Những dấu hiệu bất thường trong báo cáo tài chính (Kỳ 2): Những câu chuyện cụ thể trên TTCK Việt Nam

Những dấu hiệu bất thường trong báo cáo tài chính (Kỳ 2): Những câu chuyện cụ thể trên TTCK Việt Nam

(ĐTCK) Các trường hợp có dấu hiệu bất thường trong báo cáo tài chính được nêu lên nhằm mục đích tham khảo và đặt dấu chấm hỏi, vì bản chất kinh tế sâu bên trong chỉ có ban lãnh đạo doanh nghiệp và các bên liên quan biết rõ. 

Kỳ 2: Những câu chuyện cụ thể trên TTCK Việt Nam 

PVD kéo dài thời gian trích khấu hao tài sản từ 20 năm lên 35 năm

Ngày 28/3/2019, Hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí (PVD) có nghị quyết về việc thay đổi thời gian trích khấu hao cho các giàn khoan PVDrilling II, III và VI từ 20 năm lên 35 năm, với lý do tuổi thọ giàn khoan theo chính sách cũ của Công ty thấp hơn so với các công ty cùng ngành nghề trên thế giới.

Kéo dài thời gian trích khấu hao sẽ làm giảm giá vốn, giúp lợi nhuận kế toán cải thiện hàng năm, nhưng không có lợi thế kinh doanh nào được tạo ra nhờ thay đổi chính sách kế toán này. Cách làm này không gây tác động tiêu cực tới cổ đông nếu đánh giá về thời gian sử dụng tài sản của Công ty là hợp lý. Tuy nhiên, dù khấu hao là chi phí không bằng tiền, nhưng bất cứ sự đánh giá thấp nào về chi phí này đều phải trả giá trong dài hạn.

Hoạt động kinh doanh của PVD trong những năm qua có nhiều khó khăn do giá dầu giảm. Gần đây, trong bối cảnh giá dầu có diễn biến phục hồi, doanh nghiệp này có nhiều hợp đồng mới với hiệu suất sử dụng giàn khoan cùng giá cho thuê giàn tăng lên theo khối lượng công việc. Các giàn khoan hoạt động tích cực hơn, PVD có cơ hội cải thiện hiệu quả sau nhiều năm khó khăn trước đó. Tuy nhiên, việc kéo dài thời gian trích khấu hao như trên cần phải được giải thích rõ, nhất là khi khoảng cách giữa 2 mốc thời gian (20 năm và 35 năm) là quá dài. 

DP3: Bất thường chi phí bán hàng

Quý IV/2018, lợi nhuận sau thuế của Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương 3 (DP3) âm hơn 4 tỷ đồng; các định phí và biến phí trong kỳ không biến động lớn so với các quý trước đó, ngoại trừ chi phí bán hàng.

9 tháng đầu năm 2018, Công ty đã chi tổng cộng hơn 108 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2017 là 105 tỷ đồng) cho việc bán hàng. Đến cuối năm, chi phí này nâng lên hơn 153 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là chi phí quảng cáo hơn 124 tỷ đồng.

Đáng chú ý, khoản chi phí bằng tiền khác cho hoạt động bán hàng hơn 93 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm được chuyển toàn bộ sang chi phí quảng cáo, số dư thời điểm cuối năm của khoản mục này chỉ còn hơn 7 tỷ đồng. Theo cách hiểu về kế toán, chi phí khác bằng tiền trong hoạt động bán hàng có thể là chi phí tiếp khách ở bộ phận bán hàng, chi phí giới thiệu sản phẩm, hàng hóa, quảng cáo, hội nghị khách hàng.

Bên cạnh đó, con số chi phí quảng cáo và chi phí bằng tiền khác cho hoạt động bán hàng năm 2017 trong báo cáo quý IV/2018 do Công ty tự lập khác xa so với báo cáo năm 2017 được kiểm toán. Cụ thể, chi phí quảng cáo năm 2017 thay đổi từ 24,8 tỷ đồng thành 83,8 tỷ đồng; chi phí bằng tiền khác thay đổi từ gần 62 tỷ đồng thành 2,9 tỷ đồng. Mặc dù tổng chi phí là không đổi, nhưng chi phí thành phần đã thay đổi; cùng là chi phí bán hàng hạch toán trên một tài khoản, nhưng nghiệp vụ phát sinh khác nhau về mặt bản chất.

Trong báo cáo tài chính năm 2018 của DP3 đã kiểm toán bởi Công ty TNHH Kiểm toán và Định giá Việt Nam, 2 khoản chi phí được gộp chung thành một. Theo đó, chi phí quảng cáo và chi phí bằng tiền khác cho hoạt động bán hàng năm 2018 của DP3 là 131,3 tỷ đồng, năm 2017 là 86,8 tỷ đồng.

Xét bản chất kinh doanh của Công ty thì chi phí quảng cáo lớn không phải là vấn đề quá bất thường, vì các sản phẩm thường được quảng cáo trên kênh VTV vào các giờ vàng, sản phẩm được tiêu thụ chủ yếu qua kênh OTC (nhà thuốc), nhưng việc này cần được giải trình rõ hơn.

Thông thường, chi phí lớn phát sinh khi ký hợp đồng quảng cáo cần được treo trên các tài khoản chi phí phải trả ngắn hạn hoặc dài hạn, vì tiến độ thanh toán đã quy định sẵn trong hợp đồng. Theo báo cáo tài chính quý II và quý III/2018 của DP3, trong bảng cân đối kế toán đều không xuất hiện các khoản chi phí này, khiến nợ phải trả của Công ty có thể không phản ánh đúng hiện trạng nợ.

Chênh lệch số liệu tại HVG, HAI, TTF…

Báo cáo tài chính năm 2018 đang được các doanh nghiệp công bố, không ít trường hợp chênh lệch số liệu trước và sau kiểm toán.

Chẳng hạn, trên báo cáo riêng của Công ty cổ phần Hùng Vương (HVG), chi phí tài chính tăng mạnh do tăng dự phòng vào các công ty liên kết, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng do trích lập dự phòng phải thu khó đòi chưa hợp lý. Công ty TNHH Kiểm toán E&Y Việt Nam đã phân loại lại các bút toán trong các khoản mục phải thu khách hàng, người mua trả tiền trước, phải trả người bán, trả trước cho người bán do doanh nghiệp hạch toán sai bản chất.

Trong báo cáo tài chính của Công ty cổ phần Nông dược H.A.I, sau khi được Công ty AASC kiểm toán, khoản lỗ 4,5 tỷ đồng thành lỗ hơn 71 tỷ đồng do một hợp đồng chuyển nhượng cổ phần của công ty mẹ cho cổ đông thiểu số của công ty con (theo nguyên tắc kế toán, khoản lợi nhuận này sẽ không được đưa vào báo cáo lãi/lỗ trong kỳ, chưa kể tính pháp lý của bản hợp đồng), đồng thời doanh thu tăng do nhầm lẫn giữa việc hợp nhất của các công ty con (theo doanh nghiệp giải trình).

Với Công ty cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (TTF), sau kiểm toán, khoản lỗ tăng thêm 68 tỷ đồng, doanh thu thuần tăng 17 tỷ đồng, giá vốn hàng bán tăng 85 tỷ đồng, hàng tồn kho giảm 371 tỷ đồng, phải thu ngắn hạn tăng 210 tỷ đồng, nợ phải trả tăng 456 tỷ đồng. Trường hợp này, Công ty Kiểm toán E&Y Việt Nam không đưa ra ý kiến về vấn đề cần nhấn mạnh đối với hoạt động kinh doanh của TTF cho khoản lỗ lũy kế đã gần “ăn” hết vốn chủ sở hữu.

Sự sai lệch lớn giữa số liệu tài chính trước và sau kiểm toán làm giảm niềm tin từ các nhà đầu tư, thậm chí có thể khiến nhà đầu tư bị thiệt hại nặng nề. Hiện nay, chưa có quy định cụ thể để xử phạt các doanh nghiệp liên tục có sự sai lệch về con số trong báo cáo tài chính trước và sau kiểm toán, ngoại trừ ý kiến của kiểm toán là một trong những căn cứ để Sở giao dịch chứng khoán xem xét cổ phiếu đó không được giao dịch ký quỹ, hoặc đưa vào diện cảnh báo, kiểm soát đặc biệt, hay hủy niêm yết bắt buộc.

Nhiều ý kiến từ nhà đầu tư cho rằng, ngoài sai sót khách quan trong ghi chép, nhầm lẫn, các sai sót trong báo cáo tài chính của DN nếu có yếu tố chủ ý cần phải được cơ quan quản lý quy trách nhiệm và áp dụng các chế tài đủ sức răn đe.

Lãnh đạo một ngân hàng lớn gần đây chia sẻ rằng, đầu tư cổ phiếu là việc rất khó và ông không đầu tư cá nhân. Để đầu tư thành công cần một quá trình dài, sự kiên nhẫn học hỏi. Trên thực tế, các nhà đầu tư thành công chiếm tỷ trọng rất nhỏ và họ thường sở hữu những bài học đáng giá. Warren Buffett và Charlie Munger không đặt trọng tâm vào việc xử lý các vấn đề quá khó khăn trong kinh doanh của doanh nghiệp, thay vào đó, họ học cách nhận biết những khó khăn, gian lận trong kinh doanh, tiêu biểu là gian lận về các con số kế toán, từ đó tránh xa cổ phiếu đó ra.

Tin bài liên quan