Masayoshi Son

Masayoshi Son

Ông chủ SoftBank muốn kiểm soát các dịch vụ gọi xe toàn cầu

(ĐTCK) Tập đoàn Viễn thông Nhật Bản SoftBank đang đầu tư vào cả Uber lẫn những đối thủ của dịch vụ chia sẻ xe này trên khắp thế giới, bao gồm Didi Chuxing ở Trung Quốc, Ola ở Ấn Độ, Grab ở Đông Nam Á và 99 ở Brazil. Phải chăng nhà sáng lập Masayoshi Son đang ôm tham vọng trở thành ông trùm của hệ thống dịch vụ gọi xe toàn cầu?

Đề nghị đầu tư mới nhất vào Uber

Theo Bloomberg, SoftBank và một nhóm các nhà đầu tư đang cố gắng mua cổ phần từ các cổ đông hiện hữu của Uber. Tuy nhiên, mức giá mà SoftBank đề nghị lại thấp hơn đáng kể so với giá trị của start-up này.

Cụ thể, SoftBank và các đối tác, bao gồm Công ty Đầu tư Dragoneer và General Atlantic đang đề xuất chi hơn 6 tỷ USD cho khoảng 1/8 tổng số cổ phiếu của Uber. Điều này có nghĩa rằng, các nhà đầu tư trên chỉ định giá Uber ở mức 48 tỷ USD - thấp hơn 30% so với con số 69 tỷ USD đạt được trong vòng gây quỹ gần nhất.

Nếu thành công, liên minh do SoftBank đứng đầu sẽ sở hữu ít nhất 14% cổ phần từ các nhà đầu tư hiện tại của Uber, đồng thời có 2 ghế trong Hội đồng quản trị của công ty này. Việc đầu tư trực tiếp 1 tỷ USD vào Uber sẽ biến liên minh này trở thành một trong những nhóm cổ đông lớn nhất của hãng.

Động thái đánh giá Uber thấp hơn giá trị thị trường hiện tại cho thấy, dường như SoftBank không quá đề cao tương lai của start-up này, ngay cả khi Uber sẽ IPO sớm trước năm 2019. Tất nhiên,
SoftBank hoàn toàn có cơ sở để đưa ra lời đề nghị rẻ hơn, lý do là bởi Uber đang gặp nhiều trục trặc kể từ đầu năm 2017 tới nay, với liên tiếp các vụ scandal, các báo cáo kinh doanh thua lỗ, trong khi các đối thủ cạnh tranh đang ngày một bành trướng thế lực trên toàn thế giới.

Dù vậy, Uber vẫn đang là start-up được định giá cao nhất thế giới. Sự kiện IPO sắp tới của Uber cũng được đánh giá là một trong những sự kiện quan trọng nhất của làng công nghệ trong thời gian tới. Ngay cả khi gặp nhiều khó khăn, sự kiện IPO này chắc chắn vẫn sẽ đem lại lợi nhuận lớn cho những ai đang nắm giữ cổ phiếu của Uber.

Mặc dù giá chào bán của SoftBank chỉ vào khoảng 33 USD/cổ phiếu, thấp hơn 30% so với giá trị của Uber ở vòng gây quỹ gần nhất, nhưng mức giá này vẫn là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư đã sớm mua cổ phiếu Uber. Nếu cổ đông Uber không đồng ý bán với con số này, SoftBank có thể tăng giá, hoặc hủy bỏ chào mua.

Phía Uber hiện vẫn chưa đưa ra bình luận. Song, có thể nhận thấy, thỏa thuận với SoftBank là ưu tiên hàng đầu của Dara Khosrowshahi, vị Giám đốc điều hành mới được bổ nhiệm hồi tháng 8 vừa qua, sau sự ra đi của nhà sáng lập Uber Travis Kalanick.

Khosrowshahi nhìn nhận, thỏa thuận này sẽ là cơ hội cho Uber khép lại những lùm xùm và có được đồng minh mới mạnh mẽ.

Những khoản đầu tư vào các đối thủ của Uber

Hiện tại, Softbank cũng là nhà đầu tư lớn vào các đối thủ lớn nhất của Uber tại châu Á, gồm Grab, Didi Chuxing và Ola, ngoài ra còn là dịch vụ gọi xe 99 từ Brazil.

Giới phân tích cho rằng, chiến lược của ông chủ SoftBank, Masayoshi Son, mang tầm nhìn trên phạm vi toàn cầu, bởi những khoản đầu tư này có thể trở thành cổ phần quan trọng tại một công ty chung nếu quá trình sáp nhập các công ty trên diễn ra.

Bằng cách sở hữu cổ phần của những đơn vị khác nhau trong cùng ngành, SoftBank có thể sẽ nắm trong tay quyền kiểm soát sự biến chuyển của bất kỳ ngành công nghiệp nào.

Bên cạnh đó, Masayoshi Son cũng là một tín đồ của các phương tiện tự lái. Uber và Didi Chuxing là 2 trong số các công ty công nghệ cao đã đổ tiền vào nghiên cứu xe tự lái. Do vậy, việc đầu tư của Masayoshi Son vào 2 công ty này được cho là những bước đi nhằm hiện thực hóa tầm nhìn của ông về một tương lai, mà ở đó, trí tuệ nhân tạo và thiết bị đa kết nối sẽ thống trị.

“Đến thời đại của xe tự lái, ngành dịch vụ chia sẻ xe sẽ trở nên quan trọng hơn nhiều”, ông chủ SoftBank nói trong một cuộc phỏng vấn mới đây.

Tin bài liên quan