Bảo lưu quyền sở hữu, ngân hàng không thể ngó lơ

Bảo lưu quyền sở hữu, ngân hàng không thể ngó lơ

(ĐTCK) Một biện pháp bảo đảm mới của Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015 đang có tác động lớn, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho hoạt động nhận tài sản bảo đảm của ngân hàng.

Biện pháp bảo đảm mới

Khi khách hàng không trả nợ, ngân hàng quyết định xử lý tài sản bảo đảm là một lô hàng hóa - đây là một tình huống quen thuộc đối với ngân hàng. Nhưng chưa kịp bán lô hàng này, ngân hàng nhận được thông báo đòi lại hàng từ một bên thứ ba, tự xưng là chủ tài sản.

Kèm theo thông báo, bên thứ ba xuất trình một văn bản thỏa thuận bảo lưu quyền sở hữu. Thỏa thuận trên ghi nhận nội dung quyền sở hữu vẫn thuộc về bên bán cho đến khi bên mua thanh toán hết tiền cho bên bán.

Ngân hàng nhận được thông báo vẫn đinh ninh rằng mình đã đăng ký giao dịch bảo đảm cho việc nhận thế chấp lô hàng nên yên tâm về quyền được xử lý lô hàng này. Tuy nhiên, sau đó, ngân hàng mới ngã ngửa khi biết rằng, thỏa thuận bảo lưu quyền sở hữu của bên xưng là chủ tài sản đã được đăng ký giao dịch bảo đảm còn sớm hơn ngân hàng.

Vậy là ngân hàng mất quyền xử lý lô hàng thế chấp. Tại sao vậy? Bởi vì bảo lưu quyền sở hữu là một biện pháp bảo đảm mới được quy định trong BLDS 2015.

Với biện pháp này, bên bán sẽ giữ lại quyền sở hữu đối với tài sản cho đến khi bên mua thực hiện xong toàn bộ việc thanh toán. Trong thời hạn bảo lưu quyền sở hữu, bên mua có quyền sử dụng và khai thác lợi ích từ tài sản. Nếu bên mua không thanh toán đầy đủ, bên bán có quyền đòi lại tài sản và phải trả lại số tiền đã nhận của bên mua, sau khi đã trừ giá trị hao mòn.

Việc bảo lưu quyền sở hữu phải được lập thành văn bản riêng hoặc được ghi trong hợp đồng và có hiệu lực đối kháng với bên thứ ba kể từ thời điểm đăng ký giao dịch bảo đảm.

Khác với các biện pháp khác được sử dụng chung cho các loại giao dịch, bảo lưu quyền sở hữu chỉ áp dụng đối với hợp đồng mua bán. Tuy không trực tiếp liên quan đến hoạt động của ngân hàng, nhưng thỏa thuận bảo lưu quyền sở hữu lại có tác động lớn đến việc nhận tài sản bảo đảm của ngân hàng. 

Ngân hàng khi nhận tài sản bảo đảm thường phải xác định chủ sở hữu của tài sản. Để nhận biết ai là chủ sở hữu đối với các tài sản phải đăng ký thì chủ yếu dựa vào các giấy tờ chứng minh quyền sở hữu.

Đối với các tài sản không bắt buộc đăng ký, ngân hàng dựa vào ai là người đang chiếm hữu, sử dụng. Nhận thế chấp nhà đất thì căn cứ vào “sổ hồng”, “sổ đỏ”, nhận thế chấp xe thì dựa vào Giấy chứng nhận đăng ký xe. Nhận thế chấp hệ thống máy móc sản xuất, hàng hóa... thì dựa vào việc ai đang thực tế chiếm hữu, quản lý, hoặc thêm một số chứng từ khác theo quy định nội bộ của ngân hàng như hợp đồng mua bán, hợp đồng nhập khẩu...

Tuy nhiên, tư duy xác định chủ sở hữu như trên có thể sẽ không còn đúng nữa vì biện pháp bảo đảm bảo lưu quyền sở hữu, nhất là đối với những tài sản động sản như hàng hóa, máy móc thiết bị thế chấp.

Ngay từ lúc bắt đầu nhận tài sản bảo đảm, nếu không có một quy trình kiểm tra chặt chẽ thì ngân hàng sẽ không biết được tài sản đó đã được áp dụng biện pháp bảo lưu quyền sở hữu và được đăng ký giao dịch bảo đảm. Về nguyên tắc đăng ký giao dịch bảo đảm, thứ tự ưu tiên thanh toán sẽ ưu tiên cho bên thực hiện đăng ký sớm hơn. Lúc này, ngân hàng sẽ mất đi quyền được ưu tiên thanh toán, thậm chí không thu hồi được nợ.

Ngân hàng không thể thờ ơ

Ngân hàng sẽ dễ dàng thờ ơ đối với một biện pháp bảo đảm tưởng chừng không trực tiếp liên quan đến hoạt động của mình. Nhưng với hàng loạt vấn đề pháp lý nêu trên, có thể thấy biện pháp bảo lưu quyền sở hữu có tác động lớn, thậm chí tiềm ẩn nhiều rủi ro đến việc nhận tài sản bảo đảm của ngân hàng. Rủi ro đến từ những vấn đề pháp lý còn bỏ ngỏ và sự thiếu hụt các bài học, kinh nghiệm trong thực tiễn để áp dụng, xử lý các vấn đề có liên quan có thể xảy ra.

Hiện tại, vài điều khoản xuất hiện trong Bộ luật Dân sự rõ ràng là chưa đủ để áp dụng nhằm giải quyết hết các tình huống phát sinh mà ngân hàng có thể gặp phải. Nghị định 163 ra đời từ năm 2006 hướng dẫn chi tiết các vấn đề liên quan đến giao dịch bảo đảm đến nay vẫn chưa có văn bản mới thay thế cho phù hợp, nên chưa có các quy định cụ thể về biện pháp bảo lưu quyền sở hữu.

Do đó, trước khi có những quy định hướng dẫn chi tiết, cụ thể, nhằm tránh những rủi ro pháp lý có thể phát sinh liên quan đến biện pháp bảo lưu quyền sở hữu, bộ phận pháp chế của các ngân hàng cần chủ động nghiên cứu, cập nhật vào quy trình, mẫu biểu, hợp đồng để đảm bảo an toàn cho ngân hàng.

Tin bài liên quan