Ảnh Internet

Ảnh Internet

Thị trường tài chính 24h: Nghịch lý của dòng tiền

(ĐTCK) VN-Index nhẹ nhàng vượt lên 960 điểm; Tiếp tục kiểm soát chặt tín dụng bất động sản; Nghịch lý cổ phiếu tốt bị dòng vốn… bỏ qua; VN-Index vùng 950 điểm: Cẩn trọng là không thừa với margin; “Hàng hot” sàn UPCoM; Rà soát toàn bộ quỹ đất DNNN quản lý trước khi cổ phần hóa; Chứng khoán Mỹ tăng mạnh; SoftBank muốn kiểm soát các dịch vụ gọi xe toàn cầu...là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
VN-Index tăng mạnh trở lại

Dòng tiền hoạt động sôi động, thị trường đã chứng kiến tháng giao dịch khá “phi mã” của chỉ số chung.

Chỉ tính trong tháng 11 vừa qua, VN-Index tăng tới hơn 110 điểm, từ mức 837 điểm, lên áp sát mốc 950 điểm.

Phiên hôm qua được đánh giá không quá tiêu cực khi các chỉ số giảm không quá sâu và thanh khoản vẫn duy trì ở mức cao. Cũng có thể nói, việc quay đầu hạ nhiệt là một điều tất yếu sau chuỗi ngày dài tăng nóng.

Với những diễn biến trên, thị trường đã nhanh chóng quay trở lại trường đua ngay trong phiên sáng đầu tiên của tháng 12.

Lực cầu trở lại hấp thụ khá tốt giúp các cổ phiếu trụ cột lấy lại phong độ và dẫn dắt thị trường tiếp tục đi lên.

Sang phiên chiều, bất chấp việc điều chỉnh của nhóm cổ phiếu ngân hàng, các mã lớn khác vẫn tiếp tục tiến bước, đặc biệt là điểm tựa vững chắc của VNM.

Cùng với sắc xanh lan tỏa, đà tăng của VNM càng được nới rộng hơn về cuối phiên, đã giúp VN-Index vượt đỉnh 960 điểm thành công.

VNM tăng 5% lên 196.000 đồng/CP khớp lệnh 1,25 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, các mã vốn hóa lớn khác nằm trong top 10 như SAB, VIC, GAS, VRE, ROS, PLX cũng đều có được sắc xanh.

Các cổ phiếu ngân hàng lại có diễn biến thiếu tích cực khi hầu hết đều chuyển đỏ và là tác nhân chính “cản trở” thị trường như VCB giảm 0,4%, BID giảm 0,6%, CTG giảm 1%, MBB giảm 0,4%, STB giảm 0,8%, VPB đứng tham chiếu.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, mặc dù hầu hết thời gian FLC đều đứng dưới mốc tham chiếu nhưng kết phiên tăng 0,4% khớp lệnh 41,7 triệu đơn vị, dẫn đầu thị trường.

Trong phiên này, trên sàn HOSE khối ngoại  bán ròng 645.090 đơn vị. Tuy nhiên, tổng giá trị vẫn là mua ròng 91,11 tỷ đồng.

Trên sàn HNX, khối ngoại bán ròng 6,2 triệu đơn vị với tổng giá trị tương ứng 53,26 tỷ đồng.

Trên sàn UPCoM, khối ngoại mua ròng 523.388 đơn vị với tổng giá trị đạt 19,77 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 1/12: VN-Index tăng 10,4 điểm (+1,09%), lên 960,33 điểm; HNX-Index tăng 0,55 điểm (+0,48%), lên 115,27 điểm; UPCoM-Index tăng 0,12 điểm (+0,23%), lên 54,32 điểm. Tổng giá trị giao dịch đạt hơn 6.736 tỷ đồng.

Chứng khoán thế giới

Chứng khoán Mỹ

Sau khi lập kỷ lục mới trong phiên thứ Tư nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu tài chính, Dow Jones tiếp tục tăng vọt trong phiên thứ Năm để lần đầu tiên vượt qua ngưỡng 24.000 điểm.

Hai chỉ số chính còn lại của phố Wall là S&P 500 và Nasdaq cũng quay đầu tăng mạnh trở lại sau phiên điều chỉnh hôm qua do ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu công nghệ.

Phố Wall tăng mạnh trong phiên thứ Năm nhờ thông tin về khả năng kế hoạch cắt giảm thuế của ông Trump sẽ được Thượng viện Mỹ thông qua khi có được sự ủng hộ của Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Jonh McCain.

Thượng viện Mỹ dự kiến sẽ bắt đầu bỏ phiếu vào cuối ngày thứ Năm (theo giờ Mỹ) và bỏ phiếu lần cuối vào buổi tối hoặc đầu tuần sau.

Trong tháng 11, phố Wall tiếp tục tăng tháng thứ 5 liên tiếp, còn xét riêng về các chỉ số, Dow Jones và S&P 500 có tháng tăng thứ 8 liên tiếp, Nasdaq có tháng tăng thứ 5 liên tiếp.

Kết thúc phiên 30/11, chỉ số Dow Jones tăng 331,67 điểm (+1,39%), lên 24.272,35 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 21,51 điểm (+0,82%), lên 2.647,58 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 49,58 điểm (+0,73%), lên 6.873,97 điểm.

Trên thị trường châu Á

Chỉ số Nikkei của Nhật Bản tăng phiên thứ 3 liên tiếp nhờ sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu ngành dầu khí, thép và máy móc.

Nikkei tăng 0,4% lên 22.819,03 điểm. Trong tuần, chỉ số này tăng 1,2%.

Trong phiên sáng, chỉ số chuẩn đã giảm nhanh chóng khi tâm lý thị trường bị ảnh hưởng bởi có thông tin rằng Thượng viện Hoa Kỳ đã trì hoãn bỏ phiếu về kế hoạch cải cách thuế của đảng Cộng hòa.

Hôm nay, cổ phiếu ngành dầu khí và thép tăng trưởng tốt, với Showa Shell Sekiyu tăng 2%, Nippon Steel và Sumitomo Metal Corp tăng 2,5%.

Cổ phiếu ngành máy móc cũng tăng điểm với Minebea Mitsumi tăng 4,7%, THK Co tăng 3,4%.

Tập đoàn Sharp tăng vọt 7,9% sau khi công ty cho biết họ sẽ quay lại nhóm các công ty lớn trên thị trường vào ngày 07/12 tới, sau hơn 1 năm bị đẩy xuống nhóm cổ phiếu của các công ty vừa bởi những khoản kinh doanh thua lỗ trong những năm trước đó.

Chứng khoán Trung Quốc hầu như không đổi khi kết thúc phiên cuối tuần, sau khi một cuộc khảo sát độc lập cho thấy hoạt động sản xuất đã tăng trưởng chậm nhất trong năm nay vào tháng 11 do chi phí đầu vào cao, và các biện pháp thắt chặt nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường ngày càng gắt gao.

Shanghai Composite (SSEC) tăng 0,02% lên 3.317,81 điểm. Chỉ số CSI300 blue-chip giảm 0,19% xuống 3.998,14 điểm.

Trong tuần, CSI300 đóng cửa giảm 2,6%, SSEC mất 1,1%.

Chỉ số theo dõi ngành tài chính giảm 0,89%; tiêu dùng giảm 0,45%; bất động sản giảm 0,17% và chăm sóc sức khỏe tăng 0,74%.

Nhóm 3 cổ phiếu tăng mạnh nhất thuộc về Wuxi Taiji Industry Co Ltd tăng 10,03%; Hangzhou Silan Microelectronics Co Ltd tăng 9,97% và Gansu Ronghua Industry Group Co Ltd tăng 9,96%.

3 cổ phiếu giảm nhiều nhất là Sơn Đông Tyan Home mất 8,79%; Tập đoàn Vương Phủ Tỉnh giảm 5,02% và Quý Châu Changzheng Tiancheng Holding Co Ltd giảm 4,95%.

Cho đến nay trong tuần này, vốn hoá thị trường của chỉ số chứng khoán Thượng Hải đã giảm 1,14% xuống còn 28,79 nghìn tỷ NDT.

Chứng khoán Hồng Kông sụt giảm, Hang Seng-Index ghi nhận tuần giảm lớn nhất từ đầu năm do giới đầu tư chốt lời sau khi thị trường phục hồi mạnh mẽ trong năm nay.

Thiệt hại ở Chứng khoán Trung Quốc đại lục cũng gây áp lực lên Hồng Kông trong tuần này, khi các nhà quản lý ở Bắc Kinh tiếp tục kiềm chế các hoạt động đầu cơ để giảm rủi ro trong hệ thống tài chính.

Hang Seng-Index giảm 0,35% xuống 29.074,24 điểm. Trong tuần, chỉ số này giảm 2,7%, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 12/2016.

Chỉ số Doanh nghiệp Trung Quốc giảm 0,23% xuống 11.449,43 điểm.

Kể từ đầu năm, chỉ số Hang Seng tăng 32,62%, trong khi chỉ số H-index của Trung Quốc tăng 22,1%. Hang Seng đã tăng 3,3% trong tháng này.

Trong phiên, chỉ số phụ ngành năng lượng tăng 0,3%; ngành công nghệ thông tin giảm 2,72%; tài chính giảm 0,2% và vực bất động sản tăng 0,52%.

Cổ phiếu hàng đầu của Hang Seng là Wharf Holdings Ltd tăng 3,25%, trong khi Tencent Holdings Ltd giảm 2,66%.

3 cổ phiếu tăng giá nhiều nhất trong số các cổ phiếu H là China Vanke Co Ltd tăng 3,34%; Sinopharm Group Co tăng 1,95% và GF Securities Co Ltd tăng 1,28%.

3 cổ phiếu lớn nhất giảm điểm là Tập đoàn Bảo hiểm Ping An của Trung Quốc Ltd giảm 1,75%, China Merchants Bank Co Ltd giảm 1,5% và Công ty Xi măng Anhui Conch giảm 1,2%.

Kết thúc phiên 1/12: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 94,07 điểm (+0,41%), lên 22.819,03 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 103,11 điểm (-0,35%), xuống 29.074,24 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 0,43 điểm (+0,01%), lên 3.371,62 điểm.

Thị trường vàng, ngoại tệ

- Vàng SJC giảm. Tỷ giá USD giao dịch quanh 22.750 đồng/USD.

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay giảm 10.000 đồng/lượng so với chiều ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, vàng SJC tại Hà Nội đứng ở mức 36,33 - 36,55 triệu đồng/lượng, giảm thêm 30.000 đồnglượng so với đầu giờ sáng.

Trong khi đó, tỷ giá trung tâm ngày hôm nay được công bố ở mức 22.438 đồng/USD, tăng 5 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.680 - 22.750 đồng/USD.

Các thông tin đáng chú ý khác

Tiếp tục kiểm soát chặt tín dụng bất động sản

Thị trường bất động sản đang ấm dần lên là cơ hội để các ngân hàng đẩy mạnh cho vay đối với lĩnh vực này, nhất là ở phân khúc cá nhân mua nhà để ở.

Nhưng vì là lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao, nên dòng tín dụng vào bất động sản sẽ tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ trong thời gian tới nhằm ngăn chặn nợ xấu gia tăng..>> Chi tiết

VN-Index vùng 950 điểm: Cẩn trọng là không thừa với margin

Ghi nhận tại các công ty chứng khoán cho thấy, dư nợ margin đã tăng nhẹ so với mức hơn 36.000 tỷ đồng vào thời điểm cuối quý III. Vậy margin hiện nay có thực sự “nóng” như lo ngại của các thành viên thị trường?..>> Chi tiết

Nghịch lý cổ phiếu tốt bị dòng vốn… bỏ qua

Hơn 700 mã cổ phiếu niêm yết nhưng số lượng doanh nghiệp thực thi tốt việc công bố thông tin đến NĐT chỉ mới khoảng 20%.

Đây là một trong những nguyên nhân khiến nhiều cổ phiếu dù của doanh nghiệp kinh doanh tốt cũng không thu hút được dòng tiền đầu tư trên TTCK..>> Chi tiết

“Hàng hot” sàn UPCoM

Tháng 11, thị trường chứng khoán niêm yết rất sôi động khi liên tục lập đỉnh mới về điểm số và thanh khoản, nhưng không khí trên sàn UPCoM nhìn chung khá đìu hiu. Dẫu vậy, vẫn có một số cổ phiếu trên sàn này đang thu hút sự quan tâm lớn của nhà đầu tư..>> Chi tiết

Rà soát toàn bộ quỹ đất DNNN quản lý trước khi cổ phần hóa

Văn phòng Chính phủ vừa có công văn gửi các bộ, ngành và địa phương chỉ đạo của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ về đẩy mạnh công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giai đoạn 2016-2020..>> Chi tiết

Ông chủ SoftBank muốn kiểm soát các dịch vụ gọi xe toàn cầu

Theo Bloomberg, SoftBank và một nhóm các nhà đầu tư đang cố gắng mua cổ phần từ các cổ đông hiện hữu của Uber. Tuy nhiên, mức giá mà SoftBank đề nghị lại thấp hơn đáng kể so với giá trị của start-up này..>> Chi tiết

Tin bài liên quan