Cuộc gặp CEO Haybike diễn ra tại văn phòng Công ty ở Hà Nội một ngày đầu tháng 5. Phòng làm việc của Tuyền được bài trí rất đơn giản và trẻ trung, với một chiếc bàn làm việc đặt chiếc máy tính và vài ba món đồ dùng văn phòng.
Ðiểm thu hút mắt nhìn của khách là một bức tường được ốp gạch trần và phủ sơn xanh lá đậm, làm nổi bật chiếc xe đạp điện màu đỏ trên chiếc kệ ở một góc tường. Áo sơ mi kẻ xanh sẫm, quần âu đồng màu, CEO Haybike toát lên sự năng động, gần gũi.
Mới 31 tuổi đời, nhưng Tuyền chia sẻ, trước khi đi vào lĩnh vực sản xuất, anh cũng có hàng chục năm ngụp lặn với thị trường chứng khoán. Anh kể, vốn là con út trong gia đình nông dân ở vùng quê Hải Hậu, Nam Ðịnh. Học khá hơn các anh chị nên Tuyền là niềm hy vọng của cả gia đình.
Tốt nghiệp phổ thông trung học, anh thi đỗ vào Ðại học Giao thông Vận tải. Sẽ chẳng có gì để nói nếu cuộc đời cứ êm đềm trôi trên ghế giảng đường. Những năm 2006 - 2007, thị trường chứng khoán thăng hoa, bao người sau một đêm bỗng đổi đời nhờ chứng khoán khiến nhiều sinh viên như Tuyền giai đoạn ấy cũng không thể đứng ngoài. Anh quyết định bỏ học để chuyên tâm bám sàn, dù cha mẹ kiên quyết phản đối.
Doanh nhân trẻ Nguyễn Văn Tuyền và doanh nhân Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT
Những ngày ngồi sàn chứng khoán, Tuyền có cơ duyên gặp gỡ nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp. Dần dà, khi tích lũy được kinh nghiệm đầu tư chứng khoán và có chút vốn, Tuyền xin về làm cho Công ty Chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương.
Sau giai đoạn sôi động, thị trường chứng khoán lao dốc sâu, từ nhà đầu tư chuyên nghiệp tới nhỏ lẻ, nghiệp dư đều mất tiền. Nhận thấy sự rủi ro của thị trường chứng khoán, cuối năm 2009, Tuyền trở lại con đường học hành, anh thi và học chuyên ngành quản trị kinh doanh tại Trường Kinh tế Quốc dân.
Tôi bắt tay vào sản xuất xe đạp cũng xuất phát từ lòng tự ái dân tộc. Chúng ta từng nhiều lần bị người nước ngoài chê mình không làm nổi con ốc vít
- Doanh nhân Nguyễn Văn Tuyền, CEO Haybike
Tích lũy được ít vốn cộng với máu kinh doanh của mình, vừa nhập học, Tuyền đã mở nhà hàng hải sản. Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm lại bận học, nên nhà hàng của anh đóng cửa một năm sau đó.
Sau thất bại đó, Tuyền lại đầu quân cho Công ty Chứng khoán VNDirect để “lấy ngắn nuôi dài”. Với vị trí trưởng phòng và kinh nghiệm dày dặn trong lĩnh vực chứng khoán, thu nhập của anh giai đoạn này lên tới cả trăm triệu đồng một tháng. Và khi lấy xong tấm bằng đại học, anh chính thức chia tay với chứng khoán, bắt đầu con đường khởi nghiệp.
Năm 2016, nhận thấy thị trường điện từ năng lượng mặt trời rất tiềm năng, mà thị trường mới trong giai đoạn nhen nhóm, cả nước có vài chục công ty quy mô nhỏ, chủ yếu nhập các tấm panel, pin về lắp hệ thống nho nhỏ cho khách hàng có tiền hoặc ở vùng sâu vùng xa, hải đảo, những nơi lưới điện quốc gia chưa tới được, Tuyền quyết định đầu tư vào lĩnh vực này. Anh mua lại Công ty cổ phần Năng lượng tái tạo Helios và tái cấu trúc Công ty thành mô hình chuyên hoạt động về lĩnh vực điện năng lượng mặt trời.
Với việc Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 11/2017 về cơ chế khuyến khích phát triển dự án điện mặt trời, theo đó, các dự án điện mặt trời được hưởng cơ chế giá bán điện tại điểm giao nhận điện là 2.086 đồng/kWh (tương đương với 9,35 Uscents/kWh, được điều chỉnh theo biến động tỷ giá VND/USD), cao hơn so với điện sản xuất từ các nguồn khác, thị trường điện sạch Việt Nam trở thành mảnh đất màu mỡ thu hút sự chú ý của nhiều nhà đầu tư nước ngoài.
Lúc này, Tuyền và các cộng sự định hướng Helios đi sâu vào mảng kết nối những công ty trong nước đã xin được chủ trương cấp phép nhà máy điện mặt trời với nhà đầu tư nước ngoài.
Anh lý giải, suất đầu tư một nhà máy điện mặt trời rất lớn, làm một nhà máy nho nhỏ cũng tốn hàng nghìn tỷ đồng. Doanh nghiệp trong nước do năng lực tài chính giới hạn nên đa số xin cấp phép dự án rồi huy động vốn từ nhà đầu tư nước ngoài, chỉ nắm giữ tỷ lệ sở hữu nhỏ trong dự án. Và Helios sẽ kết nối cung - cầu đầu tư các dự án này.
Hiện tại Tuyền giữ 92% cổ phần Helios, là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty, nhưng anh tiết lộ, anh đã giao cho anh em ở dưới làm, chỉ thi thoảng tham gia tư vấn cho các dự án để chuyên tâm cho lĩnh vực khác.
Lĩnh vực kinh doanh khác của Tuyền chính là xe đạp điện. Tuyền kể, cuối năm 2017, Tuyền bắt đầu nghiên cứu về xe đạp điện và cho ra đời CTCP Haybike. Lý do đầu tư vào sản xuất xe đạp điện được Tuyền chia sẻ, là vì muốn tạo ra phương tiện giao thông xanh, sạch, cũng là cách tập thể dục nâng cao sức khỏe của người sử dụng.
Haybike đang nghiên cứu sản phẩm cho người khuyết tật
“Tôi bắt tay vào sản xuất xe đạp cũng xuất phát từ lòng tự ái dân tộc. Chúng ta từng nhiều lần bị người nước ngoài chê mình không làm nổi con ốc vít”, anh nói.
Xe đạp điện Haybike do đội ngũ nhân viên Công ty tự thiết kế kiểu dáng, chỉ sử dụng bộ động cơ từ Trung Quốc, còn lại đều do Haybike sản xuất hoặc đặt hàng gia công từ các nhà sản xuất trong nước.
Ðể sản phẩm được chấp nhận khi trên thị trường đã tràn ngập các loại xe đạp điện từ Trung Quốc, Tuyền và các cộng sự xác định phải giải được bài toán khi hết điện, việc đạp xe phải nhẹ như xe đạp bình thường. Và lời giải của Haybike nằm ở việc sử dụng pin điện cho động cơ, thay vì bộ ắc quy rất nặng nề như các mẫu xe đạp điện khác trên thị trường.
Chọn con đường sản xuất sản phẩm, lại là một sản phẩm đã rất phổ biến trên thị trường, là chọn con đường chông gai, vất vả và rủi ro rất lớn. Ðể đi đến ngày hôm nay, Tuyền chẳng giấu chuyện đã phải vất vả đấu tranh với những cổ đông sáng lập Haybike để bảo vệ hướng đi đó, thay vì chọn cách kiếm tiền dễ dàng hơn là nhập hoàn toàn xe từ Trung Quốc về, chỉ dán nhãn mác và đưa ra thị trường.
Trò chuyện với Tuyền, điều ấn tượng nhất ở chàng doanh nhân trẻ là khát vọng được làm những điều có ích cho cộng đồng. Anh chia sẻ muốn có nhiều hãng cùng sản xuất xe đạp điện để giúp cho môi trường tốt đẹp hơn và cũng là để tạo ra môi trường cạnh tranh và có thêm nhiều lựa chọn cho người tiêu dùng.
Theo anh, Haybike đang nghiên cứu để cho ra đời sản phẩm xe đạp điện khung tre. Ðây là chất liệu thân thiện với môi trường và được các nước tiên tiến rất ưa chuộng.
Không dừng lại ở dòng xe đạp điện, Tuyền tiết lộ, anh và các cộng sự đang nghiên cứu sản phẩm cho người khuyết tật. Anh bảo, ở các tòa nhà, khu công cộng, hè phố của Việt Nam hầu như không thiết kế đường riêng cho người khuyết tật, khiến họ gặp nhiều khó khăn khi di chuyển xe lăn ở những địa hình này và anh nảy ra ý tưởng chế ra sản phẩm xe lăn có thể leo cầu thang, vỉa hè bình thường.
“Hay theo dõi các chương trình từ thiện, tôi nhận thấy người khuyết tật cũng muốn được chủ động trong cuộc sống, muốn được lao động hay quyền riêng tư như người may mắn. Và nếu chỉ hỗ trợ họ bằng quà, bằng kinh tế thì không giúp họ bứt phá ra khỏi cuộc sống hiện tại được”, Tuyền nói.
Tuyền dự định khi đưa sản phẩm ra thị trường, Haybike sẽ liên kết với ngân hàng để hỗ trợ người khuyết tật vay mua sản phẩm xe lăn phục vụ cho công việc hàng ngày. Lộ trình Tuyền đặt ra là đến năm 2030, Haybike sẽ cho ra mắt những phương tiện có thể gấp một cách nhỏ gọn có thể đi trên xe buýt.
Trò chuyện với CEO Haybike
Quản trị nhân sự là bài toán tiên quyết cho sự thành công của mỗi doanh nghiệp, điều đó được anh triển khai ra sao tại Haybike?
Sự cam kết của ông chủ trong kinh doanh có vai trò đặc biệt quan trọng. Đó là sự cam kết với khách hàng, với đội ngũ nhân viên, đối tác… Đây là điều dẫn đến niềm tin của mọi người đối với một thương hiệu tốt.
Chính vì vậy, trong quản lý, yếu tố con người luôn được tôi đặt lên hàng đầu. Vừa đào tạo về chuyên môn, tôi vừa chú trọng tới việc chăm lo đời sống vật chất cho anh em. Chúng tôi tặng 10% cổ phần công ty cho các cán bộ có đóng góp lớn cho Công ty.
Tương lai, tôi cũng muốn cổ đông lớn chỉ giữ 50% cổ phần, còn lại là chia cho anh em gắn bó với Công ty. Như vậy, anh em đi làm cho chính mình, chứ không phải chỉ làm công ăn lương.
Trong câu chuyện kinh doanh của anh, câu chuyện làm giàu ít được nhắc đến, mà hầu như anh chỉ nói tới các mục tiêu hướng tới cộng đồng. Vì sao như vậy?
Với tôi, tiền không phải là mục đích cuối cùng và nếu chỉ nghĩ về tiền thì tôi dại gì bỏ công việc ổn định cho thu nhập cao ở công ty chứng khoán để bước chân ra lĩnh vực mới.
Cái tôi muốn nói là ngoài thương hiệu của công ty thì mình phải có “nhân hiệu”. Tức là mình làm được gì cho xã hội, làm cái gì đó để người ta nhớ đến mình và khi nhắc đến sản phẩm đó, xã hội sẽ nhắc đến tên mình.
Nếu chỉ phấn đấu có nhà, có xe hơi cộng với sổ tiết kiệm thì chẳng có ý nghĩa gì với cuộc đời này cả.