếp, khớp 0,5 triệu đơn vị và dư mua giá trần gần 1,3 triệu đơn vị.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 3,79 triệu đơn vị, giá trị bán ròng 38,43 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 7/10: VN-Index giảm 4,5 điểm (-0,46%), xuống 983,09 điểm; HNX-Index giảm 1,44 điểm (-1,36%), xuống 103,73 điểm; UpCoM-Index giảm 0,08 điểm (-0,14%), xuống 56,85 điểm.

 Chứng khoán Mỹ

Phố Wall có phiên khởi sắc vào thứ Sáu, dù số việc làm mới tạo thêm trong tháng 9 thấp hơn kỳ vọng, nhưng tỷ lệ thất nghiệp lại giảm 0,2% từ mức 3,7% xuống 3,5%, mức thấp nhất kể từ tháng 12/1969.

Theo các nhà phân tích, dữ liệu việc làm vừa công bố không đủ mạnh để khiến Fed cắt giảm lãi suất thêm 1 lần nữa, nhưng không đủ yếu để tạo ra lo ngại về thị trường lao động hay người tiêu dùng, vốn đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế Mỹ.

Trong tuần, chỉ số Dow Jones giảm 0,92%, chỉ số S&P 500 giảm 0,33%, trong khi Nasdaq tăng 0,54%.

Kết thúc phiên 4/10, chỉ số Dow Jones tăng 372,68 điểm (+1,42%), lên 26.573,72 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 41,38 điểm (+1,42%), lên 2.952,01 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 110,21 điểm (+1,40%), lên 7.982,47 điểm.

Thị trường châu Á 

Chứng khoán Nhật Bản giảm, bởi lo ngại rằng các cuộc đàm phán thương mại Trung-Mỹ trong tuần này có thể ít có tiến triển.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,16% xuống 21.375,25 điểm. Topix giảm không đáng kể xuống 1.572,75 điểm.

Vài giờ trước khi thị trường mở cửa, Bloomberg dẫn nguồn tin rằng các quan chức Trung Quốc đang ngày càng do dự và miễn cưỡng trong việc theo đuổi một thỏa thuận thương mại rộng lớn với Mỹ trong các cuộc đàm phán trong 2 ngày thứ Năm và thứ Sáu tuần này.

Các nhà xuất khẩu, vốn nhạy cảm với xung đột thương mại Mỹ-Trung đã dẫn đầu mức giảm với Bridgestone, Denso và Canon lần lượt mất 1,8%, 1,7% và 1,4%.

Chứng khoán Trung Quốc nghỉ giao dịch dịp Quốc khánh.

Chứng khoán Hồng Kông nghỉ giao dịch ngày Tết Trùng Cửu.

Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc tăng 0,05% lên 2.021,73 điểm, và chủ yếu giao dịch thận trọng sau khi có tin Trung Quốc miễn cưỡng trong việc theo đuổi một thỏa thuận thương mại rộng lớn với Mỹ.

Thông tin đáng chú ý là dự báo về lợi nhuận hoạt động quý vừa qua của Samsung Electronics có thể giảm 60% so với cùng kỳ xuống 7 nghìn tỷ won (5,8 tỷ USD).

Kết thúc phiên 7/10: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 34,95 điểm (-0,16%), xuống 21.375,25 điểm.

Thị trường vàng và ngoại tệ

- Giá vàng lao dốc về cuối ngày. Tỷ giá USD giao dịch quanh 23.265 đồng/USD.

Giá vàng thế giới sau phiên cuối tuần qua tại Mỹ giảm 0,8 USD xuống 1.504 USD/ounce, thì sang phiên châu Á sáng nay đã nhích nhẹ lên hơn 1.506 USD/ounce, nhưng đã đổ đèo và về gần 1.500 USD/ounce vào cuối giờ chiều.

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay không đổi so với ngày cuối tuần trước. Vào cuối giờ chiều nay, vàng SJC tại Hà Nội đứng ở mức 41,65 – 41,97 triệu đồng/lượng, giảm 100.000 đồng/lượng so với với đầu giờ sáng.

Tỷ giá trung tâm ngày hôm nay được công bố ở mức  23.155 đồng, giảm 4 đồng so với ngày cuối tuần trước. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.145 - 23.265 đồng/USD.

Các thông tin đáng chú ý khác

Nhiều ngân hàng dự báo sẽ vượt chỉ tiêu lợi nhuận năm nay

Mặc dù hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng năm nay tiếp tục bị kiểm soát chặt, nhưng nhiều ngân hàng vẫn được nới room tín dụng do sớm áp chuẩn Basel II giúp dư địa cho vay được mở rộng, bên cạnh đẩy mạnh nguồn thu từ dịch vụ, từ đó cải thiện biên lợi nhuận..>> Chi tiết

Chuyển nhượng cổ phần, kỳ lạ vụ “thượng đế” phải ra tòa

Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần bị “đứt gánh”, ngân hàng P. được hưởng toàn bộ số tiền đã thanh toán khoảng hơn 7 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngân hàng này vẫn khởi kiện yêu cầu người mua phải thực hiện cho xong hợp đồng chuyển nhượng cổ phần..>> Chi tiết

Kỷ nguyên miễn phí giao dịch chứng khoán đã tới?

Hiện nay, cùng với sự ra đời ngày càng nhiều các công ty chứng khoán thì sự cạnh cạnh nhằm thu hút và giữ chân khách hàng cũng ngày một gia tăng. Do vậy, việc cắt giảm chi phí giao dịch chứng khoán cho khách hàng là điều tất yếu..>> Chi tiết

Chứng khoán phái sinh: Vất vả tại ngưỡng kháng cự

Việc chưa thể bứt phá qua ngưỡng kháng cự có thể khiến tâm lý của nhiều nhà đầu tư chùng xuống, áp lực điều chỉnh có thể sẽ xuất hiện trong các phiên đầu tuần này..>> Chi tiết

Trước giờ đàm phán thương mại, Trung Quốc muốn thu hẹp chương trình nghị sự với Mỹ

Theo Bloomblerg, các quan chức Trung Quốc đang ngày càng do dự và miễn cưỡng trong việc theo đuổi một thỏa thuận thương mại rộng lớn với Mỹ trong các cuộc đàm phán bắt đầu vào thứ Năm (10/10) này..>> Chi tiết

Tin bài liên quan