Ảnh Internet

Ảnh Internet

Thị trường tài chính 24h: Phút ngẫu hứng qua nhanh

(ĐTCK) VN-Index giảm;  Kiểm tra sử dụng tiền vay: Là quyền hay trách nhiệm?; Ngân hàng Nhà nước không thừa nhận tiền ảo;  Đón sóng lợi nhuận quý III; Sửa Luật Chứng khoán để hút vốn ngoại; Chứng quyền có bảo đảm dự kiến lên sàn trong tháng 11;  Thị trường bán lẻ miền Bắc: Sóng mới; Chứng khoán thế giới ảm đạm;  Bong bóng giá nhà tại Trung Quốc có dấu hiệu lan rộng... là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
VN-Index giảm, thanh khoản sụt giảm

Việc thanh khoản thị trường tăng trong phiên cuối tuần qua khiến kỳ vọng dòng tiền đón sóng kết quả kinh doanh quý III nhập cuộc và là bệ đỡ để thị trường sẽ bứt phá.

Tuy nhiên, trong phiên hôm nay, kỳ vọng này đã không trở thành hiện thực khi sự thận trọng một lần nữa lại trở lại.

Mở cửa phiên sáng, ROS bị bán mạnh và xuống mức sàn khiến VN-Index cũng bị kéo xuống khá sâu, gần ngưỡng 800 điểm.

Tuy vậy, nhờ đà tăng của một số mã lớn khác như MSN, PLX, MWG, BHN…, nên VN-Index hồi phục trở lại. Nhưng dòng tiền chỉ chảy nhỏ giọt khiến VN-Index không thể giữ được sắc xanh.

Trong phiên chiều, diễn biến thị trường cũng không có nhiều điểm đáng chú ý, VN-Index vẫn lình xình trong phiên độ hẹp dưới tham chiếu với thanh khoản thấp.

STB bất ngờ nổi sóng khi có lúc tăng vọt lên mức trần 12.350 đồng trước khi đóng cửa ở mức 12.300 đồng, tăng 6,49% với hơn 7 triệu cổ phiếu được khớp.

Top 5 mã có thanh khoản tốt nhất, chỉ có 2 mã tăng giá, ngoài STB có thêm DIG với mức tăng 1,57%, với 4,26 triệu đơn vị được khớp.

FLC, FIT và ASM đều giảm. Trong đó FLC giảm 1,32%, FIT giảm 4,45%, ASM giảm 7,05%.

Trong khi đó, ROS không thể tránh được phiên điều chỉnh sâu sau 8 phiên tăng liên tiếp. Chốt phiên, giảm 6,53%.

Các mã lớn khác như ngân hàng (từ STB, EIB), SAB, VIC, NVL, BVH, DPM, SSI… cũng chìm trong sắc đỏ.

Trong khi đó, VNM tăng 0,2%, MSN tăng 4,81%, VJC tăng 4,49%, PLX, BHN, MWG, PVD, KDC cũng đóng cửa với mức tăng nhẹ.

Chứng khoán phái sinh hôm nay có 5.258 hợp đồng được giao dịch, giá trị 413,43 tỷ đồng, giảm mạnh 20,8% so với phiên cuối tuần trước. Đây cũng là phiên có thanh khoản thấp nhất trong gần 3 tuần.

Trong phiên này, trên sàn HOSE khối ngoại bán ròng 1,22 triệu đơn vị với tổng giá trị tương ứng 58,64 tỷ đồng.

Trên sàn HNX, khối ngoại ròng hơn 1,1 triệu đơn vị với tổng giá trị tương ứng 77,26 tỷ đồng.

Trên sàn UPCoM, khối ngoại mua ròng 7.966 đơn vị với tổng giá trị tương ứng 3,53 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 25/9: VN-Index giảm 1,55 điểm (-0,19%), xuống 805,58 điểm; HNX-Index tăng 0,82 điểm (+0,77%), lên 107,34 điểm; UPCoM-Index giảm 0,12 điểm (-0,22%), xuống 54,43 điểm. Tổng giá trị giao dịch đạt hơn 4.217 tỷ đồng.

Chứng khoán thế giới

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall gần như không thay đổi trong phiên giao dịch cuối tuần qua khi cổ phiếu Apple gây sức ép lên thị trường được bù đắp bởi đà tăng của nhóm cổ phiếu chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm y tế sau khi Thượng nghị sỹ John McCain phản đối chính sách y tế mới mà đảng Cộng hòa đưa ra để thay thế Obamacare.

Ngoài ra, giới đầu tư cũng thận trọng với trước căng thẳng địa chính trị sau những phát biểu đe dọa lẫn nhau giữa Mỹ và Triều Tiên.

Trong đó, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa hủy diệt Triều Tiên, Bình Nhưỡng đáp trả với tuyên bố khả năng thử bom nhiệt hạch ở Thái Bình Dương.

Kết thúc phiên 22/9, chỉ số Dow Jones giảm 9,64 điểm (-0,04%), xuống 22.349,59 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,62 điểm (+0,06%), lên 2.502,22 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 4,23 điểm (+0,07%), lên 6.426,92 điểm.

Trên thị trường châu Á

Chứng khoán Nhật Bản tăng mạnh khi đồng yên yếu đã hỗ trợ cổ phiếu của các nhà xuất khẩu lớn, cùng với kỳ vọng về các biện pháp kích thích kinh tế sau cuộc bầu cử vào tháng tới.

Khi kết thúc nửa đầu năm tài chính của Nhật Bản vào ngày 30/9 đối với đa số các công ty niêm yết, thị trường ngày một sôi động bởi các nhà đầu tư mua cổ phiếu để được chia cổ tức.

Thủ tướng Shinzo Abe hôm nay đã lệnh cho nội các của ông tìm ra các biện pháp kích thích kinh tế mới vào cuối năm nay, với gói tài chính trị giá khoảng 2 nghìn tỷ yên (tương đương 17,80 tỷ USD).

Các nhà xuất khẩu tăng mạnh khi USD tăng 0,2% lên 112,25 yên/USD. Ketene Corp và TDK Corp đều tăng 2% và Advantest Corp tăng 1,3%.

SoftBank Group Corp tăng 0,8% và là cổ phiếu có thanh khoản cao thứ 3 thị trường, sau khi Reuters cho biết rằng T-Mobile US Inc đã ở rất gần với thỏa thuận về một hợp đồng để hợp nhất với Sprint Corp (SoftBank là ngân hàng chi phối Sprint).

Chứng khoán Trung Quốc sụt giảm, khi các nhà phát triển bất động sản tụt dốc sau khi có một đợt hạn chế mới của chính phủ để kiềm chế thị trường nhà ở nóng lên.

Chỉ số CSI300 blue-chip giảm 0,5% xuống 3.817,79 điểm trong khi chỉ số Shanghai Composite mất 0,3%

Các công ty bất động sản là lực cản lớn nhất trên thị trường, với chỉ số theo dõi giảm 5,1%.

Một số tỉnh thủ phủ ở Trung Quốc đã đưa ra các biện pháp mới để hạn chế việc mua bán bất động sản trao tay.

Qua đó, làm giảm các tác động tiêu cực, có thể gây ảnh hưởng lớn đến thị trường trước trước Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng tới.

Thêm vào đó, cũng có những dấu hiệu cho thấy các nhà chức trách đang tăng cường nỗ lực để trấn áp các khoản cho vay bất hợp pháp đối với ngành này.

Trong phiên, hầu hết các ngành đều bị mất điểm, trong khi các công ty tiêu dùng và chăm sóc sức khoẻ dẫn đầu thanh khoản, khi các nhà đầu tư tìm kiếm nơi ẩn náu trong các cổ phiếu mang tính phòng thủ cao này, do tính bền vững và ít bị tác động.

Chứng khoán Hồng Kông đã có ngày tồi tệ nhất trong vòng 6 tuần qua, do sự sụt giảm của các cổ phiếu bất động sản và ảnh hưởng từ việc Standard & Poor's hạ xếp hạng tín dụng của Trung Quốc vào tuần trước vẫn còn.

Chỉ số Hang Seng mất 1,4%, trong khi Chỉ số Doanh nghiệp Trung Quốc Hồng Kông giảm 1,8%, xuống còn 10.912,46 điểm.

Một chỉ số theo dõi các nhà phát triển bất động đã sụt giảm hơn 8%, sau khi một số thành phố ở Trung Quốc áp đặt các biện pháp nhằm kiểm soát thị trường đang quá nóng hiện nay.

Tâm trạng của nhà đầu tư cũng bị xói mòn bởi việc tăng cường bảo vệ môi trường của Trung Quốc có thể làm giảm nhu cầu đầu tư sản xuất công nghiệp và làm chậm lại đà tăng trưởng kinh tế.

Nhà chiến lược của UBS Gao Ting cho biết, một số nhà đầu tư từ trên xuống dự đoán sự suy giảm tăng trưởng GDP của Trung Quốc và lo lắng về sự bền vững của sự phục hồi kinh tế toàn cầu.

Chỉ số theo dõi ngành tài nguyên sụt giảm hơn 3% trong hôm nay.

Kết thúc phiên 25/9: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 101,13 điểm (+0,50%), lên 20.397,58 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 380,19 điểm (-1,36%), xuống 27.500,34 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 10,98 điểm (-0,33%), xuống 3.341,55 điểm.

Thị trường vàng, ngoại tệ

- Vàng SJC giảm. Tỷ giá USD giao dịch quanh 22.770 đồng/USD.

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay giảm 10.000 đồng/lượng so với ngày cuối tuần trước. Vào cuối giờ chiều nay, vàng SJC tại Hà Nội đứng ở mức 36,50 - 36,72 triệu đồng/lượng, giảm 20.000 đồng/lượng so với đầu giờ sáng.

Trong khi đó, tỷ giá trung tâm ngày hôm nay được công bố ở mức 22.448 đồng/USD, giảm 2 đồng ngày cuối tuần trước. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.700 - 22.770 đồng/USD.

Các thông tin đáng chú ý khác

Kiểm tra sử dụng tiền vay: Là quyền hay trách nhiệm?

Một trong những cái “chốt” của vay mượn ngân hàng trước khi bàn đến lợi nhuận là mục đích cho vay và sử dụng tiền vay..>> Chi tiết\

Ngân hàng Nhà nước giữ quan điểm không thừa nhận tiền ảo

Cho rằng sự mất giá mạnh của đồng tiền ảo bitcoin trên thị trường thế giới ảnh hưởng không đáng kể đến thị trường Việt Nam do quy mô thị trường rất nhỏ, nhưng Ngân hàng Nhà nước tiếp tục khẳng định quan điểm, đây là loại tài sản tiềm ẩn rất nhiều rủi ro và không được pháp luật bảo vệ.>> Chi tiết

Đón sóng lợi nhuận quý III

Kết quả kinh doanh quý III của các doanh nghiệp niêm yết đang được kỳ vọng là yếu tố hỗ trợ mạnh nhất với diễn biến giao dịch của các cổ phiếu trong giai đoạn này..>> Chi tiết

Bộ Tài chính muốn sửa Luật Chứng khoán để hút vốn ngoại

Việt Nam tiếp tục các nỗ lực để hoàn thiện thể chế, phát triển thị trường, đặc biệt là thị trường dịch vụ tài chính, thị trường chứng khoán, bảo hiểm… nhằm cải thiện môi trường đầu tư để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài..>> Chi tiết

Chứng quyền có bảo đảm dự kiến lên sàn trong tháng 11

Chia sẻ từ đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM đã cơ bản hoàn thiện hệ thống giao dịch chứng quyền, dự kiến sẽ niêm yết và giao dịch sản phẩm chứng quyền có bảo đảm - Covered Warrant (CW) trong tháng 11/2017..>> Chi tiết

Thị trường bán lẻ miền Bắc: Sóng mới

Thời gian qua, thị trường bán lẻ miền Bắc có nhiều diễn biến mới, trong đó nổi bật nhất là Thế giới số Trần Anh (Trần Anh) sắp về một nhà với Thế giới di động (MWG).

Lãnh đạo hai doanh nghiệp đã đạt được sự thống nhất cao về kế hoạch mua bán - sáp nhập (M&A)..>> Chi tiết

Bong bóng giá nhà tại Trung Quốc có dấu hiệu lan rộng

Bắc Kinh và Thượng Hải đã từng nổi tiếng vì bong bóng giá nhà, với mức tăng giá 2 con số trong năm 2016, khiến giới chức Trung Quốc buộc phải có các quy định kiểm soát.

Tuy nhiên, các yếu tố rủi ro có thể tạo nên cơn địa chấn trên thị trường bất động sản Đại lục đã bắt đầu xuất hiện tại nhiều thành phố lớn khác..>> Chi tiết

Tin bài liên quan