Kiểm tra sử dụng tiền vay: Là quyền hay trách nhiệm?

Kiểm tra sử dụng tiền vay: Là quyền hay trách nhiệm?

(ĐTCK) Một trong những cái “chốt” của vay mượn ngân hàng trước khi bàn đến lợi nhuận là mục đích cho vay và sử dụng tiền vay.

Hiển nhiên, việc tài trợ cho một mục đích sử dụng tiền vay không hợp pháp, không hợp lý sẽ đặt ra vấn đề trách nhiệm pháp lý không mong muốn đối với các tổ chức tín dụng khi khách hàng không trả được nợ, khoản tín dụng gặp rủi ro. Nhưng việc kiểm tra sử dụng tiền vay của khách hàng liệu có ảnh hưởng, có đặt ra vấn đề trách nhiệm của ngân hàng trong các trường hợp tương tự?

Bớt một công đoạn phức tạp và tốn thời gian

Thời gian vừa qua, có quan điểm trong giới ngân hàng cho rằng, trong cả một quy trình xét duyệt và cấp tín dụng khoản vay dài đằng đẵng, cán bộ tín dụng bớt đi được một công đoạn phức tạp và tốn kém thời gian là việc kiểm tra sử dụng tiền vay của khách hàng sau giải ngân.

Bởi lẽ, Khoản 2, Điều 4 về “Nguyên tắc cho vay, vay vốn” và Điều 24 về “Kiểm tra sử dụng tiền vay”, Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng, có hiệu lực từ ngày 15/3/2017, đã phân định rõ: Khách vay phải đảm bảo sử dụng vốn vay đúng mục đích và ngân hàng có quyền thực hiện kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay, trả nợ của khách hàng.

Nếu theo đúng quy định trên, thì về nguyên lý, ngân hàng có thể lựa chọn việc thực hiện hoặc không thực hiện nghiệp vụ kiểm tra sử dụng tiền vay của khách hàng sau giải ngân, vì đây là quyền năng, chứ không phải là nghĩa vụ, trách nhiệm của phía ngân hàng.

Tuy nhiên, đối với một vấn đề rất đáng lưu tâm này, cần phải nhìn nhận lại một cách xác đáng về cơ sở pháp lý để tránh những cách hiểu đáng tiếc, mà nguy cơ dẫn đến những hệ quả tại hại về trách nhiệm pháp lý.

Quan điểm theo chiều hướng ngược lại, nhìn nhận quyền gắn liền với nghĩa vụ của ngân hàng đối với việc kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay của khách hàng vẫn đang hiện hữu tại Khoản 3, Điều 94 về “Xét duyệt cấp tín dụng, kiểm tra sử dụng tiền vay” tại Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, cụ thể: “Tổ chức tín dụng có quyền, nghĩa vụ kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay và trả nợ của khách hàng”.

Trước đó, Khoản 3, Điều 53 về “Xét duyệt cho vay, kiểm tra việc sử dụng tiền vay”, Luật Các tổ chức tín dụng năm 1997 ấn định: “Tổ chức tín dụng phải kiểm tra, giám sát quá trình vay vốn, sử dụng vốn vay và trả nợ của khách hàng”. Năm 2004, tại Khoản 14, Điều 1, Luật sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng sửa từ “phải” thành “có trách nhiệm và có quyền”; mức độ tuy có giảm bớt, nhưng vẫn gắn trách nhiệm của ngân hàng đối với trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay của khách hàng.

Như vậy, quy định trên tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN là trái với quy định của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 đang có hiệu lực thi hành. Về giá trị của hiệu lực pháp lý được ưu tiên áp dụng và thực hiện, vị thế của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 cao hơn so với các hướng dẫn tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN.

Rủi ro hiện hữu

Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã phải sửa không dưới 240 lỗi khi chưa áp dụng và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2018. Trái với mong chờ của nhiều người, nhất là những người hành nghề trong lĩnh vực tài chính nhạy cảm như tín dụng ngân hàng, Bộ luật Hình sự vẫn còn giữ “Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” tại Điều 360.

Với quy định này, nếu có sai sót bất kỳ, ví như không nhận thức và thực hiện đúng nghiệp vụ kiểm tra sử dụng tiền vay của khách hàng sau giải ngân, thì vấn đề trách nhiệm của ngân hàng, cán bộ tín dụng sẽ được đặt ra khi chẳng may bị xác định đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới khách vay sử dụng vốn vay không đúng mục đích, gây mất vốn và không trả được nợ ngân hàng.

Thông tư số 39/2016/TT-NHNN với những hướng dẫn về nghiệp vụ ngân hàng được đánh giá là phù hợp, tiến bộ, nhưng riêng nghiệp vụ về kiểm tra sử dụng tiền vay của khách hàng sau giải ngân vẫn chưa thể bỏ qua. Vấn đề này, nếu được cụ thể hóa, cần phải được sửa đổi tại Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 mới bảo đảm giá trị thi hành, mới thực sự bỏ được cho phía ngân hàng một nghiệp vụ không dễ tiến hành trong thực tế. 

Tin bài liên quan