Trong phiên sáng, sau khi giằng co trong phần lớn thời gian, VN-Index đã lao mạnh xuống dưới 1.010 điểm khi kết phiên khi nhóm cổ phiếu lớn đồng loạt giảm giá.
Bước sang phiên chiều, lực cung giá thấp thiết giảm, trong khi lực cầu trở lại với nhiều mã lớn, giúp VN-Index dần hồi phục, nhưng gặp nhiều khó khăn do đà giảm tại 2 mã lớn nhất là VIC và VHM, cùng với một số mã bluechip khác.
Trong đợt khớp lệnh ATC, sự bật dậy mạnh mẽ của VCB, GAS, BID, CTG… đã giúp VN-Index thoát hiểm trong gang tấc.
HOSE chịu sức ép mạnh từ đà giảm của 2 mã lớn nhất sàn là VIC và VHM khi đóng cửa ở mức thấp nhất ngày 123.500 đồng và 116.500 đồng, giảm lần lượt 1,98% và 0,43%.
Ngoài ra, VNM đóng cửa ở tham chiếu 180.000 đồng, còn các mã còn lại trong Top 10 mã vốn hóa lớn nhất đều tăng.
Trong đó, VCB tăng 1,55% lên 59.000 đồng, GAS tăng 2,02% lên 95.900 đồng, SAB tăng 0,64%, lên 234.600 đồng, TCB tăng 0,19%, lên 105.200 đồng, CTG tăng 1,12%, lên 27.100 đồng, BID tăng 2,47%, lên 29.000 đồng, MSN tăng 0,59% lên 85.000 đồng.
Sắc xanh còn xuất hiện tại VRE (+1,12%, lên 45.000 đồng), MBB (+2,8%, lên 29.400 đồng), SSI (+2,76%, lên 33.500 đồng)…
Trong khi đó, ROS lại giảm sàn xuống 56.800 đồng, cùng các mã BVH, BHN, VJC, EIB, STB, TPB… giảm giá.
Nhóm bluechip, HSG là mã có thanh khoản tốt nhất với 6,39 triệu đơn vị, tiếp đến là STB với 5,46 triệu đơn vị, HPG với 4,82 triệu đơn vị, VIC, NVL với hơn 4,7 triệu đơn vị.
Dòng tiền chảy khá mạnh vào các cổ phiếu nhỏ, trong đó HAG là mã có thanh khoản tốt nhất với 16,53 triệu đơn vị được khớp, tăng 0,86%, lên 4.690 đồng.
Tuy nhiên, khối ngoại bán ròng hơn 8 triệu đơn vị. FLC cũng được khớp với 5,6 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 0,4%, xuống 4.950 đồng.
Đáng chú ý là sự khởi sắc của JVC, PPI khi cả 2 đều đóng cửa ở mức trần 3.640 đồng và 1.550 đồng với tổng khớp hơn 5 triệu đơn vị và gần 1,8 triệu đơn vị.
Trong phiên này, trên sàn HOSE khối ngoại bán ròng hơn 23,15 triệu đơn vị, với tổng giá trị tương ứng 542 tỷ đồng.
Trên sàn HNX, khối ngoại bán ra ròng hơn 2 triệu đơn vị, với tổng giá trị tương ứng 41,68 tỷ đồng
Trên sàn UPCoM, khối ngoại bán ròng 763.718 đơn vị, với tổng giá trị tương ứng 7,74 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 15/6: VN-Index tăng 0,79 điểm (+0,08%), lên 1.016,51 điểm; HNX-Index tăng 0,79 điểm (+0,69%), lên 115,71 điểm; UPCoM-Index giảm 0,03 điểm (-0,06%), xuống 53,07 điểm. Tổng giá trị giao dịch đạt hơn 6140 tỷ đồng.
Chứng khoán thế giới
Chứng khoán Mỹ
Dư âm của quyết định tăng lãi suất của Fed trong phiên trước đó tiếp tục duy trì khi bước vào phiên thứ Năm.
Tuy nhiên, dữ liệu kinh tế Mỹ khả quan, cùng với việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) giữ nguyên lãi suất đến ít nhất giữa năm 2019 giúp S&P 500 và Nasdaq hồi phục, trong đó Nasdaq tăng mạnh và thiết lập đỉnh cao lịch sử mới.
Trong khi đó, với việc ECB giữ nguyên lãi suất, khiến lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ giảm đã ảnh hưởng tiêu cực tới nhóm cổ phiếu tài chính, ngân hàng, khiến Dow Jones không thể có được sắc xanh như 2 chỉ số con lại.
Dữ liệu mới công bố cho thấy, doanh số bán lẻ của Mỹ tốt hơn dự kiến, trong khi tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất 44 năm rưỡi cho thấy sự lạc quan của Fed là có cơ sở và việc tăng lãi suất 3 hay 4 lần trong năm nay lại là tin tốt, bởi nó phản ánh nền kinh tế Mỹ vững mạnh.
Kết thúc phiên 14/6, chỉ số Dow Jones giảm 25,89 điểm (-0,10%), xuống 25.175,31 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 6,86 điểm (+0,25%), lên 2.782,49 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 65,34 điểm (+0,85%), lên 7.761,04 điểm.
Thị trường châu Á
Chứng khoán Nhật Bản tăng trở lại sau khi giới đầu tư lạc quan bởi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thông báo giữ nguyên lãi suất ít nhất cho đến giữa năm 2019.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 255 tăng 0,5% lên 22.851,75 điểm, Trong tuần, chỉ số này tăng 0,7%. Topix tăng 0,3% lên 1.789.04 điểm.
ECB tuyên bố sẽ chấm dứt chương trình mua trái phiếu vào cuối năm nhưng cũng cho biết rằng việc tăng lãi suất vẫn còn là tương lai xa.
Phiên hôm nay, nhóm cổ phiếu Dược phẩm tăng tốt nhất với Astellas Pharma tăng 1,6% và Eisai Co tăng vọt 3%.
Các cổ phiếu khai thác cũng được mua vào với Inpex Corp tăng 1,3% và Japan Petroleum Exploration tăng 0,6%.
Cổ phiếu Tokyo Electron Ltd đã giảm 4,9% xuống còn 19.080 yên/cổ phiếu, sau khi Credit Suisse giảm giá mục tiêu xuống 17.600 yên từ mức 19.700 yên/cổ phiếu.
Việc đánh giá lại giá cổ phiếu theo hướng thấp của Tokyo Electron cũng khiến các cổ phiếu cùng ngành như Advantest Corp giảm 4,2% và Shin-Etsu Chemical giảm 3,2%.
Ngược lại, Credit Suisse đã tăng đánh giá với Murata Manufacturing lên "outperform" từ "trung lập", đã khiến cổ phiếu này tăng vọt 7%.
Tương tự, Taiyo Yuden tăng 14% sau một số công ty môi giới tăng giá mục tiêu lên 4.000 yên từ mức 2.130 yên/cổ phiếu.
Chứng khoán Trung Quốc đã có thời điểm giảm xuống mức thấp nhất trong 20 tháng qua, khi các nhà đầu tư lo ngại căng thẳng thương mại gia tăng với Hoa Kỳ có thể tạo thêm áp lực cho tăng trưởng kinh tế.
Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,7% xuống 3.021,90 điểm. Chỉ số CSI300 bluechip giảm 0,5% xuống 3.753,43 điểm.
Trong tuần này, SSEC giảm 1,5%, còn CSI300 giảm 0,7%.
Phiên hôm nay đã có gần 80 cổ phiếu sụt giảm tối đa 10%, dẫn đầu là nhóm cổ phiếu công nghệ cao, đặc biệt là các công ty có vốn hoá nhỏ.
“Các cổ phiếu công nghệ nhỏ vẫn đang được đánh giá quá cao, trong khi kết quả kinh doanh không cho thấy sự ổn định vững chắc”, Zhu Junchun, nhà phân tích của Lianxun Securities, cho biết.
Mọi sự chú ý cũng dồn về quan hệ thương mại Mỹ - Trung Quốc, sau khi có tin đồn Mỹ gần như đã hoàn thành một danh sách mới để áp thuế trị giá 50 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.
Trong khi chưa rõ cụ thể sẽ ra sao, nhưng tín hiệu này sẽ lại dẫn đến căng thẳng thương mại Trung-Mỹ gia tăng, qua đó, giới đầu tư lo ngại sẽ gây thêm áp lực đối với nền kinh tế Trung Quốc đang bắt đầu có dấu hiệu hạ nhiệt.
Nhóm cổ phiếu tăng cao nhất hôm nay là Fuda Alloy Materials Co Ltd tăng 10%, Chongqing Wanli New Energy Co Ltd tăng 9,98% và Shanxi Coal International Group Co Ltd tăng 9,95%.
Nhóm cổ phiếu mất điểm nhiều nhất là Shanghai Chuangli Group Co Ltd giảm 10,06%, Guangdong Dcenti Auto-Parts Stock Ltd Co mất 10,05% và Weifang Yaxing Chemical Co Ltd giảm 10,05%.
Chứng khoán Hồng Kông giảm, do tâm lý lo ngại Washington có thể công bố một danh sách mới chịu mức thuế trị giá 50 tỷ USD hàng hoá từ Trung Quốc.
Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,4% xuống 30.309,49 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 0,7% xuống 11.870,18 điểm.
Trong tuần, Hang Seng giảm 2,1%, trong khi HSCE giảm 2,4%.
Trung Quốc đã có tuyên bố sẽ đáp trả thích đáng nếu Mỹ tiếp tục đánh thêm thuế đối với các hàng hoá khác của Trung Quốc, sau khi có thông tin Mỹ chuẩn bị 1 danh sách các hàng hoá nhập khẩu mới của Trung Quốc để đánh thuế trị giá 50 tỷ USD.
Chỉ số phụ theo dõi ngành năng lượng giảm 0,9%, ngành CNTT giảm 0,5%, tài chính giảm 0,47% và bất động sản tăng 0,2%.
Cổ phiếu tăng điểm hàng là Wharf Real Estate Investment Company Ltd tăng 2,27%, trong khi mất điểm lớn nhất là China Resources Power Holdings Co Ltd giảm 3,09%.
Nhóm cổ phiếu H tăng cao nhất ZhongAn Online P&C Insurance Co Ltd tăng 2,84%, Shenzhou International Group Holdings Ltd tăng 1,95% và Sinopharm Group Co Ltd tăng 1,04%
Nhóm cổ phiếu H giảm sâu nhất là CITIC Securities Co Ltd giảm 5,19%, Huaneng Power International Inc giảm 3,8% và Great Wall Motor Co Ltd giảm 3,3%.
Kết thúc phiên 15/6: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 113,14 điểm (+0,50%), lên 22.851,75 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 130,68 điểm (-0,43%), xuống 30.309,49 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 22,26 điểm (-0,73%), xuống 3.021,90 điểm.
Thị trường vàng và ngoại tệ
- Vàng SJC đứng giá. Tỷ giá USD giao dịch quanh 22.855 đồng/USD.
Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng naygiảm 30.000 đồng/lượng so với chiều ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, vàng SJC tại Hà Nội đứng ở mức 36,77 - 36,99 triệu đồng/lượng, không đổi so với đầu giờ sáng.
Trong khi đó, tỷ giá trung tâm ngày hôm nay được công bố ở mức 22.595 đồng/USD, tăng 12 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.785- 22.855 đồng/USD.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Cho vay tín chấp: Nhiều ngân hàng chấp nhận rủi ro cao
Lãi suất vay tín chấp thường cao hơn rất nhiều so với lãi suất vay thế chấp khiến nhiều ý kiến cho rằng các ngân hàng hưởng lợi lớn từ mức lãi suất cao này. Nhưng theo chia sẻ từ các nhà băng thì không hẳn như vậy, vì lãi suất cao luôn kèm rủi ro cao..>> Chi tiết
- Cổ phiếu ngành khí còn nhiều dư địa tăng
Giá dầu trong xu hướng tích cực, dư địa thị trường lớn, doanh nghiệp ngành khí Việt Nam đang đứng trước cơ hội tăng trưởng tốt. Cổ phiếu ngành khí theo đó còn tiềm năng tăng, nhất là sau đợt điều chỉnh vừa qua..>> Chi tiết
- World Cup 2018: Chứng khoán Việt liệu có đổi màu?
Thị trường chứng khoán Việt Nam từ khi khai trương giao dịch đến nay đều giảm điểm trong thời gian diễn ra Giải vô địch bóng đá thế giới (World Cup). Diễn biến năm nay được kỳ vọng sẽ khác, giá chứng khoán có nhiều màu xanh hơn là màu đỏ..>> Chi tiết
- Cổ phiếu ngành dược: Cơ hội với “tân binh“
Nhóm cổ phiếu ngành dược vừa đón một loạt “tân binh” lên sàn, mỗi tân binh đều sở hữu những lợi thế riêng biệt..>> Chi tiết
- Những chiêu ghi lãi nhờ M&A
Nhà đầu tư đã không còn xa lạ với những khoản doanh thu tài chính cao đột biến, góp phần lớn trong việc tạo khoản lợi nhuận “khủng” cho nhiều doanh nghiệp. Trong đó, phần lớn đến từ các hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A) trên thị trường..>> Chi tiết
- Đức quyết bảo vệ các nhà sản xuất ô tô trong nước đến cùng
Chính quyền Thủ tướng Đức Angela Merkel vừa cam kết sẽ bảo vệ ngành công nghiệp ô tô nước này, đồng thời gửi đi một thông điệp mạnh mẽ đến Tổng thống Mỹ Donald Trump - người vừa đe doạ sẽ áp thuế lên ô tô và phụ tùng ô tô nhập khẩu vào Mỹ..>> Chi tiết