Áp thuế chống bán phá giá thạm thời với thép mạ nhập khẩu

Ngày 1/9, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 3584/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời sản phẩm thép mạ nhập khẩu vào Việt Nam, có hiệu lực trong vòng 120 ngày, từ 16/09/2016 đến hết ngày 13/01/2017.

Theo đó, các sản phẩm thép mạ bị áp dụng thuế chống bán phá giá nhập khẩu vào Việt Nam được phân loại theo các mã HS sau: 7210.41.11; 7210.41.12; 7210.41.19; 7210.49.11; 7210.49.12; 7210.49.13; 7210.49.19; 7210.50.00; 7210.61.11; 7210.61.12; 7210.61.19; 7210.69.11; 7210.69.12; 7210.69.19; 7210.90.10; 7210.90.90; 7212.30.10; 7212.30.20; 7212.30.91; 7212.30.99; 7212.50.11; 7212.50.12; 7212.50.19; 7212.50.21; 7212.50.22; 7212.50.29; 7212.50.91; 7212.50.92; 7212.50.99; 7212.60.10; 7212.60.20; 7212.60.90; 7225.92.90; 7226.99.11; 7226.99.91 (35 mã HS).

Mức thuế chống bán phá giá được áp dụng đối với sản phẩm thép mạ từ Trung Quốc là 4,02% đến 38,34%.

Cụ thể, sản phẩm từ công ty Yieh Phui (China) Technomaterial Co., Ltd. chịu thuế suất 4,02%, Bazhou Sanquiang Metal Products Co., Ltd. chịu mức 7,2%, BX Steel POSCO Cold Rolled Sheet Co., Ltd. chịu thuế suất 38,34%, Bengang Steel Plates Co., Ltd. chịu thuế 34,77%, Tianjin Haigang Steel Sheet 11,87%, Hebei Iron & Steel Co., Ltd., Tangshan Branch 20,76%, và Wuhan Iron and Steel Company Limited 25,63%.

Đối với sản phẩm nhập khẩu từ Hàn Quốc, nhà sản xuất POSCO (Hàn Quốc) sẽ chịu thuế chống bán phá giá tạm thời là 12,4%, và các nhà sản xuất/xuất khẩu khác của Hàn Quốc chịu mức thuế chung là 19%.

Bộ Công Thương cũng thông báo, để được hưởng thuế suất dành cho các nhà sản xuất/xuất khẩu nước ngoài hợp tác với Cơ quan điều tra như liệt kê ở trên, các nhà nhập khẩu hàng hóa, khi làm thủ tục hải quan, cần nộp các tài liệu sau:

- Hợp đồng thương mại, trong đó thể hiện tên công ty xuất khẩu là một trong các nhà sản xuất/xuất khẩu hoặc các công ty thương mại được liệt kê ở trên;

- Giấy chứng nhận chất lượng hàng hóa (Mill-test Certificate) hoặc các giấy tờ tương tự thể hiện nhà sản xuất hàng hóa là một trong các nhà sản xuất/xuất khẩu được liệt kê ở trên;

- Giấy chứng nhận xuất xứ thể hiện hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc (bao gồm Hong Kong) và Hàn Quốc.

Trong giai đoạn điều tra tiếp theo của vụ việc, Cơ quan điều tra sẽ tiến hành thẩm tra tại chỗ đối với các doanh nghiệp hợp tác nhằm kiểm tra tính chính xác và đầy đủ của các thông tin do các doanh nghiệp cung cấp để xem xét và tính toán lại biên độ bán phá giá chính thức. Kế hoạch và lịch trình thẩm tra sẽ được Cơ quan điều tra thông báo cụ thể tới từng doanh nghiệp trong khoảng thời gian hợp lý.

Sau khi kết thúc thẩm tra, Cơ quan điều tra sẽ tổ chức Phiên tham vấn công khai với các bên liên quan trong vụ việc, nhằm tạo cơ hội cho tất cả các bên được trình bày ý kiến của mình. Thông tin về Phiên tham vấn công khai sẽ được Cơ quan điều tra thông báo tới các bên liên quan và đăng trên website (http://www.vca.gov.vn hoặc http://www.qlct.gov.vn).

Trước đó 3/3, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 818/QĐ-BCT về việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với mặt hàng thép mạ nhập khẩu vào Việt Nam có nguồn gốc xuất xứ từ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (bao gồm Hong Kong) và Hàn Quốc (mã vụ việc AD02).

Tin bài liên quan