![Ảnh: Bloomberg](https://image.tinnhanhchungkhoan.vn/w860/Uploaded/2025/xvrhgenatpx97/2025_02_13/anh-man-hinh-2025-02-13-luc-120429-5730-6220.png)
Ảnh: Bloomberg
DeepSeek khiến thế giới “sững sờ”
DeepSeek là một công ty khởi nghiệp AI có trụ sở tại Trung Quốc, được thành lập vào năm 2023 bởi Liang Wenfeng, người sáng lập quỹ đầu cơ High-Flyer. Trong thời gian ngắn, DeepSeek đang được ví như cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo (AI), gây ảnh hưởng đáng kể đến thị trường bởi 5 yếu tố chính.
Về hiệu suất mô hình, DeepSeek vượt trội về hiệu suất và có thể cạnh tranh trực tiếp với các mô hình AI của OpenAI (ChatGPT). DeepSeek LLM có 67 tỷ tham số, hiệu suất gần tương đương GPT-4.
Về chi phí đào tạo, DeepSeek chỉ cần 5,6 triệu USD để đào tạo mô hình, trong khi OpenAI tiêu tốn hơn 100 triệu USD cho GPT-4.
Về chi phí sử dụng, DeepSeek tiêu tốn khoảng 4 USD trên mỗi triệu token, trong khi OpenAI mất 26,3 USD.
Về yêu cầu phần cứng, DeepSeek dùng Nvidia H800 loại chip dành riêng cho thị trường Trung Quốc bị giới hạn về hiệu suất và rẻ hơn so với GPU cao cấp bản gốc là Nvidia H100 (loại chip đang được dùng trong các AI của Meta, OpenAI).
Đặc biệt, DeepSeek có sự phổ biến nhanh chóng khi ứng dụng DeepSeek AI đã đạt 10 triệu lượt tải trong vòng hai tuần, trở thành ứng dụng AI được tải xuống nhiều nhất trên App Store toàn cầu, vượt qua cả ChatGPT trong thời gian tương đương.
Công ty Chứng khoán TPS đánh giá, sự xuất hiện của một mô hình AI đạt được hiệu suất cao tương đương mà với chi phí thấp hơn 90% so với các AI của Big Tech, đã đặt ra nghi ngại về chiến lược phát triển AI tốn kém của các Big Tech sẽ thất bại dưới áp lực cạnh tranh của các AI miễn phí, hiệu suất cao.
Trước đó, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT cũng chia sẻ, DeepSeek đang khiến tất cả sững sờ trước cuộc chiến công nghệ thực sự. Giống như David dùng ná bắn hạ gã khổng lồ Goliath, DeepSeek không cần nguồn lực quá lớn nhưng vẫn tạo ra thành tựu đáng kinh ngạc.
“Để đạt được thành công như DeepSeek, điều quan trọng không phải là tiêu tốn nhiều nhân lực, tiền bạc hay thời gian, mà là tìm ra cách tối ưu để phục vụ đối tác và chính mình. AI đi trước AI, chúng ta phải đi thật nhanh”, Chủ tịch FPT khẳng định.
Lo ngại về bong bóng công nghệ AI
TPS cho rằng, sự ra mắt của DeepSeek không chỉ đơn thuần là một tiến bộ công nghệ mà còn tạo ra một sự dịch chuyển lớn trong ngành AI và thị trường chứng khoán.
Điều khiến DeepSeek trở thành mối đe dọa lớn nhất đó là họ cung cấp miễn phí công nghệ tiên tiến của mình, trong khi OpenAI, Meta, Google hay Microsoft đang độc quyền. Các công ty nhỏ và startup có thể tận dụng công nghệ tiên tiến mà không cần chi phí đào tạo mô hình hàng triệu USD. Nhiều doanh nghiệp có thể nhanh chóng tạo ra mô hình AI tùy chỉnh, sẽ có xu hướng không còn phụ thuộc vào các nền tảng AI độc quyền như OpenAI hay Google.
Bên cạnh đó, việc xuất hiện các giải pháp giá rẻ và mã nguồn mở như DeepSeek sẽ làm tăng đối thủ cạnh tranh, buộc các nhà cung cấp AI phải hạ chi phí và hạ giá thành để giữ thị phần, dẫn đến giảm biên lãi và giảm doanh thu. Nếu DeepSeek tiếp tục thành công, nhu cầu đối với chip AI đắt đỏ H100 có thể suy giảm, ảnh hưởng tiêu cực đến doanh thu của Nvidia. Điều này khiến những doanh nghiệp đã chi hàng trăm triệu USD để xây dựng hạ tầng AI dựa trên chip Nvidia có thể đối mặt với nguy cơ giảm hiệu suất đầu tư.
Chưa kể, giới đầu tư còn đang lo ngại liệu có sự xuất hiện của bong bóng AI như bong bóng “dot-com” năm 2000, bởi có nhiều điểm tương đồng hay không?
Các công ty công nghệ hiện tại đang thu hút lượng vốn đầu tư khổng lồ vào AI, tương tự như cách các công ty dot-com đã làm vào cuối những năm 1990. Microsoft và Meta đã chi tổng cộng 37,4 tỷ USD chủ yếu để nâng cấp chip và trung tâm dữ liệu phục vụ AI, kỳ vọng đây sẽ là cuộc cách mạng công nghệ lớn.
Thị trường AI hiện tại cũng đang bị chi phối bởi một số tập đoàn công nghệ lớn, đặc biệt là Nvidia, Microsoft, Google và OpenAI. Điều này tương tự với giai đoạn dot-com, khi Cisco, AOL, Amazon là các tập đoàn ảnh hưởng lớn nhất. Các Bigtech hiện đang có định giá cao, có thể dẫn đến sự định giá cao của toàn thị trường, tương tự như cách cổ phiếu dot-com bị thổi phồng trước năm 2000.
Đặc biệt, giá trị vốn hóa của các công ty công nghệ liên quan đến AI đã tăng mạnh, với nhiều cổ phiếu đạt mức định giá cao kỷ lục. Nvidia đã tăng gấp 3 lần vốn hóa trong 2024 đạt trên 3.500 tỷ USD, là công ty có giá trị lớn nhất thế giới, dù phần lớn doanh thu của họ đến từ GPU phục vụ AI.
Tuy nhiên, dưới góc nhìn của TPS, trái ngược với bong bóng dot-com 2000, khi nhiều công ty không có sản phẩm thực tế, AI đang được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như y tế, tài chính, thiết kế và công nghiệp, tạo ra giá trị thực sự.
Một số công ty công nghệ lớn như Nvidia và Microsoft đã chứng minh được AI có thể mang lại lợi nhuận thực tế, không chỉ là tiềm năng. Trong quý gần nhất, Nvidia đạt doanh thu 35,1 tỷ USD, tăng 94% so với cùng kỳ năm trước, với lợi nhuận ròng đạt 19,3 tỷ USD, tăng 109%. Sự tăng trưởng này chủ yếu nhờ vào nhu cầu cao đối với chip AI của hãng.
Ngoài ra, cơ sở hạ tầng công nghệ hiện nay đã phát triển đáng kể so với thời kỳ dot-com, cho phép triển khai, ứng dụng và thương mại hóa AI trên quy mô lớn. Ví dụ, Meta lên kế hoạch xây dựng một trung tâm dữ liệu mới gần bằng kích thước của Manhattan, với tổng chi tiêu 65 tỷ USD. Điều này khác biệt so với những hạn chế về hạ tầng trong những năm 2000.
Như vậy, TPS khẳng định, sự trỗi dậy của DeepSeek đánh dấu sự chuyển dịch tất yếu của ngành AI từ giai đoạn tăng trưởng nóng sang tối ưu chi phí và tăng hiệu suất thực tế. Sự kiện này cũng điều chỉnh lại kỳ vọng đầu tư AI, khi thị trường dần ưu tiên mô hình kinh doanh có lợi nhuận thực tế, thay vì chỉ dựa vào tiềm năng dài hạn - điều giúp cho "bong bóng” giá cổ phiếu.
Tuy nhiên, cắt giảm chi phí AI không làm giảm tiêu thụ phần cứng, mà ngược lại, về dài hạn thúc đẩy sự phổ biến rộng rãi của AI, kéo theo sự gia tăng nhu cầu chip và dịch vụ trong dài hạn. Do đó, sẽ không xuất hiện bong bóng công nghệ về AI trong năm 2025.