Ảnh Internet

Ảnh Internet

Thị trường tài chính 24h: Tiền đầu cơ xoay vòng

(ĐTCK) VN-Index giảm; Bảo lưu quyền sở hữu, ngân hàng không thể ngó lơ; Soi kết quả kinh doanh khối bất động sản nửa đầu năm; Cổ phiếu ngành phân bón “chạy chậm” hơn chính sách; Cổ phiếu dệt may dồn dập lên sàn; CPI tháng 8 tăng 0,92%; Tổng kiểm tra chung cư thương mại trên địa bàn Hà Nội; Chứng khoán thế giới đỏ lửa vì Triền Tiên; Thương vụ M&A lịch sử, giá trị 271 tỷ USD ngành điện...là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
VN-Index giảm

Ngay từ khi mở cửa, áp lực bán đã bao trùm thị trường, kéo VN-Index rơi thẳng về 773 điểm. Tuy có những nhịp hồi phục xuất hiện trong phiên, song đó dường như là cái cớ để lực bán gia tăng mạnh hơn sau đó.

Trong phiên chiều, có thời điểm VN-Index đã hồi dần về mốc tham chiếu, trước khi lực bán gia tăng về cuối phiên, kéo chỉ số rơi trở lại mốc gần thấp nhất ngày.

Thanh khoản thị trường vẫn được duy trì ở mức cao nhờ dòng tiền tiếp tục chảy mạnh vào một số mã “nóng” như FLC, HQC, HAI, FIT…   

Top 10 mã vốn hóa có tới 8 mã giảm điểm. HPG, VIC, ROS, FPT và MWG là các mã xanh điểm hiếm hoi.

SBT bất ngờ tăng trần lên 31.350 đồng/cổ phiếu, khớp lệnh 2,58 triệu đơn vị.

Áp lực bán mạnh khiến sức cầu có phần dè dặt tại nhóm cổ phiếu lớn, song đối với nhóm cổ phiếu nhỏ, đặc biệt là các mã đầu cơ như FLC, HQC, HAI, HAR… giao dịch lại hết sức nóng.

Sau chuỗi tăng trần liên tiếp 7 phiên, FLC nhanh chóng nằm sàn ngay khi mở cửa, song vẫn có tới 60,12 triệu cổ phiếu được sang tên.

HAI ghi nhận phiên giảm sàn thứ 2 liên tục về 11.750 đồng/cổ phiếu (-6,7%), khớp lệnh 7,23 triệu đơn vị.

HAR cũng giảm sàn về 11.200 đồng/CP sau 2 phiên trần trước đó.

HQC giao dịch đột biến trong phiên này với 30,86 triệu đơn vị được sang tay, nhưng kết phiên mất sắc tím, chỉ còn tăng nhẹ 0,3%.

Trong phiên này, trên sàn HOSE khối ngoại bán ròng 5,15 triệu đơn vị với tổng giá trị tương ứng 134,39 tỷ đồng.

Trên sàn HNX, khối ngoại bán ròng 528.580 đơn vị với tổng giá trị tương ứng 8,72 tỷ đồng.

Trên sàn UPCoM, khối ngoại mua ròng 415.100 đơn vị với tổng giá trị tương ứng 13,07 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 29/8: VN-Index giảm 3,23 điểm (-0,42%), xuống 774,03 điểm; HNX-Index giảm 0,38 điểm (-0,37%), xuống 103,52 điểm; UPCoM-Index tăng 0,16 điểm (+0,03%), lên 54,45 điểm.

Chứng khoán thế giới

Chứng khoán Mỹ 

Trong phiên giao dịch đầu tuần mới, phố Wall giao dịch khá cân bằng khi nhóm cổ phiếu năng lượng giảm theo giá dầu được bù đắp bởi đà tăng của nhóm cổ phiếu ngân hàng.

Theo giới phân tích, bão Harvey đã gây một thảm họa lớn, nhưng điều tồi tệ nhất chưa kết thúc. Tuy nhiên, để xem liệu nó có tác động tiêu cực với thị trường chứng khoán hay không còn phải chờ đợi thời gian.

Kết thúc phiên 28/8, chỉ số Dow Jones giảm 5,27 điểm (-0,02%), xuống 21.808,40 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,19 điểm (+0,05%), lên 2.444,24 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 17,37 điểm (+0,28%), lên 6.283,02 điểm.

Trên thị trường châu Á

Chứng khoán Nhật Bản xuống mức thấp nhất trong gần 4 tháng, sau khi một quả tên lửa của Bắc Triều Tiên được phóng đi đã bay qua không phận nước này khiến gia tăng căng thẳng chính trị khu vực.

Chỉ số Nikkei kết thúc giảm 0,5%, vào phiên sáng đã có lúc giảm tới 0,9%.

Ông Stefan Worrall, Giám đốc Kinh doanh vốn của Nhật Bản tại Credit Suisse, Tokyo cho biết: "Hiện tượng rủi ro chính trị chỉ là một yếu tố nhất thời. Điều quan trọng hơn trong thời gian tới là thời điểm cuối mùa hè, vì cuối tháng 8 thường là thời kỳ thị trường bắt đầu trầm lắng".

Đồng USD tiếp tục giảm 0,4% xuống 108,65 yên/USD.

Đồng yên có xu hướng được hưởng lợi trong thời kỳ căng thẳng địa chính trị với giả thuyết rằng các nhà đầu tư Nhật Bản sẽ hồi hương các quỹ thời khủng hoảng.

Tuy nhiên, một số nhà xuất khẩu lớn đã tăng lên, đi ngược quy luật mọi khi, khi đồng yên tăng giá.

Nissan Motor Co, tăng 0,4%; Cổ phiếu của Subaru tăng 0,1 cent và Hitachi Ltd đã tăng 0,4%.

Ngược lại, cổ phiếu môi giới chứng khoán đã bị ảnh hưởng, với Nomura Holdings và Daiwa Securities giảm 0,8%.

Kumagai Gumi tăng 4,4% sau khi nhật báo Nikkei cho biết tỷ lệ chi trả cổ tức của công ty xây dựng này có thể sẽ tăng lên đến 30% vào đầu năm 2019.

Chứng khoán Trung Quốc chỉ tăng nhẹ vào thứ 3 khi các nhà đầu tư đứng ngoài thị trường sau khi Triều Tiên phóng tên lửa.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, hiện chứng khoán nước này đang bị tác động chủ yếu là do các yếu tố trong nước.

Chỉ số CSI300 giảm 0,2% xuống còn 3.834,54 điểm trong khi chỉ số Shanghai Composite tăng 0,1%.

Hầu hết các ngành đều không có biến động, trừ việc sụt giảm của các cổ phiếu bất động sản.

Nhà quản lý quỹ đầu tư chứng khoán David Dai của Thượng Hải cho biết: "Chúng tôi đã thấy sự cải thiện trong các lĩnh vực như thép, than đá và kim loại màu, nhờ cải cách nguồn cung. Xu thế tăng điểm của các ngành theo chu kỳ có thể sẽ tiếp tục”.

Thị trường cũng nhận được sự ủng hộ từ những dấu hiệu cho thấy chính phủ đang đẩy mạnh tốc độ cải cách các doanh nghiệp nhà nước .

Bắc Kinh vừa chấp thuận cho Shenhua Group - doanh nghiệp khai thác than hàng đầu Trung Quốc sáp nhập với China Guodian Corp - một trong những nhà sản xuất điện lớn nhất quốc gia này. Dự kiến thương vụ này sẽ tạo nên Công ty điện lớn nhất thế giới với trị giá 271 tỷ USD.

Chứng khoán Hồng Kông, cùng với hầu hết các thị trường toàn cầu, đã giảm vào thứ ba sau khi Bắc Triều Tiên bắn một quả tên lửa khiến leo thang căng thẳng về địa chính trị.

Chỉ số Hang Seng giảm 0,4%, trong khi Chỉ số Doanh nghiệp Trung Quốc cũng mất 0,4%, xuống còn 11.296,08 điểm.

Hầu hết các ngành đều đi xuống, với các cổ phiếu tài chính và công nghệ thông tin dẫn đầu sự sụt giảm.

Tuy nhiên, cổ phiếu bất động sản của Trung Quốc đã đi ngược thị trường, với tập đoàn khổng lồ China Evergrande nhảy hơn 12% sau khi cam kết cắt giảm nợ vào năm 2020.

Kết thúc phiên 29/8: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 85,35 điểm (-0,45%), xuống 19.362,55 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 92,28 điểm (-0,35%), xuống 27.765,01 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 2,57 điểm (+0,08%), lên 3.365,23 điểm.

Thị trường vàng, ngoại tệ

- Vàng SJC tăng mạnh. Tỷ giá USD giao dịch quanh 22.765 đồng/USD.

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay tăng 100.000 đồng/lượng so với chiều ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, vàng SJC tại Hà Nội đứng ở mức 36,53 - 36,75 triệu đồng/lượng, tăng thêm 130.000 đồng/lượng so với đầu giờ sáng.

Trong khi đó, tỷ giá trung tâm ngày hôm nay được công bố ở mức 22.438 đồng/USD, giảm 5 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.695 - 22.765 đồng/USD.

Các thông tin đáng chú ý khác

 - Bảo lưu quyền sở hữu, ngân hàng không thể ngó lơ

Khi khách hàng không trả nợ, ngân hàng quyết định xử lý tài sản bảo đảm là một lô hàng hóa - đây là một tình huống quen thuộc đối với ngân hàng.

Nhưng chưa kịp bán lô hàng này, ngân hàng nhận được thông báo đòi lại hàng từ một bên thứ ba, tự xưng là chủ tài sản..>> Chi tiết

- Soi kết quả kinh doanh khối bất động sản nửa đầu năm

Bức tranh về kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp bất động sản đang niêm yết trên HOSE và HNX 6 tháng đầu năm 2017 nhìn chung có nhiều tích cực..>> Chi tiết

Cổ phiếu ngành phân bón “chạy chậm” hơn chính sách

Sản phẩm phân bón DAP, MAP nhập khẩu vào thị trường Việt Nam chịu mức thuế tự vệ tạm thời hơn 1,8 triệu đồng/tấn, nhưng hầu hết doanh nghiệp ngành phân bón trên sàn chứng khoán đang sản xuất urê và NPK.. >> Chi tiết

Cổ phiếu dệt may dồn dập lên sàn

Sau sự xuất hiện của May Việt Tiến (VGG - UPCoM) năm ngoái, năm nay, một loạt đơn vị thành viên của Vinatex quyết định gia nhập thị trường chứng khoán như Tổng công ty Việt Thắng (TVT - HOSE), Tổng công ty Dệt may Hòa Thọ (HTG - UPCoM) và mới nhất là Tổng công ty Phong Phú (PPH - UPCoM)..>> Chi tiết

CPI tháng 8 tăng 0,92% so với tháng trước

Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố sáng nay (29/8), chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2017 tăng 0,92% so với tháng trước, CPI bình quân 8 tháng đầu năm 2017 tăng 3,84%, tăng 3,35% so với cùng kỳ năm trước..>> Chi tiết

Chuẩn bị tổng kiểm tra chung cư thương mại trên địa bàn Hà Nội

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Hùng vừa ký ban hành Chỉ thị số 15/CT – UBND về việc tăng cường hiệu lực trong công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn thành phố..>> Chi tiết

Thương vụ M&A lịch sử, giá trị 271 tỷ USD tạo ra công ty điện lớn nhất thế giới

Bắc Kinh vừa chấp thuận cho Shenhua Group - doanh nghiệp khai thác than hàng đầu Trung Quốc sáp nhập với China Guodian Corp - một trong những nhà sản xuất điện lớn nhất quốc gia này, theo thông tin từ Uỷ ban Giám sát và Quản lý tài sản Nhà nước. .>> Chi tiết

Tin bài liên quan