Ra mắt Bộ Nguyên tắc Quản trị Công ty theo thông lệ tốt nhất

Ra mắt Bộ Nguyên tắc Quản trị Công ty theo thông lệ tốt nhất

(ĐTCK) Chiều 13/8, tại Sở GDCK TP. HCM (HOSE) đã diễn ra Lễ Công bố bộ nguyên tắc “Quản trị Công ty theo thông lệ tốt nhất”, được xây dựng với sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Tài chính quốc tế IFC, thành viên của nhóm Ngân hàng thế giới, và sự hỗ trợ của Cục kinh tế Liên bang Thuỵ Sỹ (SECO). 

Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, đây là bộ nguyên tắc Quản trị Công ty theo thông lệ tốt nhất đầu tiên của Việt Nam, bao gồm 10 nguyên tắc với các khuyến nghị chi tiết về các thông lệ tốt nhất, tập trung giải quyết các vấn đề ưu tiên trong thực thi quản trị công ty của các doanh nghiệp Việt Nam

Ông Dũng cho biết thêm, Bộ Nguyên tắc là sản phẩm nằm trong định hướng chính sách chung của Việt Nam, được chờ đợi từ lâu, giúp nâng cao chất lượng hoạt động của doanh nghiệp, thúc đẩy niềm tin của nhà đầu tư, đóng góp vào sự phát triển TTCK nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung. 

Việc xây dựng, hình thành và duy trì nền tảng quản trị công ty tốt luôn là nội dung được Chính Phủ quan tâm, ưu tiên trong chương trình phát triển kinh tế Quốc gia.

Riêng với thị trường vốn, nhiều năm qua, UBCKNN cùng 2 Sở GDCK Hà Nội và TP. HCM đã nỗ lực cải thiện chất lượng quản trị công ty thông qua việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, ban hành sổ tay hướng dẫn, tổ chức các cuộc bình chọn về minh bạch, các hội thảo học hỏi thông lệ quản trị công ty...

Bên cạnh đó, theo ông Dũng, nhận thức về quản trị công ty tại các doanh nghiệp Việt Nam đã được cải thiện, thu hút sự quan tâm của Cơ quan quản lý, của tổ chức, doanh nghiệp tư nhân cùng tham gia.  Việc thành lập Viện Thành viên Hội đồng Quản trị (VIOD) trong năm 2018 là ví dụ điển hình.

Nhiều sản phảm cũng đã được ra đời, và lễ ra mắt Bộ nguyên tắc Quản trị Công ty theo thông lệ tốt nhất là bước tiến mới, quan trọng trong việc hoàn thiện hệ sinh thái về QTCT ở Việt Nam.

Ông Dũng kỳ vọng, Bộ Nguyên tắc sẽ được các doanh nghiệp, cơ quan quản lý đón nhận và triển khai tích cực. UBCKNN cam kết thúc đẩy, đánh giá... để có điều chỉnh phù hợp đáp ứng nhu cầu thực tiễn. 

Những nỗ lực cải thiện chất lượng quản trị công ty ở Việt Nam luôn được sự hỗ trợ của tổ chức quốc tế, trong đó có IFC, Chính Phủ Thuỵ Sỹ thông qua Cục kinh tế Liên bang Thuỵ sỹ (SECO). 

Theo ông Philippe Le Houérou, Tổng giám đốc điều hành IFC, buổi lễ ra mắt bộ Nguyên tắc này phù hợp với bối cảnh khi được giới thiệu trong trung tâm giao dịch chứng khoán đầu tiên của Việt Nam, cũng được IFC tư vấn. 

Đồng thời, ông Philippe Le Houérou cho rằng, Quản trị Công ty tốt có vai trò quan trọng trong việc xây dựng niềm tin nhà đầu tư và thu hút nguồn vốn. Số liệu thực tế cũng chứng minh điều này. Theo nghiên cứu của IFC, công ty có Quản trị Công ty tốt có mức lợi nhuận cao hơn, phát triển bền vững hơn.

Việt Nam đã có nhiều cố gắnh cải thiện các quyền của nhà đầu tư nhỏ, VIOD cũng được thành lập giúp định hướng các cải cách về Quản trị Công ty tại Việt Nam. Gần đây, báo cáo cạnh tranh toan cầu của Diễn đàn kinh tế Thế giới xếp hạng Việt Nam vị trí 102 về quản trị công ty. 

“Vị trí này sẽ được cải thiện và sự ra mắt Bộ Nguyên tắc hôm nay là bước tiến quan trong trên định hướng này “, ông Philippe Le Houérou nói. 

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Thuỵ Sĩ tại Việt Nam chia sẻ 3 lý do khiến Quản trị Công ty có vai trò quan trọng.

Cụ thể, một khung pháp lý đầy đủ về Quản trị Công ty tốt là xương sống đối với sự phát triển của nền kinh tế cạnh trnah, nhất là nền kinh tế mới nổi như Việt Nam, nguồn vốn sẽ không vào được nếu không có các điều kiện cụ thể.

Bên cạnh đó, Quản trị Công ty cũng có đóng góp to lớn vào nền kinh tế, giúp chịu đựng được các cú sốc trong tương lai.

Ngoài ra, Quản trị Công ty cũng giúp các doanh nghiệp nhỏ thu hút thêm các nguồn tài chính bên ngoài, để mở rộng và phát triển. 

Cũng tại buổi lễ, ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital chia sẻ, trên thế giới có 113 thị trường vốn, 105 thị trường vốn có bộ nguyên tắc quản trị công ty và trong 105 đó có tới 65 thị trường có quy định bắt buộc phải theo bộ nguyên tắc này, nếu không theo phải có lý do rõ ràng. Vậy ở Việt Nam, hiện nay chưa bắt buộc nhưng kỳ vọng doanh nghiệp cũng sẽ nhiệt tình nghiên cứu và áp dụng.

Tin bài liên quan